Giá trị thặng dư là một thuật ngữ kinh tế không phải ai cũng hiểu rõ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu khái niệm giá trị thặng dư là gì? nguồn gốc và phương pháp để tạo ra giá trị thặng dư trong kinh tế.
Giá trị thặng dư là gì?
Vào cuối thế kỷ 19, C.Mác đã định nghĩa giá trị thặng dư là thặng dư tiền tệ được tạo ra từ lao động của con người trong bất kỳ hoạt động sản xuất nào.
Trong tác phẩm “Tư bản” của mình, C.Mác cho rằng người lao động được trả công thấp hơn những giá trị mà bản thân họ tạo ra trong quá trình làm việc. Phần chênh lệch giữa giá trị mà người lao động tạo ra và tiền công của họ chính là giá trị thặng dư.
Giá trị thặng dư là gì? (nguồn: internet)
Nguồn gốc của giá trị thặng dư
Theo C.Mác, quá trình sản xuất ra chủ nghĩa tư bản là quá trình sản xuất giá trị thặng dư và giá trị sử dụng. Nhà tư bản sở hữu tư liệu sản xuất dưới dạng sở hữu tư nhân, do đó công nhân chỉ còn cách bán sức lao động của mình cho tư bản để sinh sống. Khi đó, nhà tư bản không chỉ sở hữu tư liệu sản xuất và sức lao động của công nhân đã mua để sử dụng trong sản xuất, mà còn cả sản phẩm do công nhân tạo ra. Phần chênh lệch giữa chi phí sản phẩm và giá bán của chúng được gọi là lợi nhuận, quá trình tạo ra lợi nhuận này được gọi là “Lý thuyết giá trị thặng dư.”
Để hiểu rõ hơn về nguồn gốc và quá trình tạo ra giá trị thặng dư, C. Mác đã chia tư bản thành hai bộ phận là tư bản khả biến và tư bản bất biến, cụ thể như sau:
- Tư bản bất biến (ký hiệu là C) là một bộ phận của tư bản được dùng để mua tư liệu sản xuất, giá trị của nó được bảo toàn và được chuyển vào sản phẩm. Trong sản xuất, công nhân sử dụng tư liệu sản xuất để tạo ra sản phẩm. Có nhiều loại tư liệu sản xuất như:
- Tư liệu sản xuất được sử dụng trong cả quá trình sản xuất và bị hao mòn dần. Do đó, từng phần giá trị của nó được chuyển vào sản phẩm như máy móc, nhà xưởng.
- Tư liệu sản xuất được chuyển toàn bộ giá trị của nó vào sản phẩm trong một chu kỳ sản xuất, ví dụ nguyên liệu, nhiên liệu.
Dù giá trị của tư liệu sản xuất được chuyển từng phần hay toàn bộ vào sản phẩm thì điểm chung của bộ phận tư bản này là giá trị của nó được bảo tồn, không thay đổi về lượng và được chuyển vào sản phẩm mới trong quá trình sản xuất.
- Tư bản khả biến (ký hiệu là v) là một bộ phận của tư bản dùng để mua sức lao động (trả lương cho công nhân). Trong quá trình sản xuất, người công nhân dựa vào lao động trừu tượng của mình để tạo ra một giá trị mới. Giá trị mới này không những đủ để bù đắp cho chính sức lao động của họ mà còn tạo ra giá trị thặng dư cho tư bản.
Giá trị hàng hóa bao gồm 2 bộ phận: 1 bộ phận chính là giá trị của tư liệu sản xuất đã được chuyển vào sản phẩm (giá trị cũ, ký hiệu là c), một bộ phận khác là giá trị mới do sức lao động trừu tượng của công nhân tạo ra (v+m). Giá trị mà tư bản bỏ ra là c+v nhưng giá trị mà họ thu được là c+v+m. Phần dôi ra này chính là giá trị thặng dư mà tư bản bóc lột trên sức lao động của người công nhân.
Từ đó có thể thấy rằng bản chất của tư bản chính là bóc lột sức lao động và chỉ có sức lao động của công nhân mới tạo ra được giá trị thặng dư cho tư bản.
Tư liệu sản xuất là bộ phận tư bản bất biến trong sản xuất giá trị thặng dư (nguồn: internet)
Phương pháp sản xuất giá trị thặng dư
Hiểu được bản chất của giá trị thặng dư là gì thì chúng ta có thể dễ dàng hiểu được phương pháp để tạo ra giá trị thặng dư trong sản xuất. Có 2 phương pháp để sản xuất giá trị thặng dư, đó là:
Phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tương đối
Giá trị thặng dư tương đối thu được nhờ rút ngắn thời gian lao động tất yếu bằng cách hạ thấp giá trị sức lao động. Khi đó độ dài ngày lao động không thay đổi, trong khi thời gian lao động thặng dư lại được kéo dài.
Ví dụ: Thời gian lao động một ngày là 8h, trong đó có 4h lao động tất yếu và 4h lao động thặng dư. Tỷ suất giá trị thặng dư lúc này được tính bằng công thức: m’= (t’/t) x 100 = (4h/4h) x 100 = 100%.
Nếu sức lao động tăng lên và thời gian lao động tất yếu giảm xuống còn 2h, như vậy thời gian lao động thặng dư là 6h. Lúc này, tỷ suất giá trị thặng dư là: m’ = (t’/t) x 100 = (6h/2h) x 100 = 300%.
Từ ví dụ trên, có thể thấy rằng sau khi rút ngắn thời gian lao động tất yếu, nhà tư bản đã tăng bóc lột giá trị thặng dư lên gấp 3 lần (từ 100% lên 300%).
Phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối
Giá trị thặng dư tuyệt đối thu được nhờ kéo dài thời gian lao động của công nhân trong điều kiện giá trị sức lao động và thời gian lao động tất yếu không thay đổi. Phương pháp này được các nhà tư bản sử dụng nhiều trong thời kỳ đầu của sản xuất tư bản chủ nghĩa, khi mà kỹ thuật sản xuất còn thấp và tiến bộ chậm chạp.
Ví dụ: Thời gian lao động một ngày là 8h, trong đó 4h là thời gian lao động tất yếu và 4h là thời gian lao động thặng dư. Tỷ suất giá trị thặng dư lúc này là 100% (như đã tính ở trên).
Giả sử, thời gian lao động của người công nhân bị kéo dài thêm 2h và thời gian lao động tất yếu không thay đổi. Tỷ suất giá trị thặng dư lúc này là: m’ = (t’/t) x 100 = (6h/4h) x 100 = 150%.
Như vậy, khi kéo dài thời gian lao động với điều kiện thời gian lao động tất yếu không đổi thì thời gian lao động thặng dư tăng lên, dẫn đến tỷ suất thặng dư cũng tăng lên.
Các phương pháp sản xuất giá trị thặng dư (nguồn: internet)
Ý nghĩa thực tiễn của giá trị thặng dư
Học thuyết về giá trị thặng dư ra đời từ cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu phương thức sản xuất của chủ nghĩa tư bản. Học thuyết này đã vạch trần sự bóc lột của tư bản chủ nghĩa đối với người lao động, là nguồn gốc của sự đối lập giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản.
Học thuyết giá trị thặng dư còn giúp chúng ta thấy rõ 6 vấn đề lớn trong giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước, đó là:
Thứ nhất, để tạo ra được giá trị thặng dư thì người lao động phải đạt được một năng suất lao động nhất định trong một thời gian lao động nhất định. Nếu muốn tăng sản xuất giá trị thặng dư thì cần kết hợp tăng năng suất lao động với việc làm đủ giờ lao động quy định.
Thứ hai, tập trung vào các ngành sản xuất tư liệu sản xuất và ngành sản xuất tư liệu sinh hoạt để rút ngắn thời gian lao động cần thiết. Bởi vì, thời gian lao động cần thiết chính là thời gian bù lại giá trị của tư liệu sinh hoạt.
Thứ ba, có nhận thức rõ ràng và đúng đắn về vai trò của yếu tố vật chất và con người trong quá trình sản xuất tạo ra giá trị thặng dư.
Thứ tư, không thể xóa bỏ ngay lập tức, sạch trơn quan hệ bóc lột trong kinh tế ở nước ta tại thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội như hiện tại. Bởi quan hệ bóc lột này giúp giải phóng sức lao động và thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất.
Thứ năm, mọi phương án nhằm mục đích định lượng rành mạch, máy móc, xơ cứng về mức độ bóc lột trong việc hoạch định các chủ trương chính sách cũng như thái độ phân biệt đối xử với các doanh nhân mới là xa rời thực tế và không thể thực hiện được.
Thứ sáu, phải có các chế tài cụ thể bằng luật để bảo vệ quyền lợi chính đáng của cả người lao động và người sử dụng lao động. Việc vận dụng hợp lý mối quan hệ bóc lột là đóng góp cơ bản nhất cho quá trình hoàn thiện và xây dựng mô hình kinh tế tại Việt Nam hiện nay.
Trên đây là toàn bộ những thông tin giải đáp cho vấn đề giá trị thặng dư là gì? Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này, bạn đọc vui lòng liên hệ với Hieuluat.vn thông qua số hotline 1900.6199 để được giải đáp.