Với những người làm tài chính hẳn không còn xa lạ gì với khái niệm vốn lưu động, bởi đây là một loại vốn rất quan trọng của doanh nghiệp. Trong bài dưới dưới đây Hieuluat.vn sẽ cùng các bạn tìm hiểu vốn lưu động là gì? và làm thế nào để tính được vốn lưu động.
Vốn lưu động là gì?
Chưa có khái niệm cụ thể về vốn lưu động song có thể hiểu vốn lưu động là một thước đo tài chính dùng để đánh giá nguồn lực sẵn có của một doanh nghiệp, nhằm đáp ứng cho các hoạt động diễn ra thường ngày.
Vốn lưu động rất quan trọng vì nó thể hiện khả năng thanh toán của các doanh nghiệp. Về lý thuyết, một doanh nghiệp có thể bị phá sản ngay cả khi kinh doanh có lãi. Bởi, doanh nghiệp không thể dựa vào các khoản lợi nhuận trên giấy tờ để thanh toán các hóa đơn của mình mà phải thanh toán bằng tiền mặt có sẵn.
Vốn lưu động là gì (nguồn: internet)
Công thức tính vốn lưu động
Công thức để tính vốn lưu động là:
Vốn lưu động = Tài sản ngắn hạn - nợ ngắn hạn.
Trong đó: Tài sản ngắn hạn là những tài sản của doanh nghiệp có thể chuyển đổi thành tiền mặt trong khoảng thời gian dưới 1 năm. Ví dụ: tiền mặt, tiền gửi thời hạn dưới 1 năm, vàng bạc, ngoại tệ,..
Nợ ngắn hạn là các khoản nợ mà doanh nghiệp cần phải trả trong thời hạn dưới 1 năm hoặc trong một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường.
Khi vốn lưu động là số dương, có nghĩa là tài sản hiện tại của công ty lớn hơn nợ ngắn hạn. Công ty có đủ nguồn lực để chi trả cho các khoản nợ ngắn hạn và có tiền mặt dư nếu tất cả các tài sản hiện tại được thanh lý để trả các khoản nợ này.
Khi vốn lưu động là số âm, có nghĩa là tài sản hiện tại của công ty không đủ để thanh toán cho tất cả các khoản nợ hiện tại. Công ty có nhiều nợ ngắn hạn hơn so với nguồn lực ngắn hạn. Vốn lưu động âm là cảnh báo về khả năng tài chính trong ngắn hạn kém, tính thanh khoản thấp và các vấn đề tiềm ẩn trong việc thanh toán các khoản nợ khi đến hạn.
Cần lưu ý rằng, vốn lưu động âm không phải lúc nào cũng là xấu; nó có thể tốt hoặc xấu, tùy thuộc vào doanh nghiệp cụ thể và giai đoạn của doanh nghiệp đó trong chu kỳ sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nếu tình trạng vốn lưu động âm kéo dài, nó có thể là vấn đề lớn của doanh nghiệp.
Ý nghĩa của việc tính vốn lưu động là gì?
Tính toán vốn lưu động dựa vào tài sản và nợ phải trả trên bảng cân đối kế toán của công ty. Một công ty có thể dự đoán được các loại thanh khoản mà nó có trong tương lai gần bằng cách xem xét các khoản nợ ngắn hạn và bù đắp các khoản nợ này bằng tài sản có tính thanh khoản cao nhất.
Vốn lưu động cũng là thước đo hiệu quả hoạt động và khả năng tài chính ngắn hạn của công ty. Nếu một công ty có vốn lưu động dương lớn thì công ty đó có tiềm năng mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh của mình. Ngược lại, nếu tài sản hiện tại của công ty không đủ trả cho các khoản nợ ngắn hạn, thì công ty đó có thể gặp khó khăn trong việc kinh doanh và phát triển, thậm chí là bị phá sản.
Vốn lưu động của một công ty thường phụ thuộc vào ngành nghề mà công ty đó kinh doanh. Một số lĩnh vực có chu kỳ sản xuất dài sẽ đòi hỏi nhu cầu vốn lưu động cao hơn. Ngược lại, các công ty bán lẻ thường có yêu cầu về vốn lưu động thấp do khả năng huy động vốn ngắn hạn nhanh.
Ý nghĩa của việc tính vốn lưu động là gì? (nguồn: internet)
Đặc điểm của vốn lưu động là gì?
Sau mỗi một chu kỳ sản xuất, vốn lưu động sẽ hoàn thành một vòng tuần hoàn của nó. Nguồn vốn này vận động liên tục và chuyển hóa qua nhiều hình thái, từ đó tạo thành sự tuần hoàn, chu chuyển vốn. Các giai đoạn của vòng tuần hoàn này không tách biệt riêng rẽ mà đan xen với nhau. Do đó, việc quản lý vốn lưu động trong quá trình sản xuất , kinh doanh là rất quan trọng.
Trong một chu trình sản xuất, vốn lưu động chuyển toàn bộ, một lần vào giá trị sản phẩm. Và khi chu trình sản xuất kết thúc, giá trị hàng hóa được thực hiện, từ đó vốn lưu động được thu hồi.
Trong cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tài chính, vòng quay của vốn lưu động gắn liền với lợi ích của doanh nghiệp. Vốn lưu động quay vòng càng nhanh thì doanh thu càng cao và càng tiết kiệm được vốn. Chi phí sử dụng vốn giảm đi giúp doanh nghiệp tăng thu nhập và tích tụ vốn để mở rộng sản xuất.
Phân loại vốn lưu động
Vốn lưu động của doanh nghiệp được phân chia dựa vào nhiều tiêu chí khác nhau, dưới đây là một số cách phân loại vốn lưu động của doanh nghiệp.
Phân loại dựa vào giai đoạn sản xuất
Vốn lưu động trong quá trình dự trữ sản xuất: vật liệu chính và phụ, phụ tùng thay thế, bao bì đóng gói, công cụ dụng cụ nhỏ.
Vốn lưu động trong quá trình sản xuất: giá trị các sản phẩm chế tạo dở dang, bán thành phẩm, chi phí chờ phân bố.
Vốn lưu động trong quá trình lưu thông: giá trị sản phẩm, vốn trong thanh toán và vốn bằng tiền.
Phân loại dựa trên nguồn gốc hình thành vốn
+ Vốn chủ sở hữu: đây là nguồn vốn do doanh nghiệp sở hữu hoặc được góp vốn, đồng sở hữu cùng các nhà đầu tư, cổ đông hay các thành viên liên doanh. Đối với các doanh nghiệp Nhà nước, vốn chủ sở hữu gồm:
Vốn ngân sách do Nhà nước cấp: là vốn được Nhà nước cấp khi mới thành lập doanh nghiệp để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh
Vốn tự bổ sung từ các khoản lợi nhuận của doanh nghiệp.
+ Vốn lưu động coi như tự có: khoản vốn lưu động này không do doanh nghiệp sở hữu. Doanh nghiệp có thể sử dụng hợp lý khoản vốn lưu động này vào quá trình sản xuất kinh doanh của mình như: tiền lương, các khoản chi phí tính trước và , tiền bảo hiểm chưa đến kỳ trả.
+ Vốn tín dụng: là nguồn vốn có được nhờ vay tín dụng của ngân hàng, tập thể cá nhân và các tổ chức khác, có thể là tiền mặt hoặc tài sản quy đổi thành tiền.
+ Vốn lưu động được hình thành từ việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu của doanh nghiệp.
Phân loại dựa trên hình thái biểu hiện của vốn lưu động
Vốn lưu động là tiền, bao gồm: tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, tiền trong tài khoản thanh toán, tiền trong thẻ tín dụng
Vốn lưu động là vật tư, hàng hóa.
Có nhiều tiêu chí để phân loại vốn lưu động (nguồn: internet)
Phân loại dựa trên thời gian huy động và sử dụng vốn lưu động
Vốn lưu động tạm thời: là vốn lưu động từ các khoản vay ngắn hạn phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh.
Vốn lưu động thường xuyên: là vốn lưu động tạo nên tài sản lưu động thường xuyên và có tính chất ổn định.
Phân loại dựa trên biện pháp quản lý vốn lưu động
Vốn lưu động định mức: là vốn lưu động cần thiết, thường xuyên trong quá trình sản xuất kinh doanh gồm: vốn dự trữ trong sản xuất, vốn thành phẩm. Đây là cơ sở để doanh nghiệp quản lý vốn và phân bổ vốn hợp lý, xác định mối quan hệ giữa doanh nghiệp với Nhà nước hoặc ngân hàng trong huy động vốn.
Vốn lưu động không định mức: là vốn lưu động phục vụ trực tiếp cho giai đoạn lưu thông thành phẩm, bao gồm: vốn trong thanh toán, vốn bằng tiền.
Phân biệt vốn điều lệ và vốn lưu động
Bản chất của vốn điều lệ và vốn lưu động là hoàn toàn khác nhau:
Vốn điều lệ là vốn ban đầu do các thành viên sở hữu được ghi trên điều lệ công ty, nó có ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên dựa trên tỷ lệ góp vốn.
Trong khi đó, vốn lưu động lại thiên về kế toán và quản trị, là khoản tiền dự tính làm vốn luân chuyển, mua sắm tài sản lưu động, hàng hóa dịch vụ sử dụng trong 1 chu kỳ sản xuất kinh doanh.
Khi mới kinh doanh thì toàn bộ vốn kinh doanh được hình thành từ vốn điều lệ ban đầu, nhưng sau này vốn kinh doanh sẽ được hình thành từ nhiều nguồn vốn như: vốn ban đầu, nợ và lợi nhuận từ chu kỳ kinh doanh trước, trong khi vốn điều lệ không thay đổi trừ khi có quyết định thay đổi vốn điều lệ.
Trên đây là những thông tin về vốn lưu động, bao gồm vốn lưu động là gì? Đặc điểm và phân loại vốn lưu động. Hy vọng bài viết này đã mang đến cho bạn đọc những kiến thức hữu ích.