hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 17/02/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Chức năng của pháp luật là gì? Tác động của pháp luật với kinh tế, xã hội

Pháp luật có giữ vai trò chức năng quan trọng để xã hội ổn định và phát triển. Hệ thống pháp luật hoàn chỉnh sẽ giúp điều chỉnh các hoạt động của con người và xã hội. Trong nội dung của bài viết này, mời độc giả cùng Hieuluat tìm hiểu rõ hơn về chức năng của pháp luật và tác động của pháp luật đến xã hội, kinh tế.

Mục lục bài viết
  • Hiểu rõ về khái niệm chức năng
  • Chức năng của pháp luật là gì?
  • Chức năng điều chỉnh
  • Chức năng bảo vệ
  • Chức năng giáo dục

Hiểu rõ về khái niệm chức năng

Chức năng là một khái niệm có khá nhiều ý nghĩa. Theo các nghiên cứu xã hội, chức năng có thể được hiểu là:

  • Tổng thể tất cả các kết quả tích cực hay tiêu cực của hoạt động, quá trình, hiện tượng xã hội nào đó.

  • Tổng thể các quá trình diễn ra trong phạm vi của chủ thể được nghiên cứu.

  • Sự lệ thuộc lẫn nhau của các nhân tố.

Chức năng của pháp luật được phân tích dựa trên tác động của chúng lên các quan hệ xã hội
Chức năng của pháp luật được phân tích dựa trên tác động của chúng lên các quan hệ xã hội

Như vậy, nếu đi tìm hiểu chức năng của pháp luật là gì, chúng ta có thể phân tích những tác động của chúng đến các mối quan hệ của xã hội. Tất các các mối quan hệ chịu ảnh hưởng của pháp luật sẽ được nghiên cứu trong phạm vi chức năng của pháp luật.

Chức năng của pháp luật là gì?

Pháp luật có 4 loại chức năng cơ bản bào gồm: điều chỉnh, bảo vệ, giáo dục và giao tiếp:

Chức năng điều chỉnh

Một trong các chức năng của pháp luật chính là điều chỉnh. Các quy định pháp luật được đặt ra sẽ hướng tới việc điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội. Chức năng điều chỉnh quan hệ xã hội của pháp luật được thực hiện theo hai hướng:

  • Hướng ghi nhận các mối quan hệ chủ yếu của xã hội.

  • Bảo đảm cho sự phát triển của các quan hệ xã hội.

Do đó, chức năng điều chỉnh sẽ cho thấy rõ vai trò và giá trị xã hội của pháp luật. Pháp luật vừa giúp thiết lập trật tự, vừa tạo điều kiện phát triển của các mối quan hệ xã hội theo hướng phù hợp với tư tưởng của giai cấp thống trị. Không dừng lại ở đó, pháp luật còn thực hiện điều chỉnh các mối quan hệ xã hội để thích hợp với quy luật vận động khách quan xã hội.

Chức năng bảo vệ

Chức năng bảo vệ là công cụ bảo vệ những mối quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh, kiểm soát. Điều này được thể hiện rất rõ ở các biện pháp cưỡng chế, biện pháp xử phạt khi xuất hiện các hành vi vi phạm quy định pháp luật xâm phạm đến mối quan hệ xã hội.

Theo quy định của pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền áp dụng chế tài xử phạt đối với những chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật. Ví dụ: Chủ thể có hành vi đánh người gây thương tích sẽ chịu chế tài xử phạt Luật hình sự có hành vi xâm phạm tính mạng sức khoẻ con người và buộc bồi thường Luật dân sự vì gây thiệt hại tài sản.

Pháp luật có chức năng bảo vệ quan hệ xã hội
Pháp luật có chức năng bảo vệ quan hệ xã hội

Chức năng giáo dục

Chức năng giáo dục của pháp luật khiến cho con người xử sự phù hợp với quy định các trong quy phạm pháp luật. Chức năng của pháp luật này được thực hiện thông qua việc tác động vào ý thức của con người. Hình thức giáo dục được phổ biến nhất chính là tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thêm vào đó, việc xử lý công khai, minh bạch, nghiêm minh những cá nhân, tổ chức vi phạm để tạo nên tính răn đe cũng là hình thức giáo dục pháp luật có hiệu quả cao.

Chức năng giao tiếp

Giao tiếp là chức năng cơ bản của pháp luật. Chức năng giao tiếp có ý nghĩa rất lớn ở khía cạnh quản lý sự phát triển xã hội. Việc giao tiếp của các mối quan hệ trong xã hội là sự liên quan chặt chẽ giữa việc tiếp nhận, lưu giữ và sử dụng thông tin xã hội. Trong đó, thông tin pháp luật cũng là một dạng của thông tin xã hội nhưng chúng lại mang tính chất mệnh lệnh, quy định.

Thông qua các quy phạm pháp luật, Nhà nước và các chủ thể thực hiện giao tiếp với nhau theo hướng: hành vi cho phép, hành vi bị nghiêm cấm.

Pháp luật là công cụ giao tiếp giữa chủ thể của quan hệ xã hội
Pháp luật là công cụ giao tiếp giữa chủ thể của quan hệ xã hội

Tác động của pháp luật đối với nền kinh tế

Pháp luật có những tác động quan trọng đến nền kinh tế. Hay có thể nói, Nhà nước thông qua pháp luật để quản lý, điều hành nền kinh tế. Pháp luật mang đến những đóng góp tích cực trong việc: tổ chức, quản lý, điều tiết kinh tế. Những đặc điểm quan trọng cho thất tác động của pháp luật đến nền kinh tế cụ thể là:

Pháp luật xác định cụ thể chế độ, thành phần, những hình thức sở hữu, chính sách,… của nền kinh tế kinh tế. Do đó, pháp luật có tác động trực tiếp đến cơ cấu các ngành, sự ổn định và sự tăng trưởng và của toàn nền kinh tế. Hiện nay ở thị trường kinh tế của Việt Nam, tư tưởng định hướng xã hội chủ nghĩa có ảnh hưởng chi phối rất lớn đến sự phát triển kinh tế thị trường. Quan điểm, tưởng và đường lối chỉ đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố sâu sa quyết định hướng phát triển của nền kinh tế của Việt Nam.

Pháp luật chi phối nền kinh tế thông qua các quy định của luật pháp
Pháp luật chi phối nền kinh tế thông qua các quy định của luật pháp

Pháp luật thể chế hóa những chính sách kinh tế của Nhà nước. Các hợp đồng kinh tế, quy trình, thủ tục thành lập, hoạt động tổ chức kinh tế được điều chỉnh bởi pháp luật. Bên cạnh đó, pháp luật là cơ sở để giải quyết tất cả các tranh chấp kinh tế. Hệ thống pháp luật sẽ đảm bảo vệ quyền và lợi ích chính các chủ thể trong các mối quan hệ liên quan đến kinh tế. Điều này sẽ giúp Nhà nước quản lý các tổ chức kinh tế và nền kinh tế có hiệu quả.

Tác động của pháp luật đối với công dân, xã hội

Pháp luật là phương tiện để Nhà nước thể hiện chức năng quan trọng là quản lý, kiểm soát xã hội. Thông qua pháp luật, Nhà nước có thể triển khai những chủ trương, chính sách một cách nhất quán, hiệu quả và nhanh nhất trên phạm vi toàn xã hội.

Tác động với công dân

Pháp luật là phương tiện giáo dục con người. Thông qua các quy định của pháp luật, công dân sẽ nhận thức được trách nhiệm của bản thân cho việc xây dựng dân giàu nước mạnh và sự nghiệp bảo vệ đất nước. Bên cạnh đó, pháp luật cũng giúp giáo dục con người tôn trọng những quy tắc của đời sống cộng đồng; giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc. Ý nghĩa giáo dục của pháp luật được thể hiện rõ ở việc khen thưởng hay xử phạt đối với các hành vi thực hiện pháp luật của chủ thể hành vi.

Đối với công dân, pháp luật còn là phương tiện bảo vệ lợi ích, quyền lợi. Các quy định pháp luật thiết lập và bảo vệ trật tự xã hội nhằm đảm bảo sự bình yên và phát triển toàn diện cho công dân. Pháp luật cũng xây dựng các biện pháp phòng ngừa, xử lý đối với các hiện tượng, hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến mỗi công dân.

 

Pháp luật là phương tiện bảo vệ quyền lợi của công dân
Pháp luật là phương tiện bảo vệ quyền lợi của công dân

Tác động đến xã hội

Pháp luật là vũ khí chống lại các lực lượng chống đối trong xã hội. Nhà nước thông qua pháp luật để củng cố và phát triển quyền lực. Thêm vào đó, pháp luật phương tiện để Nhà nước định hướng cho sự phát triển của xã hội. Đường lối, chính sách của giai cấp cầm quyền được thể hiện rất rõ thông qua các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung trong quan hệ xã hội.

Như vậy, chức năng của pháp luật có tác động đến các mối quan hệ trong toàn xã hội ở mọi lĩnh vực. Đối với Nhà nước, pháp luật chính là công cụ để quản lý các hoạt động xã hội theo hướng nhất quán và ổn định. Thông qua pháp luật, trật tự của xã hội được kiểm soát và các xung đột trong quan hệ được giải quyết theo tư tưởng của giai cấp cầm quyền.

Có thể bạn quan tâm

X