hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 28/04/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

[Tìm hiểu] Nội dung về 5 hình thái kinh tế xã hội

Vào những năm 40 của thế kỷ 19, học thuyết về hình thái kinh tế xã hội ra đời. Đây được đánh giá một trong những học thuyết quan trọng nhất của Mác-Ăngghen. Nó đã đặt nền móng vững chắc cho việc vận động và phát triển của xã hội loài người. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về 5 hình thái kinh tế xã hội qua bài viết dưới đây nhé

Khái niệm hình thái kinh tế xã hội là gì?

Hình thái kinh tế xã hội là một phạm trù của chủ nghĩa duy vật lịch sử (chủ nghĩa duy vật biện chứng). Với học thuyết này xã hội loài người sẽ trải qua 5 hình thái kinh tế xã hội. Với mỗi giai đoạn lịch sử, xã hội sẽ có kiểu quan hệ sản xuất đặc trưng riêng phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất và một kiến trúc thượng tầng tương ứng được xây dựng dựa trên quan hệ sản xuất đó.

Các cấu trúc cơ bản ảnh hưởng đến hình thái kinh tế xã hội bao gồm:

- Lực lượng sản xuất: là nền tảng vật chất và kỹ thuật của mỗi hình thái kinh tế xã hội. Mỗi một hình thái kinh tế xã hội khác nhau có lực lượng sản xuất khác nhau. Sự phát triển của lực lượng sản xuất sẽ làm thay đổi các hình thái kinh tế xã hội.

- Quan hệ sản xuất: là yếu tố tạo nên cơ sở hạ tầng của xã hội đó và quyết định các quan hệ xã hội khác. Mỗi hình thái kinh tế xã hội có quan hệ sản xuất riêng. Mối quan hệ sản xuất cũng phản ánh các chế độ xã hội khác nhau.

- Kiến trúc thượng tầng: là toàn bộ những quan điểm về chính trị- xã hội được hình thành trên cơ sở hạ tầng nhất định.

Theo quy luật khách quan, lực lượng sản xuất luôn vận động và phát triển. Chính vì vậy, đến một thời điểm nó sẽ xung đột với quan hệ sản xuất. Khi xung đột này lên đến đỉnh điểm, một phương thức sản xuất mới sẽ ra đời, kéo theo đó kiến trúc thượng tầng cũng thay đổi toàn bộ. Quá trình này được diễn ra một cách tự nhiên lịch sử.

Trước đó Mác- Ăngghen đã chia sẻ trong lực lượng sản xuất thì người lao động là yếu tố quan trọng nhất. Mỗi quốc gia khác nhau sẽ có những hình thái kinh tế xã hội khác nhau. Điều này được phân loại bởi bộ máy chính trị, mức độ phát triển kinh tế, cơ cấu kinh tế, văn hoá. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về 5 hình thái kinh tế xã hội dưới đây.

5 hình thái kinh tế xã hội

5 hình thái kinh tế xã hội

Nội dung của 5 hình thái kinh tế xã hội

Hình thái kinh tế xã hội thứ nhất: cộng đồng nguyên thủy

Cộng đồng nguyên thuỷ là xã hội đầu tiên và sơ khai nhất trong lịch sử phát triển của loài người. Xã hội này kế thừa lối sống bầy đàn của tổ tiên. Thủa ban đầu, tư liệu sản xuất còn khá thô sơ, chủ yếu sử dụng đồ đá, đồ gỗ làm công cụ lao động.

Cơ sở kinh tế của xã hội là sở hữu chung tư liệu sản xuất và sản phẩm lao động. Quan hệ sản xuất bình đẳng, mọi người đều cùng làm và hưởng thụ với nhau. Không có sự phân chia đâu là của anh, đâu là của tôi. Đây là xã hội chưa có giai cấp, nhà nước hay pháp luật.

Tuy nhiên, khoảng 3000 năm TCN khi công cụ kim khí ra đời. Con người có thể khai phá thêm đất đai, tăng năng suất lao động, có của cải dư thừa. Chế độ làm chung ăn chung hưởng chung bị đổ vỡ. Xã hội cộng đồng nguyên thuỷ tan rã nhường chỗ cho xã hội chiếm hữu nô lệ.

Hình thái kinh tế xã hội thứ hai: chiếm hữu nô lệ

Bắt đầu từ hình thái này, kiểu nhà nước đầu tiên đã ra đời: Nhà nước chủ nô. Đặc điểm của hình thái kinh tế xã hội này là việc thay thế chế độ sở hữu chung về tư liệu sản xuất sang chế độ chiếm hữu nô lệ. Chế độ nô lệ nghĩa là tình trạng hay hoàn cảnh của một người phải gánh chịu một phần hay toàn bộ quyền làm chủ từ người khác.

Xã hội có giai cấp đối kháng ( chủ nô- nô lệ ) đã thay thế cho xã hội không có giai cấp. Nhà nước có trật tự, đứng đầu là giai cấp chủ nô. Giai cấp chủ nô đã dùng sức mạnh cai trị của mình bóc lột tàn nhẫn sức lao động của nô lệ. Trong giai đoạn này, nô lệ chỉ được coi là những công cụ lao động biết nói.

Hình thái kinh tế- xã hội chiếm hữu nô lệ
Hình thái kinh tế- xã hội chiếm hữu nô lệ

Hình thái kinh tế xã hội thứ ba: phong kiến

Trong hình thái kinh tế xã hội này, giai cấp thống trị được gọi là địa chủ, quý tộc. Giai cấp bị trị là nông nô. Người nông dân không có ruộng đất mà phải thuê đất của địa chỉ để sản xuất. Đến thời hạn, nông nô phải trả địa tô cho địa chủ. Thường tô thuế trong giai đoạn này cũng rất cao, nên đây cũng được coi là một hình thức bóc lột người nông nô.

Tuy nhiên trong giai đoạn này, giai cấp bị trị vẫn được giữ lại của cải dư thừa. Bên cạnh đó, nhiều giai cấp khác cũng được hình thành trong xã hội.

Hình thái kinh tế xã hội thứ tư: tư bản chủ nghĩa

Vào thế kỷ thứ XVII tư bản chủ nghĩa đã hình thành trong lòng xã hội phong kiến ở châu Âu, bắt đầu ở Anh và Hà Lan sau đó lan ra khắp thế giới. Trong xã hội này hình thành hai giai cấp bao gồm: Giai cấp tư sản: những người sở hữu tư liệu sản xuất; Giai cấp vô sản: người không có tư liệu sản xuất, phải đi làm thuê, bán sức lao động và phải chịu việc bị bóc lột sức lao động.

Ở hình thái kinh tế xã hội này có những nét đặc trưng sau:

- Quyền tự do kinh doanh và quyền sở hữu tư nhân là quyền cơ bản được pháp luật bảo vệ

- Cá nhân có quyền dùng sở hữu cá nhân để kinh doanh trong thị trường tự do. Mọi sự phân chia của cải đều thông qua trao đổi buôn bán.

- Trong giai đoạn này, phương thức sản xuất hơn hẳn các xã hội cũ ở chỗ: năng suất lao động tăng cao, quy mô lớn, khoa học- xã hội phát triển.

- Bản chất của việc bóc lột chính là giá trị thặng dư mà sức lao động tạo ra khi các nhà tư bản thuê lao động và sử dụng sức lao động.

Khi chủ nghĩa tư bản bước sang giai đoạn phát triển cao nhất là đế quốc chủ nghĩa thì xã hội có thêm mâu thuẫn. Đó chính là mâu thuẫn giữa chủ nghĩa đế quốc và các dân tộc bị áp bức. Điều này dẫn đến việc cần một phương thức sản xuất mới, tiến bộ hơn thay thế phương thức cũ. Vì vậy hình thái kinh tế xã hội cộng sản chủ nghĩa ra đời.

Hình thái kinh tế xã hội cuối cùng: cộng sản chủ nghĩa

Cuộc cách mạng tháng 10/1917 tại Nga là một dấu mốc quan trọng có ý nghĩa lịch sử. Lần đầu tiên, phương thức tư bản chủ nghĩa bị thủ tiêu tại Nga và dần lan ra các nước khác. Theo Mác- Lênin, cộng sản chủ nghĩa là hình thái phát triển cao nhất của xã hội.

Xã hội cộng sản chủ nghĩa có quan hệ sản xuất dựa trên việc sở hữu tư liệu sản xuất công cộng, tương ứng với lượng lực sản xuất ngày càng phát triển. Tạo nên cơ sở hạ tầng tốt hơn cơ sở hạ tầng của hình thái cũ, với kiến trúc thượng tầng thực sự là của nhân dân và trình độ văn hoá ngày càng cao.

Xã hội cộng sản chủ nghĩa có những yếu tố cơ bản như:

- Chủ nghĩa xã hội tạo ra các tổ chức lao động và kỷ luật lao động với những chế độ phù hợp với người lao động, không còn tình trạng bóc lột như xã hội cũ.

- Các công nghệ mới sẽ đẩy khả năng sản xuất lên rất cao với chi phí vô cùng rẻ, giúp cho các chi phí cơ bản chỉ bằng một phần nhỏ trong chi tiêu của người lao động.

- Chủ nghĩa xã hội có nhà nước kiểu mới, nhà nước mang bản chất của giai cấp công nhân, thực hiện quyền lợi và lợi ích của nhân dân.

Hình thái kinh tế xã hội cộng sản chủ nghĩa
Hình thái kinh tế xã hội cộng sản chủ nghĩa

Giải đáp một số câu hỏi liên quan đến 5 hình thái kinh tế xã hội

Hình thái kinh tế xã hội nào chưa có Nhà nước?

Trong 5 hình thái kinh tế xã hội kể trên, chỉ có hình thái kinh tế xã hội cộng đồng nguyên thuỷ là chưa có nhà nước. Đây là hình thái sơ khai nhất và xã hội chưa bị phân hoá giai cấp. Mọi người vẫn dùng chung tư liệu sản xuất và hưởng chung thành quả lao động.

Hình thái kinh tế xã hội nào có Nhà nước?

Bốn hình thái kinh tế xã hội có nhà nước bao gồm: Hình thái kinh tế xã hội chiếm hữu nô lệ, xã hội phong kiến, tư bản chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa.

Hình thái kinh tế xã hội ở Việt Nam 

Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu và lý tưởng của toàn Đảng và dân ta. Từ khi ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân ta không ngừng đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước. Trong Đại hội X năm 2006, Đảng ta đã nêu ra một số đặc trưng cơ bản của xã hội chủ nghĩa bao gồm:

- Xã hội Việt Nam dân chủ, dân giàu nước mạnh công bằng văn minh.

- Do nhân dân làm chủ.

- Xây dựng nền kinh tế hiện đại phát triển tốt

- Phát triển nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam

- Người dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc và có điều kiện phát triển toàn diện cả về vật chất và tinh thần

- Các dân tộc trong cộng đồng đều bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau.

- Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

- Quan hệ hữu nghị và hợp tác lâu dài với nhân dân các nước trên thế giới.

Sau khi đọc bài viết về 5 hình thái kinh tế xã hội, chắc hẳn bạn đã có thêm những thông tin hữu ích. Nếu bạn có thêm câu hỏi liên quan, đừng ngần ngại hãy liên hệ với chúng tôi qua website nhé.

Có thể bạn quan tâm

X