Văn bản thuyết minh là kiểu văn bản quen thuộc được sử dụng phổ biến trong mọi lĩnh vực đời sống. Để biết được các hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh cũng như các phương pháp nên sử dụng trong văn bản thuyết minh. Hãy cùng chúng tôi theo dõi bài viết về văn bản thuyết minh dưới đây nhé!
Văn bản thuyết minh là gì?
Văn bản thuyết minh là hình thức văn bản dùng để giới thiệu, trình bày chính xác, khách quan về cấu tạo, tính chất, quan hệ, giá trị,.....của một sự vật, hiện tượng hoặc một vấn đề thuộc tự nhiên, xã hội và con người.
Đây là kiểu văn bản thông dụng trong mọi lĩnh vực đời sống, cung cấp các tri thức về các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên cũng như trong xã hội một cách khách quan, chân thực thông qua phương thức trình bày, giải thích.
Khác với các thể loại văn bản khác (văn bản tự sự, miêu tả, biểu cảm, văn bản nghị luận), văn bản thuyết minh cung cấp những kiến thức hiểu biết về đặc trưng, tính chất của sự vật, hiện tượng để biết cách sử dụng chúng vào mục đích có lợi cho con người .
Văn bản thuyết minh gắn liền với tư duy khoa học với sự đòi hỏi về tính chính xác, rạch ròi, chân thực. Văn bản thuyết minh có nhiều loại khác nhau như: Loại văn bản thuyết minh chủ yếu trình bày, giới thiệu, loại chủ yếu miêu tả, sự vật, hiện tượng với những hình ảnh sinh động, trừu tượng,.....
Văn bản thuyết minh là hình thức văn bản được sử dụng phổ biến trong mọi lĩnh vực đời sống
Các hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh
Kết cấu văn bản được hiểu là cách tổ chức, sắp xếp các thành tố của một văn bản thành một đơn vị thống nhất, có ý nghĩa. Dựa vào đối tượng, mục đích và người tiếp nhận văn bản để lựa chọn kết cấu văn bản thuyết minh phù hợp.
Hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh phải có sự phù hợp với mối liên hệ bên trong của đối tượng, với môi trường xung quanh và thể hiện quá trình nhận thức của con người.
Khi viết văn bản thuyết minh, người viết có thể lựa chọn nhiều hình thức kết cấu khác nhau. Văn bản thuyết minh gồm có các hình thức kết cấu sau:
- Hình thức kết cấu theo trình tự thời gian: Sự vật trong văn bản thuyết minh được trình bày theo quá trình hình thành, vận động và phát triển.
- Hình thức kết cấu theo trình tự không gian: Sự vật dược trình bày theo tổ chức vốn có của nó (bên trên - bên dưới, bên trong - bên ngoài, theo trình tự quan sát,.....).
- Hình thức kết cấu theo trật tự logic của đối tượng thuyết minh hoặc nhận thức của người đọc: Sự vật được trình bày theo các mối quan hệ khác nhau (nguyên nhân - kết quả, chung - riêng, liệt kê các mặt, phương diện).
- Hình thức kết cấu hỗn hợp: Sự vật được trình bày với sự kết hợp của nhiều trình tự khác nhau.
Ví dụ trong bài báo đền Ngọc Sơn và hồn thơ Hà Nội của Lương Quỳnh Khuê đăng tại tạp chí Truyền hình Hà Nội vào tháng 11 năm 2005 có thể hiện các hình thức kết cấu văn bản thuyết minh:
- Hình thức kết cấu theo trình tự thời gian về vẻ đẹp văn hóa, lịch sử của một thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội - đền Ngọc Sơn:
Huyền thoại kể rằng: Xưa kia, vẻ đẹp quyến rũ nơi đây đã khiến các tiên nữ thường giáng trần tắm mát, dạo chơi, ngắm cảnh trên hồ và người trần đã dựng đền thờ các nàng trên mảnh đất này. Đến cuối đời Lê, chùa Ngọc Sơn được xây dựng làm nơi thờ Phật; từ thời Nguyễn, nơi đây mới chuyển thành đền thờ Thánh như hiện nay. Năm 1864, Nguyễn Văn Siêu (Thần Siêu) – nhà nho, nhà văn hoá lớn của Hà Nội đã đứng ra sửa sang lại toàn bộ cảnh quan khu vực đền Ngọc Sơn và để lại nhiều di bút bất hủ nơi đây. Kiến trúc của đền Ngọc Sơn là một hệ thống liên hoàn ẩn chứa dấu ấn cả ba hệ tư tưởng – tôn giáo: Nho, Phật, Đạo hoà quyện với nhau thật tự nhiên và thể hiện dưới những hình tượng kiến trúc vừa chân thật vừa huyền ảo.
- Hình thức kết cấu theo trình tự không gian, trình tự quan sát để thuyết minh đền Ngọc Sơn:
Nhìn từ ngoài vào, Tháp Bút – Đài Nghiên thể hiện tinh thần của Đạo Nho; trong điện chính lại thờ các vị thần của Đạo Giáo, song các vị này đều liên quan đến việc học hành, khoa cử, đỗ đạt; ba vị thờ nơi hậu điện (Quan Đế tức Quan Vân Trường, Táo Quân, Đức Thánh Trần) không chỉ thể hiện tinh thần của Đạo Giáo mà còn là sự đề cao những con người trung nghĩa, không phân biệt dân tộc, đẳng cấp và lồng vào đó là cả lòng tự hào dân tộc với sự tôn vinh Đức Thánh Trần. Sau nữa phải kể đến Phật A Di Đà được phối thờ ở hậu cung theo mô hình tiền Thánh hậu Phật thường gặp trong nhiều ngôi đền ở Việt Nam. Đó chính là một tổng thể kiến trúc vừa mang dấu ấn tâm linh vừa hiển hiện một tâm hồn yêu cái đẹp và cái thiện…
Văn bản thuyết minh có bốn hình thức kết cấu
5 phương pháp nên sử dụng trong văn bản thuyết minh
Ở nội dung trên, các bạn đã biết được các hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh. Tiếp theo sẽ tìm hiểu về 5 phương pháp nên sử dụng trong văn bản thuyết minh.
- Thứ nhất là phương pháp nêu định nghĩa, giải thích:
Phương pháp này đòi hỏi người viết khi nêu định nghĩa, giải thích phải xác định đối tượng thuộc loại sự vật, hiện tượng nào. Từ đó, chỉ ra nguồn gốc, cấu tạo, đặc điểm riêng cũng như cách sử dụng, chế tạo ra nó.
Phương pháp này sử dụng kiểu câu trần thuật với từ “là” để giải thích, định nghĩa hoặc giới thiệu sự vật, hiện tượng, vấn đề nào đó.Ví dụ như: giải thích âm nhạc là gì, giải thích toán học là gì, định nghĩa hình tam giác là gì, định nghĩa hình vuông là gì.
- Thứ hai là phương pháp liệt kê:
Phương pháp này liệt kê những bộ phận của hiện tượng, sự việc được nhắc đến. Ví dụ như một ngôi nhà gồm mái nhà, cột nhà, cửa sổ,......hay liệt kê bộ phận của một cái ghế bao gồm chân ghế, mặt ghế,....
- Thứ ba là phương pháp nêu ví dụ:
Với phương pháp này, người viết nêu ví dụ cụ thể về một sự việc nào đó để chứng minh những lập luận của mình là đúng. Ví dụ như nêu ra những số liệu về tình hình dịch bệnh CoVid theo số liệu thống kê của Bộ Y Tế, chứng minh tình hình dịch bệnh ngày càng giảm.
- Thứ tư là phương pháp so sánh:
Với phương pháp này, người viết có thể so sánh hiện tượng này với hiện tượng khác có nét tương đồng nhằm làm nổi bật sự vật, hiện tượng. Ví dụ như là so sánh diện tích Đại Tây Dương với các đại dương khác.
- Thứ năm là phương pháp phân loại và phân tích:
Đây được xem là phương pháp quan trọng và được nhiều người sử dụng nhất trong văn bản thuyết minh. Mục đích của văn bản thuyết minh là giúp cho người đọc, người viết hiểu được bản chất, đặc điểm, công dung của sự vật, hiện tượng. Vì vậy, để làm nổi bật được mục đích đó, người viết cần sử dụng đến phương pháp phân loại và phân tích.
Ví dụ như để trình bày các đặc điểm của thành phố Đà nẵng, bắt buộc người viết cần phải sử dụng đến phương pháp phân loại và phân tích về thiên nhiên, văn hóa và con người Đà Nẵng, phân tích về những món ăn đặc sản, di tích, danh lam thắng cảnh của Đà Nẵng.
Người viết có thể sử dụng nhiều phương pháp trong văn bản thuyết minh
Qua bài viết trên, các bạn đã biết được các hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh cũng như các phương pháp nên được sử dụng trong văn bản thuyết minh. Hy vọng những thông tin về văn bản thuyết minh được chia sẻ trong bài viết hữu ích với bạn.