Ngày 20/8/2019, Ban chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Nghị quyết về hợp tác đầu tư nước ngoài
Theo Nghị quyết này, có 07 nhiệm vụ cần thực hiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài. Cụ thể:
- Hoàn thiện thể chế, chính sách chung:
Nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng "vốn mỏng", chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng"; đồng bộ các quy định về đầu tư, chứng khoán và quản lý ngoại hối theo hướng phân rõ giữa đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp…
- Hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư:
Đối xử bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao…
- Hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm bảo hộ và đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư:
Điều chỉnh hợp lý khoảng cách lương tối thiểu giữa các vùng để hạn chế tập trung lao động tại các đô thị lớn, giảm áp lực về cơ sở hạ tầng. Quy định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư trong xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, trường mẫu giáo, cơ sở y tế, văn hoá, thể thao phục vụ người lao động…
- Hoàn thiện thể chế chính sách quản lý, giám sát đầu tư:
Hoàn thiện pháp luật về chống chuyển giá theo hướng nâng lên thành luật; rà soát các quy định về chống độc quyền phù hợp với thông lệ quốc tế; xây dựng cơ chế bảo vệ thị trường phân phối trong nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển…
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư:
Đa dạng hoá các hoạt động và phương thức xúc tiến đầu tư; chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ với những dự án hợp tác thành công cụ thể; tăng cường cơ chế đối thoại, đổi mới, mở rộng phương thức tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của nhà đầu tư…
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài:
Xử lý nghiêm tình trạng thực hiện thể chế, chính sách thiếu thống nhất giữa Trung ương và địa phương; nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người đứng đầu trong chấp hành chủ trương, chính sách và pháp luật liên quan tới đầu tư nước ngoài…
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với đầu tư nước ngoài:
Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ. Phấn đấu 100% doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên đều có tổ chức công đoàn…