Pháp luật có vai trò rất quan trọng đối với Nhà nước, công dân và đời sống xã hội. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ để nghiêm túc tuân thủ các quy định được đưa ra. Hãy cùng Hiểu luật phân tích kỹ hơn vai trò của pháp luật tại bài viết dưới đây nhé!
Pháp luật là gì?
Pháp luật bao gồm hệ thống các quy tắc xử sự chung, được Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận, mang tính bắt buộc thực hiện đối với mọi chủ thể trong xã hội. Thông qua nội dung của pháp luật, giai cấp thống trị thể hiện bản chất, ý chí và bảo vệ lợi ích của mình.
Cụ thể, pháp luật là khái niệm gồm các yếu tố sau:
Pháp luật do Nhà nước đặt ra hoặc chấp nhận những tập quán đã có sẵn.
Pháp luật là hệ thống quy phạm về đạo đức và pháp luật, được áp dụng phổ biến cả nước với mọi chủ thể trong xã hội.
Pháp luật mang tính bắt buộc chung, là công cụ điều tiết cũng như định hướng phát triển, tạo hành lang pháp lý và khuôn khổ vận hành của các quan hệ xã hội.
Nội dung của pháp luật thể hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Nhà nước bằng việc thực hiện những mục đích mà lực lượng cầm quyền đặt ra.
Như vậy, pháp luật chỉ những quy phạm có tính bắt buộc, áp dụng thực hiện và phổ biến trong toàn xã hội bằng những nội dung thể hiện ý chí của Nhà nước nhằm đảm bảo quyền lực và điều chỉnh các quan hệ xã hội ổn định và trật tự. Cả Nhà nước, người dân đều có nghĩa vụ thi hành pháp luật.
Vai trò của pháp luật trong điều chính các quan hệ xã hội
Đặc điểm của pháp luật là gì?
Pháp luật là công cụ điều chỉnh có tính quy phạm phổ biến
Quy định pháp luật là những quy tắc khuôn mẫu, chuẩn mực chung được áp dụng cho mọi chủ thể trong xã hội, được định hướng cho nhận thức và hành vi bằng các văn bản pháp luật được ban hành bởi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhằm hướng dẫn cách xử sự cho cá nhân và tổ chức trong xã hội.
Những văn bản này đảm bảo diễn đạt chính xác, một nghĩa, đảm bảo xác định chặt chẽ về hình thức. Để mọi người, mọi lĩnh vực trong xã hội đều có thể đọc , hiểu và thực hiện chính xác những điều pháp luật được phổ biến.
Vì thế, pháp luật tiếp cận mọi công dân bằng giáo dục, thuyết phục và cưỡng chế thực hiện bởi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đảm bảo nhận thức và chủ động thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của các chủ thể trong xã hội.
Pháp luật có hình thức mang tính chặt chẽ
Pháp luật được thể hiện rõ ràng và chặt chẽ về mặt hình thức thể hiện chính xác nội dung bằng các điều, khoản, văn bản pháp luật và hệ thống quy phạm tương ứng đảm bảo:
Chuyển tải chính xác những chủ trương và chính sách của Đảng thành các phạm trù, cấu trúc pháp lý phù hợp;
Đảm bảo nguyên tắc pháp chế của hoạt động xây dựng pháp luật;
Mỗi văn bản pháp luật xác định rõ phạm vi điều chỉnh, các phương pháp điều chỉnh và cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản;
Phân định phạm vi và mức độ của hoạt động lập pháp, lập quy.
Sự xác định chặt chẽ về hình thức thể hiện rõ ràng, bằng văn bản cụ thể, không chung chung, trừu tượng, để mọi công dân có thể thực hiện một cách thống nhất toàn quốc.
Pháp luật mang tính bắt buộc thực hiện chung
Tính bắt buộc, cưỡng chế thực hiện còn được gọi là tính quyền lực, bắt buộc mọi chủ thể trong xã hội phải tuân thủ và sẽ bị xử lý theo quy định nếu có sai phạm.
Theo đó, Nhà nước ban hành pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội, điều chỉnh hành vi của mọi cá nhân, tổ chức bằng quyền lực của Nhà nước theo quy phạm đạo đức, luật lệ. Pháp luật là tiêu chuẩn đánh giá hành vi, là căn cứ để xác định đâu là hành vi hợp pháp, đâu là hành vi trái pháp luật.
Vai trò của pháp luật thể hiện trong đánh giá hành vi vi phạm (Ảnh minh họa)
Vai trò của pháp luật là gì?
Vai trò của pháp luật đối với nhà nước
Pháp luật là công cụ đảm bảo cơ sở pháp lý vững chắc cho sự tồn tại của Nhà nước. Là công cụ để Nhà nước kiểm soát quyền lực, bằng các quy định về cách thức hoạt động, tổ chức của cơ quan Nhà nước; quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm; các chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm,....
Vai trò của pháp luật thể hiện trong thể chế hóa chủ trương, chính sách và đường lối của lực lượng cầm quyền, đồng thời giúp chống lại sự phản kháng và chống đối trong xã hội.
Vai trò của pháp luật đối với công dân
Pháp luật là phương tiện để công dân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và thực hiện nghĩa vụ của mình. Dựa vào pháp luật, giúp con người năng động, sáng tạo, có ý chí vươn lên và tự hào dân tộc, góp phần làm cho dân giàu nước mạnh, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Những quy định thể hiện vai trò của pháp luật là cơ sở giáo dục công chức, viên chức, nhân dân. Qua đó, người dân nâng cao trách nhiệm. ý thức sống và làm việc theo pháp luật, tôn trọng các quy tắc của đời sống xã hội với tinh thần mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người.
Ngoài ra, pháp luật là phương tiện bảo vệ lợi ích, tính mạng, tài sản của người dân nhờ các quy định, hướng dẫn ngăn ngừa, xử lý các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, đảm bảo trật tự các quan hệ xã hội vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Pháp luật bảo vệ quyền trẻ em và nhân dân
Vai trò của pháp luật đối với đời sống xã hội
Pháp luật có vai trò giải quyết các mâu thuẫn trong xã hội, đảm bảo dân chủ, công bằng, bình đẳng và tiến bộ xã hội. Pháp luật xác lập tư cách con người trước pháp luật, không phân biệt đối xử, vị thế mà đều được pháp luật bảo vệ như nhau.
Pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đồng thời, là công cụ để cải tạo và quản lý xã hội trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội…. Bằng pháp luật, Nhà nước đưa ra các kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế, địa vị pháp lý của các tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh,... phát triển kinh tế xã hội.
Như vậy, pháp luật là phương tiện để quản lý chính trị , quản lý văn hóa – giáo dục, khoa học – công nghệ, xã hội và các lĩnh vực khác trong xã hội khác vì sự ổn định bộ xã hội.
Một số ví dụ về vai trò của pháp luật
Đối với Nhà nước, pháp luật là phương tiện bảo vệ Nhà nước, chống lại sự chống đối trong xã hội, Tại Điều 78 và Điều 80 của Bộ luật Hình sự 2015 quy định về các mức xử phạt đối với Tội phản bội Tổ quốc và Tội Gián điệp. Pháp luật cũng là cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động bộ máy nhà nước theo Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015.
Đối với người dân, pháp luật đảm bảo bình đằng, công bằng của người dân trước pháp luật. Tại Hiến pháp năm 2013, Điều 16 quy định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, kinh tế, dân sự, văn hóa xã hội. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em về các quyền cơ bản và bổn phận của trẻ em; đồng thời quy định trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em,...
Đối với xã hội, pháp luật góp phần xây dựng và bảo vệ môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Hay Điều 16 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong doanh nghiệp. Điều 188 đến 199 Bộ luật Hình sự 2015 quy định các tội phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại.
Pháp luật bảo vệ môi trường sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp những thông tin hữu ích về vai trò của pháp luật đối với Nhà nước, nhân dân và đời sống xã hội. Nếu bạn có thắc mắc gì, vui lòng liên hệ tới Hiểu Luật để được hỗ trợ và giải đáp.