Mẫu bản ghi nhớ hợp tác có được pháp luật ban hành mẫu không? Bản ghi nhớ hợp tác gồm có những nội dung gì?... Đây là những vấn đề mà rất nhiều doanh nghiệp quan tâm trong quá trình hoạt động, phát triển của mình. Trong khuôn khổ bài viết này, HieuLuat cung cấp đến bạn đọc những vấn đề cơ bản nhất về mẫu bản ghi nhớ hợp tác, cách ghi bản ghi nhớ hợp tác và một số vấn đề pháp lý xoay quanh loại văn bản này.
Mẫu bản ghi nhớ hợp tác được sử dụng trong trường hợp nào?
Trước tiên, hợp tác có thể được hiểu là việc đồng thuận cùng thực hiện công việc, cùng đóng góp công sức, của cải, tài sản, hoặc cùng gánh chịu rủi ro theo sự phân công, thỏa thuận.
Ghi nhớ hợp tác là sự ghi chép lại, thu âm, ghi hình hoặc bằng một phương thức phù hợp (thông thường là được lập thành văn bản) cho những nội dung đã thỏa thuận, thương lượng hoặc thống nhất thực hiện/cam kết thực hiện trong buổi làm việc.
Thông thường, các biên bản ghi nhớ hợp tác được lập trước khi các bên ký kết các hợp đồng chính với những nội dung chi tiết, cụ thể về những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ…được trao đổi, thực hiện giữa các bên. Hoặc biên bản ghi nhớ hợp tác cũng có thể được ký trong trường hợp các bên có nhiều cuộc thương lượng, thảo luận mà chưa thể thống nhất trong một lần làm việc. Cũng có thể coi bản ghi nhớ hợp tác là văn bản chứa đựng những nguyên tắc cơ bản về việc hợp tác giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ hợp tác.
Dưới góc độ pháp lý, Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về hợp đồng hợp tác tại Điều 504. Theo đó, hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân (tổ chức được thành lập hợp pháp, có cơ cấu tổ chức rõ ràng, có tài sản độc lập, nhân danh pháp nhân tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình) về việc cùng đóng góp tài sản (tài sản hữu hình, tài sản vô hình), công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng nhau hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.
Hợp đồng hợp tác cũng chính là căn cứ để các bên cùng hoàn thành nội dung đã thỏa thuận, cùng chịu trách nhiệm về công việc đã thực hiện. Hợp đồng hợp tác có thể là sản phẩm sau khi các bên đã có biên bản ghi nhớ hợp tác (bản ghi nhớ hợp tác). Sau khi ký kết hợp đồng hợp tác, các bên có thể ký kết thêm các hợp đồng/phụ lục hợp đồng để chi tiết hóa các nội dung đã được ghi nhận trong hợp đồng hợp tác.
Mở rộng hơn, các quốc gia, vùng lãnh thổ ký kết các biên bản ghi nhớ, biên bản ghi nhớ hợp tác cũng là tiền đề để các bên tiến tới ký kết những hiệp định song phương/đa phương về một hoặc một nhóm các vấn đề, lĩnh vực. Các quốc gia, vùng lãnh thổ cũng có thể dựa vào các biên bản ghi nhớ hợp tác đã được ký kết, công bố để làm căn cứ thay đổi các chính sách trong nước nhằm hiện thực hóa những cam kết trước đó với quốc gia, vùng lãnh thổ khác.
Như vậy, bản ghi nhớ hợp tác có thể hiểu đơn giản là văn bản hoặc hình thức tương đương ghi nhận lại toàn bộ các nội dung mà các bên đã thỏa thuận, thương lượng, thống nhất để làm căn cứ thực hiện/cam kết thực hiện hoặc làm tiền đề để ký kết các hợp đồng cụ thể về từng nội dung, lĩnh vực mà các bên đã thỏa thuận. Bản ghi nhớ hợp tác có thể được lập trong trường hợp các bên có nhiều hơn một lần làm việc về nội dung hợp tác.
Mẫu bản ghi nhớ hợp tác có những nội dung gì?
Hiện nay, pháp luật chưa ban hành mẫu bản ghi nhớ hợp tác mà dựa trên những quy định cơ bản của pháp luật về hợp đồng, thương mại, dân sự, chúng tôi cung cấp cho bạn mẫu bản ghi nhớ hợp tác chung theo mẫu như dưới đây:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
BIÊN BẢN GHI NHỚ HỢP TÁC
Số: …/BBGNHT
- Căn cứ …;
- Căn cứ chức năng, khả năng và nhu cầu của hai bên.
Hôm nay, ngày… tháng… năm ……, tại ……….………, chúng tôi gồm:
Bên A: CÔNG TY …………………………………………………
Địa chỉ: ………………………………………………………………
Mã số thuế: ………………………………………………………
Điện thoại: …………………………………………………………
Tài khoản ngân hàng: …………………………………………
Người đại diện: ……………………….Chức vụ: ………………
Bên B: CÔNG TY …………………………………………………
Địa chỉ: ………………………………………………………………
Mã số thuế: …………………………………………………………
Điện thoại: …………………………………………………………
Tài khoản ngân hàng: …………………………………………
Người đại diện: ……………………….Chức vụ: ………………
Hai Bên cùng thỏa thuận và đồng ý lập Biên bản ghi nhớ hợp tác với các điều khoản cụ thể sau:
Điều 1. Các điều khoản chung
………………………………………………………………………..
Điều 2. Hình thức hợp tác
………………………………………………………………………..
Điều 3. Nội dung hợp tác
………………………………………………………………………..
Điều 4. Các thỏa thuận về việc thực hiện nội dung hợp tác
………………………………………………………………………..
Điều 5: Phân chia lợi nhuận
………………………………………………………………………..
Điều 6: Trách nhiệm chịu rủi ro của các Bên
………………………………………………………………………..
Điều 7: Cung cấp và trao đổi thông tin giữa hai Bên
………………………………………………………………………..
Điều 8: Chấm dứt, sửa đổi và nghĩa vụ của các bên
………………………………………………………………………..
Điều 9: Cam kết chung của các bên
………………………………………………………………………..
Kết luận: Đây là mẫu bản ghi nhớ hợp tác được sử dụng nhiều hiện nay. Tùy thuộc vào nội dung thỏa thuận mà các bên có thể thêm, bớt nội dung cho phù hợp.
Không ký hợp đồng sau khi ký biên bản ghi nhớ hợp tác được không?
Theo chúng tôi đã phân tích, biên bản ghi nhớ hợp tác thường được sử dụng với mục đích ghi chép lại những thỏa thuận, thương lượng mà các bên đã thực hiện trong những lần làm việc cùng nhau trước khi ký kết hợp đồng chính thức.
Cũng có nhiều trường hợp, biên bản ghi nhớ hợp tác được sử dụng với vai trò là một bản hợp đồng giữa các bên khi việc thỏa thuận, thương lượng đã có sự thống nhất cụ thể về các điều khoản.
Do vậy, trên thực tế có thể phát sinh 2 trường hợp sau đây:
Trường hợp 1: Biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết với mục đích là tiền đề để các bên cụ thể hóa các điều khoản trong bản ghi nhớ thành những hợp đồng cụ thể
Lúc này, các bên có thể lựa chọn ký kết hợp đồng để cụ thể hóa các điều khoản trong bản ghi nhớ hoặc không ký kết hợp đồng. Việc ký kết hoặc không ký kết hợp đồng là do sự lựa chọn, ý chí, nguyện vọng của các bên.
Trường hợp 2: Biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết, sử dụng như một hợp đồng chính thức giữa các bên
Việc ký kết hợp đồng giữa các bên sau khi đã có bản ghi nhớ hợp tác có thể là không cần thiết vì đã có nội dung cụ thể của bản ghi nhớ. Tuy nhiên, về hình thức, các bên nên ký kết hợp đồng với tên gọi và nội dung, phụ lục phù hợp với giao dịch đang thực hiện để nhằm mục đích tạo sự rõ ràng, minh bạch trong khi thực hiện.
Kết luận: Việc ký kết hợp đồng sau khi đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác có thể được các bên thực hiện hoặc không thực hiện, tùy thuộc vào từng tình huống cụ thể.
Trên đây là giải đáp về mẫu bản ghi nhớ hợp tác, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.