hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 05/05/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Cách ghi sơ yếu lý lịch chuẩn nhất và các lỗi cần tránh

Sơ yếu lý lịch là một phần vô cùng quan trọng trong hồ sơ xin việc, góp phần giúp bạn tạo ấn tượng ban đầu với các nhà tuyển dụng. Thế nhưng, không phải ai cũng biết cách ghi sơ yếu lý lịch một cách đúng nhất như thế nào. Bài viết sau sẽ giúp bạn biết cách ghi sơ yếu lý lịch đúng nhất và các lỗi thường gặp phải.

Mục lục bài viết
  • Sơ yếu lý lịch là gì?
  • Khái niệm
  • Phân loại
  • Mục đích sử dụng
  • Cách ghi sơ yếu lý lịch chuẩn nhất
Cách ghi sơ yếu lý lịch đúng nhất và các lỗi thường gặp
Cách ghi sơ yếu lý lịch đúng nhất và các lỗi thường gặp

Sơ yếu lý lịch là gì?

Sơ yếu lý lịch có nhiều loại khác nhau và được sử dụng với những mục đích tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi cá nhân.

Khái niệm

Sơ yếu lý lịch (Sơ yếu lý lịch tự thuật) là một bản kê khai về các thông tin cá nhân cơ bản, thông tin về nhân thân, tiểu sử, trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc của bản thân như: Họ và tên, năm sinh, quê quán, trình độ học vấn,...

Sơ yếu lý lịch thường được nộp cùng với hồ sơ dành cho các thủ tục hành chính như: Khi đi xin việc, nhập học, xin đi thực tập,... giúp cho người đọc có thể biết thêm về các thông tin cơ bản của bạn.

Phân loại

Sơ yếu lý lịch thường có 2 loại: Viết tay và mẫu in.

  • Viết tay: Bạn cần chuẩn bị một tờ giấy A4 và viết các mục cần kê khai vào giấy để điền các thông tin của bản thân.

  • Mẫu in: Đây là loại đơn phổ biến nhất, nó thường được sử dụng nhiều và bán sẵn kèm với các loại giấy tờ khác khi đi mua hồ sơ. Bạn chỉ cần điền vào các mục theo mẫu được in sẵn.

Mục đích sử dụng

Có vô vàn mục đích khác nhau để dùng đến sơ yếu lý lịch, sau đây là một vài lý do chính thường gặp:

  • Xin việc, ứng tuyển công việc: Sơ yếu lý lịch giúp nhà tuyển dụng biết thêm về khả năng sơ lược và kinh nghiệm làm việc của bạn đối với vị trí đang ứng tuyển có phù hợp hay không.

  • Xin nhập học: Khi muốn nhập học tại các trường trung học, đại học, bạn cần phải nộp sơ yếu lý lịch để chứng minh thân phận và trình độ học vấn của bản thân thông qua các trích ngang về quá trình học tập và sinh sống.

  • Làm thủ tục, giấy tờ hành chính: Nếu bạn đang muốn xin visa, đăng ký kết hôn, đăng ký tạm trú,... bạn cần nộp sơ yếu lý lịch để cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền xác định được các thông tin cá nhân của bạn.

Cách ghi sơ yếu lý lịch chuẩn nhất

Cách ghi sơ yếu lý lịch một cách chuẩn xác nhất sẽ có những yếu tố cần thiết đáp ứng được mục đích theo từng nhu cầu.

Các mục bắt buộc phải có

Để có một sơ yếu lý lịch đúng chuẩn, cần có một số mục bắt buộc phải có như sau:

  • Ảnh thẻ kích thước 4x6.

  • Thông tin cá nhân cơ bản: Họ và tên, giới tính, nơi sinh, năm sinh, quê quán, hộ khẩu thường và tạm trú, CMND hoặc CCCD,....

  • Trình độ học vấn, chuyên môn.

  • Thông tin về việc kết nạp Đoàn, Đảng.

  • Tình trạng sức khỏe hiện tại.

  • Hoàn cảnh gia đình: Thông tin về người thân trong gia đình như bố, mẹ, chồng hoặc vợ, anh chị em ruột,....

  • Quá trình học tập hoặc công tác: Đã từng học hoặc làm việc ở đâu? với chức vụ gì?

  • Những thông tin từng được khen thưởng hoặc kỷ luật.

  • Lời cam kết.

  • Chữ ký của bản thân kèm với đóng dấu xác nhận của địa phương nơi bạn đang cư trú để xác nhận mọi thông tin khai báo trong sơ yếu lý lịch là đúng sự thật.

Hướng dẫn cách ghi sơ yếu lý lịch

Bạn cần chuẩn bị sẵn một mẫu sơ yếu lý lịch có các mục bắt buộc và các thông tin liên quan khác để có thể ghi vào. Cách ghi sơ yếu lý lịch cụ thể như sau:

  • Mục họ và tên: Tại mục này bạn phải ghi họ tên của mình bằng chữ in hoa theo đúng thông tin trên chứng minh nhân dân (CMND) hoặc căn cước công dân (CCCD). Ví dụ: NGUYỄN VĂN A.

  • Mục giới tính: Ghi giới tính của mình theo thông tin trên giấy khai sinh. Nếu là nam thì ghi “Nam”, nếu là nữ thì ghi “Nữ”.

  • Mục ngày, tháng, năm sinh: Căn cứ vào chứng minh nhân dân (CMND) hoặc căn cước công dân (CCCD) và hộ khẩu để điền chính xác ngày, tháng, năm sinh của bản thân.

  • Mục nguyên quán: Trong mục này, bạn cần điền nơi sinh của cha đẻ hoặc ông, bà nội. Trường hợp không biết rõ về thông tin nơi sinh của bố hoặc cả bố lẫn mẹ, bạn có thể điền nơi sinh của mẹ đẻ hoặc người nuôi dưỡng.

  • Mục nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Tại mục này, bạn hãy điền chính xác, chi tiết về thôn (Số nhà, đường phố), phường (Xã), Quận (Huyện) và tỉnh thành phố theo thông tin trên sổ hộ khẩu.

  • Mục nơi ở hiện tại: Bạn hãy điền thông tin theo địa chỉ thường trú nếu hiện tại vẫn ở tại địa chỉ này và điền thông tin của chỗ ở tạm trú hiện tại nếu đang ở một địa phương khác.

  • Mục số điện thoại: Hãy điền số điện thoại mà bản thân đang sử dụng thường xuyên để tạo sự dễ dàng trong việc liên hệ trao đổi giữa đôi bên.

  • Mục dân tộc: Ghi tên dân tộc theo đúng nội dung trong CMND hoặc CCCD và hộ khẩu. Ví dụ: Dân tộc Hoa, Kinh,...

  • Mục tôn giáo: Bạn cần ghi rõ tôn giáo của bản thân: đạo Phật, đạo Thiên chúa, đạo Hồi, đạo Tin Lành,... và chức vị trong tôn giáo (Nếu có). Nếu bạn không theo bất kỳ tôn giáo nào thì điền “Không”.

  • Mục chứng minh nhân dân (CMND), căn cước công dân (CCCD): Bạn cần điền đúng số chứng minh nhân dân (CMND) hoặc căn cước công dân (CCCD) của mình và ngày, tháng, năm mà CMND hoặc CCCD này được cấp vào ô trống cho sẵn.

  • Mục trình độ văn hóa: Tại mục này bạn hãy ghi trình độ văn hóa trên thang điểm 12 tương ứng với số lớp hiện tại bạn đã và đang theo học. Ví dụ: 6/12, 12/12,...

  • Mục trình độ ngoại ngữ: Bạn có thể ghi những bằng cấp hay chứng chỉ ngoại ngữ mà bạn có hoặc bằng cấp của trường ngoại ngữ đã và đang theo học. Ví dụ: Đại học Anh ngữ, bằng IELTS 7.0, bằng TOEIC 800,...

  • Mục trình độ chuyên môn và loại hình đào tạo: Tùy thuộc vào trình độ đào tạo chuyên môn của bản thân bạn ghi trình độ dựa trên văn bằng mà mình có. Trong loại hình đào tạo, bạn cần ghi rõ học loại hình chính quy, tại chức và liệt kê đầy đủ các bằng cấp có liên quan.

  • Các mục thông tin về việc kết nạp Đoàn, Đảng và nhập ngũ: Bạn cần căn cứ vào giấy kết nạp Đoàn, Đảng và giấy thông báo nhập, xuất ngũ để điền chính xác các thông tin yêu cầu. Trường hợp chưa kết nạp Đoàn, Đảng hay nhập ngũ, bạn có thể để trống các mục này.

  • Mục quá trình hoạt động của bản thân: Bạn nên ghi một cách tóm tắt và có chọn lọc những thông tin, mốc sự kiện quan trọng từ khi còn đi học đến lúc đi làm.

  • Mục Khen thưởng, kỷ luật: Ghi rõ những phần khen thưởng đã đạt được hoặc kỷ luật trong quá trình học tập và làm việc. Trường hợp không có thì có thể bỏ qua mục này.

  • Xác nhận các thông tin đã điền là chính xác, đúng sự thật và ký vào mục chữ ký.

Lưu ý: Sơ yếu lý lịch hợp lệ cần phải có đóng dấu xác nhận tại cơ quan địa phương đang cư trú.

Cách ghi các thông tin trong bản sơ yếu lý lịch một cách chuẩn xác nhất
Cách ghi các thông tin trong bản sơ yếu lý lịch một cách chuẩn xác nhất

Một số mẫu sơ yếu lý lịch

Dưới đây là một số mẫu sơ yếu lý lịch phổ biến, mới nhất hiện nay đang được sử dụng rộng rãi:

  • Mẫu dành cho những đối tượng không phải cán bộ, công chức, viên chức

Mẫu sơ yếu lý lịch số 1

Mẫu sơ yếu lý lịch số 1

Mẫu sơ yếu lý lịch số 2

Mẫu sơ yếu lý lịch số 2

  • Mẫu sơ yếu lý lịch giấy 2C-BNV/2008 và 2C/TCTW-98 dành cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đã được thay thế bằng sơ yếu lý lịch điện tử từ năm 2023 theo Quyết định 893/QĐ-TTg 2020.

Các lỗi cần tránh và một số câu hỏi về ghi sơ yếu lý lịch

Trong quá trình ghi sơ yếu lý lịch, nhiều người thường gặp phải một số lỗi và có các câu hỏi sau:

Các lỗi cần tránh

Các lỗi thường gặp khi ghi sơ yếu lý lịch là:

  • Thông tin điền không nhất quán với thông tin trong CMND hoặc CCCD.

  • Sử dụng nhiều hơn 1 màu mực, kiểu chữ, phông chữ để kê khai thông tin sơ yếu lý lịch.

  • Tẩy xóa, ghi đè thông tin trong sơ yếu lý lịch.

  • Kê khai thông tin quá dài dòng, không cần thiết.

Một số câu hỏi thường gặp về cách ghi sơ yếu lý lịch

Một số câu hỏi thường được nhiều người thắc mắc như sau:

  • Có được tẩy xóa trong sơ yếu lý lịch không?

Trong sơ yếu lý lịch chúng ta không được tẩy xóa. Trường hợp đã ghi sai, bạn hãy gạch chéo và ghi lại ở bên cạnh hoặc mua từ 2 bản sơ yếu lý lịch trở lên để phòng trường hợp muốn thay đổi thông tin khi sai sót.

  • Sơ yếu lý lịch mua ở đâu?

Sơ yếu lý lịch có thể mua tại các cửa hàng văn phòng phẩm, nhà sách và nó thường được bán kèm với bộ hồ sơ xin việc.

Cần cẩn thận để tránh những sai sót không đáng có khi kê khai sơ yếu lý lịch
Cần cẩn thận để tránh những sai sót không đáng có khi kê khai sơ yếu lý lịch

Kết luận

Trên đây là cách ghi sơ yếu lý lịch đúng nhất và các lỗi thường gặp phải. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn nhiều thông tin bổ ích về cách ghi sơ yếu lý lịch và những lỗi, câu hỏi thường gặp phải khi kê khai thông tin trong sơ yếu lý lịch.

Có thể bạn quan tâm

X