Triết học là gì là câu hỏi của rất nhiều sinh viên, bởi đây là môn học quan trọng trong tất cả các chương trình giáo dục đại học. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc cái nhìn rõ ràng nhất về khái niệm triết học, nguồn gốc của triết học và vì sao chúng ta cần học triết học.
Triết học là gì?
Theo cách tiếp cận Mác-xít, triết học là hệ thống những quan điểm, quan niệm chung nhất của con người về thế giới, vai trò và vị trí của con người trong thế giới đó.
Theo nguyên gốc chữ Hán, “triết” có nghĩa là trí, có trí tuệ, sáng suốt, bao hàm sự hiểu biết sâu sắc về sự vật, hiện tượng, vũ trụ và nhân sinh, đạo lý.
Trong văn hóa Ấn Độ, “triết” là thuật ngữ có nghĩa “chiêm ngưỡng” nhưng mang hàm ý là tri thức dựa trên lý trí, dẫn lối đến với lẽ phải, có cái nhìn thấu đáo về chân lý, vũ trụ và nhân sinh.
Theo quan niệm của các nhà triết học Hy Lạp cổ, thuật ngữ “triết học” có nghĩa là “yêu mến sự thông thái”.
Triết học là gì? Triết học là khoa học của mọi khoa học
Triết học được xem là hình thức cao nhất của tri thức, vừa mang tính định hướng vừa thể hiện khát vọng hướng đến chân lý của con người. Triết học là thế giới quan của một giai cấp nhất định trong xã hội. Còn các triết gia được gọi là nhà thông thái, nhà tư tưởng.
Triết học ra đời vào khoảng thế kỷ VIII-VI trước công nguyên và đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Trong đó, Trung Quốc, Ấn Độ và Hy Lạp cổ đại là những ngôi sao sáng trong thế giới triết học.
Những đặc điểm của triết học
Bên cạnh việc tìm hiểu định nghĩa triết học là gì, chúng ta cần có cái nhìn tổng quan về những đặc điểm triết học để có thể hiểu một cách thấu đáo về triết học. Triết học có những đặc điểm sau đây:
Tính hệ thống
Triết học là một hệ thống quan điểm tương đối hoàn chính về thế giới. Nó bao gồm các tư tưởng được hệ thống hóa về bản thể luận, về nhận thức luận, về con người và xã hội,... Đây là những vấn đề trừu tượng, khái quát và sâu sắc nhất trong tri thức con người về vạn vận và thế giới xung quanh.
Triết học là hệ thống tư tưởng, quan điểm
Tính thế giới quan
Từ khi triết học ra đời, thế giới quan của con người dần được thay đổi và được xây dựng thành một hệ thống những quan điểm, quan niệm. Trong đó triết học luôn đóng vai trò là hạt nhân vì triết học đem lại cho con người ta những quan niệm chung nhất và sâu sắc nhất về thế giới.
Tuy nhiên thế giới quan còn bao gồm hệ thống những quan niệm chung của các khoa học cụ thể khác như: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, những quan điểm về thần thoại hay tôn giáo, các quan điểm về nội dung chính trị, đạo đức, thẩm mỹ và các quan điểm thần học hoặc vô thần. Các quan điểm này phải thống nhất với quan điểm triết học là hạt nhân của chúng.
Tính giai cấp
Triết học luôn gắn liền với những giai cấp và lực lượng xã hội nhất định. Không có triết học nào là của riêng cá nhân cũng không có triết học của chung nhiều giai cấp.
Mỗi giai cấp mỗi lực lượng xã hội trong những thời đại khác nhau sẽ vận dụng theo những cách khác nhau để xây dựng nên hệ thống triết học của riêng mình. Xét đến cùng triết học phản ánh những điều kiện sống những lợi ích và yêu cầu cơ bản sâu xa nhất của giai cấp.
Triết học gắn liền với giai cấp và phản ánh về giai cấp
Với những đặc điểm trên, triết học là một hình thái độc lập của ý thức xã hội và được phân biệt với các khoa học cụ thể khác như chính trị đạo đức thẩm mỹ,.v.v…
Nguồn gốc ra đời của triết học
Do nhu cầu của thực tiễn mà triết học ra đời, vì thế triết học có nguồn gốc từ nhận thức và nguồn gốc từ xã hội.
Nguồn gốc nhận thức
Theo quan điểm của triết học Mác-Lênin, lịch sử ngoài loài người bắt đầu từ đâu thì tư duy của con người bắt đầu từ đó.
Với tư cách là tri thức lý luận chung nhất, triết học đồng loạt xuất hiện ở cả Phương Đông và phương Tây vào khoảng thế kỷ VIII-VI trước Công Nguyên.
Khi chế độ chiếm hữu nô lệ ra đời, trong xã hội đã hình thành chế độ tư hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, đó là giai cấp và nhà nước. Vào thời kỳ này triết gia đã xuất hiện và triết học được hình thành. Họ có điều kiện nghiên cứu hệ thống hóa các quan điểm quan niệm thành học thuyết, lý luận.
Như vậy, triết học ra đời khi con người ở trình độ biết cách trừu tượng hóa, khái quát hóa, hệ thống hóa các học thuyết lý luận.
Nguồn gốc xã hội
Sự ra đời của triết học gắn liền với nguồn gốc xã hội. Chế độ chiếm hữu nô lệ xuất hiện, lao động phát triển và được phân chia thành lao động trí óc và lao động tay chân, chế độ tư hữu tư nhân về tư liệu sản xuất giai cấp và nhà nước lần lượt ra đời. Sự hình thành các giai cấp trong xã hội làm cho đặc điểm giai cấp của triết học càng trở nên sâu sắc. Triết học ra đời với mục đích phục vụ cho lợi ích của những giai cấp, những lực lượng xã hội nhất định.
Triết học có nguồn gốc chặt chẽ giữa nhận thức và xã hội
Nguồn gốc nhận thức và nguồn gốc xã hội của triết học có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Sự phân chia theo hai nguồn gốc này mang tính tương đối.
Học triết học để làm gì?
Cùng với những thắc mắc triết học là gì, rất nhiều người luôn trăn trở học triết học để làm gì và nó góp ích gì cho công việc cũng như cuộc sống của chúng ta. Để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi triết học triết học để làm gì chúng ta hãy cùng bàn luận tới những chức năng của triết học.
Cũng như mọi môn khoa học khác,Triết học cùng một lúc thực hiện nhiều chức năng khác nhau. Đó là chức năng thế giới quan, phương pháp luận, chức năng nhận thức và giáo dục, chức năng dự báo và phê phán,... Tuy nhiên chức năng thế giới quan và chức năng phương pháp luận là hai chức năng cơ bản nhất của triết học nói chung và có tác động rõ rệt nhất đến cuộc sống và con người.
Triết học cung cấp cho con người toàn bộ những quan điểm về thế giới và vị trí, vai trò của con người trong thế giới đó.
Có thể ví thế giới quan như một “thấu kính” qua đó con người nhìn nhận thế giới xung quanh cũng như xem xét bản thân nhằm xác định cho mình mục đích, ý nghĩa cuộc sống và lựa chọn cách thức hoạt động làm sao cho phù hợp để đạt được mục đích đã đặt ra. Đây là cơ sở đúng đắn để mỗi con người xây dựng nhân sinh quan, xác định lẽ sống một cách tích cực trong nhận thức và cải tạo thế giới.
Triết học còn đem lại cho chúng ta phương pháp luận trong thực tiễn. Phương pháp luận có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn. Nếu không có phương pháp luận sẽ sa vào tình trạng mất phương hướng, thiếu chủ động và sáng tạo trong học tập, công tác.
Triết học giúp nâng cao tư duy phản biện
Tóm lại triết học cung cấp cho con người những tri thức về nhân loại, thế giới và mối quan hệ của con người trong thế giới đó. Hơn nữa triết học còn hình thành và nâng cao tư duy phản biện.
Như vậy, bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin về khái niệm triết học là gì, và những nội dung liên quan đến triết học như đặc điểm và nguồn gốc ra đời của nó. Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ có cái nhìn rõ ràng và sâu sắc nhất về triết học cũng như biết cách ứng dụng, phát huy những chức năng của triết học vào trong cuộc sống.