Ngày 12/6/2018, Quốc hội đã ban hành Luật Tố cáo số 25/2018/QH14. Luật này có nhiều điểm mới và tiến bộ so với Luật tố cáo 2011.
Mở rộng phạm vi, đối tượng bảo vệ
Luật Tố cáo 2018 quy định bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo.
Phạm vi bảo vệ, đối tượng bảo vệ đã được quy định rộng và cụ thể hơn so với Luật Tố cáo 2011.
Nhiều điểm mới trong Luật Tố cáo 2018
Quy định mới về rút tố cáo
Nhằm đảm bảo quyền của người tố cáo, Luật Tố cáo 2018 quy định người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản.
Tuy nhiên, để tránh những bất cập trong việc rút tố cáo, Luật Tố cáo 2018 quy định Trường hợp người tố cáo rút tố cáo mà người giải quyết tố cáo xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định việc rút tố cáo do bị đe dọa, mua chuộc hoặc người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vụ việc tố cáo vẫn phải được giải quyết.
Người tố cáo rút tố cáo nhưng có căn cứ xác định người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi tố cáo của mình, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.