hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 13/04/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Vai trò của thực tiễn đối với nhận thức theo quan điểm triết học

Theo chủ nghĩa Mác - Lênin thì lý luận nhận thức dựa vào biện chứng là một nội dung cơ bản - Đó là những hiểu biết đầy đủ và toàn diện nhất về khả năng nhận thức của con người đối với thế giới thông qua hoạt động thực tiễn. Trong bài viết này Hieuluat.vn sẽ chia sẻ với các bạn về thực tiễn, nhận thức và vai trò của thực tiễn đối với nhận thức.

Khái niệm thực tiễn, nhận thức

Khái niệm thực tiễn

Theo mỗi trường phái và giai đoạn khác nhau mà khái niệm thực tiễn được đề cập, nghiên cứu và đánh giá khác nhau.

Theo những người theo chủ nghĩa duy tâm thì thực tiễn chỉ là hoạt động tinh thần sáng tạo ra thế giới của con người một cách đơn thuần, chứ không phải là hoạt động vật chất hay hoạt động lịch sử. Nguyên nhân của suy nghĩ này là do họ cho rằng nhận thức chỉ đơn thuần là “sự phức hợp những cảm giác”.

Ngược lại với quan điểm của chủ nghĩa duy tâm thì chủ nghĩa duy vật trước Mác lại cho rằng thực tiễn là hoạt động vật chất của con người, nhưng lại là hoạt động con buôn, đê tiện, bẩn thỉu, không có tác dụng gì với nhận thức của con người.

Dựa trên cơ sở kế thừa và phát triển sáng tạo những yếu tố hợp lý trong những quan điểm thực tiễn của các nhà triết học trước đó, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đưa ra một quan niệm đúng đắn, khoa học về thực tiễn và vai trò của thực tiễn đối với nhận thức và với sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người:

Thực tiễn là tất cả những hoạt động vật chất có mục đích, mang tính lịch sử - xã hội của con người nhằm cải biến tự nhiên, xã hội vì lợi ích của con người.

Khác với hoạt động tư tưởng và tư duy, trong hoạt động thực tiễn con người phải sử dụng những công cụ vật chất tác động vào những đối tượng vật chất khác và làm chúng biến đổi theo mục đích của mình. Thông qua những hoạt động thực tiễn, con người đã không ngừng sáng tạo, nhờ đó mà lịch sử loài người liên tục phát triển.

Khái niệm nhận thức

Nhận thức là gì?
Nhận thức là gì? (Nguồn: internet)

Chủ nghĩa duy vật trước C.Mác thừa nhận con người có khả năng nhận thức được thế giới và coi nhận thức là sự phản ánh của thế giới khách quan vào bộ não của con người. Tuy nhiên do sự hạn chế bởi tính trực quan, siêu hình và máy móc mà chủ nghĩa duy vật trước Mác đã coi nhận thức chỉ đơn giản là bản sao chép y nguyên trạng thái bất động của sự vật.

Có thể nói rằng, tất cả các trào lưu triết học trước Mác đều quan niệm sai lầm hoặc phiến diện về nhận thức, chỉ có Chủ nghĩa duy vật biện chứng mới có câu trả lời cho bản chất của nhận thức, đó là:

Nhận thức là quá trình phản ánh tích cực, tự giác và sáng tạo thế giới khách quan vào bộ óc của con người trên cơ sở thực tiễn, để từ đó sáng tạo ra những tri thức về thế giới khách quan đó.

C. Mác và Ph.Ăngghen đã dựa trên những nguyên tắc sau để xây dựng nên học thuyết về nhận thức:

  • Một là, thừa nhận thế giới vật chất tồn tại khách quan, độc lập đối với ý thức con người.

  • Hai là, thừa nhận con người có khả năng nhận thức thế giới khách quan và nhận thức chính là sự phản ánh thế giới khách quan vào bộ óc của con người, là hoạt động chủ thể tìm hiểu khách thể. Thừa nhận không có cái gì con người không nhận thức được mà chỉ có cái con người chưa nhận thức được nhưng sẽ nhận thức được.

  • Ba là, thừa nhận sự phản ánh thế giới khách quan đó là một quá trình biện chứng, mang tính tích cực, tự giác và sáng tạo. Quá trình ấy đi từ chưa biết đến biết, từ biết ít đến biết nhiều, từ hiện tượng đến bản chất, từ bản chất kém sâu sắc đến bản chất sâu sắc hơn.

  • Bốn là, coi thực tiễn là cơ sở trực tiếp và chủ yếu nhất của nhận thức, là động lực , là mục đích của nhận thức và là tiêu chuẩn để kiểm tra chân lý.

Vai trò của thực tiễn đối với nhận thức là gì?

Thực tiễn và nhận thức luôn phát triển không ngừng trong sự tác động lẫn nhau của chúng. Trong đó thực tiễn đóng vai trò là cơ sở của nhận thức, là động lực của nhận thức, là mục đích của nhận thức và là tiêu chuẩn để kiểm tra chân lý chân lý

Thực tiễn trong vai trò là cơ sở của nhận thức

Thực tiễn làm bộc lộ ra những thuộc tính, những mối liên hệ bản chất bên trong của sự vật giúp con người phản ánh được bản chất quy luật vận động phát triển của sự vật.

Ví dụ, trong hoạt động sản xuất vật chất, con người sử dụng các công cụ lao động và chính các công cụ lao động đó đã “nối dài” các giác quan của con người, giúp con người đi xa hơn trong việc nhận thức thế giới. Chẳng hạn, con người sử dụng công cụ lao động đi sâu vào lòng đất và phát hiện ra trong lòng đất có nước, các mỏ quặng,...

Vai trò của thực tiễn đối với nhận thức - Thực tiễn là cơ sở của nhận thức

Vai trò của thực tiễn đối với nhận thức - Thực tiễn là cơ sở của nhận thức (nguồn: internet)

Thực tiễn trong vai trò là mục đích của nhận thức 

Thực tiễn là mục đích của nhận thức bởi tất cả những tri thức hay lý thuyết khoa học chỉ có giá trị khi được vận dụng vào thế giới khách quan. Xét đến cùng thì mục đích của mọi nhận thức không phải chỉ để nhận thức mà là vì thực tiễn, vì sự cải biến thế giới khách quan và xã hội theo nhu cầu của con người.

Ví dụ việc nghiên cứu phát hiện ra các quy luật khoa học thường được khái quát thành những kinh nghiệm trong sản xuất. Con người ứng dụng những quy luật này vào thực tiễn để hoạt động thực tiễn ngày càng đạt hiệu quả và năng suất cao hơn. Chẳng hạn như con người biết được lúa, gạo, ngô có giá trị sử dụng đó là để làm cơm, làm rượu,.. thì con người đã tìm mọi cách để tạo ra nhiều giống lúa, giống ngô có chất lượng cao hơn, năng suất cao hơn đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao hơn cả về mặt số lượng lẫn chất lượng.

Thực tiễn trong vai trò là động lực của nhận thức

Trong bản thân nhận thức có động lực trí tuệ nhưng xét đến cùng thì động lực cơ bản và quyết định của nhận thức chính là thực tiễn. Trong hoạt động thực tiễn con người đã vấp phải nhiều trở ngại, khó khăn thậm chí thất bại. Những lần thất bại đó đã buộc con người phải giải đáp những câu hỏi do thực tiễn đặt ra.

Ăngghen đã từng nói rằng: “Sự thúc đẩy của công nghiệp và thực tiễn đối với khoa học còn mạnh hơn hàng chục trường đại học. Chính thực tiễn đã đặt hàng cho các nhà khoa học phải giải đáp những vấn đề bế tắc của thực tiễn”. Chúng ta hiểu đây là thực tiễn đã đặt hàng cho các nhà khoa học, cho nhận thức và đòi hỏi nhận thức của con người nói chung các nhà khoa học nói riêng phải tìm cách giải đáp những vấn đề bế tắc của thực tiễn.

Thực tiễn trong vai trò là tiêu chuẩn để kiểm tra chân lý

Nhận thức của con người khi trở thành kinh nghiệm và lý luận thì tách rời khỏi thực tiễn. Lúc này sẽ xảy ra hai khả năng: đúng hoặc sai. Tiêu chuẩn cuối cùng để đánh giá nhận thức đó là đúng hay sai không nằm trong lý luận hay trong nhận thức mà ở nằm trong thực tiễn. Khi nhận thức được thực tiễn xác nhận là đúng thì nhận thức đó trở thành chân lý, vì thế thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý.

Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm tra chân lý

Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm tra chân lý (nguồn: internet)

Tiêu chuẩn thực tiễn vừa có tính tuyệt đối lại vừa có tính tương đối. Tuyệt đối vì thực tiễn là tiêu chuẩn khách quan để kiểm nghiệm chân lý, tương đối vì thực tiễn không đứng nguyên một chỗ mà luôn luôn vận động, biến đổi, phát triển.

Thực tiễn là quá trình do con người thực hiện nên bản thân thực tiễn luôn mang tính chủ quan. Trong quá trình phát triển không ngừng của nhận thức và thực tiễn, những tri thức mà con người đạt được vẫn thường xuyên được kiểm nghiệm và bổ sung, điều chỉnh, sửa chữa bởi thực tiễn để phát triển hoàn thiện hơn.

Qua phân tích vai trò của thực tiễn đối với nhận thức có thể thấy rằng thực tiễn và nhận thức luôn có mối quan hệ biện chứng với nhau. Hiểu rõ và vận dụng tốt mối quan hệ giữa thực tiễn và nhận thức vào thực tế có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước.

Có thể bạn quan tâm

X