hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 17/02/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Các hình thức thực hiện pháp luật là gì? Yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện pháp luật

Hiểu rõ về những khái niệm, những vấn đề lý luận liên quan đến pháp luật là biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả tuân thủ pháp luật của người dân. Nội dung của bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về các hình thức thực hiện pháp luật và những yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện pháp luật..

 
Mục lục bài viết
  • Thực hiện pháp luật là gì?
  • Các hình thức thực hiện pháp luật là gì?
  • Sử dụng pháp luật
  • Tuân thủ pháp luật
  • Thi hành pháp luật

Thực hiện pháp luật là gì?

Thực hiện pháp luật là hoạt động nhằm mục đích hiện thực hóa các quy định pháp luật. Hoạt động này sẽ giúp quy định pháp luật đi vào cuộc sống và trở thành những hành vi thực tế hợp pháp của chủ thể pháp luật.

Do đó, hành vi thực hiện pháp luật của chủ thể phải được tiến hành phù hợp theo quy định pháp luật. Điều này đồng nghĩa là hành vi được thực hiện không trái, không vượt quá khuôn khổ pháp luật đã quy định.

Thực hiện pháp luật là hoạt động tiến hành dựa theo quy định pháp luật
Thực hiện pháp luật là hoạt động tiến hành dựa theo quy định pháp luật

Thực hiện pháp luật là hành vi có chủ thể. Chính vì vậy, hoạt động này có tính chủ động và được tiến hành thông qua việc hành động hay không hành động.


Các hình thức thực hiện pháp luật là gì?

Hình thức thực hiện pháp luật gồm có 4 là sử dụng pháp luật, tuân thủ pháp luật, thi hành pháp luật và áp dụng pháp luật.

Sử dụng pháp luật

Sử dụng pháp luật là một trong các hình thức thực hiện pháp luật. Ở hình thức này, chủ thể thực hiện các quyền của chủ thể được pháp luật cho phép. Pháp luật quy định quyền hạn cho chủ thể thông qua những quy phạm trao quyền.

Tuân thủ pháp luật

Tuân thủ pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật thụ động. Chủ thể pháp luật trong hình thức này cần kiềm chế để không tiến hành những hành vi mà pháp luật nghiêm cấm. Những quy phạm cấm đoán là để buộc chủ thể pháp luật không được thực hiện những hàng vi nhất định.

Tuân thủ pháp luật là một hành vi mang tính thụ động

Tuân thủ pháp luật là một hành vi mang tính thụ động

Thi hành pháp luật

Một trong các hình thức thực hiện pháp luật khác là thi hành pháp luật. Trong hình thức này, mọi chủ thể pháp luật bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ pháp lý. Những nghĩa vụ pháp lý này được thể hiện dưới những quy phạm bắt buộc.

Áp dụng pháp luật

Chủ thể của hình thức áp dụng pháp luật là cơ quan Nhà nước, tổ chức có thẩm quyền. Căn cứ vào các quy định của pháp luật, chủ thể của hành động này sẽ tạo ra các quyết định làm phát sinh, thay đổi, đình chỉ hoặc chấm dứt các quan hệ pháp luật cụ thể.


Các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện pháp luật

Việc thực hiện pháp luật của các chủ thể có tính chủ động. Tuy nhiên, thực hiện pháp luật còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố.

Yếu tố kinh tế

Yếu tố kinh tế có ảnh hưởng đến việc thực hiện pháp luật được hiểu rộng hơn bao gồm cả điều kiện, hoàn cảnh, hệ thống chính sách kinh tế,... Nền kinh tế bền vững là điều kiện thuận cho việc thực hiện pháp luật. Bên cạnh đó, nâng cao hiểu biết xã hội và ý thức pháp luật. Ngược lại, những vấn đề kinh tế tiêu cực sẽ có ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện pháp luật của chủ thể.

Một dẫn chứng đơn giản để bạn dễ hình dung về yếu tố kinh tế có ảnh hưởng đến hoạt động tiến hành các hình thức thực hiện pháp luật: Khi kinh tế thu nhập ổn định, tình trạng bán hàng rong lấn chiếm lòng được vỉa hè vi phạm sẽ không xảy ra. Thay vì đó, họ sẽ có đủ điều kiện để thuê cửa hàng để buôn bán ổn định và an toàn hơn.

Những vấn đề kinh tế có ảnh hưởng đến hành vi thực hiện pháp luật của chủ thểNhững vấn đề kinh tế có ảnh hưởng đến hành vi thực hiện pháp luật của chủ thể

Yếu tố văn hóa – xã hội

Các yếu tố văn hóa xã hội có tác động tạo ra một môi trường thực hiện pháp luật trong một phạm vi không gian xã hội nhất định. Đây là nơi cá nhân và tổ chức cộng đồng cùng tạo dựng và thừa nhận các giá trị văn hóa, phong tục, lối sống cộng đồng. Tất cả các khía cạnh văn hóa, xã hội sẽ có tác động đến việc thực hiện pháp luật, cụ thể:

Các phong tục tập quán có ảnh hưởng đến các hoạt động đời sống của các tầng lớp nhân dân trong phạm vi không gian đó. Các phong tục tập quán có bao gồm cả những nét văn hóa cổ truyền tốt đẹp và những hủ tục lạc hậu. Điều này có thể kéo theo những thói hư tật xấu và trình độ dân trí thấp. Do đó, những phong tục tập quán tiêu cực có thể ảnh hưởng không tốt đến việc thực hiện pháp luật của cá nhân, tổ chức.

Bên cạnh phong tục tập quán, lối sống văn hóa giữa nông thôn và thành thị cũng tạo nên sự khác biệt giữa việc tiến hành các hình thức thực hiện pháp luật. Ví dụ: Người sinh sống ở khu vực nông thôn khi ra khu vực thành thị dễ mắc sai phạm pháp luật về việc tham gia giao thông.

Yếu tố niềm tin

Hiệu lực hay hiệu quả của thực hiện pháp luật là từ việc cưỡng chế của sức mạnh công quyền. Tuy nhiên, sức mạnh công quyền lại được hình thành từ miền tin vào tư tưởng và tinh thần pháp luật. Con người nhận thức tốt vào pháp luật sẽ là tiền đề cơ sở để niềm tin và chủ động thực hiện pháp luật tốt nhất, tích cực nhất.

Niềm tin vào pháp luật không tự động hóa ở cá nhân mà sẽ sự tác động dần dần của thực tiễn pháp luật trong đời sống. Ví dụ: Ở những quy phạm pháp luật về việc đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện giao thông; việc tuân thủ quy định này được hình thành từ niềm tin thực tiễn. Đó là đội mũ sẽ bảo vệ tính mạng và an toàn của con người khi tham gia giao thông.

Yếu tố môi trường xã hội

Môi trường sống. môi trường xã hội của chủ thể pháp luật sẽ có ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của chủ thể đó. Môi trường xã hội lành mạnh, trong sạch tác động tích cực đến việc thực hiện pháp luật với ý thức cao.

 

Hành vi thực hiện pháp luật của chủ thể có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh
Hành vi thực hiện pháp luật của chủ thể có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh

Một ví dụ về yếu tố môi trường xung quanh có ảnh hưởng đến việc hoạt động của các hình thức thực hiện pháp luật là việc tham gia giao thông. Những hành vi xấu như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi lấn làn… trong tình trạng tắc đường của các chủ thể pháp luật sẽ bị ảnh hưởng lẫn nhau. Khi có một chủ thể pháp luật vi phạm trong trường hợp này, nhiều chủ thể khác sẽ có hành vi cộng đồng cùng vi phạm.

Yếu tố pháp luật

Yếu tố pháp luật là nhân tố quan trọng tạo nên hệ thống pháp luật và các quan hệ pháp luật của xã hội. Những quy định pháp luật sinh ra để điều chỉnh những mối quan hệ pháp luật của chủ thể pháp luật.

Những chuẩn mực của pháp luật chính là cơ sở có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động thực hiện pháp luật của chủ thể. Các chuẩn mực này được hình thành từ tổng thể các hoạt động xã hội trên phương diện lý luận và thực tiễn tạo thành văn hóa pháp luật. Văn hóa pháp luật được kết tinh từ trí thức, niềm tin. Đây cũng chính là định hướng việc tiến hành pháp luật theo các hình thức thực hiện pháp luật của chủ thể.

Trên đây, chúng tôi đã chia sẻ tới bạn đọc về các hình thức thực hiện pháp luật và những yếu tố ảnh hưởng. Tôn trọng và thực hiện pháp luật là việc mỗi công dân nên và cần tuân thủ. Điều này sẽ giúp công dân đảm bảo quyền lợi của bản thân trước pháp luật.

Có thể bạn quan tâm

X