hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 30/10/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Mẫu thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo [Mới nhất]

Hiện nay, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn áp dụng biện pháp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Điều kiện mang thai hộ là gì? Mẫu thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được lập như thế nào?

 
Mục lục bài viết
  • Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là gì?
  • Mẫu thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
  • Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
  • Cơ sở y tế nào được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo?
Câu hỏi: Vợ chồng tôi cưới nhau nhiều năm nhưng vẫn chưa có con. Mặc dù đã tốn nhiều chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm vẫn không có kết quả. Tôi muốn nhờ người khác mang thai hộ có được không? Điều kiện để nhờ mang thai hộ là gì?

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là gì?

Theo quy định tại khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được hiểu là việc một người phụ nữ tự nguyện mang thai giùm cho một cặp vợ chồng không thể sinh con (cho dù đã sử dụng biện pháp can thiệp từ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản).

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là gì?

Việc mang thai hộ thực hiện bằng cách lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng, sau đó thực hiện thụ tinh trong ống nghiệp rồi cấy vào cơ thể của người phụ nữ tự nguyện để mang thai và sinh con.

Lưu ý: Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là dựa trên tinh thần tự nguyện và không vì mục đích thương mại. Con sinh ra nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ.

Mẫu thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Mẫu thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Khi thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, các bên bao gồm bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ sẽ thực hiện thỏa thuận mang thai hộ trước khi tiến hành kỹ thuật cấy ghép.

Mẫu thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được quy định tại Mẫu số 06 kèm theo Nghị định 10/2015/NĐ-CP.

Sửa/In biểu mẫu

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
‎ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

‎ ---------------

………., ngày ….. tháng….. năm 20....

THỎA THUẬN

MANG THAI HỘ VÌ MỤC ĐÍCH NHÂN ĐẠO

I. THÔNG TIN CỦA VỢ, CHỒNG NHỜ MANG THAI HỘ (BÊN NHỜ MANG THAI HỘ):

- Tên vợ: .............................................................................................................

Ngày, tháng, năm sinh: .......................................................................................

Hộ khẩu: .............................................................................................................

Nơi ở hiện nay: ...................................................................................................

Số CMND: ..........................................................................................................

- Tên chồng: .......................................................................................................

Ngày, tháng, năm sinh: .......................................................................................

Hộ khẩu: .............................................................................................................

Nơi ở hiện nay: ...................................................................................................

Số CMND: ..........................................................................................................

Vợ chồng tôi hiện nay chưa có con chung và đã được cơ sở thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm ……….. xác nhận ………………. (tên người vợ) bị bệnh ………… không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Với nguyện vọng có một con chung của vợ chồng, chúng tôi đã nhờ chị …………….. (viết đầy đủ họ tên người mang thai hộ) mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Chị ......... đã đồng ý mang thai giúp cho vợ chồng tôi (chúng tôi đã viết cam kết tự nguyện mang thai hộ).

Chúng tôi đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý đầy đủ.

II. PHẦN THÔNG TIN CỦA VỢ CHỒNG MANG THAI HỘ (BÊN MANG THAI HỘ)

- Tên vợ: .............................................................................................................

Ngày, tháng, năm sinh: .......................................................................................

Hộ khẩu: .............................................................................................................

Nơi ở hiện nay: ...................................................................................................

Số CMND: ..........................................................................................................

- Tên chồng:........................................................................................................

Ngày, tháng, năm sinh:........................................................................................

Hộ khẩu:..............................................................................................................

Nơi ở hiện nay:....................................................................................................

Số CMND:...........................................................................................................

Tôi là chị, em ……………….. (người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ). Tôi đã sinh ……….. con (số con) và chưa mang thai hộ lần nào. Được biết ……… (vợ chồng nhờ mang thai hộ) bị bệnh …………… không thể mang thai và sinh con. Nên sau khi được …………….. (vợ chồng nhờ mang thai) nhờ mang thai giúp, với tình cảm họ hàng, tôi đồng ý mang thai hộ ……………… (tên vợ chồng nhờ mang thai). Tôi đã được cơ sở thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm xác nhận có khả năng mang thai và sinh con. Ngoài ra, tôi cũng đã được tư vấn đầy đủ về y tế, pháp lý, tâm lý.

III. CHÚNG TÔI CAM KẾT THỰC HIỆN ĐẦY ĐỦ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ NHƯ SAU:

1. Đối với bên mang thai hộ vì mục đích nhân đạo:

a) Có quyền, nghĩa vụ như cha mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc, nuôi dưỡng con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ; phải giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ.

b) Tuân thủ quy định về thăm khám, các quy trình sàng lọc để phát hiện, điều trị các bất thường và những dị tật của bào thai theo quy định của Bộ Y tế.

c) Có quyền yêu cầu bên nhờ mang thai hộ thực hiện việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Trong trường hợp vì lý do tính mạng, sức khỏe của mình hoặc sự phát triển của thai nhi, người mang thai hộ có quyền quyết định về số lượng bào thai, việc tiếp tục hay không tiếp tục mang thai phù hợp với quy định của pháp luật y tế về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

d) Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ từ chối nhận con thì bên mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên nhờ mang thai hộ nhận con.

2. Đối với bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo:

a) Có nghĩa vụ chi trả các chi phí thực tế để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe sinh sản theo quy định của Bộ Y tế.

b) Có quyền và nghĩa vụ đối với con kể từ thời điểm con được sinh ra. Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.

c) Không được từ chối nhận con. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chậm nhận con, hoặc vi phạm nghĩa vụ về nuôi dưỡng, chăm sóc con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình và bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan; nếu gây thiệt hại cho bên mang thai hộ thì phải bồi thường. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chết thì con được hưởng thừa kế theo pháp luật đối với di sản của bên nhờ mang thai hộ.

d) Giữa con sinh ra từ việc mang thai hộ với các thành viên khác của gia đình bên nhờ mang thai hộ có các quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Dân sự và luật khác có liên quan.

đ) Trong trường hợp bên mang thai hộ từ chối giao con thì bên nhờ mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên mang thai hộ giao con.

IV. THỎA THUẬN VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT HẬU QUẢ TRONG TRƯỜNG HỢP CÓ TAI BIẾN SẢN KHOA; HỖ TRỢ ĐỂ BẢO ĐẢM SỨC KHỎE SINH SẢN CHO NGƯỜI MANG THAI HỘ TRONG THỜI GIAN MANG THAI VÀ SINH CON, VIỆC NHẬN CON CỦA BÊN NHỜ MANG THAI HỘ, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA HAI BÊN ĐỐI VỚI CON TRONG TRƯỜNG HỢP CON CHƯA ĐƯỢC GIAO CHO BÊN NHỜ MANG THAI HỘ VÀ CÁC QUYỀN, NGHĨA VỤ KHÁC CÓ LIÊN QUAN:

....................................................................................................................................

V. TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ TRONG TRƯỜNG HỢP MỘT HOẶC CẢ HAI BÊN VI PHẠM CAM KẾT THEO THỎA THUẬN

....................................................................................................................................

NGƯỜI VỢ NHỜ MANG THAI HỘ
‎ (Ký, ghi rõ họ tên)

NGƯỜI CHỒNG NHỜ MANG THAI HỘ
(Ký, ghi rõ họ tên)

NGƯỜI VỢ
‎ MANG THAI HỘ

(Ký, ghi rõ họ tên)

NGƯỜI CHỒNG
‎ MANG THAI HỘ

‎ (Ký, ghi rõ họ tên)

i

Thỏa thuận về việc mang thai hộ phải được lập thành văn bản có công chứng. Trong trường hợp vợ chồng bên nhờ mang thai hộ ủy quyền cho nhau hoặc vợ chồng bên mang thai hộ ủy quyền cho nhau về việc thỏa thuận thì việc ủy quyền phải lập thành văn bản có công chứng.

Việc ủy quyền cho người thứ ba không có giá trị pháp lý.

Trong trường hợp thỏa thuận về mang thai hộ giữa bên mang thai hộ và bên nhờ mang thai hộ được lập cùng với thỏa thuận giữa họ với cơ sở y tế thực hiện việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì thỏa thuận này phải có xác nhận của người có thẩm quyền của cơ sở y tế này.

Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Điều kiện nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được quy định tại Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, cụ thể như sau:

* Điều kiện chung:

- Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải dựa trên tinh thần tự nguyện của các bên;

- Thỏa thuận được lập thành văn bản;

- Không trái với quy định pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

* Đối với người mang thai hộ:

- Chỉ được mang thai hộ 01 lần và đã từng sinh con;

- Là người thân thích cùng hàng với chồng hoặc vợ nhờ mang thai hộ;

- Đã được các chuyên gia tư vấn về tâm lý, y tế, pháp lý trước khi mang thai hộ;

- Có xác nhận phù hợp mang thai hộ của tổ chức y tế có thẩm quyền;

- Ở độ tuổi phù hợp để mang thai hộ;

- Trường hợp người phụ nữ được nhờ mang thai hộ đã có chồng, dù tự nguyện mang thai hộ cũng phải được sự đồng ý của người chồng (bằng văn bản).

* Đối với vợ chồng nhờ mang thai hộ:

- Cặp vợ chồng đang không có con chung;

- Đã được các chuyên gia tư vấn về tâm lý, y tế, pháp lý trước khi nhờ mang thai hộ;

- Có xác nhận về việc người vợ không thể mang thai hay sinh con (dù đã can thiệp bằng biện pháp kỹ thuật hỗ trợ sinh sản) của tổ chức y tế có thẩm quyền.

Cơ sở y tế nào được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo?

Hiện nay, không phải mọi cơ sở tế đếu được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Cơ sở y tế muốn thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản này phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 13 Nghị định 10/2015/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 98/2016/NĐ-CP), theo đó:

- Phải có kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm ít nhất 02 năm kể từ ngày Bộ Y tế cho phép cơ sở y tế thực hiện kỹ thuật này.

- Đối với tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm: Cơ sở y tế phải đáp ứng tối thiểu 1000 chu kỳ/năm (trong 2 năm), tức phải có tối thiểu 2000 chu kỳ trước khi được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

* Hồ sơ đề nghị công nhận cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo:

- Mẫu số 3a kèm theo Nghị định 98/2016/NĐ-CP: Công văn đề nghị Bộ Y tế công nhận cơ sở được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo;

- Tài liệu chứng minh cơ sở đã thực hiện tối thiểu 1000 chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm mỗi năm (trong 2 năm).

* Thủ tục đề nghị công nhận cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo:

- Cơ sở y tế lập một bộ hồ sơ đề nghị công nhận (như trên) và gửi về Bộ Y tế thông qua hình thức trực tiếp hoặc đường bưu điện.

- Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trong 05 ngày làm việc, Bộ Y tế xem xét và ra quyết định công nhận cơ sở được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Bộ Y tế phải thông báo bằng văn bản cho cơ sở đề nghị và nêu rõ lý do.

Lưu ý: Các cơ sở y tế sau đây không cần phải làm hồ sơ, thủ tục đề nghị công nhận được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, gồm:

- Bệnh viện Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh;

- Bệnh viện Đa khoa trung ương Huế;

- Bệnh viện Phụ sản trung ương.

Trên đây là một số thông tin về mẫu thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và điều kiện mang thai hộ theo quy định pháp luật mà chúng tôi cung cấp đến bạn đọc.

Nếu có thắc mắc liên quan đến quy định mang thai hộ, các phương pháp kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bạn đọc vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn, hỗ trợ.

 

Có thể bạn quan tâm

X