hieuluat
Chia sẻ email

[Giải đáp] Các loại thẻ ngân hàng hiện nay gồm những loại nào?

Thẻ ngân hàng được sử dụng phổ biến trong các giao dịch thanh toán hay mua sắm. Tuy nhiên, không phải ai cũng thực sự hiểu rõ về các loại thẻ ngân hàng mà mình đang sử dụng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các loại thẻ ngân hàng đang được sử dụng phổ biến hiện nay.

Thẻ ngân hàng là gì?

Khoản 1 Điều 3 Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định:

Thẻ ngân hàng là phương tiện thanh toán do tổ chức phát hành thẻ phát hành để thực hiện giao dịch thẻ theo các điều kiện và điều khoản được các bên thỏa thuận.

Thẻ ngân hàng là một loại thẻ được phát hành bởi các ngân hàng hoặc một số công ty tài chính để phục vụ các nhu cầu giao dịch thẻ đã được thỏa thuận bởi các bên. Thẻ ngân hàng được sử dụng như một phương tiện thay thế tiền mặt trong các giao dịch tài chính bởi tính tiện ích mà nó mang lại.

Thông thường, thẻ ngân hàng là có thiết kế là một miếng nhựa plastic, hình chữ nhật và kích cỡ tiêu chuẩn khoảng 8,5 x 5,5 cm. Trên một thẻ ngân hàng sẽ bao gồm các nội dung sau:

  • Mặt trước: Tên chủ thẻ, số thẻ, ngày hiệu lực và ngày hết hạn của thẻ, tên loại thẻ, tên và logo của ngân hàng hoặc công ty tài chính phát hành thẻ, chip thẻ (nếu có).
  • Mặt sau: Dải băng từ chứa thông tin được mã hóa, chữ ký hợp lệ của chủ thẻ, logo của tổ chức chuyển mạch thẻ trong nước.

Trước kia, các thẻ thanh toán nội địa thường là thẻ từ. Tuy nhiên theo Thông tư 22/2020/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, từ ngày 31/03/2021, tất cả thẻ thanh toán nội địa đều được chuyển sang công nghệ chip.

Các loại thẻ ngân hàng thông dụng và cách phân biệt

Có rất nhiều các loại thẻ ngân hàng khác nhau và công dụng của chúng cũng khác nhau. Dưới đây là 3 loại thẻ ngân hàng thông dụng nhất.

Hình ảnh các loại thẻ ngân hàng của một số ngân hàng lớn

Hình ảnh các loại thẻ ngân hàng của một số ngân hàng lớn (nguồn: internet)

Thẻ ghi nợ

Thẻ ghi nợ hay Debit Card cho phép chủ thẻ thực hiện các giao dịch thẻ trong phạm vi số tiền hoặc hạn mức thấu chi (nếu có) dựa trên tài khoản thanh toán của chủ thẻ được mở tại ngân hàng phát hành thẻ.

Có thể hiểu rằng, thẻ ghi nợ là loại thẻ thanh toán theo hình thức trả trước, tức là chi tiêu và giao dịch dựa vào số tiền có trong tài khoản. Các chức năng của thẻ ghi nợ là:

  • Rút tiền mặt tại các máy ATM hoặc nạp tiền mặt tại các máy CRM/CDM
  • Thanh toán hóa đơn dịch vụ bằng máy POS tại các điểm chấp nhận thẻ
  • Thanh toán hóa đơn thông qua ví điện tử hoặc các ứng dụng Thương mại điện tử đã liên kết với thẻ được đăng ký Internet Banking.
  • Truy vấn số dư tài khoản.

Có 2 loại thẻ ghi nợ, đó là:

  • Thẻ ghi nợ nội địa: Được sử dụng cho các giao dịch thanh toán trong phạm vi quốc gia. Tại Việt Nam, loại thẻ này thường được tích hợp với thẻ ATM gắn chip, do đó nhiều người đã lầm tưởng rằng thẻ ghi nợ nội địa chính là thẻ ATM.

Hiện nay, các ngân hàng thường liên kết thẻ ghi nợ nội địa với NAPAS (viết tắt của Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam) nên còn được gọi là thẻ thanh toán nội địa NAPAS

  • Thẻ ghi nợ quốc tế: Được sử dụng giống như thẻ ghi nợ nội địa nhưng phạm vi sử dụng toàn cầu. Với thẻ này, khách hàng có thể dễ dàng rút tiền hoặc thanh toán online ngay cả khi đi du lịch hoặc công tác tại nước ngoài một cách dễ dàng, nhanh chóng.

Một số thẻ ghi nợ quốc tế hiện nay là: Visa Debit, thẻ MasterCard Debit, thẻ JCB Debit…

Hiện nay, đa số các ngân hàng tại Việt Nam đang áp dụng mức lãi suất không kỳ hạn cho tất cả các khoản tiền gửi trong tài khoản của thẻ Visa Debit. Một điều cần lưu ý là, thẻ Visa Debit, thẻ NAPAS hoặc bất kỳ thẻ ghi nợ nào đều không có khả năng thanh toán cho những khoản có giá trị cao hơn số tiền có trong tài khoản.

Thẻ tín dụng

Thẻ tín dụng hay Credit Card cho phép chủ sở hữu thực hiện các giao dịch thanh toán trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ. Nói cách khác, với thẻ tín dụng chủ thẻ có thể chi tiêu trước rồi mới thanh toán tiền cho ngân hàng. Chính nhờ sự tiện ích này mà thẻ tín dụng đã được nhiều khách hàng lựa chọn sử dụng.

Hình ảnh thẻ tín dụng của ngân hàng Vietbank

Hình ảnh thẻ tín dụng của ngân hàng Vietbank (nguồn: internet)

Khi sử dụng thẻ tín dụng, khách hàng cần quan tâm đến một số thông tin sau:

  • Hạn mức tín dụng: Là số tiền tối đa mà chủ thẻ được tiêu, hạn mức này phụ thuộc vào khả năng tài chính của chủ thẻ ngay tại thời điểm mở thẻ.
  • Bảng sao kê thẻ tín dụng: Đây là bảng thể hiện tất cả các giao dịch mà chủ thẻ đã dùng thẻ để chi tiêu. Ngoài ra bảng sao kê thẻ tín dụng còn có các thông tin về số dư nợ thẻ tín dụng, ngày đến hạn thanh toán và số tiền tối thiểu cần thanh toán cho tổ chức tín dụng,
  • Thanh toán tối thiểu thẻ tín dụng: Là số tiền tối thiểu mà khách hàng cần phải trả cho tổ chức phát hành thẻ để không bị trả phí phạt hoặc không bị cho vào danh sách nợ xấu. Số tiền này khác nhau tùy theo quy định của từng ngân hàng, thông thường là 5% tổng số dư nợ.
  • Lãi suất thẻ tín dụng: Đây là mức lãi suất tính trên số dư nợ còn lại của khách hàng sau khi hết thời gian miễn lãi. Tiền dư nợ càng nhiều thì lãi suất càng lớn. Do đó, chủ thẻ nên thanh toán dư nợ càng nhiều càng tốt để hạn chế chi phí tiền lãi.

Thẻ tín dụng có các chức năng như sau:

  • Thanh toán chậm: Giúp bạn chi trả các khoản cần thiết khi không có sẵn tiền như: Mua sắm, thanh toán hóa đơn,... Thông thường, các ngân hàng sẽ áp dụng thời gian miễn lãi là 45 ngày. Sau khoảng thời gian này, khách hàng sẽ phải chịu mức lãi suất tương đương với lãi suất cho vay tính theo phần dư nợ còn lại.
  • Rút tiền mặt: Chủ thẻ có thể sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền mặt tại các máy ATM. Hạn mức rút tiền mặt cũng bằng hạn mức tín dụng của thẻ và chi phí rút tiền cũng khá ưu đãi.
  • Trả góp: Các chủ sở hữu thẻ tín dụng ngày nay có thể mua hàng trả góp tại các cửa hàng và các trang thương mại điện tử với mức lãi suất là 0%.

Thẻ tín dụng được phân thành nhiều loại dựa trên các tiêu chí khác nhau, một số cách phân loại thẻ phổ biến là:

  • Dựa trên hạng thẻ: Hạng chuẩn, hạng vàng, hạng bạch kim, mỗi hạng thẻ sẽ có điều kiện và mức hạn thẻ khác nhau.
  • Dựa trên chủ thẻ: Thẻ tín dụng doanh nghiệp, thẻ tín dụng cá nhân
  • Dựa trên phạm vi sử dụng: thẻ tín dụng nội địa và thẻ tín dụng quốc tế
  • Dựa trên mục đích sử dụng: Thẻ tích điểm, thẻ đặc quyền, thẻ dùng khi đi du lịch,...

Thẻ trả trước

Thẻ trả trước hay Prepaid card cũng cho phép chủ thẻ thực hiện thanh toán thay cho tiền mặt tương tự như thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ. Thẻ trả trước không thanh toán trước, trả tiền sau như thẻ tín dụng và cũng không kết nối trực tiếp với tài khoản ngân hàng như thẻ ghi nợ. Thẻ trả trước sẽ không có bất kỳ giá trị nào cho đến khi nạp tiền vào thẻ.

Thẻ trả trước của ngân hàng ACB

Thẻ trả trước của ngân hàng ACB (nguồn: internet)

Với thẻ trả trước, khách hàng có thể:

  • Thanh toán trực tiếp, online hoặc thanh toán qua điện thoại.
  • Làm quà tặng cho bạn bè, đối tác
  • Rút tiền mặt tại máy ATM hoặc ngân hàng.
  • Chuyển lương vào thẻ
  • Thanh toán hóa đơn điện, nước hoặc các hóa đơn khác.

Phân loại thẻ trả trước:

  • Dựa trên danh tính chủ thẻ: Thẻ trả trước định danh và thẻ trả trước vô danh.
  • Dựa trên phạm vi sử dụng của thẻ: Thẻ trả trước nội địa và thẻ trả trước quốc tế.
  • Dựa trên hình thức thẻ: Thẻ trả trước vật lý và thẻ trả trước ảo

Loại thẻ ngân hàng nào có ưu đãi nhất?

Các loại thẻ ngân hàng sẽ có các ưu đãi khác nhau dành cho chủ thẻ, mức ưu đãi này cũng phụ thuộc vào chính sách của ngân hàng phát hành thẻ.

Ví dụ:

- Thẻ ATM của ngân hàng ACB với các ưu đãi:

  • Miễn phí chi phí mở thẻ, rút tiền và phí quản lý tài khoản trong 2 năm đầu tiên.
  • Không yêu cầu số dư tối thiểu trong tài khoản.
  • Miễn phí mở tài khoản số đẹp tại nhà.

- Thẻ ATM của Techcombank với các ưu đãi:

  • Miễn phí phát hành thẻ và giao thẻ tận nhà.
  • Miễn phí rút tiền tại ATM, miễn phí chuyển khoản.
  • Được mở tài khoản số đẹp miễn phí đối với khách hàng sử dụng lần đầu.
  • Không yêu cầu số dư tối thiểu trong tài khoản.

Do đó, khách hàng nên lựa chọn loại thẻ ngân hàng phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng và khả năng tài chính của bản thân.

Một số tiêu chí để lựa chọn ngân hàng mở thẻ là:

  • Phí sử dụng thẻ: bao gồm phí phát hành, phí thường niên, phí rút tiền, phí chuyển khoản.
  • Mật độ cây ATM: Các ngân hàng có mật độ cây ATM lớn thường sẽ được khách hàng ưu tiên lựa chọn nhờ tính tiện lợi khi rút tiền hay thực hiện các giao dịch khác.
  • Hạn mức giao dịch trong ngày: Hầu hết hạn mức rút tiền trong ngày tại các cây ATM của các ngân hàng là từ 2 đến 5 triệu.
  • Độ an toàn và bảo mật của thẻ.

Trong bài viết trên, Hieuluat.vn đã giới thiệu đến bạn đọc các loại thẻ ngân hàng thông dụng nhất. Hy vọng qua những thông tin mà bài viết mang lại, bạn đọc đã có thể lựa chọn cho mình một loại thẻ ngân hàng phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

X