Chính sách kinh tế mới có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với công cuộc xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa. Để biết được chính sách kinh tế mới bắt đầu từ đâu và có nội dung gì. Hãy cùng chúng tôi theo dõi bài viết về chính sách kinh tế mới sau đây nhé!
Chính sách kinh tế mới là gì?
Chính sách kinh tế mới là các chính sách thể hiện sự chuyển đổi từ nền kinh tế do Nhà nước nắm độc quyền sang nền kinh tế nhiều thành phần được kiểm soát bởi nhà nước.
Những chính sách này đổi mới về các lĩnh vực của nền kinh tế là nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp và tiền tệ. Từ đó, nhằm đáp ứng yêu cầu khôi phục, xây dựng nước Nga Xô Viết trong điều kiện cũng như hoàn cảnh kinh tế - xã hội cực kỳ khủng hoảng sau khi kết thúc cuộc nội chiến ở Nga và chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
Chính sách kinh tế mới được xem là bước tiến của lý luận về kinh tế chính trị thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Chính sách kinh tế mới bắt đầu từ đâu?
Chính sách kinh tế mới ra đời vào năm 1921 do Lênin khởi xướng
Sau khi đánh bại quân đội 14 nước đế quốc và bọn nội phản, nước Nga bước vào thời kỳ hòa bình xây dựng chế độ mới với nhiều khó khăn to lớn:
- Nền kinh tế của đất nước bị tàn phá hết sức nghiêm trọng: Sản lượng nông nghiệp chỉ bằng ½ so với trước chiến tranh, sản lượng công nghiệp chỉ bằng 1/7 so với trước chiến tranh,....
- Tình hình chính trị xã hội bất ổn: Các lực lượng phản cách mạng điên cuồng chống phá gây bạo loạn ở nhiều nơi, nông dân ở nhiều nơi tỏ ra bất mãn với chính sách Cộng sản thời chiến.
Chính sách cộng sản thời chiến bao gồm các chính sách như:
- Nhà nước tiến hành kiểm soát việc sản xuất và phân phối sản phẩm công nghiệp,
- Thực hiện thi hành chế độ nghĩa vụ toàn dân theo nguyên tắc không làm thì không ăn.
- Nhà nước trưng thu lương thực thừa của nông dân, độc quyền mua bán lúa mì để cung cấp cho thành thị và quân đội
- Cấm buôn bán trao đổi sản phẩm trên thị trường đặc biệt là lúa mì, thực hiện chế độ tem phiếu và phân phối trực tiếp bằng hiện vật cho người tiêu dùng.
Sau khi chiến tranh chấm dứt, chính sách cộng sản thời chiến đã lạc hậu, không còn phù hợp với tình hình mới khiến cho người dân trở nên bất bình.
Trước tình hình đó, vào tháng 3 năm 1921, Đảng Bôn-Sê-Vích Nga đã đưa ra quyết định thực hiện Chính sách kinh tế mới (NEP) do Lênin khởi xướng.
Như vậy, chính sách kinh tế mới bắt đầu từ năm 1921 sau khi kết thúc cuộc nội chiến ở Nga Xô Viết và chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
Nội dung của chính sách kinh tế mới là gì?
Chính sách kinh tế mới bao gồm những đổi mới về các lĩnh vực của nền kinh tế
Ở nội dung trên, các bạn đã biết được chính sách kinh tế mới bắt đầu từ đâu. Tiếp theo sẽ tìm hiểu về nội dung của chính sách kinh tế mới với những đổi mới về nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp và tiền.
- Thứ nhất, về nông nghiệp:
Nhà nước thực hiện chuyển đổi từ chế độ trưng thu lương thực sang chế độ thu thuế lương thực. Thuế lương thực nộp dưới hình thức hiện vật. Chính sách thuế lương thực đánh dấu sự chuyển biến mới về chất trong liên minh công nông lúc bấy giờ. Chính sách này gồm các nội dung sau:
+ Đầu tiên, nhà nước phải xác định trước và ổn định mức thuế lương thực cho nông dân
+ Khi người nông dân nộp đủ số thuế đã quy định trước mùa gieo hạt thì được quyền sử dụng số lương thực dư thừa cũng như được tự do bán ra ngoài thị trường để mua những sản phẩm công nghiệp cần thiết. Nếu sản xuất càng nhiều thì người nông dân bán ra càng nhiều và thu nhập ngày càng cao.
Chính sách Thuế lương thực đã làm cho đời sống của nhân dân được cải thiện cũng như khôi phục và phát triển kinh tế.
- Thứ hai, về công nghiệp:
Nhà nước chú trọng khôi phục công nghiệp nặng. Bên cạnh đó, cho phép tư nhân được thuê hoặc xây dựng những xí nghiệp loại nhỏ với số lượng dưới 20 công nhân và được kiểm soát bởi Nhà nước.
Nhà nước thực hiện một số Chính sách tiến bộ trong công nghiệp như:
+ Khuyến khích, tạo điều kiện cho tư bản nước ngoài thực hiện đầu tư, kinh doanh ở Nga.
+ Thực hiện chấn chỉnh việc tổ chức, quản lý sản xuất công nghiệp. Đa phần các xí nghiệp chuyển sang chế độ tự hạch toán kinh tế cũng như cải tiến chế độ tiền lương nhằm nâng cao năng suất lao động.
- Thứ ba, về thương nghiệp:
Tư nhân được phép tự do buôn bán trao đổi hàng hóa trên thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của đời sống xã hội. Đồng thời, nhà nước mở lại các chợ, thực hiện chính sách khôi phục nền kinh tế thương nghiệp và đẩy mạnh mối liên hệ kinh tế, xã hội giữa thành thị và nông thôn.
- Thứ tư là về chính sách tiền tệ:
Vào năm 1924, nhà nước đã phát hành đồng rúp mới thay thế cho đồng tiền cũ.
Ý nghĩa và tác dụng của chính sách kinh tế mới
Chính sách kinh tế mới đã giúp nước Nga Xô Viết khôi phục nền kinh tế
Chính sách kinh tế mới có ý nghĩa rất lớn. Đây là sự chuyển đổi kịp thời, đầy sáng tạo từ nền kinh tế nhà nước nắm độc quyền về mọi mặt sang nền kinh tế nhiều thành phần và tự do buôn bán được kiểm soát bởi nhà nước.
Nhờ vào chính sách kinh tế mới mà nền kinh tế nước Nga Xô Viết đã có những chuyển biến rõ nét. Chính sách kinh tế mới đã đáp ứng được yêu cầu của các quy luật kinh tế trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội là nền kinh tế hàng hóa và nhiều thành phần.
Điều này đã tạo điều kiện cho sự phát triển của lực lượng sản xuất. Trong một thời gian ngắn, Nhân dân Nga Xô Viết đã vượt qua được những khó khăn to lớn, tích cực sản xuất và hoàn thành công cuộc khôi phục nền kinh tế. Nước Nga thoát khỏi khủng hoảng về kinh tế, chính trị và xã hội .
Cụ thể là đến cuối năm 1922 Liên xô đã vượt qua được nạn đói. Đến năm 1925, ngành nông nghiệp của Liên Xô đã vượt mức trước chiến tranh, cung cấp 87% sản phẩm.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp cũng được phục hồi với tổng sản lượng công nghiệp năm 1925 so với năm 1913 đạt 75,5% và đến năm 1926 thì khôi phục đạt 100%.
Đồng thời, kế hoạch điện khí hóa được thực hiện có hiệu quả, ngành điện cơ khí chế tạo cũng như nhiều xí nghiệp công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm đã đạt và vượt mức trước chiến tranh.
Trong thực hiện chính sách mới, thương nghiệp được xem là ngành trọng yếu mà nhà nước phải đem toàn lực để khôi phục lại.Vì thế, thương nghiệp đã được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ với tổng mức lưu chuyển hàng hóa năm 1926 đạt gấp 2 lần năm 1924 và quan hệ buôn bán được mở rộng với hơn 40 quốc gia theo nguyên tắc độc quyền ngoại thương.
Có thể thấy được nhờ vào chính sách kinh tế mới mà ngân sách của Nhà nước Xô Viết được củng cố lại. Cụ thể là ngân sách nhà nước giai đoạn năm 1925-1926 tăng lên gần 5 lần so với giai đoạn 1922-1923.
Vào năm 1921, ngân hàng nhà nước được lập lại và đã tiến hành các đợt đổi tiền vào năm 1922, 1923. Từ đó, giá trị đồng rúp được tăng lên và có tác dụng lớn trong việc áp dụng chế độ hạch toán kinh tế nhằm góp phần khôi phục kinh tế.
Những thành quả khôi phục đạt được khi thực hiện chính sách kinh tế mới là tiền đề để nước Nga vững bước tiếp tục bước vào thời kỳ xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa. Điều này cho thấy sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Bôn Sê Vích và Lênin.
Chính sách kinh tế mới còn có ý nghĩa to lớn đối với công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở một số nước, để lại bài học kinh nghiệm quý báu để áp dụng cho những nước có hoàn cảnh, điều kiện kinh tế và xã hội tương tự.
Qua bài viết, các bạn đã biết được chính sách kinh tế mới bắt đầu từ đâu. Hy vọng những thông tin về chính sách kinh tế mới được chia sẻ trong bài viết hữu ích với bạn