hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 16/12/2020
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Có phải nhập hộ khẩu Hà Nội, TP. HCM sẽ dễ hơn theo quy định mới?

Luật Cư trú số 68/2020/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2020. Trong đó đã bổ sung một số quy định mới về đăng ký thường trú.

Bỏ điều kiện riêng khi nhập khẩu ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh

Trước đây tại Điều 19, Điều 20 Luật Cư trú 2006, điều kiện đăng ký thường trú được quy định:

Điều 19. Điều kiện đăng ký thường trú tại tỉnh

Công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh đó. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.

Điều 20. Điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương

Công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:

1. Có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản;

...

Tại Điều 20 Luật Cư trú 2020, điều kiện đăng ký thường trú như sau:

Điều 20. Điều kiện đăng ký thường trú

1. Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được ĐKTT tại chỗ ở hợp pháp đó.

2. Công dân được ĐKTT tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau đây:

a) Vợ về ở với chồng, chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;

Căn cứ quy định trên, theo Luật Cư trú 2006, trước đây đăng ký hộ khẩu thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, TP. HCM sẽ thực hiện theo quy định riêng, chẳng hạn công dân phải có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên... mới thuộc một trong những trường hợp được đăng ký thường trú. Tuy nhiên, từ 01/7/2021, Luật Cư trú 2020 có hiệu lực, việc đăng ký thường trú tại các tỉnh, thành được quy định như nhau, áp dụng chung và thống nhất trên toàn quốc.

Như vậy, từ 01/7/2021, miễn là công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó. Do đó, việc đăng ký thường trú tại Hà Nội, TP. HCM sẽ dễ dàng hơn trước.

nhap ho khau ha noi
Từ 01/7/2021, nhập hộ khẩu Hà Nội, TP. HCM sẽ dễ hơn (Ảnh minh họa)


Giảm thời gian giải quyết đăng ký thường trú

Tại khoản 3 Điều 22 Luật Cư trú 2020 quy định như sau:

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú.

Như vậy, từ 01/7/2021, Luật Cư trú 2020 có hiệu lực thì thời hạn giải quyết đăng ký thường trú của công dân là 07 ngày làm việc kể từ ngày hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.

Theo quy định trước đây, tại khoản 3 Điều 21 Luật Cư trú 2006, cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú trong thời hạn 15 ngày.

Đồng thời, từ 01/7/2020 chính thức bỏ sổ hộ khẩu, nên thay vì cấp sổ hộ khẩu cho công dân đăng ký thường trú thì cơ quan đăng ký cập nhật thông tin của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu.


Bổ sung trường hợp bị xóa đăng ký thường trú

Điều 24 Luật Cư trú 2020 đã thêm nhiều trường hợp bị xóa đăng ký thường trú, cụ thể bao gồm:

- Chết, có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết.

(Trước đây tại Điều 22 Luật Cư trú 2006 quy định chết, bị Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết).

- Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng (quy định mới).

- Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam (quy định mới).

- Đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới. (quy định mới).

- Đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyền quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, cho mượn, cho ở nhà và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó (quy định mới).

- Đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó, người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng đã chuyển quyền sở hữu chỗ ở cho người khác và không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó (quy định mới).

- Chỗ ở đã đăng ký thường trú bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật (quy định mới).

- Ra nước ngoài để định cư (như quy định cũ).

- Đã có quyết định huỷ đăng ký thường trú (như quy định cũ).

Tóm lại, từ 01/7/2021, việc đăng ký thường trú tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là như nhau. Bên cạnh đó, thời hạn giải quyết đăng ký thường trú chỉ còn 07 ngày và thay vì cấp sổ hộ khẩu cho công dân đăng ký thường trú thì cơ quan đăng ký cập nhật thông tin của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về cư trú.

Luật Cư trú 2020 có hiệu lực từ 01/7/2021.

>> Chính thức bỏ hoàn toàn sổ hộ khẩu, sổ tạm trú từ năm 2023

Tin cùng chủ đề

Thông báo văn bản mới

X