Liên quan đến vụ đầu độc cha bằng xyanua tại Thái Bình, người con cũng chính là nghi phạm của vụ án có dấu hiệu bị trầm cảm. Việc này có thể ảnh hưởng rất nhiều đến hình phạt của vụ án.
Theo chia sẻ của người thân, Linh là con út trong nhà, đang học ngành Luật ở TP.HCM. Vì dịch bệnh bùng phát, Linh về nhà sống với ông Điệp để học online. Vì tính chất công việc, nhà hay dơ do nhỏ nước bẩn, ông Điệp thường bảo Linh lau nhà, từ đó, 2 cha con thường xuyên cằn nhằn nhau. Do đó, Linh đã đầu đọc cha ruột rồi dựng hiện trường giả.
Bị trầm cảm có được miễn trách nhiệm hình sự?
Theo Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015:
Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, nếu trầm cảm dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì được xác định là không có năng lực trách nhiệm hình sự, và khi thực hiện hành vi phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, nếu trầm cảm nhưng không làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội giết người theo quy định nếu người đó thực hiện hành vi giết người.Để xác định chính xác người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có bị mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi hay không, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định đây là một trong những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định. Cụ thể:
Điều 206. Các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định
Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:
1. Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án;
...
Nếu qua trưng cầu giám định phát hiện người phạm tội bị trầm cảm dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng người phạm tội vẫn bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Vụ đầu độc cha bằng xyanua: Người con có dấu hiệu trầm cảm
Bị trầm cảm có phải tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự?
Theo trình bày ở trên, nếu người phạm tội bị trầm cảm nhưng không ảnh hưởng đến khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự với hành vi do mình gây ra.
Tuy nhiên, theo Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.Trong vụ án đầu độc cha đẻ bằng xyanua, người con có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, trong đó, có tình tiết định khung tăng nặng là giết cha đẻ nên khung hình phạt là từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Tuy nhiên, nếu người này bị trầm cảm làm hạn chế việc điều khiển hành vi dẫn đến giết cha thì có thể được giảm nhẹ hình phạt.Theo Điều 54 Bộ luật Hình sự, Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ.
Trên đây là một số phân tích về vụ việc đầu độc cha đẻ bằng xyanua: Trầm cảm có được miễn tội? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.