hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 22/02/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Hội nghị Ianta diễn ra trong hoàn cảnh nào? Mục đích hội nghị

Hội nghị Ianta đã diễn ra trong bối cảnh nào? Mục đích và nội dung của hội nghị là gì? Hội nghị này có ý nghĩa như thế nào đối với tình hình thế giới vào thời điểm đó? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn thông tin đầy đủ về sự kiện lịch sử quan trọng này.

Mục lục bài viết
  • Hoàn cảnh ra đời của hội nghị Ianta
  • Mục đích của hội nghị Ianta
  • Thành phần tham dự, địa điểm tổ chức và thời gian diễn ra hội nghị Ianta
  • Thành phần tham dự
  • Địa điểm tổ chức

Hoàn cảnh ra đời của hội nghị Ianta

Sau quá trình đấu tranh ác liệt, thế chiến thứ hai dần đi đến hồi kết với chiến thắng nghiêng về phe Đồng minh. Pháp và Bỉ đã được phe Đồng minh hoàn toàn giải phóng, quân đội phe Đồng minh hiện đang ở phía Tây của nước Đức.

Về phía Liên Xô, Hồng quân Liên Xô đã đánh bại quân phát xít Đức khỏi Ba Lan, Romania và Bulgaria, chỉ còn cách Berlin khoảng hơn 60km. Nhìn chung, Đức Quốc xã gần như đã hoàn toàn thua trận.

Sau khi chủ nghĩa phát xít bị đánh bại, vấn đề cấp thiết được đưa ra là việc thiết lập lại trật tự thế giới mới sau thế chiến và phân chia thành quả cho các nước giành thắng lợi. Để giải quyết cục diện này, hội nghị Ianta đã được ra đời.

Đây là hội nghị được tổ chức lần thứ hai với sự tham gia của ba cường quốc kể từ khi hội nghị Tehran diễn ra vào năm 1943.


Ba nguyên thủ quốc gia đại diện cho ba cường quốc ở hội nghị Ianta

Mục đích của hội nghị Ianta

Như đã đề cập ở trên, mục đích diễn ra hội nghị Ianta nhằm giải quyết các vấn đề sau đây:

- Đầu tiên, các nước ở phe phát xít là Đức, Nhật vẫn còn chưa bị đánh bại hoàn toàn. Các nước còn lại phải dốc hết sức lực cùng nhau chiến đấu để triệt để hạ bệ phe phát xít.

Ba cường quốc đều nhất trí việc cấp thiết nhất lúc này là hợp sức lại để tiêu diệt hoàn toàn chủ nghĩa phát xít ở cả mặt trận chiến trường châu Âu lẫn châu Á.

- Thứ hai, sau khi đánh bại hoàn toàn phe phát xít, thế giới sẽ lâm vào tình trạng không ổn định, trật tự cũ đã bị phá vỡ, vì thế cần phải thiết lập lại một trật tự thế giới mới.

- Thứ ba chính là thỏa thuận phân chia chiến lợi phẩm giữa các nước thắng trận với nhau, cụ thể chính là quyền lợi và phạm vi ảnh hưởng trên thế giới.

Thành phần tham dự, địa điểm tổ chức và thời gian diễn ra hội nghị Ianta

Thành phần tham dự

Có mặt trong hội nghị Ianta chính là ba nguyên thủ của ba quốc gia gồm Thủ tướng Churchill đại diện cho nước Anh, Tổng thống Rudoven của Mỹ và Tổng bí thư Stalin đại diện Liên Xô.

Địa điểm tổ chức

Địa điểm tổ chức hội nghị là cung điện Livadia, Yusupov và Vorontsov tại thành phố Ianta thuộc Crimea, Liên Xô. Ngoài ra hội nghị còn có một tên gọi khác đó là Hội nghị Crimea do được gọi tên theo địa phương nơi tổ chức.

Thời gian tổ chức

Thời gian diễn ra hội nghị Ianta kéo dài từ ngày 4 đến ngày 11/2/1945.

Nội dung của hội nghị Ianta

Sau vài ngày đàm phán và thỏa thuận giữa các vị nguyên thủ quốc gia của ba cường quốc, hội nghị Ianta đã quyết định những nội dung sau đây:

  • Đầu tiên, cả ba nước đều có một mục tiêu chung là cùng nhau đánh bại hoàn toàn chủ nghĩa phát xít Đức và chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản. Sau khi chiến tranh chấm dứt ở mặt trận châu Âu, Hồng quân Liên Xô sẽ tham chiến chống Nhật tại chiến trường châu Á.

  • Thứ hai, cả ba nước thống nhất thành lập một tổ chức quốc tế chung để duy trì hòa bình, ổn định an ninh trên thế giới.

Tổ chức đó sau này chính là Liên Hợp Quốc có trụ sở đặt tại thành phố New York của Mỹ với năm nước là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an đó là Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc.

  • Thứ ba là vấn đề để giải giáp quân đội phát xít, phân chia phạm vi ảnh hưởng ở hai mặt trận chính là châu Âu và châu Á. Cả ba cường quốc đã thỏa thuận với nhau về vấn đề phân chia khu vực đóng quân.

Tổng bí thư Stalin đại diện cho Liên Xô đồng ý với điều kiện nếu Mỹ và Anh chấp nhận chia khu vực đóng quân của mình cho Pháp thì Liên Xô cũng sẽ chấp nhất chia Đức thành bốn vùng chiếm đóng.

Đức bắt buộc phải phi quân sự hóa, tiêu diện tận gốc chủ nghĩa phát xít, tài sản sẽ bị tịch thu để đền bù cho chiến tranh. Theo đó Liên Xô sẽ chiếm Đông Âu, Đông Berlin và Đông Đức. Còn Tây Âu, Tây Berlin và Tây Đức sẽ do Mỹ, Anh, Pháp chiếm đóng.

Ở mặt trận châu Á,Stalin đồng ý rằng Hồng quân Liên Xô sẽ chiến đấu với phát xít Nhật sau khi Đức đầu hàng hai ba tháng và chiến tranh chấm dứt tại châu Âu.

Mỹ sẽ duy trì sự ảnh hưởng tại Nhật, Nam Triều Tiên, miền Bắc Triều Tiên thì sẽ chịu sự chi phối của Liên Xô. Liên Xô lấy lại được hoàn toàn những quyền lợi của đế quốc Nga trước đây.

Mông Cổ giữ nguyên hiện trạng. Đông Nam Á và Tây Á tiếp tục chịu sự quản lý bởi các nước phương Tây cũ đã từng chiếm đóng.


Trụ sở Liên Hợp Quốc ngày nay đặt tại New York (Mỹ)

Ý nghĩa của hội nghị Ianta

Hội nghị Ianta là tiền đề cho hai luồng tư tưởng chính trị trên thế giới sau này đó là tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Nước Đức sau đó bị chia cắt thành hai miền với hai bộ máy nhà nước có hệ tư tưởng đối lập nhau.

Đông Đức theo chế độ xã hội chủ nghĩa có tên gọi là Cộng hòa Dân chủ Đức. Còn phái Tây Đức là nhà nước Cộng hòa Liên bang Đức có chế độ tư bản chủ nghĩa.

Ngoài ra, sự ra đời của hội nghị đã giúp nền hòa bình thế giới được duy trì và ổn định. Kết thúc của hội nghị Ianta là tiền đề của sự ra đời Tổ chức thế giới Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, hội nghị chỉ có sự tham gia của ba cường quốc thắng trận là Liên Xô, Mỹ và Anh cho nên ba nước cũng chỉ giành những quyền lợi nhất định về quốc gia của mình.

Bên cạnh đó, mục đích chủ yếu để lập ra Hội nghị này chính là để phân chia phạm vi ảnh hưởng của ba cường quốc với nhau sau khi giành thắng lợi từ phe phát xít.

Từ đó, dẫn tới những hệ lụy không nhỏ trong việc phân chia và hình thành trật tự trên thế giới. Liên Xô đã giữ vững và phát triển hệ thống chủ nghĩa xã hội, quyền lợi lãnh thổ của Đế quốc Nga cũ cũng được thu hồi lại, mở rộng phạm vi ảnh hưởng của tư tưởng chủ nghĩa xã hội trên thế giới.

Mỹ cũng đã dần khẳng định được vị thế dẫn đầu của mình sau hội nghị, đối lập với phe của Liên Xô là phe tư bản do Mỹ đứng đầu, các nước châu Âu hùng mạnh lúc trước đã bị Mỹ vượt qua về quyền thế cũng như tầm ảnh hưởng trên thế giới.

Hội nghị Ianta cũng là sự khởi nguồn cho Chiến tranh lạnh sau này giữa Liên Xô và Mỹ cùng các nước đồng minh. Sự phân chia giữa ba nhà lãnh đạo của ba cường quốc đã hình thành nên trật tự hai cực trên thế giới.

Một cực là phe Chủ nghĩa xã hội do Liên Xô lãnh đạo và một cực là những nước theo hệ tư tưởng tư bản chủ nghĩa do Mỹ đứng đầu. Vì thế khi nhắc đến trật tự này người ta thường gọi nó là trật tự hai cực Ianta.


Hội nghị Ianta có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với lịch sử thế giới

Tóm lại, hội nghị Ianta là hội nghị quan trọng, mang tính lịch sự đối với nhân loại trong và hậu thế chiến thứ hai. Hội nghị với mục đích chủ yếu là phân chia quyền lợi giữa ba cường quốc với nhau cũng như tái thiết lập một trật tự mới trên thế giới cho nên dẫn tới một số hệ quả không tích cực.

Tuy nhiên, hội nghị Ianta lại có một ảnh hưởng tốt đẹp đối với nền hòa bình của nhân loại khi quyết định thành lập tổ chức Liên Hợp quốc nhằm để duy trì hòa bình, ổn định nền an ninh thế giới.

Có thể bạn quan tâm

X