Công nghiệp hóa là gì? Tại sao công nghiệp hóa lại xuất hiện trong đường lối, chính sách phát triển của nhiều quốc gia như vậy? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về công nghiệp hóa và những tác động của công nghiệp hóa trong bài viết dưới đây.
Công nghiệp hóa là gì? Khái niệm và lịch sử
Khái niệm công nghiệp hóa
Công nghiệp hóa là gì? Công nghiệp hóa là sự chuyển đổi từ nền kinh tế dựa vào nông nghiệp hoặc tài nguyên bằng phương thức sản xuất thô sơ sang nền kinh tế dựa trên cơ giới hóa sản xuất.
Cũng có thể hiểu công nghiệp hóa là sự nâng cao tỷ trọng của công nghiệp trong cơ cấu kinh tế.
Tuy nhiên công nghiệp hóa là một quá trình mang tính lịch sử, nghĩa là ở từng giai đoạn, với những điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau thì khái niệm công nghiệp hóa có sự khác nhau.
Lịch sử
Anh là quốc gia thực hiện công nghiệp hóa đầu tiên, đồng thời là quê hương của cuộc Cách mạng Công nghiệp. Đây được coi là một trong những sự kiện lớn nhất trong lịch sử nhân loại bởi nó đã làm thay đổi hầu hết các khía cạnh của đời sống. Từ cuộc Cách mạng Công nghiệp ở Anh năm 1760, công nghiệp hóa mở rộng sang các khu vực khác ở Tây Âu và Bắc Mỹ, bao gồm cả Hoa Kỳ và kết thúc vào những năm 1880. Mô hình này gọi là Công nghiệp hóa cổ điển.
Trong giai đoạn này các vật liệu mới (như sắt và thép), các nguồn năng lượng (như than đá, động cơ hơi nước và điện) và máy móc (như máy kéo sợi jenny và máy tách bông) cho phép các ngành công nghiệp vốn dựa vào lao động thủ công chuyển sang sản xuất hàng hóa hàng loạt.
Sau khi đa số các nước phương Tây đã kết thúc quá trình công nghiệp hóa vào cuối thế kỷ 19, các khu vực khác trên thế giới cũng bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa nhưng với một mô hình khác gọi là Công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Mô hình này bắt đầu từ Liên Xô (cũ) vào năm 1930 và lan rộng sang các nước Đông Âu năm 1945. Đặc trưng của giai đoạn này là sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp nặng như: cơ khí chế tạo máy, sản xuất dây chuyền và năng lượng điện.
Sau những năm 80 của thế kỉ XX, Nhật Bản và các nước công nghiệp mới (NICs) bắt đầu công nghiệp hóa với trọng tâm là sản xuất tự động, sử dụng điện tử và công nghệ thông tin. Kết quả là các quốc gia này đã thu được những thành công chỉ sau 20-30 năm áp dụng.
Động cơ hơi nước cũ ra đời trong Cách mạng công nghiệp (nguồn:internet)
Tác động của công nghiệp hóa đến kinh tế và xã hội
Khi đã hiểu được công nghiệp hóa là gì? Bạn cần biết công nghiệp hóa đã tác động đến đời sống kinh tế và xã hội theo cả 2 hướng tích cực và tiêu cực như thế nào, cụ thể là:
Tác động tích cực
Công nghiệp hóa giúp quốc gia sử dụng tiết kiệm và tối ưu hóa nguồn tài nguyên thiên nhiên từ đấy làm tăng số lượng và chất lượng hàng hóa. Do đó làm tăng tổng sản lượng quốc dân(GNP).
Công nghiệp hóa làm tăng năng suất lao động và thu nhập cá nhân. Từ đấy giúp nâng cao mức sống của người lao động. Cũng nhờ thu nhập tăng mà khoản tiết kiệm của người lao động cũng tăng theo và điều này kích thích sự phát triển kinh tế.
Thay đổi mô hình xuất nhập khẩu hàng hóa trong nước bằng cách tăng xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài mang lại ngoại hối. Đồng thời việc tăng sản xuất nguyên liệu thô giúp hạn chế việc nhập khẩu hàng hóa.
Kích thích các lĩnh vực khác của kinh tế cùng tiến bộ. Một ngành phát triển kéo theo sự phát triển và mở rộng của các ngành liên quan.
Mang lại nhiều cơ hội việc làm hơn cho người lao động thiếu việc làm trong nền kinh tế nông nghiệp.
Thúc đẩy chuyên môn hóa trong lao động do sự phân chia công việc. Cho phép người lao động trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của họ.
Cung cấp máy móc với công nghệ hiện đại cho nông nghiệp như máy kéo, máy đạp, máy gặt, máy ủi, vận chuyển và phun thuốc trên không,... Từ đấy làm tăng năng suất nông nghiệp.
Giúp kiểm soát hoạt động kinh tế chặt chẽ hơn do hoạt động sản xuất công nghiệp có thể mở rộng hoặc cắt giảm linh hoạt cho phù hợp với giá cả, chi phí cũng như nhu cầu của một sản phẩm.
Tạo ra cơ sở vật chất cho quốc phòng. Các quốc gia công nghiệp hóa có thể tự chủ trong việc sản xuất vũ khí và đạn dược. Từ đấy tạo tiền đề đảm bảo an toàn xã hội và an ninh quốc gia.
Phát triển thị trường nguyên liệu và thành phẩm ngay cả ở trong nước.
Tăng thu nhập của Chính phủ nhờ vào việc tăng xuất khẩu thu về ngoại hối và thu nhập từ thuế của các doanh nghiệp và cá nhân.
Nhà máy công nghiệp (nguồn: internet)
Tác động tiêu cực
Công nghiệp hóa tạo ra nhiều chất thải công nghiệp gây nên ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu. Ngoài ra, ô nhiễm nguồn nước và đất cũng là những vấn đề đang được quan tâm. Do đó các doanh nghiệp cần có những chiến lược để giảm thiểu những biến đổi môi trường có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Đô thị hóa do người lao động di chuyển từ nông thôn đến thành phố để tìm kiếm việc làm khiến cho các thành phố trở nên đông đúc hơn. Kéo theo các vấn đề về vệ sinh và tệ nạn xã hội.
Điều kiện lao động trong thời kì đầu của công nghiệp hóa thường thấp và không đảm bảo an toàn có thể gây ra tai nạn lao động. Mức lương thấp và chưa tương xứng với sức lao động.
Công nghiệp hóa tại Việt Nam trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp hiện đại
Đặc điểm công nghiệp hóa tại Việt Nam
Về thể chế và mục tiêu: Công nghiệp hóa trong nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa.
Về kỹ thuật công nghệ: Công nghiệp hóa trong sự bùng nổ Cách mạng công nghiệp hiện đại lần thứ 3, thứ 4,...
Về thị trường: Công nghiệp hóa trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế.
Nguyên nhân thực hiện công nghiệp hóa tại Việt Nam
Do cơ sở lý luận: Để phát triển lực lượng sản xuất cần có sự phát triển về chất của tư liệu lao động.
Do thực tiễn Việt Nam: Mục tiêu xây dựng Chủ nghĩa xã hội trình độ rất cao mà nền tảng lại thấp.
Do bối cảnh thời đại: Cách mạng công nghiệp bùng nổ đòi hỏi các quốc gia phải thích ứng
Công nghiệp hóa tại Việt Nam(nguồn: internet)
Quan điểm tiến hành công nghiệp hóa của Đảng Cộng sản Việt nam
Công nghiệp hóa và hiện đại hóa luôn gắn liền với nhau.
Tất cả người dân và các thành phần kinh tế đều tham gia vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó kinh tế nhà nước nắm giữ vai trò chủ đạo.
Con người là nguồn lực chính để phát triển nhanh và bền vững. Phát triển kinh tế phải đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Lấy khoa học công nghệ là động lực để công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nguồn lực nội sinh giữ vai trò chủ đạo. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ kết hợp với đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế với các nước trên thế giới.
Kết hợp phát triển kinh tế với xây dựng nền quốc phòng, an ninh.
Nội dung tiến hành công nghiệp hóa tại Việt Nam thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0
Một là, phát triển lực lượng sản xuất trên cơ sở thành tựu cách mạng khoa học kĩ thuật hiện đại.
Hai là, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, hợp lý, hiệu quả.
Ba là, điều chỉnh quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng phù hợp với sự phát triển lực lượng sản xuất.
Trên đây là toàn bộ nội dung giải đáp vấn đề Công nghiệp hóa là gì và những tác động của công nghiệp hóa. Hy vọng bài viết có thể mang đến cho các bạn những kiến thức hữu ích nhất và cái nhìn toàn diện về công nghiệp hóa. Để biết thêm thông tin chi tiết hãy truy cập vào website Hieuluat.vn để được hỗ trợ và giải đáp nhé!