Vật chất, ý thức là gì? Giải thích mối quan hệ giữa vật chất và ý thức dựa trên quan điểm chủ nghĩa duy vật biện chứng. Đảng ta đã vận dụng mối quan hệ giữa vật chất và ý thức như thế nào trong công cuộc đưa đất nước đi lên Chủ nghĩa xã hội? Hãy cùng chúng tôi tìm kiếm câu trả lời trong nội dung bài viết dưới đây.
Khái niệm vật chất, ý thức
Một số quan điểm về vật chất
Vật chất với tư cách là phạm trù triết học đã có lịch sử phát triển lâu dài trên 2500 năm. Ở mỗi giai đoạn, tương ứng với thực tiễn và sự nhận thức khác nhau của con người mà vật chất được hiểu theo những cách khác nhau.
Đối với Chủ nghĩa duy tâm: Vật chất là tạo vật của thượng đế, hoặc là do sự kết hợp giữa các cảm giác của con người. Đồng thời chủ nghĩa này phủ định đặc tính tồn tại khách quan của vật chất.
Đối với Chủ nghĩa duy vật thế kỷ XVII- XVIII: Vật chất là một hay một số chất tự có, đầu tiên, sản sinh ra vũ trụ. Cách giải thích này cho thấy các nhà duy vật đã đồng nhất khái niệm vật chất và vật thể, dẫn đến những hạn chế khi giải thích các hiện tượng xã hội.
Quan điểm của Ph. Ăngghen: Vật chất với tư cách là phạm trù triết học là một sáng tạo thuần túy của tư duy, là trừu tượng thuần túy, không có sự tồn tại cảm tính (một công trình trí óc của tư duy con người trong quá trình phản ánh hiện thực chứ không phải là sản phẩm chủ quan của tư duy).
Định nghĩa vật chất của Lê-nin đưa ra trong tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” là: Vật chất là phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan mà con người biết được trong cảm giác, được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh, và sự tồn tại của nó không phụ thuộc vào cảm giác.
Một số quan điểm về ý thức
Chủ nghĩa duy tâm cho rằng: Ý thức là cái đầu tiên, có trước và tồn tại vĩnh viễn. Toàn bộ thế giới được hình thành và bị chi phối bởi ý thức..
Chủ nghĩa duy vật siêu hình: Ý thức là một dạng vật chất đặc biệt, do vật chất sản sinh ra.
Chủ nghĩa duy vật biện chứng: Ý thức ra đời từ quá trình tiến hóa lâu dài của tự nhiên, của lịch sử trái đất, và là kết quả trực tiếp của thực tiễn xã hội - lịch sử của con người.
Ý thức là gì (nguồn: internet)
Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng
Trong mối quan hệ giữa vật chất và ý thức, vật chất có trước và ý thức có sau. Vật chất là nguồn gốc và quyết định ý thức, ý thức tác động trở lại vật chất qua hoạt động thực tiễn của con người.
Vật chất quyết định ý thức
Vật chất quyết định ý thức qua 4 khía cạnh sau đây:
Vật chất quyết định “nguồn gốc” của ý thức: Ý thức chỉ xuất hiện khi con người xuất hiện và bộ óc của con người phát triển. Ý thức còn phản ánh hiện thực khách quan thông qua lao động và ngôn ngữ.
Vật chất quyết định “nội dung” của ý thức: Ý thức là “hình ảnh” phản ánh hiện thực khách quan. Nội dung của ý thức là kết quả của sự phản ánh hiện thực khách quan vào trong đầu óc của con người.
Vật chất quyết định “bản chất” của ý thức: Trên cơ sở của hoạt động thực tiễn, ý thức là sự phản ánh một cách tích cực, tự giác, sáng tạo thế giới khách quan. Ý thức vừa phản ánh vừa sáng tạo thế giới khách quan, phản ánh để sáng tạo và sáng tạo để phản ánh.
Vật chất quyết định “sự vận động, phát triển” của ý thức: Mọi sự tồn tại và phát triển của ý thức luôn gắn liền với quá trình biến đổi của vật chất: Vật chất thay đổi thì kéo theo sự thay đổi của ý thức.
Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức là gì? (nguồn: internet)
Ý thức tác động trở lại vật chất như thế nào?
Bản thân ý thức không trực tiếp làm thay đổi hiện thực mà phải thông qua hoạt động vật chất. Ý thức được coi như kim chỉ nam cho mọi hoạt động vật chất của con người bằng cách trang bị cho con người tri thức về thực tại khách quan giúp con người xác định được mục tiêu, phương hướng, cách thức, công cụ…để đạt được mục tiêu của mình. Như vậy khi nói về vai trò của ý thức đối với vật chất là đang nói đến vai trò của con người.
Sự tác động trở lại của ý thức đối với vật chất xảy ra theo 2 hướng: Tích cực và tiêu cực.
Tích cực : Nếu con người nhận thức đúng, có tri thức khoa học, có tình cảm cách mạng, có nghị lực, ý chí,...thì hành động hợp quy luật khách quan, từ đó thúc đẩy hoạt động thực tiễn, cải tạo được thế giới, đạt được mục đích của mình.
Tiêu cực : Nếu ý thức phản ánh không đúng hiện thực, bản chất và quy luật khách quan thì định hướng hành động của con người đi ngược lại quy luật khách quan thì hành động đó sẽ mang lại tác động tiêu cực đối với hoạt động thực tiễn, kìm hãm sự phát triển xã hội.
Sự tác động trở lại của ý thức đối với vật chất còn phụ thuộc vào các yếu tố: Trình độ phản ánh của ý thức, mức độ quyết định của ý thức đối với hành động của con người, trình độ tổ chức, điều kiện và hoàn cảnh vật chất.
Đảng ta đã vận dụng mối quan hệ giữa vật chất và ý thức như thế nào?
Như chúng ta đã biết, sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước vào năm 1975, nền kinh tế nước ta còn tồn tại nhiều nhược điểm như: Cơ sở vật chất kỹ thuật còn yếu kém, cơ cấu kinh tế mất cân đối về nhiều mặt, năng suất lao động thấp, sản xuất hàng hóa chưa đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu,..
Trước tình hình đó, nước ta tổ chức Đại hội Đảng lần thứ IV và V nhằm tìm ra nguyên nhân, biện pháp cải thiện nền kinh tế. Song do mắc phải những sai lầm chủ quan duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan mà tình hình kinh tế không những không được cải thiện mà còn xuất hiện thêm nhiều những vấn đề mới ảnh hưởng không tốt đến đời sống của nhân dân.
Nhắc lại tình hình trên để thấy tác động tiêu cực của ý thức (chủ trương chính sách quản lý) đối với vật chất (là nền kinh tế) và sự tác động qua lại giữa kinh tế và chính trị trước khi tiến hành công cuộc đổi mới.
Trước tình hình khủng hoảng kinh tế xã hội ngày càng nghiêm trọng, Đảng và nhà nước đã nghiên cứu, phân tích tình hình, lấy ý kiến của nhân dân và đặc biệt là thay đổi tư duy kinh tế. Đại hội Đảng lần thứ VI đã rút ra kinh nghiệm quan trọng: Phải luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan.
Đảng vận dụng mối quan hệ giữa vật chất và ý thức (nguồn: internet)
Nhờ vào những kinh nghiệm có được, và việc vận dụng đúng đắn phương pháp luận duy vật biện chứng về mối quan hệ giữa vật chất và ý thức, nước ta đã tiến hành công cuộc đổi mới kinh tế trước để tạo điều kiện đổi mới trong lĩnh vực chính trị. Do đó nước ta đã đạt được những thành quả như sau:
Đẩy lùi lạm phát.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng vượt mức đề ra.
Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phát triển tương đối toàn diện.
Quan hệ kinh tế đối ngoại mở rộng theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa.
Khoa học và công nghệ có bước phát triển lớn.
Sự chuyển biến tích cực trong đời sống văn hóa - xã hội của nhân dân.
Những thành tựu mà đất nước ta thu được chứng minh giá trị to lớn của sự vận dụng đúng đắn và sáng tạo mối quan hệ biện chứng giữa vật chất và ý thức. Đảng ta đã đứng trên quan điểm, phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng để xem xét khi xuất hiện những vấn đề cần giải đáp về mặt lý luận. Nhờ đó Đảng ta định ra những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn của nước ta.
Hy vọng qua những thông tin mà chúng tôi cung cấp trong bài viết trên, bạn đọc có thể hiểu rõ mối quan hệ giữa vật chất và ý thức cũng như sự vận dụng mối quan hệ này trong công cuộc đổi mới của đất nước. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào xin hãy liên hệ với Hieuluat.vn để được giải đáp.