Năm 2021 sắp tới là thời điểm có hiệu lực của nhiều chính sách mới quan trọng, trong đó có liên quan đến lương hưu và bảo hiểm y tế (BHYT).
1. Tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động
Theo Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của người lao động được quy định như sau:
- Năm 2021, nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi 03 tháng với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng với lao động nữ.
- Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng với lao động nam và 04 tháng với lao động nữ cho đến khi đủ 62 tuổi với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi với lao động nữ vào năm 2035.
Bên cạnh đó, Nghị định 135/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành hướng dẫn tuổi nghỉ hưu từ 01/01/2021 đã quy định cụ thể lộ trình tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường, các trường hợp được nghỉ hưu sớm, thời điểm nghỉ hưu…
Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định 135/2020 có hiệu lực từ 01/01/2021.
2. Lao động nam đóng đủ 19 năm BHXH được hưởng tỷ lệ lương hưu 45%
Theo khoản 2 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, năm 2021, mức lương hưu hàng tháng của lao động nam được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 19 năm đóng BHXH.
Trong đó, mức tối đa được hưởng là 75%, để được hưởng mức tối đa thì lao động nam phải đóng ít nhất là 34 năm BHXH.
3. Tăng mức hưởng BHYT khi điều trị nội trú trái tuyến tỉnh
Theo Điều 22 Luật BHYT 2008 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 15 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi 2014, mức hưởng BHYT như sau:
“Điều 22. Mức hưởng bảo hiểm y tế
…
3. Trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều này theo tỷ lệ như sau, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này:
a) Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;
b) Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31/12/2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01/01/2021 trong phạm vi cả nước;
…
6. Từ ngày 01/01/2021, quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều này cho người tham gia bảo hiểm y tế khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước…”
Như vậy, từ 01/01/2021, người tham gia BHYT khi tự đi khám, chữa bệnh trái tuyến tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước sẽ quỹ BHYT chi trả 100% chi phí điều trị nội trú như đi khám, chữa bệnh đúng tuyến.
(Quy định cũ BHYT chi trả 60% chi phí điều trị nội trú đến hết ngày 31/12/2020).
Như vậy, người bệnh có thể điều trị nội trú ở bất kỳ tỉnh, thành nào đều được quỹ BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh như đúng tuyến.
4. Sử dụng mẫu thẻ BHYT mới từ 01/4/2021
Đây là nội dung trong Quyết định 1666/QĐ-BHXH, từ 01/4/2021 sẽ áp dụng mẫu thẻ BHYT mới trên cả nước. Theo đó, khi mẫu thẻ BHYT mới được sử dụng, mỗi người sẽ được cấp mã số gồm 10 ký tự.
Thẻ BHYT mới đã có nhiều ưu điểm hơn thẻ cũ như kích thước nhỏ gọn, có thể ép plastic, bỏ thông tin cư trú…
Lưu ý: Với những thẻ BHYT đã cấp cho người tham gia BHYT còn thời hạn sử dụng thì tiếp tục được dùng để khám, chữa bệnh trong thời gian chờ đổi thẻ BHYT.
Trên đây là một số chính sách mới về BHXH, BHYT có hiệu lực năm 2021. Người lao động có thể tìm hiểu thêm để đảm bảo quyền, lợi ích cho bản thân.