Đô thị là gì? Các đô thị nước ta hiện nay có những đặc điểm nào? Dựa vào đâu để phân loại các đô thị ở nước ta? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu toàn bộ vấn đề trên qua nội dung bài viết dưới đây nhé!
Đô thị là gì? Các đô thị nước ta hiện nay có những đặc điểm nào?
Đô thị là gì?
Căn cứ theo điều 3 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009:
“Đô thị là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương, bao gồm nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã; thị trấn.”
Từ khái niệm trên có thể hiểu đô thị là địa điểm có dân cư tập trung ở mức độ cao, lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp là chủ yếu, có cơ sở hạ tầng phát triển, là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành có chức năng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội cho cả nước hoặc một vùng lãnh thổ.
Đô thị là gì (nguồn: internet)
5 đặc điểm của các đô thị ở nước ta hiện nay
- Đô thị là nơi tập trung của những vấn đề mang tính chất toàn cầu
Về môi trường: Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa dẫn đến môi trường sinh thái bị phá hủy, ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề song chưa có biện khác khắc phục hiệu quả. Nguyên nhân của điều này là do sự hạn chế về tài chính và công tác quản lý còn yếu kém.
Về dân số: Dân số cả nước nói chung và dân số đô thị nói riêng tăng nhanh, sự chuyển dịch dân cư diễn ra theo cả chiều rộng và chiều sâu.
Về tổ chức không gian và môi trường: Dân cư tập trung với mật độ cao trong khi trình độ quản lý chưa đủ để đáp ứng dẫn đến sự những bất cập trong tổ chức môi trường sống.
- Luôn có mối liên hệ giữa thành thị và nông thôn, sự liên hệ này ngày càng trở nên quan trọng. Khi nghiên cứu về những vấn đề của đô thị thường sẽ phải nghiên cứu từ nông thôn, trong đó quan trọng nhất là sự ảnh hưởng qua lại giữa đô thị và nông thôn.
- Thị trường đô thị có những đặc trưng riêng biệt:
Thị trường đô thị có thể là hệ thống hoặc địa điểm, tại đây diễn ra việc mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ.
Một số thị trường của đô thị là: Thị trường lao động, thị trường bất động sản, thị trường giao thông, thị trường tài chính, thị trường dịch vụ,...
Lao động tại đô thị có tính chuyên môn hóa cao, do đó thu nhập của người lao động cũng cao hơn tại nông thôn. Nguồn thu nhập cao kích thích sự mua sắm tiêu dùng khiến cho thị trường hàng hóa, dịch vụ cũng phát triển hơn.
- Đô thị được coi như một nền kinh tế quốc dân vì đô thị cũng được giới hạn về mặt hành chính và hoạt động tương đối độc lập đối với các khu vực hành chính khác.
- Đô thị được kế thừa cả cơ sở vật chất và những bản sắc văn hóa riêng biệt của Việt Nam qua nhiều thế hệ.
Đặc điểm các đô thị nước ta hiện nay (nguồn: internet)
Phân loại đô thị tại Việt Nam
Đô thị tại Việt Nam được phân ra làm 6 loại dựa trên các tiêu chí:
Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế-xã hội
Quy mô và mật độ dân số
Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp
Sự phát triển của cơ sở hạ tầng đến trình độ nào?
Đô thị loại 1
Đô thị được xếp vào đô thị loại 1 nếu là trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, cấp vùng hoặc cấp tỉnh về các lĩnh vực kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục và đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ. Là đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có thể thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng liên tỉnh hoặc cả nước
Những yếu tố về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đều đạt các tiêu chuẩn được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.
Về dân số:
Nếu là thành phố trực thuộc trung ương: Dân số toàn đô thị từ 1.000.000 người trở lên, khu vực nội thành từ 500.000 người trở lên.
Nếu là thành phố trực thuộc tỉnh: Dân số toàn đô thị từ 500.000 người trở lên, khu vực nội thành từ 200.000 người.
Toàn bộ đô thị có mật độ dân số từ 2.000 người/km2 trở lên; đối với khu vực nội thành đạt từ 10.000 người/km2 trở lên.
Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp lần lượt là 65% và 85% trở lên đối với toàn đô thị và khu vực nội thành.
Cơ sở hạ tầng, kiến trúc và cảnh quan đô thị phát triển đạt mức tiêu chuẩn được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.
Đô thị loại 2
Đô thị được xếp vào đô thị loại 2 nếu đó là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành cấp vùng, cấp tỉnh về các lĩnh vực bao gồm kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục và đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ. Là trung tâm hành chính cấp tỉnh, đầu mối giao thông, có chức năng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một tỉnh hoặc một vùng.
Những yếu tố về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đều đạt quy định tại Phụ lục 1 được ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.
Về dân số: từ 200.000 người trở lên đối với toàn bộ đô thị và khu vực nội thành đạt từ 100.000 người trở lên.
Về mật độ dân số: toàn đô thị đạt từ 1.800 người/km2 trở lên; khu vực nội thành thì từ 8.000 người/km2 trở lên.
Về tỷ lệ lao động phi nông nghiệp: Toàn đô thị đạt từ 65% trở lên và khu vực nội thành phải đạt từ 80% trở lên.
Cơ sở hạ tầng, kiến trúc và cảnh quan đô thị phát triển đạt mức tiêu chuẩn được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.
Đô thị loại 3
Đô thị loại 3 là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành về các lĩnh vực kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục và đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ cấp tỉnh. Đóng vai trò đầu mối giao thông, có chức năng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vùng
Những yếu tố về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đều đạt quy định tại Phụ lục 1 được ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.
Về dân số: Toàn bộ đô thị từ 100.000 người trở lên và khu vực nội thành đạt từ 50.000 người trở lên.
Về mật độ dân số: Toàn đô thị đạt từ 1.400 người/km2 trở lên; đối với khu vực nội thành, nội thị đạt từ 7.000 người/km2 trở lên.
Về tỷ lệ lao động phi nông nghiệp lần lượt là 60% và 75% trở lên đối với toàn đô thị và khu vực nội thành, nội thị.
Cơ sở hạ tầng, kiến trúc và cảnh quan đô thị phát triển đạt mức tiêu chuẩn được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.
Đô thị loại 4
Đô thị được xếp vào đô thị loại 4 nếu đó là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành cấp tỉnh, cấp huyện về các lĩnh vực kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục và đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ. Có vị trí là trung tâm hành chính cấp huyện, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện hoặc vùng liên huyện;
Những yếu tố về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đều đạt quy định tại Phụ lục 1 được ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.
Về dân số toàn đô thị đạt từ 50.000 người trở lên; nếu có khu vực nội thị đạt từ 20.000 người trở lên.
Về mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 1.200 người/km2 trở lên; nếu có khu vực nội thị thì mật độ dân số đạt từ 6.000 người/km2 trở lên.
Về tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 55% trở lên; nếu có khu vực nội thị thì tỉ lệ này phải đạt từ 70% trở lên.
Cơ sở hạ tầng, kiến trúc và cảnh quan đô thị phát triển đạt mức tiêu chuẩn được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.
Đô thị loại 5
Đô thị được xếp vào đô thị loại 5 nếu đó là trung tâm hành chính hoặc trung tâm tổng hợp cấp huyện hoặc trung tâm chuyên ngành cấp huyện về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo. Có vị trí như là đầu mối giao thông, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện hoặc cụm liên xã;
Những yếu tố về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đều đạt các quy định tại Phụ lục 1 được ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.
Toàn đô thị có dân số từ 4.000 người trở lên.
Toàn đô thị có mật độ dân số đạt từ 1.000 người/km2 trở lên; khu vực nội thị có mật độ dân số từ 5.000 người/km2 trở lên.
Lao động phi nông nghiệp toàn đô thị chiếm tỷ lệ từ 55% trở lên.
Cơ sở hạ tầng, kiến trúc và cảnh quan đô thị phát triển đạt mức tiêu chuẩn được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết này 1210/2016/UBTVQH13.
Đô thị loại đặc biệt
Đô thị được xếp vào đô thị loại đặc biệt nếu đó là Thủ đô hoặc trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, quốc tế về các lĩnh vực kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục và đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, là đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có chức năng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Những yếu tố về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đều đạt theo quy định tại Phụ lục 1 được ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.
Về dân số toàn đô thị đạt từ 5.000.000 người trở lên và khu vực nội thành đạt từ 3.000.000 người trở lên.
Về mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 3.000 người/km2 trở lên; khu vực nội thành đạt từ 12.000 người/km2 trở lên.
Về tỷ lệ lao động phi nông nghiệp lần lượt là 70% và 90% trở lên đối với khu vực toàn đô thị và khu vực nội thị
Cơ sở hạ tầng, kiến trúc và cảnh quan đô thị phát triển đạt mức tiêu chuẩn được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.
Như vậy trong bài viết trên chúng tôi cung cấp cho bạn đọc những thông tin tổng quát về Các đô thị nước ta hiện nay. Nếu bạn đọc cần biết thêm bất kỳ thông tin nào xin hãy liên hệ với Hieuluat.vn để được giải đáp.