hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 31/05/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Chi phí cơ hội là gì? Tại sao phải tính chi phí cơ hội?

Trong quá trình xem xét và đưa ra các quyết định kinh doanh đầu tư, các chủ doanh nghiệp, các nhà đầu tư cần phải quan tâm đến một loại chi phí gọi là chi phí cơ hội. Vậy chi phí cơ hội là gì? Làm thế nào để tính được chi phí cơ hội? Chúng tôi sẽ giải đáp những vấn đề này trong nội dung bài viết dưới đây.

Mục lục bài viết
  • Chi phí cơ hội là gì?
  • Cách tính chi phí cơ hội
  • Lý do khiến chúng ta nên tính chi phí cơ hội là gì?
  • So sánh chi phí cơ hội và chi phí chìm
  • So sánh chi phí cơ hội và rủi ro

Chi phí cơ hội là gì?

Không có định nghĩa cụ thể cho chi phí cơ hội nhưng có thể hiểu chi phí cơ hội thể hiện những lợi ích tiềm năng mà một cá nhân, nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp bỏ lỡ khi lựa chọn phương án này thay vì phương án khác.

Để đánh giá đúng chi phí cơ hội, chi phí và lợi ích của mọi lựa chọn phải được xem xét và so sánh với những lựa chọn khác.

Chi phí cơ hội không xuất hiện trực tiếp trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhưng lại có ý nghĩa rất thực tế về mặt kinh tế. Tuy nhiên, vì chi phí cơ hội là một khái niệm tương đối trừu tượng nên nó dễ bị bỏ qua trong cuộc sống hoặc cả trong các doanh nghiệp.

Chi phí cơ hội là gì?

Chi phí cơ hội là gì? (nguồn: internet)

Cách tính chi phí cơ hội

Công thức tính chi phí cơ hội:

OC = FO - CO

Trong đó:

  • OC: Chi phí cơ hội (Opportunity Cost).

  • FO: Lợi nhuận của lựa chọn tốt nhất bị bỏ qua.

  • CO: Lợi nhuận của lựa chọn được chọn.

Có thể hiểu công thức tính chi phí cơ hội chỉ đơn giản là sự chênh lệch giữa lợi nhuận kỳ vọng của mỗi lựa chọn. Để hiểu hơn về cách tính chi phí cơ hội, hãy xem xét một ví dụ sau đây:

Bạn có một khoản tiền 100 triệu và bạn đang phân vân giữa hai lựa chọn:

  • Lựa chọn thứ nhất: Đầu tư chứng khoán với mức lợi nhuận ước tính khoảng 15 triệu/năm.

  • Lựa chọn thứ hai: Gửi tiết kiệm ngân hàng với lãi suất khoảng 8 triệu/năm.

Chi phí cơ hội của việc lựa chọn phương án gửi tiết kiệm ngân hàng sẽ là:

15 - 8 = 7 triệu.

Nói cách khác nếu lựa chọn gửi tiết kiệm ngân hàng thì bạn đã bỏ qua cơ hội kiếm được lợi nhuận cao hơn.

Ví dụ 2: Bạn trúng xổ số một khoản tiền là 500 triệu đồng và bạn đang có 3 sự lựa chọn

  • Thứ nhất, bạn dùng 500 triệu mua một chiếc ô tô để kinh doanh với mức lợi nhuận dự kiến khoảng 50 triệu/năm

  • Thứ hai, gửi tiết kiệm ngân hàng với mức lãi suất 40 triệu/năm.

  • Thứ ba, đầu tư chứng khoán với mức lợi nhuận khoảng 60 triệu/năm.

Giả sử trong tình huống này, bạn lựa chọn phương án thứ hai (gửi tiết kiệm ngân hàng) và lựa chọn tốt nhất là phương án ba (đầu tư chứng khoán) thì chi phí cơ hội ở đây là: 60 - 40 = 20 triệu đồng.

Cần lưu ý rằng, chi phí cơ hội là chi phí của phương án tốt nhất bị bỏ lỡ chứ không phải chi phí của tất cả phương án bởi bạn không thể thực hiện cùng lúc nhiều dự án với nguồn lực hạn chế được.

Chi phí cơ hội cũng không nhất định là chi phí kinh tế mà còn nhiều yếu tố vô hình khác như cảm xúc, cơ hội, kinh nghiệm, văn hóa,.. Điều này dẫn đến có đôi khi một lựa chọn có giá trị kinh tế hơn nhưng chi phí cơ hội lại nhỏ hơn.

Lý do khiến chúng ta nên tính chi phí cơ hội là gì?

Trong cuộc sống chúng ta phải đối mặt với rất nhiều sự lựa chọn bởi chúng ta thường không có đủ nguồn lực để thực hiện tất cả mong muốn. Việc tính toán chi phí cơ hội là gì sẽ giúp đưa ra các quyết định sáng suốt hơn.

Chi phí cơ hội càng quan trọng với những người chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư bởi mỗi lựa chọn mà họ đưa ra không chỉ tác động đến một cá nhân mà sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cả tập thể, cả công ty.

Chi phí cơ hội có thể không chỉ ra lựa chọn tốt nhất ngay lập tức; tuy nhiên, sau khi đánh giá lại tất cả các biến số, có thể nhận ra rằng lựa chọn này sẽ tốt hơn lựa chọn kia như thế nào và "tổn thất" đã phải gánh chịu do chi phí cơ hội.

Xác định chi phí cơ hội để có những lựa chọn đúng đắn

Xác định chi phí cơ hội để có những lựa chọn đúng đắn (nguồn: internet)

So sánh chi phí cơ hội và chi phí chìm

Chi phí chìm là tiền đã được chi tiêu trong quá khứ, trong khi chi phí cơ hội là lợi nhuận bị bỏ qua trong tương lai đối với một khoản đầu tư vì vốn đã được đầu tư vào lựa chọn khác. Khi tính toán chi phí cơ hội, tất cả chi phí chìm phát sinh trước đó đều bị bỏ qua trừ khi những chi phí chìm đó tạo ra những biến đổi trong kết quả.

Ví dụ, bạn mua 100 cổ phiếu của công ty A với giá 200.000 đồng một cổ phiếu, như vậy chi phí chìm là 20.000.000 đồng. Đây là số tiền được dùng để đầu tư và nếu muốn lấy lại số tiền đó thì phải thanh lý cổ phiếu. Còn chi phí cơ hội đưa ra vấn đề 20.000.000 đồng đó nên đầu tư vào đâu để mang về nhiều lợi ích hơn.

Một điểm khác biệt nữa là chi phí cơ hội được sử dụng để dự tính chiến lược và sẽ không xuất hiện trong các báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Trong khi đó, chi phí chìm là chi phí kế toán và phải được ghi nhận vào sổ sách.

So sánh chi phí cơ hội và rủi ro

Trong kinh tế học, rủi ro mô tả khả năng chênh lệch giữa lợi nhuận thực tế và lợi nhuận dự kiến ​​của một khoản đầu tư, nhà đầu tư có thể sẽ mất một phần hoặc toàn bộ khoản đầu tư ban đầu. Chi phí cơ hội cho biết khả năng mang lại lợi nhuận của khoản đầu tư đã chọn thấp hơn lợi nhuận của khoản đầu tư đã bỏ qua.

Có thể hiểu rằng, sự khác biệt giữa chi phí cơ hội và rủi ro đó là: Rủi ro so sánh lợi nhuận thực tế của một khoản đầu tư với lợi nhuận dự kiến ​​của chính khoản đầu tư đó, trong khi chi phí cơ hội so sánh lợi nhuận thực tế của khoản đầu tư này với lợi nhuận thực tế của một khoản đầu tư khác.

Ưu và nhược điểm của việc xác định chi phí cơ hội

Không thể phủ nhận những ưu điểm của việc tính toán chi phí cơ hội mang lại, song nó cũng tồn tại nhiều nhược điểm, hãy cùng tìm hiểu ưu và nhược điểm của chi phí cơ hội là gì nhé!

Ưu điểm

  • Nhận thức được cơ hội bị mất: Chi phí cơ hội khiến con người phải xem xét thực tế khi đứng trước những lựa chọn. Điều này sẽ giúp có được những quyết định sáng suốt hơn và lợi ích thu được cũng nhiều hơn

  • So sánh giá trị tương đối và lợi ích của các lựa chọn để quyết định lựa chọn nào sẽ mang đến cho bạn nhiều giá trị nhất.

Nhược điểm

  • Tốn nhiều thời gian: Bạn cần phải có thời gian để tìm kiếm thông tin, nghiên cứu các khía cạnh khác nhau của các lựa chọn, so sánh nhiều vấn đề khác nhau. Trong những tình huống phải đưa ra quyết định nhanh chóng thì không thể áp dụng được chi phí này.

  • Thiếu tính kế toán: Chi phí cơ hội rất hữu ích trong việc đưa ra các quyết định song nó là ích lợi phi tiền tệ, do đó không được thể hiện trong các báo cáo, sổ sách.

3 bí quyết giúp nắm bắt cơ hội trong cuộc sống

Xác định chi phí cơ hội khi đứng trước các lựa chọn sẽ giúp bạn có lựa chọn sáng suốt nhất, có một số bí quyết giúp bạn nắm bắt các cơ hội trong cuộc sống, đó là:

Cân nhắc kỹ mọi vấn đề

Khi đứng trước nhiều cơ hội đến cùng một lúc, cần tỉnh táo để tính toán chi phí cơ hội và xem xét sự phù hợp của mỗi cơ hội đó với khả năng hiện tại của bạn. Hãy nhớ rằng, lựa chọn tốt nhất không bằng lựa chọn phù hợp nhất.

Nắm bắt các cơ hội trong cuộc sống nhờ chi phí cơ hội

Nắm bắt các cơ hội trong cuộc sống nhờ chi phí cơ hội (nguồn: internet)

Hiểu rõ điều mà bản thân mong muốn

Hãy xác định rõ mục tiêu của bản thân trước khi lựa chọn bất cứ điều gì. Mục tiêu sẽ là kim chỉ nam giúp bạn tìm ra cơ hội phù hợp và nắm bắt nó ngay lập tức. Nếu không có mục tiêu rõ ràng, bạn sẽ dễ bị phân vân, mắc kẹt và kết quả là đánh mất cơ hội.

Tính toán chi phí cơ hội

Tính toán chi phí cơ hội giúp bạn so sánh ưu nhược điểm của các phương án, hình dung rõ ràng những điều bạn sẽ nhận được hoặc mất đi khi lựa chọn các phương án, từ đó lựa chọn được phương án tốt nhất cho bản thân.

Trên đây là mọi thông tin về chi phí cơ hội mà Hieuluat.vn muốn chia sẻ với bạn. Nếu bạn vẫn chưa hiểu chi phí cơ hội là gì hoặc bất kỳ vấn đề nào liên quan, hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp nhé!

Có thể bạn quan tâm

X