Ngày 24/4/2018, Bộ xây dựng ban hành Thông tư số 03/2018/TT-BXD nhằm hướng dẫn Nghị định 139/2017/NĐ-CP về xử phạt VPHC trong một số lĩnh vực như đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản… Trong đó quy định chi tiết trình tự xác định thiệt hại bồi thường khi vi phạm hoạt động đầu tư xây dựng.
Thông tư quy định rõ, các thiệt hại thông thường do Chủ đầu tư và bên bị thiệt hại tự thỏa thuận hoặc giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự.
Riêng đối với trường hợp gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận, chủ đầu tư phải dừng thi công và có biện pháp di dời người và tài sản của công trình lân cận, đồng thời thanh toán toàn bộ chi phí liên quan tới việc di dời này.
Nếu 2 bên không thể tự thỏa thuận được mức bồi thường và 1 bên có đơn yêu cầu Chủ tịch UBND cấp xã giải quyết thì trình tự như sau:
- Quá 7 ngày từ khi thỏa thuận không thành hoặc không tổ chức được thỏa thuận do 1 bên vắng mặt thì UBND tổ chức thỏa thuận lần 2.
- Thỏa thuận lần 2 bị vắng mặt 1 bên hoặc thỏa thuận lần 2 không thành thì 2 bên thỏa thuận thuê một tổ chức tư vấn, có tư cách pháp nhân để xác định mức bồi thường.
- Nếu 2 bên vẫn không thống nhất được mức bồi thường do tổ chức được thuê xác định, hoặc từ đầu không thống nhất được việc thuê tổ chức nào thì UBND xã thuê một tổ chức khác xác định mức bồi thường. Chi phí thuê này do chủ đầu tư chi trả.
- Nếu một trong 2 bên vẫn không thống nhất được mức bồi thường thiệt hại thì có quyền khởi kiện tại Tòa án.
Công trình vi phạm hoạt động đầu tư xây dựng
Hiện, Thông tư này quy định 5 biện pháp xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng: tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng; bồi thường thiệt hại; buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng; dừng thi công xây dựng để làm thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 12/6/2018.