hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 16/03/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Quân đội nhân dân Việt Nam gồm lực lượng nào?

Ngày 22/12 hàng năm được biết đến là ngày truyền thống Quân đội nhân dân. Vậy bạn hiểu như thế nào là Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam gồm lực lượng nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những vấn đề trên ngay bây giờ nhé!

Mục lục bài viết
  • Quân đội nhân dân Việt Nam là gì?
  • Quân đội nhân dân Việt Nam gồm lực lượng nào?
  • Lực lượng thường trực
  • Lực lượng dự bị động viên
  • Lịch sử hình thành và quá trình phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam

Quân đội nhân dân Việt Nam là gì?

Theo quy định tại Hiến pháp, Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt của Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Sứ mệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam là “Vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”.

Quân đội nhân dân Việt Nam gồm lực lượng nào?

Luật Quốc phòng 2018 quy định, Quân đội nhân dân Việt Nam bao gồm: Lực lượng thường trực và Lực lượng dự bị động viên.

Lực lượng thường trực

Bộ đội chủ lực giữ vai trò là thành phần chủ chốt của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bộ đội chủ lực được cấu thành từ lực lượng cơ động của các quân đoàn, quân chủng, binh chủng, bộ đội chủ lực của quân khu, bộ đội chuyên môn kỹ thuật và hệ thống đơn vị đảm bảo công tác hậu cần, các học viện, viện nghiên cứu, các trường đào tạo sĩ quan và trường nghiệp vụ các cấp.

Bộ đội địa phương là lực lượng tác chiến chủ yếu trên địa bàn địa phương và có tính cơ động. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh (hoặc huyện), bộ đội địa phương phối hợp cùng với dân quân tự vệ đóng vai trò chủ chốt của chiến tranh nhân dân tại địa phương.

Bộ đội địa phương có khu vực phòng thủ, chiến đấu riêng song vẫn gắn liền với thế trận phòng thủ chung của quân khu và của cả nước, phù hợp với đặc thù của từng khu vực trong chiến tranh nhân dân địa phương kết hợp với chiến tranh nhân dân của cả nước.


Khám tuyển nghĩa vụ quân sự (nguồn: internet)

Lực lượng dự bị động viên

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Lực lượng dự bị động viên 2019: “Lực lượng dự bị động viên bao gồm quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật dự bị được đăng ký, quản lý và sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên để sẵn sàng bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân”.

Trong đó quân nhân dự bị bao gồm: sĩ quan và hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, binh sĩ dự bị được đăng ký theo quy định của một số luật như Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 (đã sửa đổi vào các năm 2008, 2014), Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015 và Luật Nghĩa vụ quân sự 2015. (Được quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Lực lượng dự bị động viên 2019).

Theo quy định, những phương tiện kỹ thuật dự bị được là tài sản thuộc về cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam bao gồm phương tiện giao thông cơ giới các đường: đường bộ, đường thủy, đường không dân dụng và phương tiện xây dựng cầu đường.

Lịch sử hình thành và quá trình phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam

Sau khi hiểu về Quân đội nhân dân Việt Nam gồm lực lượng nào, hãy cùng tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam trong bài viết dưới đây.


Lịch sử hình thành của quân đội nhân dân Việt Nam

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ Tám (tháng 5 năm 1941), dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Đông Dương (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) đã quyết định chuyển hướng mục tiêu cách mạng, lấy mục tiêu giải phóng dân tộc là mục tiêu hàng đầu, xây dựng căn cứ địa chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

Ngày 22/12/1944 tại khu rừng Sam Cao huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng,  Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập dựa trên cơ sở các lực lượng vũ trang cách mạng ở Việt Bắc. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân khi đó chỉ có 34 đồng chí (trong đó có 3 nữ đồng chí) do đại tướng Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy.

Quân đội nhân dân Việt Nam gồm lực lượng nào?
Quân đội nhân dân Việt Nam gồm lực lượng nào? (nguồn: internet)

Quá trình phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử

Trận đánh đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là trận Phai Khắt, Nà Ngần diễn ra vào ngày 25, 26 tháng 12 năm 1944. Nhờ lối đánh bất ngờ, dũng cảm, mưu trí, đội đã giành được chiến thắng ở cả hai trận - mở đầu cho truyền thống đánh tiêu diệt, đánh đâu thắng đó của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ diễn ra vào ngày 15/4/1944 đã quyết định sáp nhập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với lực lượng Cứu quốc quân và đổi tên thành Việt Nam giải phóng quân. Lễ hợp nhất được tổ chức ngày 15/5/1944 tại rừng Thàn Mát, xã Định Biên, huyện Định Hóa (Thái Nguyên). Đội Việt Nam giải phóng quân là lực lượng quân sự nòng cốt của mặt trận Việt Minh trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.

Tháng 11 năm 1945, Việt Nam giải phóng quân đổi tên thành Vệ quốc đoàn (còn có tên gọi là Vệ quốc quân), quân số lúc này khoảng 50000 người chia thành 40 chi đội tập trung chủ yếu ở Bắc và Trung Bộ.

Ngày 22/5/1946, theo Sắc lệnh 71/SL của chủ tịch nước, Vệ quốc đoàn đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam do Bộ Tổng tham mưu chỉ huy. Trong cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp, quân đội ta đã quán triệt đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài kết hợp với nghệ thuật quân sự của ông cha, nhờ đó đã làm phá sản chiến dịch “Đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, buộc địch phải đánh lâu dài và làm phân tán lực lượng của địch.

Trải qua chín năm chiến đấu gian khổ và hy sinh, với thắng lợi của chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chính phủ Pháp đã phải ký Hiệp định Giơnevơ, hòa bình ở Đông Dương được lập lại, Pháp buộc phải rút quân về nước, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Lần đầu tiên trên thế giới, quân đội của một nước thuộc địa nhỏ bé đã đánh bại được đội quân của một đế quốc thực dân, điều này đã cổ vũ tinh thần giải phóng dân tộc của các quốc gia đang chịu áp bức.

Ngày 24/9/1954, Quân đội của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa chính thức được gọi bằng tên Quân đội nhân dân Việt Nam. Tên gọi này đã được sử dụng cho đến ngày nay.

Sau ngày hòa bình được lập lại ở miền Bắc, quân đội ta được xây dựng ngày càng lớn mạnh, có sức chiến đấu cao, trở thành trụ cột vững chắc cho đất nước trong cuộc chiến tranh bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, quân đội ta không chỉ dám đánh, quyết đánh mà còn đánh thắng, càng đánh càng mạnh, làm suy yếu sức mạnh của địch, khiến cho địch không phát huy được ưu thế về vũ khí và trang bị hiện đại.

Với những chiến thắng to lớn ở cả hai miền Nam - Bắc, đặc biệt là chiến thắng Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972, Mỹ buộc phải kí Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh, công nhận nền độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.


Xe tăng tiến vào Dinh độc lập giải phóng miền Nam (nguồn: internet)

Sau năm 1975, quân đội nhân dân Việt Nam lại bước vào cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, sát cánh cùng nhân dân Lào và nhân dân Campuchia bảo vệ nền độc lập, chống lại nạn diệt chủng.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Quân đội nhân dân Việt Nam tích cực tham gia xây dựng kinh tế, củng cố quốc phòng, không ngừng rèn luyện nâng cao sức chiến đấu, cùng nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vừa làm nhiệm vụ bảo vệ quốc gia, vừa tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

Từ khi thành lập đến nay, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn không ngừng lớn mạnh, trưởng thành cùng nhân dân vượt qua khó khăn thử thách, đánh thắng mọi kẻ thù, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xứng đáng với lời khen ngợi của chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Vây qua bài viết trên chúng tôi hy vọng rằng bạn đọc đã có thêm những hiểu biết về Quân đội nhân dân Việt Nam, biết được Quân đội nhân dân Việt Nam gồm những lực lượng nào? Và quá trình hình thành, phát triển gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc của quân đội nhân dân Việt Nam.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X