hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 25/02/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Vụ Tịnh Thất Bồng Lai: Tại sao khó khởi tố Tội loạn luân?

Thời gian qua, dư luận xã hội dậy sóng với vụ việc nghi loạn luân trong Tịnh Thất Bồng Lai. Tuy nhiên, theo cơ quan điều tra, khó khởi tố Tội loạn luân.

Câu hỏi: Theo thông tin trên Vietnamnet hồi tháng 01/2022, cơ quan An ninh điều tra đang làm rõ tội “Loạn luân” và hai tội khác đối với ông Lê Tùng Vân và những cá nhân khác đang sinh sống tại "Tịnh thất Bồng Lai"

Riêng ông Lê Tùng Vân bị tố cáo, phản ánh đã dụ dỗ quan hệ với trẻ vị thành niên tâm thần, quan hệ loạn luân…

Theo thông tin đăng trên báo Dân trí,  rất khó để khởi tố tội 'Loạn luân' vì không có đơn phản ánh, những người nghi ngờ liên quan đều phủ nhận việc quan hệ với ông Lê Tùng Vân để sinh con.

Tại sao "khó" khởi tố Tội loạn luân?

Theo quy định tại  Điều 184 Bộ luật Hình sự 2015, người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì phạm tội loạn luân và bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Còn theo Bộ luật Tố tụng Hình sự, chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết (không có Điều 184).

Như vậy, Tội loạn luân không phải là tội chỉ bị khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại như nhiều người vẫn lầm tưởng.

Vậy, tại sao cho rằng rất khó để khởi tố Tội loạn luân?

Chúng tôi cho rằng, sự "khó" ở đây đến từ việc chứng minh có hành vi xảy ra.

Theo đó, người phạm tội loạn luân là người có hành vi giao cấu với người có dòng máu trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha hoặc giữa những người có dòng máu trực hệ là cha, mẹ đối với con; ông bà đối với cháu nội và cháu ngoại.

Việc giao cấu giữa những người có dòng máu trực hệ, giữa anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha là sự thỏa thuận, đồng tình của hai người.

Vì thế, nếu không có chứng cứ chứng minh hành vi giao cấu thì không có cơ sở để khởi tố vụ án.

kho khoi to toi loan luan
Vụ Tịnh Thất Bồng Lai: Tại sao khó khởi tố Tội loạn luân? (Ảnh minh họa)

Phạm tội loạn luân có được "án treo" hay không?

Khoản 1 Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về điều kiện hưởng án treo như sau:

1. Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự.

Ngoài ra, theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP thì các điều kiện hưởng án treo là:

- Bị phạt tù không quá 3 năm;

- Có nhân thân tốt;

- Có 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm trở lên gồm: ít nhất 1 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015;

- Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát và giáo dục;

- Xét thấy không phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho hưởng án treo không không gây nguy hiểm cho xã hội, không ảnh hưởng xâu đến an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Như vậy, người phạm Tội loạn luân có thể được hưởng án treo nếu đáp ứng đủ các điều kiện trên.

Trên đây là giải đáp ý kiến cho rằng có đúng khó khởi tố Tội loạn luân ở Tịnh Thất Bồng Lai. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X