Thu nhập bình quân đầu người là một chỉ số kinh tế quan trọng để đánh giá mức sống và mức độ phân hóa giàu nghèo của nhân dân. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thu nhập bình quân đầu người Việt Nam năm 2023 và phân biệt 2 chỉ số thu nhập bình quân đầu người với GDP bình quân đầu người.
Thu nhập bình quân đầu người là gì?
Thu nhập bình quân đầu người là chỉ số kinh tế - xã hội phản ánh mức thu nhập và cơ cấu thu nhập của các tầng lớp dân cư. Người ta dùng chỉ số này để đánh giá mức sống, sự phân hóa giàu nghèo và tính tỷ lệ nghèo để làm cơ sở hoạch định chính sách, từ đó nâng cao được mức sống của nhân dân, xóa đói, giảm nghèo.
Tại Việt Nam, Tổng cục Thống kê sẽ tiến hành khảo sát mức sống dân cư hộ gia đình định kỳ 2 năm/lần để tính toán chỉ số thu nhập bình quân đầu người
Công thức tính thu nhập bình quân đầu người
Thu nhập bình quân đầu người trong 1 tháng bằng tổng thu nhập của hộ gia đình trong 1 năm chia cho 12 tháng và chia cho số nhân khẩu của hộ gia đình
Thu nhập của hộ gia đình trong 1 năm là toàn bộ số tiền và giá trị hiện vật sau khi trừ đi chi phí sản xuất mà hộ và các thành viên của hộ gia đình thu được trong 1 năm.
Thu nhập của hộ bao gồm:
Các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương.
Thu nhập từ hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (sau khi trừ đi các chi phí sản xuất và thuế).
Các thu nhập khác như: Tiền biếu, tiền mừng, lãi tiết kiệm.
Các khoản không được tính vào thu nhập là: Rút tiền gửi tiết kiệm, tiền thu nợ, vay nợ, thu bán tài sản, tạm ứng và các khoản chuyển nhượng từ việc liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh.
Thu nhập bình quân đầu người Việt Nam hiện nay
Nhờ sự tăng trưởng về kinh tế mà thu nhập bình quân đầu người Việt Nam trong những năm vừa qua đã đạt được sự gia tăng đáng ghi nhận, cụ thể:
Theo Báo cáo kinh tế - xã hội do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/12/2022, tình hình đời sống của hộ cư dân đã được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam trong năm ước đạt 4,67 triệu/người/tháng, tăng hơn 9,5% so với năm 2021, tỷ lệ nghèo ước tính khoảng 3,6%, giảm 0.8% so với năm 2021.
Thu nhập tăng đều ở cả khu vực thành thị và nông thôn, thu nhập bình quân đầu người/tháng tại thành thị là 5,95 triệu đồng, tăng 10,4% so với năm 2021 và con số này ở khu vực nông thôn là 3,86 triệu đồng, tăng 10,8%.
Thu nhập bình quân đầu người Việt Nam trong giai đoạn 2010 - 2020 (nguồn: internet)
Cơ cấu thu nhập đang chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng các khoản thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thủy sản sang các khoản thu từ hoạt động tự làm phi nông, lâm nghiệp, thủy sản. Tỷ trọng các khoản thu từ tiền lương, tiền công giảm nhẹ so với năm 2021 (giảm 1,5%) nhưng vẫn duy trì ở mức cao (55,2%). Những con số này cho thấy sau đại dịch các hoạt động tự làm phi nông, lâm nghiệp, thủy sản có sự phục hồi nhanh chóng.
Trong quý I/2023, tình hình lao động và việc làm nước ta đã có sự phục hồi tích cực. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính là 52,2 triệu người, tăng 88.700 người so với quý trước và tăng hơn 1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ người tham gia lực lượng lao động ước tính khoảng 68,9%. Thu nhập bình quân tháng của người lao động làm công là 7,9 triệu đồng, tăng 578.000 đồng.
Phân biệt thu nhập bình quân đầu người với GDP bình quân đầu người
Để phân biệt được hai chỉ số này, trước hết cần hiểu được khái niệm GDP, GDP bình quân là gì và công thức để tính GDP bình quân đầu người.
GDP là gì?
GDP (hay tổng sản phẩm quốc nội) là giá trị thị trường tất cả sản phẩm vật chất và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra của một nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định (quý, năm).
GDP không tính giá trị vật chất và dịch vụ đã sử dụng ở các khâu trung gian trong quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm. GDP biểu thị kết quả sản xuất của tất cả đơn vị thường trú tại một vùng lãnh thổ tạo ra.
Xét GDP dưới một số góc độ như:
Góc độ chi tiêu: GDP là tổng cầu của nền kinh tế bao gồm tiêu dùng của các hộ dân cư, tiêu dùng của nhà nước, sự chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, tích lũy tài sản.
Góc độ thu nhập: Gồm thu nhập của người lao động từ sản xuất, thuế sản xuất, khấu hao tài sản cố định và giá trị thặng dư sản xuất trong kỳ.
Góc độ sản xuất: GDP bằng giá trị sản xuất trừ các chi phí trung gian.
GDP là gì? (nguồn: internet)
GDP bình quân đầu người là gì?
GDP bình quân đầu người là tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong năm chia cho dân số trung bình trong năm đó.
GDP bình quân đầu người là một trong những chỉ tiêu kinh tế quan trọng, là thước đo đánh giá mức độ giàu có của một quốc gia. Các nhà kinh tế sử dụng chỉ số này để hiểu rõ hơn về năng suất lao động trong nước và so sánh với năng suất lao động của các nước khác, dựa vào đó để đưa ra các chính sách về tiền tệ.
Công thức tính GDP bình quân đầu người:
GDP bình quân đầu người có thể được tính bằng nội tệ hoặc USD theo tỷ giá hối đoái (tại thời điểm tính) và tỷ giá sức mua tương đương.
Trong năm 2021, GDP bình quân đầu người Việt Nam ước tính khoảng 3.743 USD, đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 124 trên thế giới.
So sánh thu nhập bình quân đầu người và GDP bình quân đầu người
Thu nhập bình quân đầu người | GDP bình quân đầu người | |
Giống nhau | Đều là thu nhập của người lao động thu được từ sản xuất | |
Khác nhau | - Không bao gồm thuế sản xuất, khấu hao tài sản cố định, thặng dư sản xuất. - Bao gồm phần thu nhập sở hữu, chuyển nhượng hiện hành | - Bao gồm cả thuế sản xuất (thu của nhà nước), khấu hao tài sản cố định, thặng dư sản xuất (thu của doanh nghiệp). - Không bao gồm thu nhập sở hữu và chuyển nhượng hiện hành. |
Những hạn chế của chỉ số thu nhập bình quân đầu người
Mặc dù là một chỉ số đo lường được sử dụng phổ biến tuy nhiên thu nhập bình quân đầu người tồn tại một số hạn chế, đó là:
Không tính đến lạm phát
Thu nhập bình quân đầu người không tính đến lạm phát của nền kinh tế . Lạm phát làm giảm sức mua của người tiêu dùng và giảm thu nhập. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc thu nhập trung bình của dân cư tại một số khu vực tăng lên.
So sánh với các quốc gia khác không chính xác
Việc so sánh với các quốc gia khác có thể không chính xác. Nguyên nhân là do khi tính thu nhập bình quân đầu người không bao gồm tỷ giá hối đoái trong các phép tính. Ngoài ra, một số nền kinh tế khác không sử dụng tiền tệ mà sử dụng trao đổi hàng hóa và các hoạt động phi tiền tệ khác cũng không được xem xét khi tính thu nhập bình quân đầu người.
Trong phép tính bao gồm cả trẻ em
Việc tính thu nhập bình quân đầu người bao gồm cả những cá nhân không có thu nhập như trẻ em và thậm chí cả trẻ sơ sinh. Do đó, khi dùng chỉ số này để đánh giá những nền kinh tế và quốc gia có nhiều trẻ em sẽ nhận được kết quả sai lệch.
Chưa tính đến tài sản tiết kiệm
Khi tính thu nhập bình quân đầu người thì không bao gồm tiền tiết kiệm hoặc của cải cá nhân. Ví dụ, một người giàu có thể có thu nhập hàng năm thấp do không làm việc nhưng chất lượng sống của người đó lại cao nhờ tiền từ khoản tiết kiệm. Tuy nhiên số liệu thu nhập bình quân đầu người sẽ phản ánh người này có thu nhập thấp.
Tài khoản tiết kiệm không được tính trong thu nhập bình quân đầu người (nguồn: internet)
Không tính đến các phúc lợi kinh tế - xã hội
Thu nhập bình quân đầu người được sử dụng để xác định chất lượng sống của dân cư trong một khu vực hoặc khu vực địa lý. Nhưng trong phép tính thu nhập bình quân đầu người không tính đến chất lượng điều kiện làm việc, trình độ biết chữ và lợi ích sức khỏe tổng thể.
Trên đây là một số thông tin về mức thu nhập bình quân đầu người Việt Nam và cách tính chỉ số này. Hy vọng bài viết của chúng tôi đã mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích.