hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 01/02/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tư tưởng Hồ Chí Minh là gì? Ý nghĩa tư tưởng Hồ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh là di sản trường tồn đối với dân tộc việt Nam và thế giới. Vậy để biết được tư tưởng Hồ Chí Minh là gì cũng như hiểu được  ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về tư tưởng Hồ Chí Minh qua bài viết sau nhé!

Mục lục bài viết
  • Tư tưởng Hồ Chí Minh là gì?
  • Những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh là gì?
  • Tư tưởng về con đường cách mạng Việt Nam
  • Tư tưởng về xây dựng xã hội chủ nghĩa Việt Nam 
  • Tư tưởng về nhân dân và đại đoàn kết dân tộc

Tư tưởng Hồ Chí Minh là gì?

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống với các quan điểm và tư tưởng sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Đây là kết quả của sự vận dụng, sáng tạo và phát triển dựa trên nền tảng cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Bên cạnh đó, tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đó là sự tiếp thu có chọn lọc và phát triển  các giá trị văn hóa tinh hoa nhân loại. Đây là tài sản tinh thần vô cùng to lớn của Đảng và dân tộc ta, có khả năng gắn kết cộng động, tâm thức dân tộc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh góp phần tạo nên truyền thống văn hóa đất nước, hệ thống các giá trị chuẩn mực của xã hội nhằm định hướng phát triển các giá trị cho tương lai.

Tư tưởng Hồ Chí Minh trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin

Tư tưởng Hồ Chí Minh trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin


Những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh là gì?

Sau khi biết được tư tưởng Hồ Chí Minh là gì. Ở nội dung này, sẽ tìm hiểu về ba nội dung cơ bản trong số nhiều nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tư tưởng về con đường cách mạng Việt Nam

- Thứ nhất, tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người: 

Hồ Chí Minh thể hiện rõ quan điểm mục tiêu là phải giành được độc lập, tự do cho dân tộc với tinh thần “ thà hi sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Người khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp với nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu. Có như vậy mới giải quyết được vấn đề giai cấp.

Giải phóng dân tộc là nền tảng làm cơ sở cho giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Cách mạng dân tộc muốn thắng lợi phải đi theo con đường cách mạng vô sản với lực lượng của cả dân tộc. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, con người được khẳng định với thế giới qua Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó làm cơ sở nền tảng cho một trật tự và pháp lý quốc tế mới về quyền dân tộc, quyền con người cũng như sự bình đẳng giữa các dân tộc.

- Thứ hai, tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại: 

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội cho thấy sự nhất quán tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn của chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là tư tưởng chủ đạo trong toàn bộ di sản lý luận Hồ Chí Minh.

Điều đó phản ánh ý tưởng và khát vọng của Hồ Chí Minh là nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do. Đồng thời, đó là sự phản ánh triệt để cách mạng của tư tưởng Hồ Chí Minh với mục tiêu giải phóng con người.

Độc lập dân tộc là tiền đề tiên quyết để đi lên chủ nghĩa xã hội. Để giành được độc lập dân tộc thì cần phải tiến hành cách mạng vô sản với lực lượng tập hợp  toàn dân trong đó nòng cốt là khối liên minh công-nông-trí thức. Lực lượng này là nhân tố bên trong chi phố, định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chủ nghĩa xã hội là con đường đảm bảo vững chắc độc lập dân tộc, giải phóng dân tộc một cách hoàn toàn triệt để.

Tư tưởng về xây dựng xã hội chủ nghĩa Việt Nam 

- Thứ nhất là tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội:

Trong nội dung này, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội thể hiện qua những nội dung sau:

+ Chủ nghĩa xã hội là một chế độ nhà nước do nhân dân làm chủ nhằm huy động tính tích cực và sáng tạo của nhân dân vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

+ Chủ nghĩa xã hội có nền kinh tế phát triển cao dựa sự tham gia của lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất.Từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân lao động.

+ Chủ nghĩa xã hội là một nhà nước xã hội phát triển cao về văn hóa đạo đức. Đó là xã hội mà mọi người dân được tạo điều kiện để phát triển hết mọi khả năng sẵn có của mình.

+ Chủ nghĩa xã hội là một xã hội công bằng, bình đẳng của nhân dân, do nhân dân và vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chủ nghĩa xã hội 

- Thứ hai, tư tưởng Hồ Chí Minh về mục tiêu và động lực xây dựng chủ nghĩa xã hội:

 + Mục tiêu:

Xây dựng xã hội chủ nghĩa có mục tiêu là xây dựng toàn diện không chỉ về chính trị, kinh tế văn hóa xã hội  mà còn xây dựng con người.

 + Động lực:

Con người là nhân tố mang tính quyết định nhất. Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội phải kết hợp giữa cá nhân và xã hội, coi trọng động lực kinh tế, phát triển kinh tế, sản xuất. Đồng thời, phải quan tâm đến động lực tinh thần là văn hóa, khoa học, giáo dục. Mặt khác, cần phải có sự kết hợp giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

- Thứ ba, tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội:

Hồ Chí Minh khẳng định rằng mỗi quốc gia cần phải dựa vào đặc điểm lịch sử cụ thể của mình để xác định đúng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Người chỉ ra các đặc điểm của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Hồ Chí Minh khẳng định: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội là một cuộc đấu tranh cách mạng, phức tạp và lâu dài”.

Nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi chủ nghĩa xã hội cần phải giữ vững và tăng cường vai trò quản lý của Đảng cũng như nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước. Đồng thời, phát huy tính tích cực, chủ động của các tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức và tài

- Thứ tư, tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội:

Hồ Chí Minh đã vận dụng và sáng tạo chủ nghĩa Mác-LêNin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam với nhiều quan điểm, tư tưởng chỉ đạo sáng suốt về phát triển kinh tế:

+ Nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là phát triển mọi lĩnh vực của nền kinh tế.

+ Thực hiện xây dựng hợp lý cơ cấu công nghiệp và nông nghiệp.

+ Tiến hành công nghiệp hóa là tất yếu khách quan của chủ nghĩa xã hội nhằm đảm bảo cuộc sống ấm no của nhân dân.

+ Tồn tại nhiều hình thức sở hữu, thành phần kinh tế và định hướng lên chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam. Trong đó, hình thức sở hữu chính là sở hữu toàn dân.

Tư tưởng về nhân dân và đại đoàn kết dân tộc

- Thứ nhất là tư tưởng về nhân dân:

Với Hồ Chí Minh, nhân dân là phạm trù cao quý nhất mang tính chính trị chủ đạo trong học thuyết cách mạng của người. Tư tưởng Hồ Chí Minh đặt niềm tin vào sức mạnh của nhân dân. Dân khí mạnh thì cách mạng mới thành công giành được độc lập. 

Khi cán bộ khéo thì dù việc có khó khăn mấy, nhân dân cũng làm được. Nhân dân là lực lượng cần cù, thông minh và có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nên cán bộ phải học hỏi nhân dân. 

Bên cạnh đó, Đảng và chính phủ phải chăm lo cho đời sống nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

- Thứ hai là tư tưởng về đại đoàn kết dân tộc:

Qua thực tiễn cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã khẳng định về vai trò to lớn của đại đoàn kết dân tộc. Đoàn kết có khả năng tạo ra sức mạnh và đó chính là nền tảng quan trọng để có được thành công.

Trong quá trình xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, cần phải đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giai cấp - dân tộc.

Để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, cần phải kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, đoàn kết của dân tộc. Để thực hiện đoàn kết rộng rãi, cần phải có niềm tin vào nhân dân cũng như phải có lòng khoan dung, độ lượng với con người.

Tư tưởng Hồ Chí minh thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc

Tư tưởng Hồ Chí minh thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc 

Ý nghĩa tư tưởng Hồ Chí Minh về các vấn đề dân tộc 

Tư tưởng Hồ Chí Minh mang ý nghĩa vô cùng to lớn trong công cuộc cách mạng đưa nước ta giành được tự do, độc lập.

Đây là là tài sản tinh thần quý báu nhất được truyền lại cho thế hệ mai sau về tinh thần yêu nước, về ý chí đấu tranh quật cường để giành độc lập của cha ông ta.

Tư tưởng Hồ Chí Minh mang những giá trị của sự phát triển, của khát vọng vươn tới “chân thiện mỹ”. Đây chính là nguồn cảm hứng cho nhận thức của toàn đảng, toàn dân trong công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là di sản không chỉ của dân tộc Việt Nam mà còn là của thế giới. Những nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh hướng con người trên khắp thế giới sống có ý nghĩa, có giá trị góp phần xây dựng một thế giới văn minh, tiến bộ. 

Hồ Chí Minh là một nhà lãnh đạo, nhà cách mạng kiệt xuất cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam góp phần  vào cuộc đấu tranh của dân tộc khác  vì hòa bình, độc lập dân tộc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi với ý nghĩa lớn lao truyền cảm hứng tinh thần cho sự phát triển tiến bộ của nhân loại làm cho các dân tộc, mọi người thoát khỏi áp bức, bất công.

Qua bài viết trên, các bạn đã được giải đáp tư tưởng Hồ Chí Minh là gì và biết được ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh. Hy vọng những kiến thức về tư tưởng Hồ Chí Minh hữu ích với bạn.

Có thể bạn quan tâm

X