hieuluat
Chia sẻ email

Vụ giả bác sĩ vào khu cách ly, điều trị F0: Hình phạt thế nào?

Vào tháng 07/2021 khi dịch Covid-19 bùng phát, Khiêm đã giả danh là sinh viên của Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh và được vào danh sách tình nguyện viên phục vụ tại khu cách ly người bệnh Covid-19 thuộc Trường Cao đẳng Điện lực TP Hồ Chí Minh - Quận 12. 

Tóm tắt vụ việc: Theo thông tin ban đầu, ngày 13/7/2021, thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh tại TP.HCM, Trường ĐH Y Dược TP.HCM đã có văn bản đề nghị Sở Y tế TP.HCM, UBND quận 12 đồng ý tiếp nhận các sinh viên của trường tham gia hỗ trợ khu cách ly tập trung Trường CĐ Điện lực TP.HCM.

Danh sách tám sinh viên được gửi đến Sở Y tế và UBND quận 12 để hỗ trợ phòng chống dịch có tên Nguyễn Quốc Khiêm (sinh năm 1996), đơn vị công tác là Khoa y (Khiêm đã làm giả thẻ sinh viên để đăng ký tình nguyện viên).

Khiêm được phân công phục vụ chống dịch tại khu cách ly và điều trị người bệnh COVID-19 ở Trường Cao đẳng Điện lực TP.HCM (quận 12, TP.HCM) và tại đây, Khiêm tự nhận mình là bác sỹ và thực hiện các công việc của một bác sỹ đa khoa.

Bị xử phạt hành chính đến 40 triệu đồng

Hành vi của Khiêm có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người khác do người này không được đào tạo chuyên môn bác sỹ nhưng lại thực hiện khám bệnh, chữa bệnh cho người mắc Covid-19.

Nếu Khiêm chỉ nhận mình là sinh viên, giả mạo thẻ sinh viên để thực hiện các công việc theo yêu cầu của bác sĩ với tư cách là các tình nguyện viên thì có thể không gây hại cho xã hội. Tuy nhiên, sau khi vào khu dã chiến, Khiêm đã mạo danh là bác sĩ, quyết định trong việc đưa ra các y lệnh, thực hiện các hoạt động khám chữa bệnh, liên quan trực tiếp đến người bệnh đang nguy kịch.Vì thế, đây là một sự việc nghiêm trọng.

Trong quá trình xác minh sự việc, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nhân thân, lai lịch, năng lực, trình độ của người này và làm rõ nguyên nhân động cơ nào khiến người này lại thực hiện những hành vi như vậy? Chẳng hạn, nguyên nhân dẫn đến những hành vi của Khiêm là do thói háo danh hay có biểu hiện bệnh lý tâm thần hay để vụ lợi?

Đơn giản nhất, nếu Khiêm không có hành vi vụ lợi mà mục đích chính đúng như Khiêm trả lời trên báo chí là giúp đỡ người bệnh, góp phần chống dịch thì Khiêm có thể chỉ bị xử phạt hành chính lên đến 40 triệu đồng.

Cụ thể, theo Điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP:

7. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;

hinh phat voi nguoi gia bac sy vao khu cach ly
Khiêm đã làm giả thẻ sinh viên, giấy khen... để vào được khu điều trị F0

Có thể bị xử lý hình sự với nhiều tội danh

Hiện nay, việc thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh phải theo quy định của luật khám chữa bệnh. Người thực hiện các hoạt động khám, chữa bệnh phải là những người có chuyên môn, được đào tạo và làm việc đúng với chuyên môn của mình. Người nào thực hiện công việc không đúng với chuyên môn, gây ra hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bởi vậy trong vụ việc này, nhân vật giả mạo bác sỹ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với nhiều tội danh.

Nếu trong quá trình giả mạo làm bác sĩ này mà người này làm chết bệnh nhân hoặc gây ra tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe cho bệnh nhân thì người này sẽ bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh theo quy định tại Điều 315 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Cụ thể, người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thuộc một trong các trường hợp dưới đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

- Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

- Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 61% đến 121%;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 100 - 500 triệu đồng.

Trường hợp gây thiệt mạng cho 03 người trở lên hoặc gây thương tích cho nhiều người, gây thiệt hại đến tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên thì có thể phải ngồi tù tới 15 năm.

Tuy nhiên, nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy trong quá trình người này mạo danh bác sĩ chưa gây ra thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản thì hành vi này vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo trong công tác theo Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức, tội sử dụng tài liệu con dấu giả theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Điều 359. Tội giả mạo trong công tác

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;

b) Làm, cấp giấy tờ giả;

c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;

c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.

...

Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

Trên đây là một số thông tin về hình phạt với người giả bác sỹ vào khu cách ly? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X