hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 24/02/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Phát triển kinh tế là gì? Đặc điểm của phát triển kinh tế

 Phát triển kinh tế là một thuật ngữ phổ biến thường được dùng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, đây được xem là mục tiêu trọng yếu của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc trên con đường hội nhập thế giới. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ khái niệm này cũng như những đặc điểm điển hình của phát triển kinh tế. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!

Mục lục bài viết
  • Phát triển kinh tế là gì?
  • Đặc điểm của sự phát triển kinh tế
  • Tăng trưởng kinh tế
  • Thay đổi về cơ cấu kinh tế
  • Thu nhập bình quân đầu người

Phát triển kinh tế là gì?

Phát triển kinh tế (Economic Development) là quá trình chuyển đổi nền kinh tế, có liên quan mật thiết đến việc chuyển biến cơ cấu nền kinh tế nhờ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ đó, tăng thu nhập bình quân đầu người và thu nhập của quốc gia.

Đây là quá trình dài cần có những định hướng chính sách phù hợp, ổn định để thu hút các nguồn lực kinh tế quốc tế đầu tư, khai thác vào nền kinh tế nước nhà.


Phát triển kinh tế là quá trình lâu dài

Đặc điểm của sự phát triển kinh tế

Mỗi quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế đều có bốn đặc điểm cơ bản sau:

Tăng trưởng kinh tế

Điều này được thể hiện rõ nhất qua sự gia tăng quy mô sản lượng của nền kinh tế. Đây là một điều kiện tiên quyết và là quá trình lâu dài của mỗi quốc gia.

Thay đổi về cơ cấu kinh tế

Nền kinh tế có sự thay đổi thể hiện qua tỷ trọng các thành phần kinh tế, ngành nghề và vùng miền. Biểu hiện rõ nhất của sự thay đổi này là tăng tỷ trọng vùng thành thị, giảm tỷ trọng vùng nông thôn. Xu hướng các ngành nông nghiệp giảm dần thay vào đó là các ngành công nghiệp, dịch vụ. 

Thu nhập bình quân đầu người

Phát triển kinh tế đồng nghĩa với việc thu nhập của người dân được tăng cao kéo theo đó chất lượng cuộc sống, mức an sinh xã hội cũng được cải thiện. Minh chứng cho điều này là các dịch vụ y tế, giải trí, giáo dục,... tăng lên đáng kể. Người dân được sinh sống và bảo vệ trong môi trường an toàn.


Thu nhập bình quân đầu người được cải thiện

Thay đổi tư duy con người

Mở cửa nền kinh tế là chìa khóa then chốt trong quá trình hội nhập, giao lưu với bạn bè thế giới, điều này không chỉ giúp phát triển kinh tế mà còn làm thay đổi tư duy, quan điểm con người về vạn vật, thế giới xung quanh.

Yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế

Để phát triển kinh tế vững mạnh, các yếu tố ảnh hưởng dưới đây được ví như là một sợi dây hai chiều tác động qua lại lẫn nhau. Điều này được biểu hiện rất rõ thông qua ba yếu tố sau:

Lực lượng sản xuất

Chất lượng và số lượng của yếu tố đầu vào ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và số lượng của hàng hóa, dịch vụ. Sự phát triển kinh tế được quyết định từ đây.

Tài nguyên thiên nhiên, khoa học công nghệ và con người là yếu tố then chốt cấu thành nên lực lượng sản xuất.

Trong đó, con người là nhân tố quan trọng nhất trong công cuộc phát triển kinh tế, bởi chỉ có con người mới có thể tạo ra sự đổi mới, sáng tạo, từ đó đem lại những thành tựu to lớn đặc biệt trong các ngành đặc thù như công nghệ kỹ thuật.


Con người là nhân tố quan trọng nhất trong công cuộc phát triển kinh tế

Quan hệ sản xuất

Nếu như sắp xếp hợp lý các quan hệ trong sản xuất, hình thức tổ chức hiệu quả, phân bổ nguồn lực cân bằng thì sẽ tạo đà thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế vững mạnh.

Trái lại, nếu các yếu tố trên không được phân bổ, điều chỉnh một cách hợp lý chắc chắn sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế, xã hội. Đây như là một con dao hai lưỡi, vì vậy đòi hỏi trách nhiệm, năng lực của một nhà quản lý để từ đó đạt được hiệu quả cao nhất.

Kiến trúc thượng tầng

Bao gồm những quan điểm, định hướng tư tưởng, chính trị, đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật,... song hành với đó là thiết chế xã hội như nhà nước, các đoàn thể, đảng phái,.... Những bộ phận này ảnh hưởng đến phát triển kinh tế cũng như sự ổn định xã hội theo nhiều hình thức, cơ chế khác nhau.

Tác dụng của kiến trúc thượng tầng sẽ là tích cực khi và chỉ khi nó xoay quanh sự vận động của quy luật kinh tế. Ngược lại, sẽ gây cản trở, kìm hãm, từ đó tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế một cách thụt lùi.

Ý nghĩa phát triển kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội

Với cá nhân, gia đình và xã hội, phát triển kinh tế mang lợi rất nhiều lợi ích thiết thực, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đặc biệt trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, cụ thể:

- Đối với cá nhân

Phát triển kinh tế tạo điều kiện cho công dân có công việc, mức lương ổn định, cuộc sống đầy đủ, no ấm; tạo điều kiện tích lỹ, củng cố, không ngừng được học hỏi, trao đổi kiến thức; được tham gia các hoạt động xã hội, giải trí từ đó phát triển bản thân toàn diện; đồng thời có điều kiện chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần một cách tốt nhất.

- Đối với gia đình

Phát triển kinh tế là tiền đề, là kim chỉ nam cho mỗi gia đình thực hiện tốt các chức năng như: chức năng kinh tế, chức năng sinh sản, chức năng chăm sóc và giáo dục,... từ đó xây dựng gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, gia đình no ấm, hạnh phúc thì xã hội mới trở nên tốt đẹp hơn.

- Đối với xã hội

+ Phát triển kinh tế đóng góp vào tổng thu nhập quốc dân và phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân như giảm tình trạng đói nghèo, giảm tỷ lệ tử vong, suy dinh dưỡng ở trẻ em đặc biệt là các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

+ Phát triển kinh tế đồng thời kéo theo sự phát triển giáo dục, văn hóa xã hội, y tế, giao thông,...đảm bảo ổn định kinh tế, chính trị, xã hội.

+ Phát triển kinh tế giúp củng cố nền an ninh quốc phòng, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, từ đó làm tăng thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, quản lý, định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước.

+ Ngoài ra, khắc phục sự tụt hậu so với các nước phát triển trên thế giới, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, mở rộng quan hệ, giao lưu với các quốc gia khác điều này cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế đối với xã hội.

Vì sao phát triển kinh tế gắn liền với tăng trưởng kinh tế?

Đầu tiên phải khẳng định phát triển kinh tế luôn luôn song hành với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, về bản chất đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

- Phát triển kinh tế: là quá trình thay đổi về mọi mặt theo xu hướng tiến bộ, tăng lên của nền kinh tế, bao gồm sự thay đổi về chất và lượng. Các nhân tố nội tại đóng vai trò then chốt trong quá trình phát triển của một nền kinh tế.

- Tăng trưởng kinh tế: là sự gia tăng về lượng kết quả đạt được trong thời kỳ nhất định so với thời kỳ gốc của nền kinh tế. Thông thường, để đánh giá sự tăng trưởng kinh tế thường là một năm.

Dựa vào sự phân biệt bên trên, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra mối tương liên của chúng, cụ thể:

+ Tăng trưởng kinh tế là điều kiện cần của phát triển kinh tế.

+ Tăng trưởng kinh tế thể hiện về sự thay đổi về lượng của nền kinh tế.

+ Tăng trưởng kinh tế là yếu tố trọng yếu để nâng cao thu ngân sách thông qua thuế, lệ phí, phí. Từ đó, phát triển kinh tế qua sự tăng đầu tư công và ngân sách.

+ Phát triển kinh tế là kết quả tổng hợp của sự tăng trưởng kinh tế.

+ Để phát triển kinh tế bền vững, trước hết phải thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế.


Phát triển kinh tế và tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ mật thiết với nhau

Trên đây là toàn bộ những phân tích mà chúng tôi cung cấp cho độc giả để có một cái nhìn chính xác nhất, toàn diện nhất về phát triển kinh tế là gì, các đặc điểm và yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế.

Có thể bạn quan tâm

X