hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 03/03/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Vùng lãnh hải là vùng biển nào theo Luật biển quốc tế

Vùng lãnh hải là vùng biển nào? Xác định vùng lãnh hải dựa vào đâu? Các quốc gia ven biển có quyền và nghĩa vụ gì đối với vùng lãnh hải của mình? Hãy cùng chúng tôi tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây.

Mục lục bài viết
  • Vùng lãnh hải là vùng biển nào?
  • Cách xác định đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải
  • Đường cơ sở thông thường
  • Đường cơ sở thẳng
  • Quyền và nghĩa vụ của các quốc gia ven biển

Vùng lãnh hải là vùng biển nào?

Câu hỏi Vùng lãnh hải là vùng biển nào được trả lời là vùng biển ven bờ nằm tiếp giáp với vùng nước nội thủy và có chiều rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở của quốc gia ven biển đó.

Đối với các quốc gia quần đảo vùng lãnh hải là vùng biển tiếp giáp phía ngoài với vùng nước quần đảo và cũng có chiều rộng là 12 hải lý.

Các quốc gia ven biển có chủ quyền đối với cả vùng trời trên lãnh hải, đến đáy và lòng đất của vùng biển này.

Cách xác định đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải

Có 2 loại đường cơ sở, đó là:

Đường cơ sở thông thường

Đường cơ sở thông thường được xác định là ngấn nước thủy triều xuống thấp nhất dọc theo bờ biển, được đánh dấu trên hải đồ có tỉ lệ lớn và được các quốc gia ven biển chính thức công nhận.

Vùng lãnh hải là vùng biển nào?
Vùng lãnh hải là vùng biển nào? (nguồn: internet)

Đường cơ sở thẳng

  • Đối với các vùng biển bị khoét sâu và lồi lõm hoặc có một chuỗi đảo nằm dọc theo bờ biển ở ngay vùng lân cận thì đường cơ sở thẳng là đường được tạo ra bằng cách nối các điểm thích hợp.

  • Đối với vùng biển có bờ biển cực kỳ không ổn định do châu thổ hoặc do các điều kiện tự nhiên khác thì chọn các điểm dọc theo mức ngấn nước triều thấp nhất chuyển dịch vào trong và nối các điểm này với nhau thì có được đường cơ sở thẳng.

  • Vẽ đường cơ sở thẳng không được lệch khỏi hướng chung của bờ biển quá nhiều và các vùng biển nằm trong các đường cơ sở đó phải có sự gắn kết đủ chặt với phần đất liền để đạt được chế độ nội thủy.

  • Đường cơ sở thẳng không được kéo đến và xuất phát từ các bãi lúc nổi lúc chìm, trừ khi trên các bãi đó có đèn biển hoặc các công trình cố định trên mực nước biển hoặc trừ trường hợp việc vẽ đường cơ sở này đã được quốc tế công nhận.

  • Trường hợp xác định đường cơ sở thẳng cho vùng biển khoét sâu và lồi lõm thì khi xác định các đường cơ sở cụ thể, có thể tính đến các lợi ích kinh tế đặc biệt của khu vực đó mà thực tế và tầm quan trọng của chúng đã được chứng minh rõ ràng qua một thời gian sử dụng lâu dài.

  • Đường cơ sở thẳng của một quốc gia không được sử dụng nhằm mục đích chia cắt lãnh hải của một quốc gia khác với biển cả hoặc vùng đặc quyền kinh tế.

Quyền và nghĩa vụ của các quốc gia ven biển

Quyền của các quốc gia đối với vùng biển của mình

  • Quốc gia ven biển có quyền áp dụng các biện pháp cần thiết trong vùng lãnh hải của mình để ngăn chặn việc đi qua gây hại.

  • Trong trường hợp các tàu tiến vào nội thủy hoặc ghé vào một bến cảng bên ngoài nội thủy, quốc gia ven biển cũng có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn mọi hành vi vi phạm các điều kiện cho phép các tàu đó vào nội thủy hoặc bến cảng nói trên.

  • Quốc gia ven biển có thể tạm thời đình chỉ việc đi qua không gây hại của các tàu thuyền nước ngoài tại các khu vực xác định trong lãnh hải của mình nếu việc đình chỉ đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, bao gồm cả việc tập trận vũ khí nhưng không được phân biệt đối xử về hình thức hoặc trên thực tế giữa các tàu thuyền nước ngoài. Việc đình chỉ như vậy sẽ chỉ có hiệu lực sau khi đã được công bố theo thủ tục hợp lệ.

Tàu nước ngoài cập cảng biển Việt Nam
Tàu nước ngoài cập cảng biển Việt Nam (nguồn: internet)

Nghĩa vụ của các quốc gia ven biển

  1. Quốc gia ven biển không được cản trở việc đi lại không gây hại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải, trừ trường hợp đã được quy định trong Công ước Luật biển năm 1982. Đặc biệt, khi áp dụng Công ước này, bất kỳ luật hay quy định nào được ban hành phù hợp với Công ước này, quốc gia ven biển không được:

  • Áp đặt các yêu cầu đối với tàu thuyền nước ngoài mà mục đích thực tế là từ chối hoặc hạn chế quyền đi qua không gây hại của các tàu thuyền này.

  • Phân biệt đối xử về mặt hình thức hoặc trên thực tế đối với tàu thuyền của bất kỳ quốc gia nào hoặc thay mặt cho quốc gia đó.

  1. Quốc gia ven biển phải công bố một cách thích hợp mọi nguy hiểm về hàng hải thuộc vùng lãnh hải của mình mà quốc gia đó biết được.

Quyền tài phán hình sự trên tàu nước ngoài

Quyền tài phán hình sự của quốc gia ven biển không được thực hiện trên một con tàu nước ngoài đi qua lãnh hải nhằm bắt giữ bất kỳ người nào hay để tiến hành bất kỳ cuộc điều tra nào đối với một vụ vi phạm hình sự xảy ra trên con tàu đó trong quá trình nó đi qua lãnh hải, chỉ trừ trường hợp các trường hợp sau:

  • Nếu hậu quả của việc vi phạm hình sự đó lan rộng đến quốc gia ven biển

  • Nếu đối tượng vi phạm thuộc loại quấy rối hòa bình của đất nước hoặc trật tự an ninh của lãnh hải.

  • Nếu sự trợ giúp của chính quyền địa phương đã được yêu cầu bởi thuyền trưởng của tàu hoặc bởi một cơ quan ngoại giao, một viên chức lãnh sự của quốc gia tàu treo cờ.

  • Nếu các biện pháp đó là cần thiết để ngăn chặn việc buôn bán bất hợp pháp chất gây nghiện và chất kích thích.

Các quy định trên không ảnh hưởng đến quyền của quốc gia ven biển thực hiện bất kỳ biện pháp nào được pháp luật của quốc gia đó cho phép nhằm mục đích bắt giữ hoặc điều tra một tàu nước ngoài đi qua lãnh hải sau khi đã rời nội thủy.

Trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và 2 của Công ước Luật biển năm 1982, nếu thuyền trưởng yêu cầu, quốc gia ven biển phải thông báo cho viên chức ngoại giao hoặc viên chức lãnh sự của quốc gia tàu treo cờ trước khi thực hiện bất kỳ biện pháp  nào. Đồng thời, quốc gia ven biển phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên lạc giữa viên chức hoặc viên chức đó với đoàn thủy thủ của con tàu. Trong trường hợp khẩn cấp, thông báo này có thể được truyền đạt trong khi các biện pháp đang được thực hiện.

Khi xem xét có nên tiến hành bắt giữ hay không hoặc bắt giữ theo cách thức nào, chính quyền địa phương phải quan tâm thích đáng đến lợi ích hàng hải.

Trừ trường hợp được quy định trong Phần XII hoặc liên quan đến các vi phạm pháp luật và quy định được ban hành trong Phần V của Công ước Luật biển năm 1982, quốc gia ven biển không được tiến hành bất kỳ biện pháp nào đối với một con tàu nước ngoài đi qua lãnh hải nhằm mục đích bắt giữ hoặc điều tra tội phạm trước khi con tàu đi vào lãnh hải, nếu con tàu xuất phát từ một cảng nước ngoài, chỉ đi qua lãnh hải mà không đi vào nội thủy.

Quyền tài phán của quốc gia ven biển
Quyền tài phán của quốc gia ven biển (nguồn: internet)

Quyền tài phán hình sự trên tàu nước ngoài

Quốc gia ven biển không được dừng hoặc chuyển hướng tàu thuyền nước ngoài đang đi qua lãnh hải để thực hiện quyền tài phán dân sự liên quan đến người trên tàu biển đó.

Quốc gia ven biển không được áp dụng biện pháp trừng phạt hoặc bắt giữ con tàu vì mục đích tố tụng dân sự, chỉ trừ trường hợp các nghĩa vụ hoặc trách nhiệm mà chính con tàu đảm nhận, gánh chịu trong khi đi qua vùng biển hoặc để được đi qua vùng biển.

Mục thứ 2 nêu trên không ảnh hưởng đến quyền của quốc gia ven biển áp dụng các biện pháp trừng phạt hoặc bắt giữ  theo luật của quốc gia đó vì mục đích của bất kỳ thủ tục tố tụng dân sự nào đối với tàu thuyền nước ngoài đang nằm trong lãnh hải hoặc đi qua lãnh hải, sau khi rời nội thủy.

Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết Vùng lãnh hải là vùng biển nào theo Luật biển quốc tế. Hy vọng bài viết của chúng tôi mang đến những thông tin hữu ích cho bạn đọc. Mọi thắc mắc xin liên lạc với Hieuluat.vn để được giải đáp nhé!

Có thể bạn quan tâm

X