hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 28/11/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Scam là gì? Pháp luật xử lý Scam như thế nào?

Khi các hoạt động trên mạng internet ngày càng sôi động thì cũng là nơi diễn ra nhiều hành vi Scam. Vậy, scam là gì và hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào theo pháp luật? Hãy theo dõi bài viết cùng Hiểu Luật để biết thông tin chi tiết nhé!

Mục lục bài viết
  • Scam là gì? Khởi nguồn của scam     
  • Các hình thức scam phổ biến    
  • Scam qua email xác nhận
  • Scam chiếm đoạt tiền cọc
  • Scam qua quỹ quyên góp giả

Scam là gì? Khởi nguồn của scam     

Scam là gì? Scam là thuật ngữ chỉ việc một người hoặc một tổ chức nào đó lừa đảo khách hàng qua internet nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của nạn nhân. Độ phổ biến của mạng internet khiến các vụ lừa đảo trực tuyến Scam ngày càng gia tăng và vượt ngoài tầm kiểm soát an ninh.

Hầu hết các vụ scam diễn ra với mức độ tinh vi và phạm vi rộng rãi, với số tiền lừa đảo khổng lồ. Scammer chính là những cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi Scam lừa đảo. Đối tượng này bao gồm cả người trong nước và nước ngoài.

Khởi nguồn của hình thức lừa đảo này bắt đầu từ những năm 1980 tại Nigeria, khi nền kinh tế đi xuống, một số sinh viên đã dùng thủ đoạn lừa đảo nhằm lôi kéo các nhà đầu tư tham gia các dự án dầu mỏ. Từ đây, scam lan rộng đến Châu Âu và khắp thế giới.

scam la gi

Scam là hình thức lừa đảo trực tuyến qua mạng internet

Các hình thức scam phổ biến    

Sau khi đã tìm hiểu scam là gì, thông tin dưới đây sẽ tiết lộ đến bạn các hình thức scam phổ biến hiện nay:


Scam qua email xác nhận

Scam qua email được định dạng như Ngân hàng xác thực danh tính. Mặc dù trước đó bạn không hề thực hiện bất cứ yêu cầu xác thực nào thì nhiều khả năng bạn đang là mục tiêu của scammer.

Sammer thực hiện hành vi lừa đảo bằng cách sử dụng những địa chỉ email có gắn tên ngân hàng lớn, uy tín như: noreplyabc@tpbank.com,... Nếu không may gặp những email như vậy, hãy liên hệ với ngân hàng hoặc ví điện tử qua đường dây hotline của họ để hỏi rõ và báo cáo trong trường hợp này.

Scam chiếm đoạt tiền cọc

Đây là hình thức Scam sử dụng trang web đấu giá trực tuyến, lừa đảo đặt cọc phòng trọ, đặt cọc nhận việc,... Scammer sẽ bán mặt hàng không tồn tại, lừa nạn nhân chuyển tiền đặt cọc cho chúng qua ngân hàng. Hậu quả là nạn nhân sẽ mất tiền cọc và không nhận được gì.

scam la gi

Lừa đảo scam các nạn nhân chuyển tiền

Scam qua quỹ quyên góp giả

Một số lượng lớn các Scammer tạo dựng hoàn cảnh khó khăn, bệnh nặng, hiểm nghèo và cần kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ tài chính để chăm lo cho người thân, người có hoàn cảnh nghèo khó. Họ lợi dụng lòng trắc ẩn và tình thương người của người khác nhằm trục lợi

Scam lợi dụng lòng tham

Hình thức scam này sử dụng email, tin nhắn làm công cụ để thông báo cho người nhận (quan chức, doanh nhân, người già,…) là họ đã trúng xổ số với tổng giải thưởng rất lớn, hoặc đầu tư nhỏ nhưng thu lãi lớn,... Các trò scam lợi dụng lòng tham thường thấy:

Yêu cầu nạn nhân đầu tư hoặc gửi một số tiền nhỏ làm vốn và cam kết thu được số tiền lớn từ một tài khoản khác. Giao dịch này lừa bạn phải cung cấp thông tin tài khoản hoặc tài khoản ngân hàng của bạn. Bạn sẽ rút tiền mặt khi tiền được gửi đến và bạn phải thỏa thuận không tiết lộ với bất kỳ ai.

Lừa đảo khảo sát trực tuyến

Hình thức Scam mời gọi nạn nhân tham gia để được tặng tiền mặt hoặc quà tặng miễn phí. Yêu cầu tham gia chương trình là bạn điền thông tin vào khảo sát. Mục đích là để lấy thông tin nhân khẩu học và bán nguồn dữ liệu này cho các tổ chức khác và người tham gia sẽ bị lừa, không nhận được khoản tiền nào.

scam la gi

Scam online ngày càng tinh vi và phổ biến

Lừa đảo việc làm

Hình thức lợi dụng nhu cầu tìm việc làm để lừa đảo bằng cách gửi các email, tin nhắn kèm theo số tài khoản. Bạn cần gửi tiền vào tài khoản đó thì có được công việc với mức lương khủng. Nhưng trên thực tế, bạn đã bị lừa hết số tiền đã gửi đi và không hề nhận được công việc.

Lừa đảo qua website mạo danh 

Scammer sẽ dày công thiết kế một website giả mạo các website danh tiếng, uy tín. Sau đó, tối ưu từ khóa để đưa trang web giả lên thứ hạng cao trên các công cụ tìm kiếm để tiếp cận nạn nhân. Khi đó, Scammer sẽ yêu cầu đăng nhập vào website giả nhằm thu thập ID và password của người dùng để chiếm đoạt dữ liệu cá nhân của bạn.

Scam mạo danh tên, chức vị, thương hiệu

Scammer thực hiện hành vi tạo ra các tài khoản mạng xã hội giả mạo các thương hiệu nổi tiếng hoặc người nổi tiếng, các tài khoản bán hàng online giả mạo. Sau đó lừa đảo người dùng không thiếu hiểu biết về thông tin tài khoản mạng xã hội đó và lừa mua hàng hoặc chuyển tiền chiếm đoạt tài sản.

scam la gi

Giả mạo thương hiệu để scam lừa đảo qua mạng

Dấu hiệu nhận biết scam là gì?    

Scammer thường lợi dụng sự cả tin và nỗi sợ của nạn nhân để thực hiện hành vi Scam. Vì thế, bạn cần tỉnh táo hơn để phòng tránh và không trở thành nạn nhân của những chiêu trò scam lừa đảo này. Dưới đây là một số cách nhận diện một vụ scam:

  • Kiểm tra trang page mạng xã hội: Hãy kiểm tra xem trang đó có hoạt động bình thường không, có sự tương tác của nhiều thành viên như đăng tải hay bình luận hay không.

  • Kiểm tra domain của website: Scammer có thể lập ra nhiều trang cùng 1 domain dùng để lừa đảo của mình.

  • Kiểm tra lượng theo dõi của các trang: Một số trang mạng xã hội có số lượng thành viên tăng đột biến rất có khả năng là những trang lừa đảo. Bởi họ có thể trả tiền để mua follow, tạo tin tưởng cho các “con mồi”.

  • Lời kêu gọi đầu tư, mời với lợi ích hấp dẫn đánh vào lòng tham của con người rất dễ là scam.

scam la gi

Hãy thận trọng và kiểm tra kỹ đề phòng bị scam lừa đảo trực tuyến

Cách xử lý khi bị scam là gì?    

Nhận thấy mình đã trở thành nạn nhân của scam, người bị hại nên trình báo lên cơ quan có thẩm quyền được giải quyết. Đầu tiên, hãy thu thập tất cả các thông tin có thể như tin nhắn, số điện thoại, tài khoản ngân hàng,… để làm chứng cứ tố giác.

Theo điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, các cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, thông tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố bao gồm: Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, cơ quan, tổ chức khác.

Như vậy, bạn hãy tiến hành trình báo tin cho cơ quan công an cấp quận, huyện hoặc Viện kiểm sát nhân dân cấp quận, huyện tại nơi cư trú hoặc của người lừa đảo.

scam la gi

Trình báo cơ quan công an về hành vi lừa đảo trực tuyến

Hồ sơ trình báo bao gồm:

  • Đơn trình báo công an;

  • Căn cước công dân của bị hại (bản sao có công chứng);

  • Chứng cứ để chứng minh hành vi lừa đảo (video, hình ảnh, ghi âm,…);

Trong đó, Công an Thành phố Hà Nội khuyến cáo người dùng internet gửi các đường link, tình huống lừa đảo trực tuyến scam hoặc nghi ngờ là lừa đảo đến địa chỉ:

  • Đường dây nóng 113 và trang page Facebook của Công an thành phố Hà Nội tại địa chỉ: https://www.facebook.com/ConganThuDo;

  • Đường dây nóng 069.234.8560 – Cục Cảnh sát hình sự, phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

  • Hoặc báo cáo trực tiếp đến trang website cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam tại địa chỉ https://canhbao.ncsc.gov.vn./#!/.

Người dân Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, trình báo về chiếm đoạt tài sản, lừa đảo qua mạng có thể gọi đến đường dây nóng 08.3864.0508.


Scam - lừa đảo bị xử phạt như thế nào theo pháp luật hiện hành?

Xử phạt hành chính

Theo Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng chịu mức phạt tiền đến 3 triệu đồng với hành vi dùng thủ đoạn gian dối, hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác.

scam la gi

Xử phạt theo quy định pháp luật với một số đối tượng lừa đảo

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng có thể chịu mức hình phạt sau:

  • Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; phạt tù đến 03 năm nếu tài sản chiếm đoạt có trị giá từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Hoăc tài sản chiếm đoạt trị có  giá dưới 2 triệu đồng nhưng rơi vào các trường hợp:

    • Đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản và tái phạm;

    • Đã bị kết án về tội này hoặc từ một tội được quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175, 290 Bộ luật này mà chưa được xóa án tích, tái vi phạm;

    • Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

    • Tài sản chiếm đoạt là phương tiện kiếm sống chính của cá nhân và gia đình người bị hại.

  • Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm nếu hành vi lừa đảo có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm; dùng thủ đoạn xảo quyệt.

  • Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

  • Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

  • Hình phạt bổ sung đối với lừa đảo qua mạng: Người có hành vi lừa đảo bằng tin nhắn chỉnh sửa còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu; ngoài ra còn cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, làm công việc từ 01 năm đến 05 năm; cũng như tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

scam la gi

Phạt tù tội phạm lừa đảo trực tuyến

Hy vọng bài viết đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc scam là gì? Có thể thấy, mọi hành vi lừa đảo trực tuyến scam đều là vi phạm pháp luật và vị phạt tùy theo mức độ tội. Nếu bạn đọc còn bất cứ thắc mắc gì về scam là gì thì hãy liên hệ ngay với Hiểu luật để được giải đáp.

Có thể bạn quan tâm

X