Môi trường ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến các hoạt động của con người. Vậy bảo vệ môi trường là trách nhiệm của ai? Việt Nam đã có những hoạt động nào để bảo vệ môi trường? Hãy theo dõi đến cuối bài viết để được giải đáp nhé.
1. Tại sao phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường?
Thời đại phát triển kéo theo sự phát triển của con người. Con người chạy theo nguồn thu, lợi nhuận mà đã vô tình hoặc cố ý tác động quá nhiều lên môi trường khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bởi vậy, bảo vệ môi trường là nghĩa vụ, trách nhiệm không chỉ riêng cá nhân mà của toàn cộng đồng. Môi trường cần được con người khắc phục hậu quả và bảo vệ bởi vì:
Nguồn tài nguyên thiên trù phú đã được con người khai thác làm sản phẩm công, nông, lâm, ngư nghiệp, văn hoá và du lịch gần như cạn kiệt. Cung cấp phục vụ cuộc sống con người khiến tài nguyên rừng suy giảm, hàng loạt các loài động vật quý hiếm đã và đang trên đà bị tuyệt chủng. Chưa kể đến cháy rừng trên diện rộng khiến các thảm thực vật bị thu hẹp.
Chất thải ra môi trường khiến đất bị nhiễm kim loại nặng độc hại. Tài nguyên đất bị suy thoái nghiêm trọng do bị xói mòn, bạc màu, nhiễm mặn, nhiễm phèn, bị rửa trôi,... khiến đất liền ngày càng bị thu hẹp.
Nước: Nước thải chưa qua xử lý, rác thải, xác động vật… xả trực tiếp ra ao hồ, sông suối khiến nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguồn nước sinh hoạt bị ngấm chất độc hại.
Thời tiết ngày càng khắc nghiệt khó dự đoán, mưa bão, lũ quét xảy ra với tần suất thường xuyên và tốc độ thất thường.
Nền kinh tế phát triển thì tốc độ và khối lượng lớn các chất CFC thải ra môi trường càng nhiều, gây thủng tầng ozon và hiệu ứng nhà kính. Hiệu ứng nhà kính là nguyên nhân chính của việc trái đất nóng lên băng ở 2 cực tan nhanh, thiếu nước ở nhiều nơi.
Dưới những tác động vô tình hoặc cố ý của con người đã làm cho môi trường bị xuống cấp. Thiên tai, dịch bệnh xuất hiện bất ngờ như một hồi chuông cảnh tỉnh con người tầm quan trọng của môi trường. Vì thế chúng ta phải có ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo vệ không gian sống của chúng ta.
Trái đất nóng lên làm băng ở hai cực tan ngày càng nhanh
2. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của ai?
Môi trường là không gian sinh sống, nơi cung cấp tài nguyên phục vụ cho cuộc sống của chúng ta. Giờ đây môi trường đang trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, vậy ai có trách nhiệm bảo vệ môi trường?
2.1 Trách nhiệm của cá nhân, hộ gia đình
Để cải thiện và khắc phục những hậu quả mà con người đã gây ra cho môi trường. Mỗi cá nhân đóng vai trò và trách nhiệm chính trong quá trình bảo vệ môi trường. Những điều cá nhân có thể làm để bảo vệ môi trường:
Phân loại chất thải sinh hoạt và bỏ rác đúng nơi quy định
Tham gia hoạt động bảo vệ môi trường.
Tiết kiệm điện, nước tại nhà và nơi làm việc.
Hạn chế sử dụng túi nilon.
Trồng và chăm sóc cây tại nhà. Không ngắt phá cây xanh ở nơi công cộng...
2.2 Trách nhiệm của cộng đồng
Bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của cá nhân mà là của cả cộng đồng. Các cơ quan ban ngành đã quan tâm tới các vấn đề môi trường bằng cách tổ chức các hoạt động dọn vệ sinh khu vực, trồng cây,... Tổ chức các buổi tuyên dương những gia đình, những cá nhân thực hiện tốt và tích cực vào việc giữ vệ sinh chung.
Đồng thời, các tổ chức cần lên án, phê bình những thành phần có hành động gây hại đến môi trường như vứt rác bừa bãi, không đóng phí vệ sinh môi trường, nhổ cây và có hành vi phá hoại cây xanh nơi công cộng.
2.3 Trách nhiệm của thanh niên
Thanh niên luôn đi đầu trong các phong trào và hoạt động bảo vệ môi trường. Ngoài tổ chức và phát động các hoạt động phong trào dọn vệ sinh nơi công cộng, hè phố, trồng cây xanh thì cần tuyên truyền kêu gọi người dân cùng tham gia thực hiện.
Mọi người, mọi nhà đều có trách nhiệm bảo vệ môi trường chứ không riêng cá nhân hay tổ chức.
3. Các hoạt động bảo vệ môi trường
Môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, đời sống của người dân. Nhà nước Việt Nam đã có những hoạt động và chính sách bảo vệ môi trường.
3.1 Quy định các hành vi bị nghiêm cấm để bảo vệ môi trường
Theo Điều 6 tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nghiêm cấm các hành vi phá hoại môi trường sau:
Vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường.
Phát tán, thải ra môi trường chất độc hại, vi rút độc hại có khả năng lây nhiễm cho con người, động vật, vi sinh vật chưa được kiểm định, xác súc vật chết do dịch bệnh và tác nhân độc hại khác đối với sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên.
Gây tiếng ồn, độ rung vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường; xả thải khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí.
Thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức.
Không thực hiện công trình, biện pháp, hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Che giấu hành vi gây ô nhiễm môi trường, cản trở, làm sai lệch thông tin, gian đối trong hoạt động bảo vệ môi trường dẫn đến hậu quả xấu đối với môi trường.
Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Sản xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất và tiêu thụ chất làm suy giảm tầng ôzôn theo quy định của điều ước quốc tế về các chất làm suy giảm tầng ôzôn mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên.
Phá hoại, xâm chiếm công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Ngôi nhà xanh cần sự chung tay góp sức của mỗi người.
3.2 Các biện pháp bảo vệ môi trường
Để sống trong môi trường luôn trong lành sạch đẹp chúng ta có nhiều biện pháp khác nhau như:
Trồng nhiều cây xanh: Nên trồng và chăm sóc nhiều cây xanh bởi cây giúp hấp thụ khí C02 và cung cấp khí oxy, ngăn chặn xói mòn đất và giúp cân bằng lại hệ sinh thái.
Hạn chế sử túi nilon: Nilon là sản phẩm khó phân huỷ trong môi trường bình thường, nó có thể tồn tại trong môi trường đất đến hàng trăm năm. Nên hạn chế sử dụng túi nilon, thay vào đó sử dụng các loại túi tái sử dụng như túi giấy, túi vải, túi nhựa….
Tái chế: Chúng ta có thể tái sử dụng rác bằng cách phân loại rác, tái sử dụng các sản phẩm từ chai nhựa, bìa, giấy, quần áo,...
Tận dụng nguồn năng lượng thiên nhiên: năng lượng mặt trời, năng lượng gió…sử dụng nguồn năng lượng xanh có thể tái tạo, không phát khí thải ra môi trường.
Bảo vệ nguồn nước: Hạn chế xả rác, xác động vật, chai lọ, thuốc bảo vệ thực vật, nước thải chưa qua xử lý xuống kênh, rạch, ao, hồ, sông suối….
Bên cạnh những biện pháp trên, chúng ta còn có thể sử dụng tiết kiệm điện, nước, nhiên liệu… thay thế phương tiện cá nhân bằng phương tiện công cộng.
Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mỗi người và của toàn cộng đồng chứ không phải của riêng ai. Chính vì thế, chúng ta cần phát huy tinh thần trách nhiệm với môi trường và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Hi vọng với bài viết này, mọi người, mọi nhà cùng nhau chung tay góp sức bảo vệ môi trường trong lành, xanh đẹp hơn.