Mẫu bản bào chữa của luật sư bao gồm những nội dung gì? Sử dụng trong trường hợp nào?... Chắc hẳn đây là hai trong nhiều câu hỏi được nhiều người quan tâm nhưng không phải ai cũng biết đáp án. Việc lập, sử dụng mẫu bản bào chữa của Luật sư được thực hiện như thế nào? Trong phạm vi bài viết này, HieuLuat cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản nhất về mẫu bản bào chữa của Luật sư.
Công việc Luật sư cần thực hiện trước khi có bản bào chữa là gì?
Bản bào chữa của Luật sư (hay bài luận cứ bào chữa cho bị cáo) là sản phẩm trí tuệ của Luật sư tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình trong vụ án hình sự. Sở dĩ gọi là bài bào chữa là bởi vì đây là văn bản dùng trong trường hợp thân chủ của Luật sư là bị cáo trong các vụ án hình sự.
Thông qua bài bào chữa, Luật sư thể hiện kết quả của quá trình nghiên cứu vụ án, những phát hiện về pháp luật có lợi cho thân chủ và hướng bào chữa cho thân chủ của mình. Thường, hướng bào chữa của Luật sư đối với thân chủ của mình là bào chữa vô tội, bào chữa chuyển tội danh, bào chữa giảm nhẹ hình phạt hoặc bào chữa trả hồ sơ điều tra bổ sung. Việc bào chữa theo hướng nào còn phụ thuộc vào các tình tiết, chứng cứ của vụ án.
Trước khi có được bài bào chữa cho thân chủ, Luật sư sẽ thường phải thực hiện các công việc sau đây:
Một là, tiếp nhận vụ việc: Đây là bước đầu tiên để luật sư có tư cách làm việc với các cơ quan chuyên môn. Theo quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự 2015, Luật sư phải thực hiện thủ tục đăng ký bào chữa và được cơ quan điều tra/viện kiểm sát/tòa án tiếp nhận việc đăng ký bào chữa thì mới chính thức tham gia vụ án với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo;
Hai là, nghiên cứu hồ sơ vụ án: Khi đã được tham gia vụ án với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo, Luật sư được quyền tiếp xúc, làm việc với thân chủ của mình và với các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan có liên quan khác để tìm hiểu nội dung vụ việc, sao chụp/giao nộp tài liệu, chứng cứ có lợi có thân chủ của mình... Thông thường tại giai đoạn này, Luật sư thực hiện các công việc như:
+ Tiếp xúc, làm việc với thân chủ, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan có liên quan để tìm hiểu rõ vụ việc từ góc nhìn của thân chủ, đánh giá của các cơ quan tiến hành tố tụng với vụ việc;
+ Tìm hiểu rõ nội dung vụ việc, căn cứ khởi tố vụ án, căn cứ luận tội;
+ Nhìn nhận vụ việc một cách khách quan để đánh giá mức độ vi phạm pháp luật của thân chủ;
+ Nghiên cứu hồ sơ vụ án để tìm, lựa chọn những chứng cứ, tài liệu có lợi cho thân chủ, thường là các tài liệu, chứng cứ, yếu tố nhằm gỡ tội, giảm nhẹ hình phạt,..cho thân chủ của mình;
+ Phân tích các tài liệu, chứng cứ, yếu tố có lợi cho thân chủ để thực hiện bào chữa;
+ Chuẩn bị sẵn các câu hỏi, các vấn đề cần hỏi nhằm làm sáng tỏ vụ việc, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho thân chủ của mình tại phiên tòa xét xử;
Ba là, chuẩn bị bài bào chữa: Bài bào chữa là văn bản được sử dụng tại phiên tòa xét xử sau khi phần xét hỏi kết thúc. Thông thường bài bào chữa sẽ được luật sư chuẩn bị trước khi phiên tòa bắt đầu.
Tuy nhiên, Luật sư cũng cần lưu ý, tùy thuộc kết quả làm việc từ xét hỏi, phần hỏi của các cơ quan mà có thể nội dung của bài bào chữa cũng có sự thay đổi theo diễn biến phát triển của vụ án. Vì vậy, Luật sư phải nhanh chóng thay đổi, bổ sung, chỉnh sửa bài bào chữa của mình để trùng khớp với tốc độ phát triển của vụ án.
Như vậy, để có bài bào chữa hoàn chỉnh, chuẩn xác, phù hợp với vụ án, mang lại hiệu quả cao nhất cho thân chủ thì Luật sư thường thực hiện các công việc cơ bản như chúng tôi đã nêu trên.
Mẫu bản bào chữa của luật sư có nội dung thế nào?
Trước hết, Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 không quy định mẫu bản bào chữa của Luật sư là loại tài liệu có trong hồ sơ vụ án và không yêu cầu Luật sư phải giao nộp bài bào chữa cho cơ quan tiến hành tố tụng. Vậy nên, bài bào chữa là sản phẩm trí tuệ riêng biệt mà Luật sư sử dụng trong phiên tòa để nêu ý kiến bào chữa cho hành vi vi phạm pháp luật hình sự của thân chủ.
Hiện nay, pháp luật không quy định mẫu bản bào chữa (mẫu bài bào chữa) của Luật sư, do vậy, dựa trên kinh nghiệm, khả năng của từng Luật sư, kết quả nghiên cứu vụ án và quy định chung của pháp luật về văn bản hành chính mà bài bào chữa của mỗi Luật sư sẽ có những điểm riêng biệt.
Mẫu bản bào chữa của Luật sư thường bao gồm 3 phần:
- Phần mở đầu: Hay còn gọi là phần giới thiệu, đây là phần mà Luật sư giới thiệu về bản thân, vai trò của mình trong vụ án và lý do tham gia phiên tòa;
- Phần nội dung: Đây là phần nội dung mà Luật sư sẽ triển khai các luận điểm, luận cứ, suy luận dựa trên tình tiết vụ án, quy định pháp luật nhằm chứng minh cho quan điểm bào chữa của mình đối với vụ án.
- Phần kết luận: Đưa ra hướng bào chữa, kết luận lại những gì đã trình bày. Nói cách khác, đây là phần đề xuất hướng giải quyết vụ án, hình phạt áp dụng đối với thân chủ của mình.
HieuLuat cung cấp mẫu bản bào chữa được sử dụng nhiều hiện nay như dưới đây:
ĐOÀN LUẬT SƯ … CÔNG TY LUẬT…. | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc |
…., ngày…tháng…năm
BẢN LUẬN CỨ BÀO CHỮA
(Vụ án….)
I. PHẦN MỞ ĐẦUKính thưa Hội đồng xét xử!
Thưa vị đại diện Viện kiểm sát!
Thưa vị luật sư đồng nghiệp!
Thưa toàn thể quý vị có mặt tại phiên tòa ngày hôm nay!
Theo lời mời từ bị cáo/gia đình bị cáo …./theo chỉ định của…. và được sự đồng ý của Quý Tòa, tôi là Luật sư …., thuộc Văn phòng luật sư …/Công ty Luật…, Đoàn luật sư thành phố ….., tôi có mặt tại phiên tòa hôm nay để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của tôi là bị cáo … bị Viện kiểm sát nhân dân … truy tố về tội … theo quy định tại ….Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo bản cáo trạng số… /….. ngày …tháng…năm….
Với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình là ông/bà …, sau khi nghiên cứu hồ sơ, tham dự phần xét hỏi công khai tại phiên tòa, tôi xin có các ý kiến đối với phần cáo buộc của vị đại diện Viện Kiểm sát như sau:
II. PHẦN NỘI DUNGLuận điểm 1:….;
Luận cứ 1, 2, 3….chứng minh cho luận điểm 1;
Luận điểm 2:
Luận cứ 1, 2, 3….chứng minh cho luận điểm 2;
Luận điểm 3:
Luận cứ 1, 2, 3….chứng minh cho luận điểm 3;
….
III. PHẦN KẾT LUẬNTừ những phân tích, nhận định nêu trên/hoặc từ các lẽ trên, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét áp dụng các ….. (nêu các căn cứ pháp lý) để quyết định áp dụng hình phạt….(nêu hình phạt cụ thể) đối với thân chủ tôi.
Hoặc từ các lẽ trên, tôi nhận thấy chưa đủ căn cứ để kết luận hành vi vi phạm pháp luật hình sự của thân chủ tôi, đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung/tuyên bố thân chủ tôi vô tội và thả tự do ngay tại phiên tòa cho thân chủ của tôi.
Trên đây là toàn bộ quan điểm bào chữa của tôi để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ … trong phiên tòa sơ thẩm/phúc thẩm hôm nay. Một lần nữa, kính mong Hội đồng xét xử có những phán xét công minh, đúng đắn, đúng người, đúng tội để công lý được thực thi tại phiên tòa này.
Tôi xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm và chú ý lắng nghe của Hội đồng xét xử và tất cả các quý vị có mặt trong phòng xử án hôm nay.
CÔNG TY LUẬT …
LUẬT SƯ …
Như vậy, đây là mẫu bản bào chữa được Luật sư sử dụng nhiều trong các vụ án hình sự.