hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 16/03/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta là bộ luật nào?

Bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta là bộ luật nào? Hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa của bộ luật này như thế nào? Hãy cùng Hieuluat.vn tìm hiểu những vấn đề trên trong nội dung bài viết dưới đây.

Mục lục bài viết
  • Luật thành văn là gì?
  • Bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta là gì?
  • Bộ luật hình thư ra đời trong hoàn cảnh nào?
  • Một số nội dung chính của bộ luật Hình thư
  • Tác dụng của Bộ luật Hình thư

Luật thành văn là gì?

Luật thành văn là tập hợp các quy tắc xử sự được ghi nhận hay quy định bằng một hình thức văn bản nhất định được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và ban hành theo đúng trình tự và thẩm quyền tại một thời điểm xác định.

Luật thành văn được viết ra bởi cơ quan lập pháp (thay vì truyền miệng như luật truyền miệng). Luật thành văn cũng khác với các quy định được đặt ra bởi cơ quan hành pháp và thông luật của cơ quan tư pháp.

Bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta là gì?

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi lại, Bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta là bộ luật “Hình thư”.

Bộ luật Hình thư được biên soạn vào năm 1042 bởi Trung thư san dưới thời của vua Lý Thái Tông - vị vua thứ 2 của thời Lý (trị vì từ năm 1028 đến năm 1054). Việc ban hành bộ luật này đánh dấu sự phát triển của nền lập pháp Việt Nam và của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền.

Ngày nay bản gốc của bộ luật “Hình thư” không còn nữa. Có nhiều ý kiến cho rằng “Hình thư” đã bị thất lạc trong cuộc chiến tranh với nhà Minh vào thế kỉ XV cùng với “Quốc triều hình luật” của nhà Trần, tuy nhiên những nội dung của nó vẫn có thể tìm thấy trong các tài liệu đáng tin cậy như “Đại Việt sử ký toàn thư” và “Lịch triều hiến chương loại chí”.

Căn cứ vào những ghi chép của Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, Hình thư gồm có 3 quyển bao gồm các quy định về cách tổ chức của bộ máy chính trị, quân đội và hệ thống quan lại; quy định biện pháp trừng trị đối với những hành vi được cho là trái pháp luật, làm mất ổn định, trật tự và an ninh xã hội; quy định những vấn đề về quyền sở hữu và mua bán đất đai, tài sản; quy định về thu thuế…

Hình thư - Bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta (nguồn: internet)
Hình thư - Bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta (nguồn: internet)

Bộ luật hình thư ra đời trong hoàn cảnh nào?

Trước kia việc kiện tụng trong nước còn nhiều phiền nhiễu do quan lại chịu trách nhiệm luật pháp còn câu nệ theo luật văn, việc xử án cốt làm cho khắc nghiệt hơn, thậm chí có người bị oan uổng quá đáng. Vua biết được thấy thương xót, sai Trung thư san soạn “Hình thư” sao cho phù hợp với xã hội lúc bấy giờ.

Hình thư được chia ra thành những môn loại, điều khoản cụ thể mà người xem dễ dàng hiểu được. Sách làm xong được xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện, việc xử án lúc này mới được bằng phẳng rõ ràng.

Một số nội dung chính của bộ luật Hình thư

  • Người chủ nhà không bị định tội trong trường hợp đánh chết kẻ ban đêm vào nhà gian dâm vợ cả, vợ lẽ của mình.
  • Cho phép người thu thuế ngoài 10 phần phải nộp quan thì được thu thêm 1 phần gọi là “hoành đầu”, nếu lấy quá thì bị xử theo tội ăn trộm. Nếu có người tố giác việc thu thuế sai thì cả nhà người đó được miễn thuế trong 3 năm, người ở kinh thành tố giác thì được thưởng bằng hiện vật thu được.
  • Đối với người già trên 70 tuổi, trẻ con dưới 15 tuổi, người có khuyết tật, người có họ vua và người có công nếu có tội không thuộc vào thập ác thì được chuộc tội bằng tiền. Tùy theo tội nặng hay nhẹ sẽ có mức tiền khác nhau.

Những tội được xếp vào thập ác dưới thời Lý bao gồm:

  1. Mưu phản: Gây nguy hại cho xã tắc.

  2. Mưu đại nghịch: Gây hại cho tông miếu, cung khuyết.

  3. Mưu bạn nghịch: Nổi loạn, bao che cho giặc.

  4. Ác nghịch: Đánh đập, giết hại ông, bà, cha, mẹ.

  5. Bất đạo: Giết hại người vô tội.

  6. Đại bất kính: ùng đồ chỉ dành riêng cho vua, ăn trộm và giả mạo ấn của vua.

  7. Bất hiếu: mắng chửi hoặc không để tang cho ông, bà, cha, mẹ.

  8. Bất mục: đánh giết những người họ hàng, người thân.

  9. Bất nghĩa: dân giết quân, trò giết thầy, lính giết tướng và con giết cha.

  10. Nội loạn: thông dâm với anh em họ hàng, thiếp của ông hay cha.

Năm 1043, vua bổ sung thêm quy định: Ai lấy lúa của dân sẽ bị phạt đánh 100 trượng, nếu không lấy được nhưng làm người khác bị thương thì sẽ ghi lại tội. Binh lính chiếm đoạt của cải của dân bị đánh 100 trượng và thích 30 chữ.

Những người phạm tội ăn trộm sẽ bị hình phạt chặt hết ngón chân, ngón tay.

Tháng 8 năm 1043 vua xuống chiếu về hình phạt cho kẻ buôn bán người làm gia nô cho người khác:

  • Nếu đã bán rồi thì phạt đánh 100 trượng, thích vào mặt 20 chữ.

  • Nếu chưa bán nhưng đã làm việc cho người thì cũng đánh 100 trượng và thích vào mặt 10 chữ.

  • Người đã biết chuyện nhưng vẫn mua thì xử giảm một bậc.

Đối với quân sĩ bỏ trốn khỏi quân ngũ:

  • Quá 1 năm phạt đánh 100 trượng, thích vào mặt 50 chữ.

  • Dưới 1 năm thì xử theo mức tội nhẹ, cho phép quay về vị trí cũ.

Ngoài ra bộ luật này cũng có đề cập tới vấn đề xét xử tội tham ô, hối lộ. Khố ti thu thuế lụa, nếu nhân hối lộ của nhân dân thì cứ mỗi thước lụa phạt 100 trượng, mỗi tấm lụa đến trên 10 tấm phạt nô dịch thêm 10 năm.

Dưới thời Lý việc mổ trộm trâu bò để giết thịt bị cấm để bảo vệ sức kéo, ai phạm tội sẽ bị xử rất nặng. Việc mổ trâu bò phải theo quy định của triều đình, nếu vi phạm có thể bị phạt trượng hoặc phạt tiền tùy mức độ.

Pháp luật dưới thời Lý cũng cho thấy rõ sự phân biệt giữa các tầng lớp trong xã hội:

  • Quý tộc, quan lại được hưởng nhiều đặc quyền; có sự phân biệt rõ ràng trong trang phục, nhà cửa giữa vua, quan và dân.

  • Thợ thuyền phục vụ cho triều đình không được chế tạo vật dụng kiểu dáng trong nhà quan mang ra bán cho nhà dân.

  • Con cái nhà dân thường không được phép bắt chước cách trang điểm, ăn mặc trong cung.

  • Nô tỳ là những người thấp kém nhất trong xã hội thời Lý, họ không được lấy con gái nhà dân, không được xăm mình rồng, người nào phạm tội sẽ bị sung công.

  • Nô tỳ trong nhà vương hầu, quan lại không được cậy thế đánh đập dân thường, nếu phạm tội thì người chủ nô bị xử phạt còn bản thân nô tỳ thì bị sung công.

Phạt trượng đối với người phạm tội
Phạt trượng đối với người phạm tội (nguồn: internet)

Tác dụng của Bộ luật Hình thư

Bộ luật Hình thư ra đời có một số tác dụng như sau:

  • Thay thế cho các quy định, luật lệ, chiếu chỉ trước đó. Những quy định trong bộ luật Hình thư được trình bày rõ ràng, chi tiết và dễ hiểu hơn.

  • Đặt ra những nội dung, quy định bảo vệ nhà vua nói riêng và giai cấp thống trị nói chung. Quy định rõ ràng, cụ thể các hình phạt đối với những người phạm tội. 

  • Bảo vệ các quyền nhân dân, giảm thiểu những trường hợp bị án oan. Đời sống nhân dân được cải thiện, đất nước được yên bình, ổn định, nâng cao uy tín của nhà Lý.

Bộ luật Hình thư đã có những đóng góp không nhỏ vào công cuộc đưa đất nước vào giai đoạn thịnh vượng. Tuy nhiên do chủ trương đề cao sự khoan hồng của vua Lý Thái Tông mà bộ luật Hình thư chưa thật sự mang tính chất răn đe đối với người dân. Bản thân bộ luật Hình thư cũng được đánh giá là chưa được hoàn chỉnh, đầy đủ, tiến bộ khi so sánh với bộ luật Hồng Đức dưới triều Hậu Lê.

Trong bài viết trên, chúng ta đã cùng tìm hiểu về Bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta là bộ luật Hình thư. Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc đã có những thông tin hữu ích. Nếu bạn có thắc mắc gì liên quan đến nội dung bài viết xin hãy liên hệ với Hieuluat.vn để được giải đáp.

Có thể bạn quan tâm

X