hieuluat
Chia sẻ email

Vốn hóa thị trường là gì? Cách tính vốn hóa thị trường

Vốn hóa thị trường là thuật ngữ thường xuyên được nhắc đến trong lĩnh vực đầu tư. Các nhà đầu tư muốn hoạt động hiệu quả cần hiểu rõ khái niệm vốn hóa thị trường là gì, cách tính vốn hóa thị trường và vai trò của nó để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn và hiệu quả. Tất cả những yếu tố trên sẽ được làm rõ trong bài viết dưới đây.

Mục lục bài viết
  • Vốn hóa thị trường là gì? 
  • Công thức tính vốn hóa thị trường
  • Các danh mục vốn hóa thị trường
  • Vốn hóa siêu nhỏ (Micro-cap)
  • Vốn hóa nhỏ (Small-cap)

Vốn hóa thị trường là gì? 

Vốn hóa thị trường (Market Capitalization) là tổng giá trị hiện có toàn bộ cổ phiếu của một doanh nghiệp đang lưu hành trên thị trường. Hiểu đơn giản, vốn hóa thị trường của một doanh nghiệp là tổng số tiền phải bỏ ra để mua lại doanh nghiệp đó. Như vậy, giá trị vốn hóa thị trường là tổng giá trị thị trường của doanh nghiệp.

Vốn hóa thị trường là gì?
Vốn hóa thị trường là gì?

Giá trị của vốn hóa thị trường tăng giảm theo từng thời điểm và phụ thuộc vào các yếu tố lãi suất, cung cầu, lạm phát,... Vì vậy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hay giá trị thực sự không hoàn toàn quyết định giá trị của vốn hóa thị trường.

Vốn hóa thị trường cũng là một trong những công cụ giúp nhà đầu tư xác định lợi nhuận và rủi ro trong cổ phiếu của doanh nghiệp, từ đó lựa chọn cổ phiếu đáp ứng được tiêu chí của họ và mang lại khả năng sinh lời cao.

Công thức tính vốn hóa thị trường

Để hiểu hơn về vốn hóa thị trường là gì, ta có công thức tính vốn hóa thị trường như sau:

Vốn hóa thị trường = Giá cổ phiếu hiện hành x Tổng số lượng cổ phiếu đang được lưu hành

Ví dụ: Doanh nghiệp A có giá cổ phiếu hiện hành là 30 nghìn đồng/cổ phiếu. Hiện tại doanh nghiệp A đang có 2 triệu cổ phiếu lưu hành trên thị trường. Vậy giá trị vốn hóa thị trường của doanh nghiệp A là:

30 (nghìn) x 2 (triệu) = 60 tỷ đồng

Các danh mục vốn hóa thị trường

Sau khi hiểu rõ vốn hóa thị trường là gì và cách tính vốn hóa thị trường cụ thể, ta sẽ phân chia vốn hóa thị trường thành 4 nhóm theo quy mô khác nhau. Việc phân chia này chọn được cổ phiếu theo đúng mục đích của mình và đánh giá khả năng chấp nhận rủi ro.

4 nhóm vốn hóa thị trường tại Việt Nam bao gồm:

Vốn hóa siêu nhỏ (Micro-cap)

Những doanh nghiệp vốn hóa siêu nhỏ có giá trị vốn hóa thấp hơn 100 tỷ đồng. Đây là những doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả, có thể đang bước vào thời kỳ suy thoái. Có rất ít số liệu để đánh giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này và quyết định đầu tư vào mang tính rủi ro cao.

Ví dụ một số mã thuộc nhóm vốn hóa siêu nhỏ: Mã NTB (Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584), mã DXV (Công ty Cổ phần VICEM Vật liệu Xây dựng Đà Nẵng), mã HAS (Công ty Cổ phần Hacisco),…

Vốn hóa nhỏ (Small-cap)

Vốn hóa nhỏ là các công ty có quy mô từ 100 đến dưới 1.000 tỷ đồng. Các công ty thuộc nhóm này tiềm ẩn nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, đầu tư vào đây dù rủi ro cao nhưng cơ hội tăng giá cũng khá mạnh. Do đó, những nhà đầu tư mạo hiểm, có “khẩu vị” rủi ro thường chọn nhóm cổ phiếu này.

Các công ty vốn hóa nhỏ rủi ro cao nhưng tiềm năng tăng trưởng mạnh

Các công ty vốn hóa nhỏ rủi ro cao nhưng tiềm năng tăng trưởng mạnh

Tiêu biểu trong nhóm này là BRS (Công ty Cổ phần Dịch vụ Đô thị Bà Rịa), CIG (Công ty Cổ phần COMA 18), CMV (Công ty Cổ phần Tập Đoàn CMH VIETNAM),…

Vốn hóa vừa (Mid-cap)

Những công ty thuộc nhóm vốn hóa vừa hoạt động ở tầm trung, giá trị vốn hóa từ 1.000 đến 10.000 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu này có mức rủi ro cao hơn nhóm vốn hóa lớn, mặc dù vậy tiềm năng tăng trưởng cũng rất đáng kể.

Một số ví dụ của nhóm này bao gồm PGC (Tổng Công ty Gas Petrolimex), BSI (Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam),…

Vốn hóa lớn (Large Cap)

Như tên gọi, các doanh nghiệp thuộc nhóm vốn hóa lớn có giá trị vốn hóa thị trường lớn hơn 10.000 tỷ đồng, đây được gọi là nhóm trụ của thị trường chứng khoán. Đặc điểm của nhóm này là số lượng cổ phiếu lớn và giá cao.

Nhóm Large Cap có lượng cổ phiếu lớn và giá cao

Nhóm Large Cap có lượng cổ phiếu lớn và giá cao

Việc đầu tư vào nhóm vốn hóa lớn tùy thuộc vào “khẩu vị” riêng của từng người. Lợi thế của nhóm này là tính rủi ro thấp, có mức tăng trưởng ổn định, cơ hội sinh lời an toàn dành cho những nhà đầu tư dài hạn.

Tuy nhiên, vì tốc độ tăng trưởng bình thường nên lợi nhuận thu được cũng không cao, khả năng sinh lời không mang lại đột phá. Một số nhà đầu tư có thể ưa thích tính mạo hiểm và tăng trưởng cấp số nhân của các công ty nhỏ hơn.

Một số mã cổ phiếu vốn hóa lớn tiêu biểu như VIC (Tập đoàn VINGROUP), BID (Ngân hàng BIDV), GAS (Tổng Công ty Khí Việt Nam),…

Các yếu tố ảnh hưởng đến vốn hóa thị trường

Như vậy các vấn đề về vốn hóa thị trường là gì đã được làm rõ trong phần trên. Tiếp theo, câu hỏi đặt ra là, điều gì làm ảnh hưởng đến sự biến động của vốn hóa thị trường?

Có thể thấy, cổ phiếu chính là yếu tố tác động mạnh mẽ đến sự tăng giảm của vốn hóa thị trường, theo đó số lượng cổ phiếu và thị giá của chúng là nguyên nhân chính.

  • Số lượng cổ phiếu: Hoạt động thu mua/bán ra các cổ phiếu đã phát hành của doanh nghiệp và mua vào cổ phiếu quỹ.
  • Giá trị cổ phiếu: Cổ phiếu trên thị trường biến động giá liên tục bởi các yếu tố về thị trường, sự kiện, các hoạt động giao dịch của công ty hoặc ảnh hưởng từ các vấn đề trong nước và quốc tế…

Cổ phiếu biến động ảnh hưởng đến sự tăng giảm của vốn hóa thị trường

Cổ phiếu biến động ảnh hưởng đến sự tăng giảm của vốn hóa thị trường

Khi số lượng cổ phiếu hay giá cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường của doanh nghiệp xảy ra biến động, dù là theo chiều hướng nào, thì cũng sẽ kéo theo sự thay đổi của vốn hóa thị trường.

Giả sử giá cổ phiếu không thay đổi, nhưng khi doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu thì khi đó, vốn hóa thị trường của công ty sẽ tăng. Ngược lại, nếu công ty mua lại cổ phiếu thì vốn hóa của công ty sẽ sụt giảm.

Vai trò của vốn hóa thị trường

Vốn hóa thị trường được sử dụng rất nhiều để đánh giá doanh nghiệp. Vậy thực chất vai trò của vốn hóa thị trường là gì? Vốn hóa thị trường có ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp và các nhà đầu tư?

Vốn hóa thị trường là một trong những yếu tố quan trọng cần lưu tâm đối với các nhà đầu tư. Như đã nói, vốn hóa thị trường được xem như là một công cụ để đánh giá doanh nghiệp. Giá trị vốn hóa thị trường vừa thể hiện được quy mô hoạt động vừa là biểu trưng về tiềm năng tăng trưởng và vị thế của doanh nghiệp trên thị trường.

Vốn hóa thị trường lớn tức là các doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm, thường ở vị trí dẫn đầu trong ngành. Ngược lại, các doanh nghiệp có vốn hóa thị trường nhỏ thường mới được thành lập, chịu sự dẫn dắt bởi các doanh nghiệp dẫn đầu và chịu ảnh hưởng lớn từ sự biến động thị trường.

Vốn hóa thị trường có vai trò quan trọng với doanh nghiệp và các nhà đầu tư
Vốn hóa thị trường có vai trò quan trọng với doanh nghiệp và các nhà đầu tư

Vốn hóa thị trường của một doanh nghiệp sẽ tỉ lệ thuận với độ tin cậy và tỉ lệ nghịch với mức rủi ro của doanh nghiệp đó khi đầu tư vào. Các doanh nghiệp vốn hóa thị trường lớn thường có tính thanh khoản cao và ít rủi ro. Trên cơ sở đó, nhà đầu tư sẽ có các lựa chọn đầu tư với các doanh nghiệp có giá trị vốn hóa khác nhau nhằm phân tán rủi ro và tối ưu lợi nhuận thu được.

Thêm nữa, giá trị vốn hóa thị trường thể hiện tiềm năng tăng trưởng của giá cổ phiếu doanh nghiệp. Các công ty có vốn hóa lớn thường có tốc độ tăng trưởng không cao, nhưng bù lại ổn định và mang lại lợi nhuận về lâu dài. Còn các doanh nghiệp có vốn hóa tầm trung và nhỏ thì thường có tiềm năng phát triển giá cổ phiếu mạnh mẽ.

Lời kết

Trên đây là những chia sẻ về vấn đề vốn hóa thị trường là gì. Mong rằng bài viết đã cung cấp đủ những thông tin cần thiết, giúp người đọc và nhà đầu tư có những lựa chọn và quyết định đúng đắn khi đầu tư vào một doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

X