Lãi suất được quy định như thế nào?
Lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
“Điều 468. Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
…”
Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng lại không áp dụng quy định trên. Khoản 1 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN năm 2016 quy định tổ chức tín dụng (ngân hàng, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính,...) và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn cũng như mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ một số trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa. Cụ thể tại khoản 2 Điều 13 như sau:
“2. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn:
a) Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
b) Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại;
c) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
d) Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;
đ) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao.”
Theo đó, tại Điều 1 Quyết định số 1730/QĐ-NHNN năm 2020 quy định về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN năm 2016 như sau:
“Điều 1. Mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam theo quy định tại Khoản 2, Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 như sau:
1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô) áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 4,5%/năm.
2. Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 5,5%/năm.”
Như vậy, lãi suất vay sẽ do sự thỏa thuận của tổ chức tín dụng và khách hàng. Trừ các trường hợp được liệt kê phía trên thì có quy định về mức trần lãi suất là không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa.
So sánh lãi suất vay tại các ngân hàng và các công ty tài chính
Một số ngân hàng thương mại cổ phần thuộc Nhà nước và ngân hàng tư nhân
Ngân hàng | Vay tín chấp | Vay thế chấp |
Vietcombank | 10.8% – 14.4%/năm | 5% - 7.5%/năm |
Vietinbank | 9,6%/năm | 7.5% - 7.7%/năm |
BIDV | 9%/năm | 6.5% – 7.5%/năm |
Agribank | 13%/năm | 7.5%/năm |
CB Bank | 6.9%/năm | 7.5%/năm |
Ocean Bank | 15%/năm | 5.9% đến 6.5%/năm |
MBBank | 12,5% đến 20%/năm | 7.5%/năm |
Techcombank | 13,78% – 16,00%/năm | 7,49%/năm |
VPBank | 16,0%/năm | 6,9%/năm |
ACB | 17.9%/năm | 9,0%/năm |
TPBank | 10,8% - 17%/năm | 6,4%/năm |
HDBank | 24%/năm | 6,8%/năm |
VIB | 17%/năm | 8,3%/năm |
Sacombank | 9,6%/năm | 8,5%/năm |
Một số công ty tài chính
Công ty tài chính | Lãi suất vay |
Fe Credit | 21% |
Home Credit | 19,92% |
HD Saison | 17,88% |
Prudential Finance | 18% |
MCREDIT | 16,68% |
Lotte Finance | 20,04% |
Jaccs | 30,4% |
Một số app vay online
App vay online | Lãi suất |
Doctor Đồng | 14% – 19% |
Tamo | 13.5% – 19% |
Senmo | 14% – 19% |
MoneyVeo | 13.5% – 19% |
Jeff | 13.5% – 19.5% |
Khách hàng có thể lựa chọn vay tiền tại ngân hàng, các công ty tài chính, các app online... nếu thấy hạn mức và lãi suất phù hợp. Tuy nhiên, có thể thấy vay tiền tại ngân hàng có mức lãi suất ưu đãi tốt nhất, nhiều gói vay đa dạng phù hợp với nhiều mục đích khác nhau. Đặc biệt đảm bảo uy tín, minh bạch.
Mỗi ngân hàng sẽ có mức lãi suất cũng như cách tính lãi suất khác nhau tùy thuộc vào thời gian vay và hình thức vay vốn. Bảng tổng hợp phía trên chỉ đưa ra thông tin tham khảo về lãi suất tại một số ngân hàng hiện nay, lãi suất này có thể thay đổi, trước khi đăng ký vay, bạn cần liên hệ tư vấn tại ngân hàng bạn muốn đăng ký để được tư vấn về các gói vay cũng như có thông tin chính xác về lãi suất vay này.
Các loại lãi suất cho vay tại ngân hàng
Thứ nhất, lãi suất cố định
Lãi suất cố định được hiểu là loại lãi suất giữ nguyên cho đến thời điểm kết thúc thời gian vay vốn, lãi suất này thường được các ngân hàng áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn.
Vì tính chất cố định của loại lãi suất này nên khách hàng có thể tự ước tính được các chi phí liên quan đến khoản vay, số tiền lãi cũng không thay đổi khi lãi suất thị trường tăng lên. Tuy nhiên, khi lãi suất thị trường giảm thì lãi suất vay vẫn giữ nguyên.
Ví dụ: Lãi suất cho vay trên hợp đồng vay vốn là 8% thì trong thời gian vay 1 năm, lãi suất này sẽ luôn cố định là 8% dù lãi suất thị trường có tăng hay giảm.
Thứ hai, lãi suất thả nổi
Lãi suất thả nổi được hiểu là loại lãi suất có thể thay đổi, điều đỉnh theo thời gian tùy thuộc vào biến động thị trường, áp dụng cho tất cả các khoản vay. Lãi suất thả nổi thường được tính dựa vào lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng hoặc 24 tháng cộng với biên độ lãi suất.
Ngược lại với lãi suất cố định, lãi suất thả nổi có thể điều chỉnh linh hoạt nên khi lãi suất thị trường giảm thì thường lãi suất vay của ngân hàng cũng được điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, khách hàng sẽ khó có thể ước tính được chi phí vay do lãi suất có thể thay đổi, lãi suất thị trường tăng lên thì lãi suất vay cũng tăng gây bất lợi cho khách hàng.
Ví dụ: Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng là 5.5%, thời gian vay 1 năm, biên độ lãi suất của ngân hàng là 3.5% thì lãi suất vay thả nổi là 9%.
Thứ ba, lãi suất hỗn hợp
Lãi suất hỗn hợp là loại lãi suất kết hợp giữa lãi suất cố định và lãi suất thả nổi, thường được áp dụng cho các khoản vay trung bình hoặc dài hạn theo gói ưu đãi của từng ngân hàng.
Với lãi suất hỗn hợp, lãi suất cố định ban đầu thường là lãi suất ưu đãi giúp khách hàng giảm số tiền lãi phải trả khi số tiền nợ gốc còn cao, sau thời gian ưu đãi thì lãi suất sẽ được tính theo lãi suất thả nổi, nên khi lãi suất thị trường tăng lên thì lãi vay cũng tăng theo.
Ví dụ: Khoản vay mua nhà được áp dụng lãi suất 8% trong 12 tháng đầu, kể từ tháng 13 trở đi, lãi suất có thể sẽ được thả nổi theo công thức = lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng + biên độ lãi suất. Giả sử lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng là 7% với biên độ lãi suất là 3.5% thì lãi vay từ tháng 13 là 7% + 3.5% = 10.5%.
Cách tính lãi suất ngân hàng
Thứ nhất, tính theo dư nợ giảm dần
Công thức tính lãi suất theo dư nợ giảm dần như sau:
Tiền gốc hàng tháng = Số tiền vay / Số tháng vay
Tiền lãi tháng đầu = Số tiền vay * Lãi suất vay theo tháng / Số tháng vay
Tiền lãi các tháng tiếp theo = Số tiền gốc còn lại * Lãi suất vay / Số tháng vay
Thứ hai, tính theo dư nợ ban đầu
Công thức tính lãi suất theo dư nợ ban đầu như sau:
Tiền lãi hàng tháng = Dư nợ gốc * Lãi suất vay / Thời gian vay