hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 02/03/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Cơ sở quan trọng của hợp tác là gì? Nguyên tắc trong hợp tác

Thế nào là hợp tác? Đối với các bên, cơ sở quan trọng của hợp tác là gì? Hợp tác bao gồm những nguyên tắc nào? Hợp tác đóng vai trò thế nào đối với sự phát triển của nước ta? Để tìm hiểu về vấn đề này, chúng ta hãy cùng xem bài viết dưới đây nhé.

 
Mục lục bài viết
  • Hợp tác là gì?
  • Cơ sở quan trọng của hợp tác là gì?
  • Mối quan hệ hợp tác cùng phát triển dựa trên nguyên tắc nào?
  • Nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện trong hợp tác
  • Nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, không gây hại đến lợi ích của người khác trong hợp tác

Hợp tác là gì?

Hợp tác là quá trình cùng nhau nỗ lực, góp sức, hỗ trợ lẫn nhau làm việc trong một lĩnh vực nào đó nhằm đạt được một mục tiêu chung giữa các cá nhân hoặc tập thể. 

Ví dụ, Việt Nam và Hàn Quốc có mối quan hệ hợp tác phát triển kinh tế ổn định. Hàn Quốc hiện là một trong những nước đứng top đầu về việc đầu tư vào Việt Nam, là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. 

Đối với Hàn Quốc, Việt Nam là một trong những nước trọng tâm ở khối ASEAN nằm trong chiến lược phát triển của Hàn Quốc. Việt Nam có nguồn đầu tư phát triển kinh tế, Hàn Quốc có được nguồn lao động trẻ dồi dào ở Việt Nam. 

Hiện nay, việc hợp tác tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau:

  • Hợp tác song phương, hợp tác đa phương. Hợp tác song phương chính là hợp tác chỉ có đôi bên. Hợp tác đa phương chính là mối quan hệ hợp tác giữa nhiều bên với nhau.

  • Hợp tác toàn diện đa lĩnh vực giữa các cá nhân, tập thể, dân tộc hoặc quốc gia với nhau. Hiện nay, hình thức hợp tác này dần trở thành xu thế cả trong và ngoài nước. 

Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác cùng nhau phát triển kinh tế dựa trên cơ sở quan trọng của hợp tác là bình đẳng, đôi bên cùng có lợi
Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác cùng nhau phát triển kinh tế dựa trên cơ sở quan trọng của hợp tác là bình đẳng, đôi bên cùng có lợi


Cơ sở quan trọng của hợp tác là gì?

Đối với các bên, cơ sở quan trọng của hợp tác là bình đẳng và đôi bên cùng có lợi. Cơ sở này đảm bảo tính công bằng của việc hợp tác giữa các bên. Mối quan hệ hợp tác bắt buộc hình thành dựa trên cơ sở này mới có thể tồn tại bền vững và phát triển. 

Ví dụ, chính sách của nước ta trong vấn đề ngoại giao, hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên thế giới đều dựa trên cơ sở bình đẳng, đôi bên cùng có lợi để cùng nhau phát triển.

Mối quan hệ hợp tác cùng phát triển dựa trên nguyên tắc nào?

Dù là hợp tác dưới hình thức đa phương hay song phương, hoặc là hợp tác toàn diện các lĩnh vực cùng nhau phát triển, các bên đều cần phải tuân thủ các nguyên tắc dưới đây:

Nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện trong hợp tác

Bình đẳng chính là địa vị, quyền lợi giữa các bên ngang bằng nhau, không bên nào hơn bên nào. Trong hợp tác, bình đẳng đảm bảo tính công bằng về quyền lợi, nghĩa vụ giữa các bên với nhau. Tránh trường hợp xảy ra mâu thuẫn trong lúc hợp tác do sự bất đồng về quyền lợi và nghĩa vụ.

Bên cạnh đó, các bên hợp tác với nhau trong tâm thế tự nguyện, không bị ép buộc bởi một cá nhân hoặc thế lực nào đó. Việc hợp tác sẽ dễ dàng hình thành, ổn định và phát triển nếu như các bên tương đồng về mặt lợi ích cũng như nghĩa vụ mà các bên phải thực hiện. 

Các hợp đồng thương mại giữa các đối tác, doanh nghiệp với nhau  đều được soạn thảo dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện giữa các bên. Dù là hợp tác ở bất cứ hình thức nào, bất kể lĩnh vực gì, nguyên tắc này lúc nào cũng đóng vai trò là một quy luật bất di bất dịch mà các bên cần phải tuân thủ trong hợp tác.

Nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, không gây hại đến lợi ích của người khác trong hợp tác

Mục đích của việc hợp tác chính là đạt được mục đích chung trong lĩnh vực nào đó giữa các bên với nhau. Vì vậy, để đảm bảo việc hợp tác đi đến đúng mục đích, các bên hợp tác cần phải tuân thủ theo nguyên tắc có lợi cho cả đôi bên. 

Mối quan hệ hợp tác sẽ không thể lâu bền được nếu cán cân lợi ích chỉ nghiêng về một phía. Cần tránh các hành động làm tổn hại đến lợi ích của phía còn lại hoặc lợi ích của những đối tượng khác. Hai nguyên tắc trên cũng chính là cơ sở quan trọng của hợp tác.

Trong lĩnh vực kinh doanh, nguyên tắc đôi bên cùng có lợi chính là nguyên tắc cốt lõi trong việc đàm phán, hợp tác. Người ta còn thường gọi nó bằng cụm từ “win - win” mang hàm nghĩa cả đôi bên đều thắng lợi.

Bên cạnh việc tuân thủ hai nguyên tắc trên, để mối quan hệ hợp tác được hình thành, ổn định và phát triển vững bền, các bên cần phải đảm bảo thực hiện những quy tắc dưới đây:

  • Các bên đều phải hướng đến cùng một mục tiêu chung

  • Xác định rõ nhiệm vụ, vai trò của từng bên trong quá trình hợp tác

  • Tôn trọng và tin tưởng đối tác của mình

  • Sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết khi có xung đột xảy ra. Tránh tình trạng dùng các phương pháp bạo lực.

Tuân thủ các nguyên tắc giúp mối quan hệ hợp tác lâu dài và phát triển
Tuân thủ các nguyên tắc giúp mối quan hệ hợp tác lâu dài và phát triển

Ý nghĩa của quá trình hợp tác đối với nước ta

Trước khi đề cập đến ý nghĩa cụ thể của quá trình hợp tác đối với nước ta, chúng ta hãy cùng tìm hiểu sơ lược về ý nghĩa chung của việc hợp tác. 

  • Đầu tiên, việc hợp tác sẽ kéo gần mối quan hệ giữa các cá nhân, tập thể lại với nhau hơn. Các bên sẽ có cơ hội hiểu về nhau nhiều hơn, từ đó giảm thiểu nguy cơ xung đột với nhau trong quá trình làm việc chung.

  • Thứ hai, đối với những vấn đề nan giải hoặc mang tính toàn cầu, việc hợp tác chính là biện pháp hiệu quả để giải quyết những thực trạng khó nhằn đó.

  • Thứ ba, hợp tác chính là động lực để thúc đẩy các bên cùng nhau phát triển. 

  • Giảm thiểu sự xung đột giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ, các dân tộc trên thế giới. Góp phần duy trì nền hòa bình, ổn định trên toàn cầu.

Hiện nay, xu thế toàn cầu hóa trên thế giới ngày càng phát triển. Việc hợp tác cùng nhau phát triển giữa các quốc gia với nhau trở thành một điều phổ biến và tất yếu. 

Để bắt kịp xu thế của thời đại cũng như đẩy mạnh phát triển đất nước, nước ta đã mở rộng mối quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới kể từ lúc thực hiện chính sách Đổi mới. 

Cho đến nay, nước ta đã có quan hệ hợp tác cùng phát triển với hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Trong đó, có bốn nước là đối tác chiến lược phát triển toàn diện chính là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc. 

Các mối quan hệ này đều được hình thành và cam kết trên cơ sở quan trọng của hợp tác là bình đẳng, đôi bên cùng có lợi. Các mối quan hệ hợp tác quốc tế có ý nghĩa vô cùng to lớn trong quá trình phát triển và hoàn thiện mình của Việt Nam. Cụ thể là:

  • Quan hệ với các quốc gia, vùng lãnh thổ khác được kéo gần hơn, chung sống hòa bình, tăng cường hợp tác phát triển kinh tế, xã hội

  • Thị trường kinh tế mở rộng, hoạt động xuất nhập khẩu được đẩy mạnh và phát triển hơn kể từ khi hợp tác với các nước khác.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước tăng vượt bậc, đưa Việt Nam nằm ở nhóm nước có thu nhập trung bình trong nhóm các nước đang phát triển trên thế giới

  • Có cơ hội học hỏi những tiến bộ khoa học, kĩ thuật của các nước tiên tiến. Cơ sở hạ tầng, đời sống vật chất và tinh thần người dân ngày càng được nâng cao hơn nhờ kinh tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật phát triển.

Hợp tác quốc tế có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự phát triển của nước ta
Hợp tác quốc tế có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự phát triển của nước ta

Hợp tác chính là động lực thúc đẩy cá nhân, tập thể, dân tộc, quốc gia ngày càng phát triển hơn. Trong đó, đối với các bên, cơ sở quan trọng của hợp tác là bình đẳng, đôi bên cùng có lợi. Ngoài ra, việc tuân thủ các nguyên tắc trong hợp tác chính là hành động cần thiết để mối quan hệ hợp tác được lâu dài. Đối với nước ta, hợp tác có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.

Có thể bạn quan tâm

X