hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 04/03/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Nước ta có cơ cấu dân số như thế nào?

Thế nào là cơ cấu dân số? Cơ cấu dân số được phân loại như thế nào? Hiện nay, nước ta có cơ cấu dân số ra sao? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin để giải đáp các vấn đề trên.

Mục lục bài viết
  • Khái niệm cơ cấu dân số
  • Cơ cấu dân số được phân loại như thế nào?
  • Cơ cấu dân số theo tuổi
  • Cơ cấu dân số theo giới tính
  • Cơ cấu dân số theo dân tộc, tôn giáo

Khái niệm cơ cấu dân số

Theo PGS-TS. Vũ Thị Thuyền và TS. Lưu Bích Ngọc chia sẻ trong Tài liệu dân số học - Tổng cục dân số kế hoạch hóa gia đình:

“Cơ cấu dân số được định nghĩa là sự phân chia tổng số dân của một vùng thành một nhóm theo sự phân chia tiêu thức (mỗi tiêu thức là một đặc trưng nhân khẩu học nào đó)”.

Cơ cấu dân số được phân loại như thế nào?

Cơ cấu dân số được phân loại theo độ tuổi, giới tính, dân tộc và tôn giáo. Trong đó, cơ cấu dân số tuổi và giới tính là quan trọng nhất vì nó ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh, tử, di dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Cơ cấu dân số theo tuổi

Các nghiên cứu về dân số xã hội sử dụng tuổi như một tiêu thức phổ biến nhất. Trong thống kê dân số, tuổi được tính theo tuổi tròn, có nghĩa là tính từ lúc sinh ra cho đến số tuổi vừa qua lúc sinh nhật ở hiện tại. Cơ cấu dân số theo tuổi có thể bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của y tế, bối cảnh xã hội,...

Tuổi được chia ra thành ba nhóm trong dân số. Nhóm dưới 15 tuổi, nhóm từ 15 tuổi cho đến 64 tuổi và nhóm từ 65 tuổi trở lên. Trong đó, nhóm dưới 15 tuổi được gọi là nhóm tuổi dưới lao động. Nhóm từ 15 đến 64 tuổi được gọi là nhóm tuổi lao động. Nhóm trên 65 tuổi được gọi là nhóm tuổi trên lao động. 

Nếu tỷ lệ nhóm tuổi dưới 15 có chỉ số vượt hơn 35%, nhóm trên 65 tuổi không vượt quá 7% thì được coi là cơ cấu dân số trẻ. Đối với cơ cấu dân số được coi là già khi nhóm dưới 15 tuổi chỉ từ 35% trở xuống, nhóm trên 65 tuổi chiếm hơn 7% trong tổng dân số. 

Theo mặt bằng chung trên thế giới, đa phần các nước phát triển sẽ có cơ cấu dân số già. Các nước đang phát triển sẽ có cơ cấu dân số trẻ hơn. Để lý giải cho tình trạng này đó là do các nước phát triển có nền y học tiến bộ, tuổi thọ con người sẽ kéo dài hơn. 

Cơ cấu dân số theo giới tính

Ngoài tiêu thức là tuổi, trong dân số, người ta cũng sử dụng giới tính làm tiêu thức để phân chia cơ cấu dân số. Cơ cấu dân số theo giới tính chia thành hai nhóm dựa trên giới tính là nam và nữ. Cơ sở giới tính dễ bị ảnh hưởng bởi văn hóa dân tộc, tư tưởng xã hội trong lãnh thổ nhất định.

Tỷ số giới tính được áp dụng để đo lường cơ cấu giới tính. Để tính tỷ số giới tính người ta sử dụng công thức số lượng dân cư mang giới tính nam chia cho số dân cư mang giới tính nữ trong vùng, lãnh thổ nhất định. Sau đó, kết quả thu được sẽ nhân cho 100 sẽ ra được tỷ số giới tính của vùng, lãnh thổ đó.

Cơ cấu dân số theo dân tộc, tôn giáo

Ngoài hai tiêu thức trên, cơ cấu dân số cũng có thể phân loại theo dân tộc hoặc tôn giáo. Cơ cấu dân số được phân loại theo các tiêu thức này thường được áp dụng kết hợp với cơ cấu dân số theo tuổi hoặc giới tính để có thể hiểu rõ hơn về tính chất dân cư của vùng hoặc lãnh thổ nhất định nào đó.

Nước ta có cơ cấu dân số như thế nào?

Tính đến năm 2022, tổng dân số nước ta hiện nay khoảng 99 triệu người. So với diện tích cả nước thì số lượng dân cư nước ta khá đông đảo. Để hiểu rõ hơn về số lượng cũng như chất lượng dân cư Việt Nam, chúng ta hãy cùng tìm hiểu cơ cấu dân số Việt Nam theo các tiêu thức dưới đây:

Cơ cấu dân số theo độ tuổi tại Việt Nam

Theo số liệu thống kê của năm 2017, nhóm tuổi từ 0 đến 14 ở nước ta chiếm 25,2 %. Nhóm tuổi từ 15 cho đến 65 chiếm tỷ lệ nhiều nhất với 69,3% trong tổng số. Đây cũng là nhóm lực lượng lao động chính của đất nước. Nhóm tuổi trên 65 chiếm 5,5 % dân số.

Đối với một quốc gia, cơ cấu dân số theo tuổi lý tưởng nhất chính là cơ cấu dân số trẻ. Số lượng người trẻ nhiều mới có thể đáp ứng cho nhu cầu của các hoạt động sản xuất kinh tế của đất nước, cũng như các nghĩa vụ an ninh quốc phòng của công dân.

Hiện nay, nước ta có cơ cấu dân số trẻ với tỷ lệ độ tuổi dưới lao động và lao động chiếm phần lớn trong tổng dân số. Đây là cơ cấu dân số lý tưởng được nhiều quốc gia mong muốn. 

Tuy nhiên, tốc độ già hóa ở nước ta lại phát triển rất nhanh so với mặt bằng chung trên thế giới. Theo dự đoán, đến năm 2036, nước ta sẽ có cơ cấu dân số già. Theo số liệu thống kê dân số, năm 2009 tỷ lệ tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam là 35,5%. Đến năm 2019, tỷ lệ này đã tăng vọt lên mức 48,8%.

Nước ta có cơ cấu dân số trẻ, đạt tỷ lệ vàng trong cơ cấu dân số
Nước ta có cơ cấu dân số trẻ, đạt tỷ lệ vàng trong cơ cấu dân số

Cơ cấu dân số theo giới tính tại Việt Nam

Theo kết quả điều tra dân số ở Việt Nam năm 2019, tỷ lệ người dân mang giới tính nam là 49,8%. Trong khi đó, tỷ lệ người dân mang giới tính nữ là 50,2%. Cơ cấu dân số giới tính ở nước ta khá cân bằng với nhau. 

Tuy nhiên, tỷ lệ giới tính nam ở nước ta hiện nay đang có dấu hiệu tăng vọt so với giới tính nữ. Theo báo cáo Tổng quan về Bình đẳng giới của năm 2021, tỷ số giới tính khi sinh của nước ta ở mức cao, cụ thể tỷ lệ này là 115,5 bé trai so với 100 bé gái. 

Nguyên dân dẫn đến tình trạng này là do tàn dư của tư tưởng phong kiến về việc trọng nam khinh nữ còn sót lại. Bên cạnh đó, việc có thể dự đoán được giới tính thai nhi do tiến bộ khoa học, kỹ thuật cũng sẽ khiến ba mẹ đứa bé can thiệp vào chuyện sinh con trai, con gái.

Việt Nam có tỷ lệ cân bằng giới tính giữa nam và nữ
Việt Nam có tỷ lệ cân bằng giới tính giữa nam và nữ

Cơ cấu dân số theo dân tộc Việt nam

Tổng số các dân tộc nước ta là 54. Trong đó, người Kinh áp đảo về số lượng so với các dân tộc khác. Theo kết quả thống kê, dân tộc Kinh chiếm 92,9% trong tổng dân số. Còn lại 17,1% là 53 dân tộc còn lại.

Các dân tộc Việt Nam thường sống nhiều ở các vùng đồi núi, trung du như vùng Tây Bắc hoặc Tây Nguyên. Ngược lại, người Kinh có xu hướng tập trung nhiều ở các vùng đồng bằng hơn. Một số dân tộc như Hoa, Khơ-me cũng thường sống ở các nơi tập trung đông người, sinh hoạt chung cộng đồng với người Kinh. 


Cơ cấu dân số ở nước ta mang lại những thuận lợi và khó khăn gì?

Đối với cơ cấu dân số theo độ tuổi, cơ cấu lý tưởng và mang lại nhiều thuận lợi nhất là cơ cấu dân số vàng. Nước ta đang trong trạng thái cơ cấu lý tưởng này. Việc có nguồn nhân lực dồi dào giúp nước ta không những đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước mà còn có thể xuất khẩu lao động sang nước ngoài. 

Tuy nhiên, nhiều lao động sẽ dẫn đến tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, dễ gây ra các tệ nạn xã hội như trộm, cắp tài sản. Ngoài ra, với tốc độ già hóa dân số đang tăng trưởng như hiện nay, nước ta sẽ phải đối mặt với cơ cấu dân số già trong những thập kỷ tiếp theo.

Nước ta có cơ cấu dân số cân bằng theo giới tính, tạo điều kiện cho việc duy trì nòi giống. Tuy nhiên, nước ta đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính trong tương lai. Mất cân bằng giới gây ra rất nhiều hệ lụy như nam giới khó lấy vợ, dễ dẫn đến các tình trạng mua bán, bắt cóc phụ nữ,.. 

Để giải quyết tình trạng đó, nhà nước ta đã ra các chính sách như cấm không được tiết lộ giới tính của thai nhi, ủng hộ quyền lợi của nữ giới,... để khống chế tình trạng thừa nam thiếu nữ trong tương lai.

Nói chung, cơ cấu dân số chủ yếu được phân theo độ tuổi và giới tính. Bên cạnh đó, để hiểu rõ hơn về tính chất dân cư của vùng, cơ cấu dân số cũng có thể phân theo tiêu thức như dân tộc hoặc tôn giáo. 

Nước ta có cơ cấu dân số vàng ở thời điểm hiện tại, tỷ lệ giới tính giữa nam và nữ cân bằng nhau. Tuy nhiên, trong tương lai tình trạng này khó tồn tại do tốc độ già hóa dân số nhanh cùng với tỷ số sinh giữa nam và nữ ngày càng chênh lệch.

Có thể bạn quan tâm

X