Chưa đăng ký kết hôn mà có con chung thì có thể đăng ký khai sinh cho con có đủ cả cha và mẹ không? Có bắt buộc phải xét nghiệm ADN khi khai sinh cho con không?
1. Cha mẹ chưa đăng ký kết hôn, con vẫn được khai sinh
Theo quy định tại Luật Hộ tịch 2014, nội dung đăng ký khai sinh gồm những thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân như thông tin của người được khai sinh (họ, tên, giới tính, năm sinh, dân tộc…); thông tin về cha mẹ của người đó; số định danh cá nhân…
Tại khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch, hồ sơ, giấy tờ cần chuẩn bị khi đi đăng ký khai sinh gồm:
- Tờ khai theo mẫu;
- Giấy chứng sinh. Nếu không có giấy chứng sinh thì phải nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh. Không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh…
- Cha mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn thì phải xuất trình giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
Như vậy, khi khai sinh cho con không bắt buộc phải xuất trình đăng ký kết hôn trừ trường hợp cha mẹ đã kết hôn. Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 123 năm 2015, nếu cha mẹ chưa đăng ký kết hôn thì con sẽ được khai sinh theo diện chưa xác định được cha hoặc mẹ, phần ghi cha hoặc mẹ sẽ bỏ trống trong sổ hộ tịch và giấy khai sinh.
Chưa kết hôn, phải xét nghiệm ADN khi khai sinh cho con? (Ảnh minh họa)
2. Chưa kết hôn, phải xét nghiệm ADN khi khai sinh cho con?
Như phân tích ở trên, chưa kết hôn vẫn có thể thực hiện khai sinh cho con. Khi đó, sẽ khai sinh cho trẻ theo diện chưa xác định được cha hoặc mẹ và trong giấy khai sinh không thể hiện tên của cha hoặc mẹ.
Nếu muốn khai sinh có đầy đủ tên cha và mẹ thì phải thực hiện đồng thời 02 thủ tục là đăng ký khai sinh và nhận cha, mẹ và con. Hồ sơ để thực hiện đồng thời hai thủ tục này được quy định cụ thể tại Điều 12 Thông tư 15/2015/TT-BTP:
- Tờ khai đăng ký khai sinh và Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu;
- Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay thế giấy chứng sinh;
- Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ con: Văn bản của cơ quan y tế, giám định… trong và ngoài nước xác nhận quan hệ cha con, mẹ con; thư từ, phim ảnh… chứng minh quan hệ cha con, mẹ con và văn bản cam đoan con chung của hai người, có ít nhất 02 người thân thích làm chứng.
Như vậy, có 02 cách để chứng minh quan hệ cha con, mẹ con là:
- Xét nghiệm ADN tại cơ quan y tế, cơ quan giám định… trong nước và nước ngoài;
- Thư từ, phim ảnh, băng đĩa… chứng minh mối quan hệ cha con, mẹ con cùng văn bản cam đoan con chung có người làm chứng.
Mặt khác, theo Luật Hộ tịch 2014, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và Thông tư số 15/2015/TT-BTP, đối với thủ tục làm giấy khai sinh, những trường hợp sau được khuyến khích làm thủ tục xét nghiệm ADN huyết thống, bao gồm:
- Đăng ký khai sinh cho con lần đầu khi bố mẹ không đăng ký kết hôn; hoặc thời điểm con sinh ra trước khi bố mẹ làm đăng ký kết hôn.
- Đăng ký khai sinh cho con lần đầu khi bố hoặc mẹ là người nước ngoài.
- Đổi họ cho con trong giấy khai sinh sang họ của Bố.
Kết luận: xét nghiệm ADN không phải là biện pháp duy nhất và không bắt buộc để xác định quan hệ cha con, mẹ con khi cha mẹ chưa đăng ký kết hôn làm khai sinh cho con.