hieuluat
Chia sẻ email

Vay tiền qua app không trả có bị nợ xấu, phạt tù không?

Vay tiền qua app là hình thức vay tiền khá phổ biến hiện nay nhờ những ưu điểm vượt trội so với hình thức vay thông thường, tuy nhiên nhiều người vẫn khá lo ngại trước hình thức này. Vậy vay tiền qua app là gì? Có phải lừa đảo không? Cùng HieuLuat tìm hiểu tại bài viết dưới đây nhé!
Mục lục bài viết
  • Vay tiền qua app là gì?
  • Vay tiền qua app có phải lừa đảo không?
  • Vay tiền qua app không trả có bị nợ xấu không?
  • Vay tiền qua app không trả có bị đi tù không?

Vay tiền qua app là gì?

App trong tiếng anh là Application, được hiểu là ứng dụng trên điện thoại di động.

Vay tiền qua app là hình thức vay trực tuyến trên các ứng dụng mà bạn có thể dễ dàng tải xuống từ App Store nếu bạn sử dụng hệ điều hành IOS hoặc từ CH Play nếu bạn sử dụng hệ điều hành Android. Hình thức vay tiền qua app hiện nay khá phổ biến vì hình thức này đáp ứng nhu cầu vay gấp của khách hàng, thủ tục đơn giản và thời gian giải ngân nhanh chóng.

Một số app cho vay phổ biến có thể kể đến như: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, HDBank, VPBank, MBBank, F88, FE Credit, Doctor Đồng, Senmo, Crezu, Money Cat, MoMo,...

vay tien qua app

Vay tiền qua app có phải lừa đảo không?

Hình thức vay tiền qua app được ưa chuộng bởi tính tiện lợi, nhanh chóng, bạn chỉ cần có điện thoại thông minh có kết nối internet là có thể dễ dàng tải ứng dụng và đăng ký vay.

Đối với một số đơn vị, bạn không cần chứng minh thu nhập, không cần tài sản bảo đảm cũng không cần người bảo lãnh, thông thường chỉ cần có chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân còn giá trị sử dụng. Ngoài ra, hình thức vay tiền qua app còn có những ưu đãi hấp dẫn về lãi suất cho khách hàng vay lần đầu,...

Trên thị trường hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều app cho vay tiền nhanh, có rất nhiều app uy tín hỗ trợ tốt nhu cầu vay nhanh của khách hàng với lãi suất hợp lý và thời gian giải ngân nhanh chóng. Để đánh giá một app cho vay tiền có uy tín hay không, bạn có thể dựa vào một số tiêu chí dưới đây:

Một là, app cho vay tiền được phát triển bởi các công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp, có mã số thuế, địa chỉ trụ sở cụ thể và các thông tin liên hệ rõ ràng.

Hai là, được nhiều người tin dùng và lựa chọn. Bạn có thể tìm kiếm tên app cho vay tiền trên google hoặc đọc review ngay tại CH Play và App Store, những trải nghiệm từ những người dùng trước sẽ giúp bạn có cái nhìn chân thực về app mà bạn muốn đăng ký vay.

Ba là, mức độ công khai, minh bạch. Các app cho vay tiền uy tín thường công khai các thông tin về hạn mức, lãi suất, thời gian giải ngân, thủ tục đăng ký,... để khách hàng có thể dễ dàng lựa chọn khoản vay phù hợp. Ngược lại, các tổ chức tín dụng đen thường gửi tin nhắn hay gọi điện để giới thiệu về các khoản vay hay những ưu đãi hấp dẫn rồi dẫn đường link liên kết với App Store, CH Play để bạn cài đặt ứng dụng và đăng ký tài khoản trên app.

Bốn là, lãi suất phù hợp. Lãi suất khi vay online tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng và các đơn vị cho vay online không giống nhau. Thông thường lãi suất vay tại các đơn vị cho vay online sẽ cao hơn so với vay tại các ngân hàng hay các tổ chức tín dụng. Do vậy bạn cần tìm hiểu kỹ vấn đề này trước khi đăng ký vay.

Cũng chính bởi những ưu điểm của hình thức vay tiền qua app mà một số tổ chức tín dụng đen lợi dụng sự cả tin của khách hàng để lừa đảo. Các chiêu thức lừa đảo cũng ngày một tinh vi nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng. Có thể kể đến những chiêu trò như yêu cầu thanh toán phí hồ sơ hoặc bảo hiểm khoản vay, lừa đảo khách hàng đăng ký vay nhưng không giải ngân,...

Có thể thấy, hình thức vay tiền qua app không phải lừa đảo, bạn cần tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị cho vay tiền qua app trước khi đăng ký vay, đọc kỹ hợp đồng vay trước khi ký, đặc biệt là thông tin về lãi suất cũng như các chi phí phát sinh,... để tránh việc “vướng” phải những tổ chức lừa đảo.

vay tien qua app

Vay tiền qua app không trả có bị nợ xấu không?

Nợ xấu theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Thông tư số 11/2021/TT-NHNN quy định là nợ thuộc nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn), 4 (nợ nghi ngờ) và 5 (nợ có khả năng mất vốn). Trong đó:

- Nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) gồm 5 loại khác nhau, phổ biến nhất là nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày và nợ đã được gia hạn lần đầu.

- Nhóm 4 (nợ nghi ngờ) gồm 6 loại khác nhau, phổ biến nhất là nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày và nợ đã được cơ cấu lại thời gian trả nợ lần hai.

- Nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) gồm 8 loại khác nhau, phổ biến nhất là nợ quá hạn trên 360 ngày và nợ đã được cơ cấu lại thời gian trả nợ lần thứ ba trở lên.

Nếu bạn vay tiền qua app của các ngân hàng hay các công ty tài chính thì thông tin về tình trạng nợ của bạn sẽ được chính các ngân hàng và các công ty tài chính đó quản lý, vì vậy, nếu bạn thuộc nhóm nợ xấu thì đồng thời cũng bị liệt kê vào danh sách khách hàng nợ xấu trên hệ thống CIC- Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam.

Vay tiền qua app không trả có bị đi tù không?

Vay tiền qua app là một hình thức giao dịch vay tài sản theo quy định tại Bộ luật Dân sự, do đó giao dịch này được điều chỉnh bởi các quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, bên vay có nghĩa vụ hoàn trả cho bên cho vay theo đúng số lượng, chất lượng, lãi suất (nếu có thỏa thuận) khi đến hạn phải trả.

Theo đó, hành vi không thanh toán khoản nợ khi vay tiền qua app là hành vi vi phạm pháp luật, bên cho vay có thể có các yêu cầu thanh toán, bồi thường, phạt vi phạm,... theo như hợp đồng đã ký kết, bên vay cũng có thể bị liệt kê vào nhóm nợ xấu,... Nếu bên vay vẫn không thanh toán thì bên cho vay có thể khởi kiện yêu cầu bên vay thực hiện đúng theo hợp đồng đã giao kết.

Ngoài ra, tùy vào mức độ và hành vi, bên vay thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.

“Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

…”

Trên đây là thông tin liên quan đến vấn đề vay tiền qua app, nếu bạn có các vấn đề pháp lý khác cần hỗ trợ, hãy liên hệ tổng đài  19006199 để được giải đáp kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

X