hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 16/06/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Kiến tập là gì? Kiến tập giống và khác gì so với thực tập?

Thực tập là cụm từ quen thuộc với hầu hết tất cả mọi người, nhưng không phải ai cũng biết về kiến tập. Vậy, kiến tập là gì? Kiến tập giống và khác gì so với thực tập? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin hữu ích giúp bạn có thể hiểu và phân biệt được hai khái niệm này một cách dễ dàng.

Mục lục bài viết
  • Kiến tập là gì?
  • Thời gian kiến tập diễn ra trong bao lâu?
  • Mục đích của kiến tập là gì?
  • Hiểu rõ hơn về ngành học lựa chọn
  • Làm quen với công việc thực tế

Kiến tập là gì?

Kiến tập định nghĩa một cách đơn giản chính là khoảng thời gian sinh viên được trải nghiệm thực tế ở những môi trường làm việc như doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan. Tùy theo từng ngành học khác nhau của mỗi cá nhân mà bạn có thể tìm và đăng ký nơi mình có nguyện vọng tham gia kiến tập.

Khái niệm kiến tập là gì được giải thích một cách đơn giản

Khái niệm kiến tập là gì được giải thích một cách đơn giản

Trong giai đoạn này, bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu, theo dõi, quan sát trực tiếp quá trình làm việc của đội ngũ nhân viên diễn ra như thế nào, cách họ sử dụng các thiết bị máy móc để hỗ trợ công việc ra sao cũng như thấy được những kiến thức trên giảng đường khi áp dụng vào thực tế có khác biệt nào không.

Đây cũng là lúc để sinh viên có cái nhìn sâu hơn vào ngành nghề mình theo học, giúp củng cố thêm niềm tin, sự yêu thích với lựa chọn của bản thân. Bạn cũng sẽ tránh được cảm giác mới lạ, bỡ ngỡ với môi trường và công việc trong tương lai nhờ tham gia kiến tập.

Thời gian kiến tập diễn ra trong bao lâu?

Hằng năm, các trường trung cấp, cao đẳng, đại học…đều tổ chức nhiều đợt kiến tập khác nhau để học viên linh hoạt lựa chọn sao cho phù hợp với lịch trình cá nhân.

Thường thì bạn có thể đăng ký tham gia các đợt kiến tập ngay từ khi là sinh viên năm 2. Khoảng thời gian diễn ra đối với mỗi người cũng có sự khác biệt tùy theo quy định của từng cơ sở đang theo học, trung bình kéo dài từ 2 đến 4 tuần.

Phía nhà trường chịu trách nhiệm cung cấp giấy giới thiệu, hỗ trợ đăng ký địa điểm nếu học viên có nhu cầu hoặc bạn sẽ tự liên hệ nơi tham gia kiến tập.

Mục đích của kiến tập là gì?

Sau khi đã biết được kiến tập là gì, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về 3 mục đích cơ bản của kiến tập, đó là:

Hiểu rõ hơn về ngành học lựa chọn

Trước đây, tất cả những kiến thức mà sinh viên tiếp cận chỉ là về mặt lý thuyết, thông qua giáo trình sách vở. Kiến tập chính là cơ hội quan sát, theo dõi trực tiếp quá trình vận hành của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong thực tế.

Bạn sẽ hiểu rõ hơn về lĩnh vực mình đang theo đuổi, tích lũy thêm những kinh nghiệm chưa được học trên trường lớp, đồng thời ôn luyện lại lần nữa bài giảng trong sách vở thông qua các hoạt động cụ thể.

Mỗi lần kiến tập đều là một lần nhìn lại xem mức độ yêu thích của chính mình đối với ngành học: càng vững tin vào sự lựa chọn hoặc cần xét lại về mức độ phù hợp so với bản thân.

Làm quen với công việc thực tế

Kiến tập không phải là thực hành, xắn tay vào làm mà chủ yếu chỉ giới hạn ở phần nhìn, theo dõi. Tuy nhiên, sinh viên sẽ rõ về cường độ làm việc trong thực tế như thế nào thông qua quá trình quan sát các nhân viên khác.

Hơn nữa, tìm hiểu những giấy tờ trong phạm vi cho phép, theo dõi cách mọi người thực hiện thao tác để vận hành công cụ hỗ trợ như máy in, máy vi tính cũng giúp cho các bạn phần nào nắm được quy trình cơ bản, sau này đi làm sẽ nhanh chóng bắt kịp với cách làm việc trong công ty.

Bài giảng trên trường lớp và công việc thực tế có rất nhiều điểm khác biệt, không thể lúc nào cũng áp dụng y nguyên được mà còn phải tùy từng trường hợp cụ thể. Kiến tập nhằm giúp cho sinh viên dần làm quen với sự khác nhau này, tránh việc bỡ ngỡ sau khi ra trường.

Hoàn thiện thêm về kỹ năng mềm

Như chúng ta đã biết, kỹ năng mềm dùng để chỉ những kỹ năng trong đời sống hằng ngày. Bên cạnh việc học tốt về chuyên môn, kỹ năng mềm cũng là một trong những yếu tố chính quyết định nên thành công của mỗi người trong tương lai.

Trong quá trình kiến tập, sinh viên sẽ có cơ hội tiếp xúc, trao đổi, trò chuyện nhiều hơn với các bạn cùng nhóm, qua đó giúp cải thiện thêm về khả năng giao tiếp, khả năng lãnh đạo nhóm và mở rộng vòng tròn bạn bè. Giai đoạn sinh viên cũng trở nên vui vẻ và phong phú hơn.

Kiến tập giúp sinh viên hoàn thiện thêm về những kỹ năng mềm

Kiến tập giúp sinh viên hoàn thiện thêm về những kỹ năng mềm

Đây cũng là lúc mà học viên làm quen với các anh chị lớn ở nơi làm việc, kết thêm nhiều mối quan hệ mới, được chỉ dạy những kinh nghiệm mà họ đúc rút qua nhiều năm đi làm và tham khảo cách xử lý vấn đề phát sinh. Nhờ đó, kỹ năng giải quyết tình huống cũng thêm hoàn thiện.

Hơn hết, nếu như các bạn có biểu hiện tốt, giữ được mối quan hệ thân thiết với cơ sở kiến tập thì sẽ rất có lợi cho việc đăng ký thực tập mai sau.

Kiến tập giống và khác gì so với thực tập?

Để có thể phân biệt hai quá trình này giống và khác nhau như thế nào, khi đã biết được kiến tập là gì, chúng ta sẽ tìm hiểu tiếp về khái niệm thực tập.

Thực tập là gì?

Tương tự như kiến tập, thực tập cũng là khoảng thời gian sinh viên được trải nghiệm thực tế ở những môi trường làm việc khác nhau tùy theo từng ngành học. Bạn có thể tự liên hệ đăng ký hoặc nghe theo sự phân công của nhà trường.

Với kiến tập, sinh viên chỉ được quan sát là chính thì thực tập đòi hỏi nhiều hơn về mặt thực hành cũng như việc vận dụng các kiến thức đã được học trong nhà trường vào từng việc cụ thể.

Qua sự hướng dẫn của mọi người tại cơ sở thực tập, bạn sẽ có cơ hội trực tiếp tham gia vào quá trình hoạt động như một nhân viên thực thụ với những công việc chưa yêu cầu nhiều về mặt chuyên môn. Đây cũng là cơ hội để bạn tự tích lũy thêm kinh nghiệm mới cho bản thân qua những trải nghiệm của cá nhân.

Sinh viên sẽ làm quen với cường độ và áp lực môi trường thực tế, nắm được trình tự xử lý công việc và mở rộng thêm nhiều mối quan hệ trong ngành. Nếu như kết quả thực tập tốt và nơi đào tạo đang có nhu cầu tuyển dụng thì khả năng được giữ lại làm nhân viên là rất cao.

Điểm giống nhau giữa kiến tập và thực tập

Vì đều là giai đoạn mà sinh viên được làm quen, trải nghiệm trực tiếp công việc ngoài xã hội nên kiến tập và thực tập sẽ có những điểm giống nhau như:

  • Thứ nhất: sinh viên bắt buộc phải đến cơ sở làm việc thực tế để tham gia trải nghiệm tùy theo từng ngành học cụ thể. Tự đăng ký địa điểm hay nhờ tới sự giới thiệu của nhà trường là do bạn lựa chọn.

  • Thứ hai: sau mỗi đợt thực tập hoặc kiến tập, sinh viên đều phải viết lại báo cáo để gửi nhà trường. Nội dung thường là tổng kết về quá trình học tập và làm việc cũng như nhận xét của người phụ trách hướng dẫn trực tiếp và lãnh đạo nơi tham gia.

Viết báo cáo là điểm chung giữa kiến tập và thực tập

Viết báo cáo là điểm chung giữa kiến tập và thực tập

  • Thứ ba: đây là khoảng thời gian để sinh viên có thể so sánh công việc về mặt lý thuyết với thực tiễn xem chúng giống và khác nhau như thế nào thông qua quá trình quan sát, theo dõi các anh chị phụ trách hướng dẫn, giải thích công việc

  • Thứ tư: nhờ 2 giai đoạn này, sinh viên sẽ có cơ hội mở rộng mối quan hệ, rèn luyện thêm nhiều kỹ năng mềm, hiểu rõ hơn về công việc, về ngành mình học. Qua đó, các bạn có thể nhìn nhận lại về việc có nên tiếp tục theo đuổi đam mê hay chuyển sang hướng khác.

Sự khác nhau giữa kiến tập và thực tập

Tuy có nhiều điểm chung, vậy nhưng giữa kiến tập và thực tập vẫn tồn tại sự khác biệt về nhiều mặt như:

  • Bản chất

  • Thời gian

  • Lương

  • Kinh nghiệm thu được

  • Cơ hội việc làm

Những mặt khác nhau này được thể hiện rõ ở bảng so sánh dưới đây:

Kiến tập

Thực tập

Bản chất

Quan sát, theo dõi.

Thực hành trực tiếp. 

Thời gian

Được tổ chức thành nhiều đợt trong suốt mấy năm học.

Mỗi đợt kéo dài từ 2 đến 4 tuần.

Được tổ chức ít, thường dành cho sinh viên năm cuối.

Mỗi đợt kéo dài từ 3 đến 4 tháng.

Lương

Đa phần không lương.

Có thể có hoặc không nhưng thường là có lương dù ít và chỉ mang tính hỗ trợ.

Kinh nghiệm thu được

Không nhiều do chủ yếu chỉ quan sát, theo dõi là chính.

Khá nhiều do được trực tiếp trải nghiệm, làm việc dưới sự hướng dẫn của người phụ trách. 

Cơ hội việc làm

Ít.

Lý do: sinh viên đa phần từ năm 2 hoặc năm 3, kiến thức không vững vàng, có ít kinh nghiệm do chưa được làm việc thực tế trong quá trình kiến tập.

Nhiều.

Lý do: sinh viên đa phần năm cuối chuẩn bị ra trường, kiến thức vững vàng và đã có cơ hội, kinh nghiệm làm việc thực tế trong quá trình thực tập.

Kết luận

Trên đây là lời giải đáp cho câu hỏi kiến tập là gì cũng như một số vấn đề giữa kiến tập và thực tập. Mong rằng qua những thông tin đã cung cấp, các bạn sẽ phân biệt được rõ hai khái niệm này, biết được lợi ích của chúng để có sự chuẩn bị tốt nhất cho những kỳ kiến tập, thực tập của bản thân trong tương lai.

Có thể bạn quan tâm

X