hieuluat
Chia sẻ email

Tất toán là gì? Quy trình tất toán như thế nào?

Tất toán là một thuật ngữ rất phổ biến trong các giao dịch tài chính tại ngân hàng. Nếu bạn đang tìm hiểu tất toán là gì? Quy trình tất toán diễn ra như thế nào? thì dưới đây chính là bài viết dành cho bạn.

Mục lục bài viết
  • Tất toán là gì?
  • Hồ sơ và quy trình tất toán như thế nào?
  • Một số khái niệm khác liên quan đến tất toán
  • Tất toán tiết kiệm là gì?
  • Tất toán khoản vay là gì?

Tất toán là gì?

Tất toán là một hành động để chấm dứt giao dịch giữa ngân hàng và khách hàng tại thời điểm mà hai bên kết thúc hợp đồng. Tại thời điểm tất toán, cả hai bên đã hoàn thành việc thanh toán tất cả các khoản nợ cho bên còn lại.

Tất toán là gì?

Tất toán là gì? (nguồn: internet)

Hồ sơ và quy trình tất toán như thế nào?

Tùy theo quy định mà mỗi ngân hàng sẽ có những yêu cầu về mặt hồ sơ và quy trình tất toán khác nhau.

Hồ sơ tất toán gồm có:

  • CMND/CCCD hoặc các loại giấy tờ tùy thân hợp lệ khác.
  • Biểu mẫu xác nhận tất toán tài khoản của ngân hàng.
  • Một số giấy tờ khác tùy theo yêu cầu của ngân hàng.

Quy trình tất toán cơ bản thường gồm các bước sau:

  • Bước 1: Tính toán và kiểm tra các khoản tiền (tiền vay, tiền tiết kiệm) bao gồm cả tiền gốc và lãi theo quy định.
  • Bước 2: Khách hàng yêu cầu tất toán tài khoản, đối chiếu hợp đồng để xác định khoản tiền tất toán.
  • Bước 3: Tiến hành rút tiền (nếu là tất toán tiết kiệm) hoặc nạp tiền (nếu là tất toán khoản vay).
  • Bước 4: Thanh lý hợp đồng và xác nhận hoàn thành tất toán. Trường hợp tất toán khoản vay vốn, phải tiến hành giải ngân và xóa thế chấp tài sản sau khi hoàn thành tất toán. Điều này là cần thiết để chắc chắn đã hoàn thành việc tất toán, giữa hai bên không còn khoản vay hoặc khoản nợ nào cần tất toán.

Một số khái niệm khác liên quan đến tất toán

Bên cạnh khái niệm tất toán là gì còn có rất nhiều khái niệm khác nhau để phân biệt các loại tất toán. Sau đây, Hieuluat.vn sẽ giúp bạn tìm hiểu cụ thể.

Tất toán tiết kiệm là gì?

Tất toán tiết kiệm là hoạt động mà ngân hàng thanh toán đầy đủ cả tiền lãi và tiền gốc cho khách hàng sau khi kỳ hạn gửi tiền kết thúc. Có 2 hình thức tất toán tiết kiệm là:

- Tất toán tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn: Với hình thức tất toán này lại có 3 trường hợp như sau:

+ Tất toán trước hạn: Được hiểu là việc bạn rút tiền trước ngày đáo hạn của sổ tiết kiệm. Trong trường hợp này, bạn vẫn có thể rút tiền như bình thường nhưng lãi suất nhận được sẽ rất thấp. Thường chỉ tương đương với lãi suất gửi tiết kiệm không kỳ hạn.

Ví dụ: Bạn gửi tiết kiệm với số tiền 100 triệu kỳ hạn 6 tháng từ 01/01/2023. Như vậy ngày kết thúc kỳ hạn của sổ tiết kiệm là 01/07/2023. Nếu bạn rút tiền trước ngày 01/07/2023 thì được gọi là tất toán trước hạn.

+ Tất toán đúng kỳ hạn: Tức là bạn rút tiền đúng vào thời điểm đáo hạn của khoản tiết kiệm. Trong trường hợp này, bạn sẽ nhận được lãi suất như trong hợp đồng gửi tiền trước đó.

Ở ví dụ trên thì thời điểm tất toán đúng kỳ hạn sẽ là ngày 01/07/2023.

+ Tất toán sau kỳ hạn: Nếu hết kỳ hạn gửi tiền mà bạn không tất toán tài khoản thì ngân hàng sẽ thực hiện việc đó thay bạn. Mỗi ngân hàng sẽ có cách tất toán sau kỳ hạn khác nhau, thông thường có 2 cách tất toán sau kỳ hạn đó là:

  • Cách 1: Ngân hàng sẽ mở một sổ tiết kiệm mới cho bạn, trong đó số tiền gốc chính là tổng tiền gốc và lãi mà bạn nhận được sau kỳ gửi trước. Thời hạn sổ tiết kiệm bằng với sổ cũ của bạn. Còn lãi suất là lãi suất hiện hành của ngân hàng.

Ví dụ: Bạn gửi tiết kiệm số tiền 200 triệu kỳ hạn 6 tháng với lãi suất là 5,6% từ ngày 01/01/2023. Nếu sau ngày 01/07/2023 mà bạn không tiến hành tất toán thì sổ tiết kiệm mới của bạn sẽ là:

Tiền lãi = 200.000.000 x 5,6% x 180/365 = 5.523.288 VNĐ.

Tiền gốc sổ mới = 200.000.000 + 5.523.288= 205.523.288 VNĐ.

Kỳ hạn gửi là 6 tháng.

Lãi suất là lãi suất gửi tiết kiệm 6 tháng của ngân hàng tại thời điểm hiện tại.

  • Cách 2: Ngân hàng sẽ mở một sổ tiết kiệm mới cho bạn với số tiền gốc và thời hạn gửi như sổ cũ, lãi suất là lãi suất hiện hành của ngân hàng. Khoản tiền lãi từ kỳ gửi trước được chuyển thành tiền gửi không kỳ hạn.

Như ví dụ trên thì ở cách này, sổ tiết kiệm mới có số tiền gốc là 200 triệu, kỳ hạn 6 tháng, lãi suất là lãi suất gửi tiết kiệm 6 tháng của ngân hàng hiện tại. Khoản tiền lãi 5.523.288 được chuyển thành tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất là lãi suất gửi tiết kiệm không kỳ hạn của ngân hàng ở hiện tại.

+ Tất toán tài khoản tiết kiệm không kỳ hạn: Bạn có thể rút tiền bất kỳ thời điểm nào bạn muốn. Tuy nhiên mức lãi suất nhận được thường rất thấp.

Tất toán tiết kiệm là gì?

Tất toán tiết kiệm là gì ? (nguồn: internet)

Tất toán khoản vay là gì?

Thời điểm khách hàng thanh toán hết khoản nợ bao gồm cả tiền gốc lẫn tiền lãi trong một lần cho bên tổ chức, cơ sở cho vay thì được gọi là tất toán khoản vay.

Trường hợp việc tất toán khoản vay được diễn ra trước kỳ hạn trong hợp đồng thì được gọi là tất toán khoản vay trước hạn. Khi tất toán khoản vay trước hạn, người vay sẽ phải chịu một khoản phí gọi là phí phá vỡ hợp đồng. Mức phí phá vỡ hợp đồng sẽ khác nhau tùy vào quy định của ngân hàng hoặc tổ chức cho vay.

Công thức chung để tính phí phạt:

Phí phá vỡ hợp đồng = Số tiền nợ gốc còn lại x phần trăm phí phạt.

Ví dụ: Hợp đồng vay vốn tại BIDV với số tiền là 200 triệu và đã trả 50 triệu. Mức phí phạt khi tất toán khoản vay trước thời hạn là 2%. Từ công thức trên ta có: Phí phá vỡ hợp đồng = (200 - 50) x 2% = 3 triệu đồng.

Cần lưu ý rằng, bên cạnh phí phá vỡ hợp đồng có thể có những khoản phí phạt khác phát sinh tùy vào hợp đồng vay vốn.

Hình thức đáo hạn không quay vòng là gì?

Đáo hạn không quay vòng hay còn gọi là gửi tiết kiệm không quay vòng tức là khi hết kỳ hạn gửi, khách hàng sẽ tới làm thủ tục tất toán, rút cả tiền gốc và tiền lãi về và không tiếp tục gửi nữa.

Trường hợp khách hàng không đến tất toán vào ngày kết thúc kỳ hạn gửi tiết kiệm thì ngân hàng sẽ mặc định chuyển khoản tiết kiệm đó thành hình thức đáo hạn quay vòng.

Đối tượng đủ điều kiện đáo hạn không quay vòng là:

  • Khách hàng có khoản tiết kiệm hoặc vay vốn tại ngân hàng đã đến thời kỳ thanh toán.
  • Khách hàng trong độ tuổi từ 20 - 65 tuổi, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật
  • Khách hàng có hộ khẩu tại khu vực có chi nhánh của ngân hàng
  • Không có lịch sử nợ xấu, có thu nhập ổn định (đối với đáo hạn vay vốn).

Phân biệt tất toán và đáo hạn

Nếu bạn đã hiểu tất toán là gì thì sau đây chúng tôi muốn giúp bạn phân biệt giữa tất toán và đáo hạn. Dưới đây là những điểm giống và khác của hai khái niệm này.

  • Điểm giống nhau: Tất toán và đáo hạn đều được thực hiện tại thời điểm kết thúc hợp đồng giao dịch. Mục đích của cả 2 việc này đều là để hoàn tất các giao dịch tài chính.
Phân biệt tất toán và đáo hạn

Phân biệt tất toán và đáo hạn (nguồn: internet)

  • Điểm khác nhau:

Tất toán

Đáo hạn

Khoản tiết kiệm

Có kỳ hạn

Là thời điểm khách hàng muốn nhận về cả tiền gốc lẫn tiền lãi và không tiếp tục gửi nữa

Là ngày cuối cùng của tài khoản tiết kiệm tính từ ngày bắt đầu làm sổ tiết kiệm tại ngân hàng. Sau thời điểm này, số tiền bao gồm cả gốc lẫn lãi sẽ được cộng dồn vào kỳ tiếp theo.

Không kỳ hạn

Đều là thời điểm mà khách hàng có nhu cầu tất toán tài khoản, nhận về cả tiền gốc và lãi.

Khoản vay

Là thời điểm khách hàng hoàn tất việc trả nợ và kết thúc hợp đồng

Là thời điểm hoàn tất khoản vay và khách hàng gia hạn thêm thời gian vay với ngân hàng

Như vậy, trong bài viết trên, chúng tôi đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin bao gồm: Tất toán là gì? Quy trình tất toán và một số khái niệm liên quan đến tất toán. Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích.

Có thể bạn quan tâm

X