hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 04/08/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Mẫu bản luận tội chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân

Mẫu bản luận tội chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân hiện nay là mẫu 13/XS, ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 18 tháng 12 năm 2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Mục lục bài viết
  • Luận tội là gì?
  • Mẫu bản luận tội chuẩn
  • Cách viết luận tội chuẩn thế nào?

Luận tội là gì?

Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, khi thực hành quyền công tố, Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn: Công bố cáo trạng, công bố quyết định truy tố theo thủ tục rút gọn, quyết định khác về việc buộc tội đối với bị cáo tại phiên tòa; Xét hỏi, xem xét vật chứng, xem xét tại chỗ; Luận tội...

Như vậy, luận tội là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, do Kiểm sát viên được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phân công nhiệm vụ thực hành quyền công tố, được thực hiện ngay sau khi kết thúc phần xét hỏi, mở đầu phần tranh luận.

Cũng theo Bộ luật Tốn tụng Hình sự, luận tội của Kiểm sát viên phải căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu, đồ vật đã được kiểm tra tại phiên tòa và ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa.

Nội dung luận tội phải phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án; tội danh, hình phạt, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; mức bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp; nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.

Xét về mặt nội dung thì bản luận tội không những là căn cứ để bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia tố tụng khác đưa ra ý kiến, quan điểm của mình về toàn bộ vụ án mà Viện kiểm sát đã truy tố trước Tòa án, là cơ sở để Tòa án xem xét, quyết định việc đưa ra phán quyết của mình đối với người phạm tội và toàn bộ vụ án theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự quy định.

mau ban luan toi

Mẫu bản luận tội chuẩn

Hiện nay, mẫu bản luận tội chuẩn được ban hành kèm theo Quyết định 505/QĐ-VKSTC của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao năm 2017. Cụ thể như sau:

                                                                           

VIỆN KIỂM SÁT …………….

BẢN LUẬN TỘI

 

PHẦN MỞ ĐẦU

“Thưa Hội đồng xét xử”,

Căn cứ Điều 321 Bộ luật Tố tụng hình sự,

Hôm nay, Tòa án…….. mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án……… bị xét xử về tội……….. Bộ luật Hình sự.

Tôi tên là……….. Kiểm sát viên Viện kiểm sát…………, được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên toà trình bày quan điểm của Viện kiểm sát về việc xử lý đối với bị cáo (hoặc các bị cáo) và giải quyết vụ án như sau:

PHẦN NỘI DUNG 

1. Nêu tóm tắt nội dung vụ án

2. Phân tích, đánh giá chứng cứ

- Phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ chứng cứ xác định bị cáo có tội như: biên bản khám nghiệm, biên bản kiểm tra, thu giữ vật chứng, kết luận giám định pháp y, sổ sách, chứng từ, lời khai của bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng……….(nêu bút lục để chứng minh).

Kiểm sát viên phải cập nhật diễn biến tại phiên tòa để đưa ra lập luận bác bỏ hoặc chấp nhận lời trình bày của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác, đồng thời viện dẫn chứng cứ chứng minh quan điểm của mình.

Đối với những vấn đề, tình tiết mới phát hiện tại phiên tòa có thể làm thay đổi cơ bản nội dung, tính chất của vụ án nếu chưa được thẩm tra đầy đủ, chưa có đủ căn cứ thì không được kết luận mà phải đề nghị hoãn phiên tòa để điều tra xác minh.

Khi phân tích đánh giá chứng cứ đối với vụ án có nhiều bị cáo, bị cáo phạm nhiều tội, phải tuân theo trình tự sau: đánh giá từ tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đến tội phạm ít nghiêm trọng. Có thể xếp thành nhóm tội phạm có liên quan với nhau để cùng phân tích đánh giá. Lưu ý: tránh sao chép nội dung cáo trạng thành nội dung luận tội.

- Phân tích, đánh giá những chứng cứ xác định vô tội như: lời khai và các tài liệu khác (nêu bút lục để chứng minh).

3. Phân tích, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội

Phân tích, đánh giá chung tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; động cơ, mục đích, thủ đoạn phạm tội; mức độ hậu quả tác hại do tội phạm gây ra đối với người bị hại (tính mạng, sức khỏe, tài sản…) và an ninh, chính trị, kinh tế, trật tự an toàn xã hội.

Lưu ý: Việc đánh giá phải khách quan, trung thực, không suy diễn.

4. Nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án

- Đánh giá, xác định vị trí, vai trò, trách nhiệm của từng bị cáo trong vụ án có đồng phạm. Việc đánh giá theo trình tự sau: từ bị cáo có vai trò chủ mưu, cầm đầu đến bị cáo có vai trò thực hành, xúi giục, giúp sức như trong Cáo trạng (hoặc Quyết định truy tố) (nếu tại phiên tòa không có diễn biến thay đổi đáng kể).

- Đối với từng bị cáo phải phân tích, đánh giá nhân thân, xác định nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

5. Phân tích, đánh giá những nội dung khác

Nêu những thiếu sót, sơ hở, vi phạm trong lĩnh vực quản lý kinh tế, quản lý xã hội… là những nguyên nhân, điều kiện tội phạm phát sinh. Từ đó kiến nghị với các cơ quan đơn vị… rút kinh nghiệm, đề ra biện pháp khắc phục sửa chữa.

6. Kết luận những nội dung sau:

- Trên cơ sở đánh giá toàn bộ chứng cứ của vụ án, Kiểm sát viên khẳng định nội dung truy tố của Cáo trạng (hoặc Quyết định truy tố) là đúng hoặc cần phải thay đổi, bổ sung, rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên tòa.

- Về phần hình sự: Bị cáo đã vi phạm quy định pháp luật nào (nếu có); phạm tội gì (hoặc các tội gì), được quy định tại điểm, khoản, điều nào của Bộ luật Hình sự.

Về vật chứng: Xác định vật thu giữ có phải là vật chứng của vụ án không, thuộc loại vật chứng nào.

- Về phần dân sự: Xác định chủ thể phải chịu trách nhiệm dân sự; cơ sở pháp lý và hình thức, mức độ chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.

7. Đề nghị xử lý

a) Về trách nhiệm hình sự:

- Hình phạt chính: Đề nghị loại, mức hình phạt đối với từng bị cáo (theo thứ tự như đã nêu ở phần đánh giá vai trò, vị trí của từng bị cáo). Bị cáo phạm nhiều tội phải đề nghị hình phạt cho từng tội và tổng hợp hình phạt theo quy định tại Điều 55 Bộ luật Hình sự. Nếu bị cáo đang chấp hành một bản án khác thì phải đề nghị tổng hợp hình phạt theo Điều 56 Bộ luật Hình sự.

- Hình phạt bổ sung: Đề nghị loại, mức hình phạt bổ sung đối với từng bị cáo theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Lưu ý: Đối với bị cáo dưới 18 tuổi nếu không áp dụng hình phạt thì áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục, biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng (nếu có).

b) Về xử lý vật chứng: Hướng xử lý vật chứng theo Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự.

c) Về trách nhiệm dân sự: Đề nghị áp dụng hình thức, mức độ chịu trách nhiệm dân sự đối với từng chủ thể theo quy định của pháp luật./.

 

         

KIỂM SÁT VIÊN

(Ký, ghi rõ họ tên)

Ý KIẾN CỦA LÃNH ĐẠO

(Ký, ghi rõ họ tên)

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

 

Cách viết luận tội chuẩn thế nào?

- Tóm tắt nội dung vụ án: Tóm tắt ngắn gọn, súc tích và logic.

- Phân tích, đánh giá chứng cứ, nội dung này cần phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ chứng cứ xác định bị cáo có tội như: Biên bản phạm tội quả tang, khám nghiệm hiện trường, biên bản khám xét, biên bản kiểm tra, thu giữ vật chứng, kết luận giám định, sổ sách, chứng từ, lời khai của bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng...hay không? Tất cả các nội dung này đều phải dẫn chứng bút lục để chứng minh. Kiểm sát viên phải cập nhật diễn biến tại phiên tòa để đưa ra những lập luận bác bỏ hoặc chấp nhận lời trình bày của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác, đồng thời viện dẫn chứng cứ chứng minh quan điểm của mình.

- Phân tích, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, làm rõ được: Động cơ, mục đích, thủ đoạn phạm tội; mức độ hậu quả tác hại do tội phạm gây ra đối với con người, đối với tài sản và an ninh, chính trị, kinh tế, trật tự trị an và an toàn xã hội. Một lưu ý trong nội dung này đó là việc phân tích, đánh giá về bị cáo, về nội dung vụ án phải thật sự khách quan, trung thực và đặc biệt “tối kỵ” việc suy diễn ra vấn đề để nhận định một cách phiến diện.

- Về nhân thân và vai trò của từng bị cáo trong vụ án: Đánh giá, xác định vị trí, vai trò, trách nhiệm của từng bị cáo trong vụ án có đồng phạm theo thứ tự: Từ bị cáo có vai trò chủ mưu, xúi dục, cầm đầu đến bị cáo có vai trò thực hành, giúp sức như trong Cáo trạng. Nếu tại phiên tòa có sự thay đổi về diễn biến về vai trò của bị cáo thì phải đánh giá thay đổi theo thứ tự diễn biến tại phiên tòa. 

- Phân tích, đánh giá những nội dung khác có liên quan đến vụ án, tức là làm rõ nguyên nhân, điều kiện tạo thuận lợi để bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, những thiếu sót, sơ hở, vi phạm của cơ quan quản lý trong lĩnh vực quản lý nhà nước, xã hội… là cơ sở để Viện kiểm sát kiến nghị hoặc đề nghị Hội đồng xét xử kiến nghị để có biện pháp khắc phục sửa chữa, phòng ngừa tội phạm.

- Kết luận: Trên cơ sở đánh giá toàn bộ chứng cứ của vụ án, nội dung này Kiểm sát viên khẳng định nội dung truy tố của Cáo trạng đã công bố công khai tại phiên tòa này là đúng hoặc chưa đúng, nếu chưa đúng chưa đầy đủ thì phải nêu rõ là nội dung nào và cần phải thay đổi, bổ sung hoặc rút quyết định truy tố hay phải kết luận về tội danh nhẹ hơn tại phiên tòa.

Trên đây là mẫu bản luận tội chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X