hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 19/05/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tôn giáo là gì? Bản chất, nguồn gốc và tính chất của tôn giáo

Tôn giáo là gì? Tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau như thế nào chắc hẳn là câu hỏi mà đa số mọi người rất khó giải thích một cách rõ ràng. Vậy nên, nếu như bạn cũng đang thắc mắc về những thông tin xoay quanh vấn đề này thì hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây để tìm ra câu trả lời cho mình nhé. 

Mục lục bài viết
  • Tôn giáo là gì?
  • Tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau thế nào?
  • Các đặc điểm của tôn giáo ở Việt Nam
  • Đa tôn giáo
  • Không có sự xung đột, bất hòa giữa các tôn giáo

Tôn giáo là gì?

Tôn giáo là sự tin tưởng, đức tin của con người với đối tượng tôn thờ cụ thể theo cách hiểu đơn giản. Theo đó, người dân sẽ phải tuân thủ những lời dạy, luật lệ, lễ nghi cũng như các hoạt động tôn giáo được tổ chức.

Tôn giáo là gì luôn là câu hỏi được nhiều người quan tâm

Tôn giáo là gì luôn là câu hỏi được nhiều người quan tâm

Tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau thế nào?

Tín ngưỡng cũng có xuất phát điểm là niềm tin của con người. Nó được thể hiện thông qua những nghi thức, nghi lễ lưu truyền từ xa xưa; dựa theo tập quán, phong tục của từng vùng nhằm đem đến sự an yên trong tâm thức.

Về bản chất, tôn giáo và tín ngưỡng chính là đức tin, niềm tin của mỗi cá nhân với đối tượng hoặc sự vật, sự việc mang tính chất linh thiêng. Tuy nhiên, chúng vẫn có một số khác biệt sau:

  • Tôn giáo có hệ thống tổ chức rõ ràng: giáo chủ sáng lập; có đoàn thể như giáo hội; sách, kinh được truyền bá và giảng dạy; những thiền viện, trường dòng dành cho người theo học, tu tập. Tín ngưỡng lại mang đậm tính dân gian với các văn tế, bài khấn, truyền thuyết được lưu truyền lại.

  • Tại thời điểm nhất định, khi đã theo tôn giáo nào thì chỉ được thờ phụng và tham gia hoạt động tâm linh của tôn giáo đó. Tín ngưỡng bớt khắt khe hơn. Mọi người có thể vừa đi lễ đền thờ Mẫu, vừa tham gia các khóa tu do nhà chùa tổ chức.

  • Phần lớn tôn giáo trên thế giới đều có người theo đạo, tu tập và hoạt động suốt đời như nhà sư, nữ tu sĩ còn tín ngưỡng thì không. Khi có việc, những người chung tín ngưỡng sẽ tụ tập lại để lo liệu theo chỉ đạo của người đứng đầu rồi trở về với cuộc sống và công việc ngày thường.

Các đặc điểm của tôn giáo ở Việt Nam

Sau khi nắm được tôn giáo là gì, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu thêm về các đặc điểm của tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.

Đa tôn giáo

Việt Nam là một quốc gia có quyền tự do tôn giáo. Theo sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” ra mắt năm 2023, nước ta có trên 26,5 triệu tín đồ (tương đương 27% dân số cả nước); 16 tôn giáo cùng 36 tổ chức tôn giáo cũng được nhà nước công nhận.

Phật giáo có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần người Việt

Phật giáo có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần người Việt

Ngoài những tôn giáo lớn như Phật giáo, Công giáo, đạo Tin Lành, đạo Cao Đài thì người dân cũng có thể không theo bất kỳ một tôn giáo nào nhưng vẫn có phong tục thờ cúng tổ tiên.

Không có sự xung đột, bất hòa giữa các tôn giáo

Các tôn giáo du nhập và phát triển tại Việt Nam theo rất nhiều nguồn khác nhau trong suốt chiều dài của lịch sử. Tuy không cùng gốc gác nhưng đa phần đều có điểm đích là hướng đến cuộc sống, khuyên răn người dân chăm làm việc thiện cho nên các tín đồ cùng chung sống với nhau rất hòa hảo, chưa từng xảy ra bất kỳ sự mất đoàn kết nào.

Đa phần tín đồ tôn giáo là nhân dân lao động với tinh thần dân tộc

Tầng lớp người lao động chiếm phần lớn số lượng tín đồ tôn giáo tại Việt Nam. Họ đa số là nông dân, công nhân với tinh thần kháng chiến bất khuất cùng lòng yêu nước và tự hào dân tộc.

Điều này được thể hiện qua sự đồng lòng của các tín đồ cùng nhân dân cả nước trải qua biết bao cuộc chiến tranh để bảo vệ quyền độc lập, tự chủ cho tổ quốc. Tất cả cùng chung tay góp sức giúp cho đất nước, cho đời sống hằng ngày được cải thiện và đi lên.

Có nhiều đóng góp trong việc xây dựng và phát triển đất nước

Xuyên suốt các sự kiện, diễn biến trong lịch sử cùng với sự lớn mạnh của nhà nước về mặt chính trị - xã hội, chúng ta luôn thấy sự góp mặt của các tín đồ tôn giáo. Nhờ sự du nhập và phát triển mạnh mẽ, các tôn giáo đã phần nào giúp cho hệ tư tưởng truyền thống và nền văn hóa ở Việt Nam thêm phong phú và đa dạng.

Bên cạnh đó, tôn giáo với các giáo lý khuyên răn, dạy dỗ nhằm hướng đến cuộc đời tốt đẹp hơn cũng giúp cho người dân có cái nhìn đúng đắn về hành vi, lối sống để từ đó trở thành công dân có ích cho đất nước, cùng góp công sức xây dựng nước nhà.

Bản chất, nguồn gốc của tôn giáo là gì?

Bản chất và nguồn gốc của tôn giáo được hiểu như sau:

Bản chất của tôn giáo

Tôn giáo do con người sáng lập ra, phát triển dựa theo sự thay đổi của hệ thống chính trị - xã hội cho nên về bản chất thì nó chính là hiện thân cho sự phản ánh về mặt tinh thần của các giai cấp xã hội trong suốt chiều dài lịch sử.

Tôn giáo đưa ra những mục tiêu có tính hoàn hảo giúp con người hướng đến cuộc sống tốt đẹp thông qua các giáo lý, giáo luật. Song song với đó, nó cũng đem đến những giá trị về mặt văn hóa, hài hòa với đạo đức xã hội.

Về mặt thế giới quan thì tôn giáo mang tính chất tâm linh, đối lập hẳn với những người cộng sản theo chủ nghĩa Mác. Tuy nhiên, dân chúng luôn có quyền tự do trong việc tìm hiểu xem tôn giáo là gì, tự do lựa chọn theo bất kỳ tôn giáo nào hay không chứ không bị áp đặt bởi cộng sản hay chế độ xã hội chủ nghĩa.

Nguồn gốc của tôn giáo

Tôn giáo có ba nguồn gốc chính, bao gồm:

  • Nguồn gốc nhận thức

Sự phát triển về mặt nhận thức của con người đối với bản thân, tự nhiên và xã hội có giới hạn trong từng thời kỳ. Thêm nữa, rất nhiều điều bí ẩn trên thế giới mà trình độ tri thức của nhân loại cũng chưa thể giải đáp nổi cho nên tôn giáo chính là lời giải thích cho mọi câu hỏi.

Vậy nhưng, nếu như quá sa đà, nương tựa vào tâm linh thì con người sẽ dễ bị hoang tưởng, xa rời với thực tế cuộc sống.

  • Nguồn gốc kinh tế - xã hội

Trước kia, khi mà hiểu biết của con người cũng như sự cải tiến về mặt công cụ sản xuất còn non kém thì họ vô cùng yếu thế trước thiên nhiên hùng vĩ. Do đó, họ gắn cho tự nhiên những quyền năng vô hạn, thần thánh hóa và dựng nên tôn giáo để thờ cúng.

Khi sự phân tầng xã hội xảy ra, con người lại bị kìm hãm bởi quyền lực của kẻ thống trị. Những sự bất công trong xã hội, sự phân biệt giai cấp, điều ác…  được đổ lỗi cho sự an bài của số mệnh. Do đó, tôn giáo lại có cơ hội xuất hiện để cứu rỗi những con người này.

  • Nguồn gốc tâm lý

Tâm lý lo sợ trước các vấn đề liên quan đến tự nhiên, xã hội kèm theo sự yếu kém về mặt tự nhận thức cũng khiến cho con người ta tìm đến tôn giáo để an ủi.

Ngoài ra sự biết ơn, kính trọng với những người có công với đất nước, anh hùng dân tộc… cũng là một biểu hiện của tôn giáo.

Tính chất của tôn giáo là gì?

Tôn giáo được biểu hiện qua ba tính chất sau:

Tính lịch sử

Cùng với chiều dài lịch sử, tôn giáo xuất hiện khi mà năng lực tư duy, tưởng tượng của con người đạt đến một tầm nhất định. Lúc đó, con người sáng tạo ra tôn giáo, và người đứng đầu chính là giáo chủ.

Tôn giáo luôn biến động và phân chia thành nhiều nhánh cùng với sự phát triển của xã hội và thể chế chính trị qua từng thời kỳ lịch sử cụ thể. Tuy vậy, sẽ luôn có sự điều chỉnh, thay đổi theo các giai đoạn từ phía tôn giáo nhằm mục đích hòa hợp với thời cuộc.

Tôn giáo sẽ biến mất hoàn toàn chỉ khi mà người dân không còn muốn tìm hiểu xem tôn giáo là gì, thay vào đó là sự hiểu biết của con người đạt đến trình độ nắm rõ và điều khiển được các quy luật của tự nhiên, xã hội cũng như tự hình thành đức tin nơi mỗi cá nhân thay vì một đối tượng tôn thờ nào đó.

Tính quần chúng

Hiện tại, lượng người theo tôn giáo chiếm một tỷ lệ khá cao trong tổng số dân trên thế giới nên tính quần chúng được thể hiện rất rõ nét.

Tính quần chúng của tôn giáo được thể hiện rõ nét qua số lượng tín đồ trên khắp thế giới

Tính quần chúng của tôn giáo được thể hiện rõ nét qua số lượng tín đồ trên khắp thế giới

Hầu hết các giáo lý đều răn dạy con người ta sống lương thiện, chăm tích đức, tránh làm điều ác để cùng góp sức tạo nên một cuộc sống tự chủ, bình đẳng, tốt đẹp. Vậy nên tôn giáo được mọi thành phần trong xã hội, nhất là người lao động rất tin tưởng và noi theo.

Tính chính trị

Ở buổi đầu, tôn giáo không mang tính chất chính trị. Khi mà xã hội phân chia ra các giai cấp khác nhau, xuất hiện sự tranh đấu về mặt lợi ích thì tính chính trị của tôn giáo cũng được hình thành. Giai cấp thống trị đã dựa vào danh nghĩa tôn giáo, lấy sự tin tưởng của người dân để nhằm thu lợi về mình.

Có những nơi tôn giáo và chính quyền không có sự tách rời. Những nhân vật nắm quyền hành trong tổ chức tôn giáo đó cũng nắm thực quyền trong bộ máy chính trị.

Thêm nữa, theo sự phát triển của xã hội thì nội bộ tôn giáo cũng phân chia ra thành nhiều nhánh, phái khác nhau và cuộc đấu tranh giữa những nhánh, phái này nhiều khi cũng mang tính chính trị.

Kết luận

Bài viết này nhằm giải đáp cho câu hỏi tôn giáo là gì và vài vấn đề liên quan đến tôn giáo. Qua những thông tin được cung cấp, mong rằng bạn đọc sẽ tìm được cho mình câu trả lời về các nghi vấn của cá nhân và thêm phần nào hiểu rõ hơn về tôn giáo ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Có thể bạn quan tâm

X