Cơ quan ban hành: | Bộ Thông tin và Truyền thông | Số công báo: | 327&328-03/2019 |
Số hiệu: | 02/2019/TT-BTTTT | Ngày đăng công báo: | 18/03/2019 |
Loại văn bản: | Thông tư | Người ký: | Nguyễn Mạnh Hùng |
Ngày ban hành: | 08/03/2019 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 22/04/2019 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Thông tin-Truyền thông |
BỘ THÔNG TIN VÀ Số: 02/2019/TT-BTTTT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 08 tháng 3 năm 2019 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI CỦA CÁC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ, CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ
Căn cứ Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Căn cứ Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 72/2015/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại,
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư Hướng dẫn về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này được áp dụng đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi là các Bộ), các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 3. Nội dung kế hoạch hoạt động thông tin đối ngoại
Các Bộ căn cứ vào quy hoạch, chương trình, kế hoạch của Chính phủ; mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông và chương trình công tác của các Bộ để xây dựng kế hoạch hoạt động thông tin đối ngoại dài hạn, trung hạn, hằng năm, gồm các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
1. Phân công tổ chức hoặc cá nhân làm đầu mối phụ trách triển khai hoạt động thông tin đối ngoại.
2. Xây dựng và ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành hoạt động thông tin đối ngoại.
3. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại hằng năm về các nội dung trọng tâm sau đây:
a) Triển khai các văn bản quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại;
b) Phương pháp và kỹ năng công tác thông tin đối ngoại;
c) Kỹ năng phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí;
d) Tình hình quốc tế và hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước;
đ) Tình hình hội nhập quốc tế của Việt Nam và của Bộ;
e) Tình hình đấu tranh, tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phân giới, cắm mốc, quản lý và tôn tạo hệ thống mốc giới của Việt Nam; phản ứng của các nước về vấn đề Biển Đông;
g) Phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức về nhân quyền; tuyên truyền thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam và của Bộ;
h) Công tác thông tin đối ngoại giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới và quốc tế của Bộ;
i) Phổ biến tình hình chính trị, sự thay đổi, điều chỉnh chính sách của các nước trong khu vực; kết quả công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại trong thời gian qua, phản hồi của dư luận quốc tế về quảng bá hình ảnh Việt Nam.
4. Xây dựng các đề án, dự án về hoạt động thông tin đối ngoại thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
a) Thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
b) Thông tin về tình hình quốc tế và hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, tình hình hội nhập quốc tế của đất nước;
c) Quảng bá hình ảnh của đất nước, của Bộ;
d) Thông tin về kết quả hoạt động của Bộ, đặc biệt những nội dung được dư luận trong và ngoài nước quan tâm; giải thích, làm rõ, đấu tranh với các thông tin sai lệch ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Việt Nam, của Bộ;
đ) Tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới lãnh thổ quốc gia;
e) Các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Bộ.
Điều 4. Kinh phí hoạt động thông tin đối ngoại
Kinh phí cho hoạt động thông tin đối ngoại của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và các nguồn tài chính hợp pháp khác. Hằng năm, căn cứ kế hoạch hoạt động thông tin đối ngoại của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được cấp có thẩm quyền giao, các cơ quan, đơn vị lập dự toán kinh phí thực hiện, tổng hợp vào dự toán ngân sách của cơ quan, đơn vị mình gửi cơ quan tài chính cung cấp để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Chương II. HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI
Điều 5. Cung cấp thông tin quảng bá hình ảnh của Bộ
Thông tin quảng bá hình ảnh của Bộ được cung cấp qua các phương thức sau đây:
1. Hoạt động đối ngoại của Bộ.
2. Cổng thông tin điện tử của Bộ, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ, cơ quan, bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài.
3. Hệ thống dữ liệu quảng bá hình ảnh của Bộ.
4. Xuất bản phẩm bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài.
5. Sản phẩm báo chí của các phương tiện thông tin đại chúng trong nước.
6. Sản phẩm của các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông nước ngoài.
7. Sản phẩm truyền thông phổ biến qua mạng internet.
8. Các hoạt động tiếp xúc, hợp tác với các cơ quan báo chí nước ngoài.
9. Các hoạt động truyền thông của các sự kiện lớn tổ chức trong và ngoài nước.
10. Các phương thức hoạt động thông tin đối ngoại khác theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Cung cấp thông tin giải thích, làm rõ
1. Thông tin giải thích, làm rõ là những tư liệu, tài liệu, hồ sơ, lập luận nhằm giải thích, làm rõ, đấu tranh với các thông tin sai lệch ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Bộ.
2. Khi nhận được thông tin, tài liệu, báo cáo sai lệch ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh Việt Nam thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được giao, hoặc khi nhận được đề nghị bằng văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ có trách nhiệm chủ động cung cấp những tư liệu, tài liệu, hồ sơ, lập luận gửi tới Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan để phối hợp trong công tác quản lý và triển khai các biện pháp thông tin, tuyên truyền để bảo vệ nâng cao uy tín, hình ảnh của Việt Nam.
3. Tư liệu, tài liệu, hồ sơ, lập luận giải thích, làm rõ gồm các nội dung chính sau:
a) Nội dung thông tin sai lệch và cập nhật tình hình từ sau khi có thông tin sai lệch đến thời điểm giải thích, làm rõ;
b) Tác động của thông tin sai lệch đến uy tín, hình ảnh của Bộ, của đất nước;
c) Bản chất của sự việc, hiện tượng bị đưa thông tin sai lệch;
d) Căn cứ pháp lý trong nước và quốc tế, kinh nghiệm, tiền lệ xử lý liên quan đến thông tin sai lệch;
đ) Đề xuất nội dung tuyên truyền trên báo chí và định hướng dư luận.
4. Các Bộ chủ động triển khai các biện pháp thông tin, tuyên truyền để bảo vệ và nâng cao uy tín, hình ảnh của Bộ thông qua các hình thức sau đây:
a) Ban hành Thông cáo báo chí giải thích, làm rõ thông tin sai lệch; người phát ngôn của Bộ, cơ quan chuyên môn thuộc Bộ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí;
b) Cử đại diện lãnh đạo hoặc người phát ngôn tham dự giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức; Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ hằng tháng về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại do Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ tổ chức để cung cấp thông tin giải thích, làm rõ cho các cơ quan báo chí khi Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu;
c) Đăng tải thông tin giải thích, làm rõ trên cổng thông tin điện tử của Bộ, các cơ quan chuyên môn; các sản phẩm truyền thông của các cơ quan thông tấn, báo chí và các phương tiện khác, bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài;
d) Cung cấp thông tin để các cơ quan thông tấn, báo chí giải thích, làm rõ đấu tranh với các thông tin sai lệch.
5. Tối đa không quá bảy (07) ngày sau khi nhận được thông báo từ Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin giải thích, làm rõ, đồng gửi Bộ Thông tin và Truyền thông biết để theo dõi, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
6. Thông tin có nội dung bí mật nhà nước phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Điều 7. Hệ thống dữ liệu về thông tin đối ngoại của các Bộ
1. Hệ thống dữ liệu thông tin đối ngoại của các Bộ là hệ thống dữ liệu được số hóa bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài, giới thiệu lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, cung cấp đến cộng đồng quốc tế và người Việt Nam ở trong và ngoài nước.
2. Hệ thống dữ liệu thông tin đối ngoại của Bộ là nguồn cung cấp thông tin chính thức về Bộ.
3. Hệ thống dữ liệu thông tin đối ngoại của các Bộ được tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin đối ngoại.
4. Các đơn vị chuyên môn, cơ quan báo chí thuộc các Bộ có trách nhiệm cung cấp thông tin và dữ liệu quảng bá hình ảnh của Bộ trên các phương tiện truyền thông.
Điều 8. Tuyên truyền về các sự kiện tổ chức tại nước ngoài
1. Căn cứ kế hoạch hoạt động thông tin đối ngoại của Chính phủ hoặc nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, các Bộ chủ trì tổ chức sự kiện ở nước ngoài có trách nhiệm phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền về sự kiện.
2. Kế hoạch tuyên truyền về sự kiện tổ chức ở nước ngoài gồm các nội dung chính:
a) Thời gian, địa điểm, quy mô, đối tượng tham dự, cấp trưởng đoàn;
b) Mục đích và nội dung hoạt động;
c) Nội dung phát biểu của Trưởng đoàn, nội dung các văn kiện và thỏa thuận hợp tác (nếu có); thông cáo báo chí;
d) Yêu cầu và mức độ về thông tin tuyên truyền;
e) Trách nhiệm phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan báo chí liên quan;
f) Các điều kiện đảm bảo.
3. Chậm nhất mười lăm (15) ngày trước khi tổ chức sự kiện, Bộ chủ trì sự kiện có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Ngoại giao về kế hoạch tuyên truyền đã được phê duyệt và đề xuất nhu cầu phối hợp tuyên truyền đối ngoại để thống nhất triển khai thực hiện.
4. Chậm nhất mười lăm (15) ngày sau khi kết thúc sự kiện ở nước ngoài, Bộ chủ trì có trách nhiệm báo cáo kết quả hoạt động gửi Bộ Ngoại giao, đồng gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, để làm cơ sở tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Riêng đối với hoạt động tổ chức Ngày Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm tổng hợp, đánh giá và định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác tổ chức và hiệu quả đạt được của các hoạt động Chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài.
Điều 9. Hỗ trợ, hợp tác với các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông, phóng viên nước ngoài
Các Bộ phối hợp, hỗ trợ các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông, phóng viên nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam tổ chức thực hiện các sản phẩm thông tin đối ngoại giới thiệu, quảng bá hình ảnh của Bộ và đất nước trên các phương tiện thông tin đại chúng ở trong nước và quốc tế.
Chương III. QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI
Điều 10. Trách nhiệm của các Bộ
1. Triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác thông tin đối ngoại theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ, trách nhiệm của các Bộ theo quy định tại Chương III của Nghị định số 72/2015/NĐ-CP về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại.
2. Phân công 01 đơn vị chuyên môn trực thuộc làm đầu mối và cán bộ phụ trách công tác thông tin đối ngoại chịu trách nhiệm tham mưu để Lãnh đạo Bộ ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch, chương trình liên quan về TTĐN.
3. Cung cấp thông tin chính thức về Bộ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tới các cơ quan thông tấn, báo chí, cộng đồng quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài.
4. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại tiến hành công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thông tin đối ngoại theo quy định của pháp luật.
5. Sơ kết, tổng kết, đánh giá hoạt động thông tin đối ngoại theo phạm vi quản lý; định kỳ trước ngày 30 tháng 11 hằng năm gửi và báo cáo tổng kết năm và kế hoạch hoạt động thông tin đối ngoại của năm tiếp theo về Bộ Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. (Mẫu kế hoạch và báo cáo quy định tại Phụ lục số 01 và Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này). Trường hợp đột xuất, khi Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản yêu cầu, các Bộ gửi báo cáo về Bộ Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, phục vụ công tác quản lý.
Chương IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Tổ chức thực hiện
1. Các Bộ có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện Thông tư này.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông giao Cục Thông tin đối ngoại là đầu mối tổ chức triển khai, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Thông tư, định kỳ báo cáo kết quả với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Điều 12. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 22 tháng 4 năm 2019.
2. Trong quá trình thực hiện, trường hợp có vướng mắc hoặc phát sinh những điểm chưa phù hợp, đề nghị các Bộ phản ánh bằng văn bản về Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Mạnh Hùng |
PHỤ LỤC 01
(Ban hành kèm theo Thông tư số: 02/2019/TT-BTTTT ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông)
BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:………/…….. | …………….., ngày ….. tháng ….. năm 20…. |
KẾ HOẠCH
Hoạt động thông tin đối ngoại năm………
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
1. Mục tiêu
2. Yêu cầu
II. NỘI DUNG
1. Xây dựng và ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành hoạt động thông tin đối ngoại
2. Phân công tổ chức, bố trí nhân sự phụ trách công tác thông tin đối ngoại
3. Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thông tin đối ngoại
4. Xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án thông tin đối ngoại
5. Các hoạt động thông tin đối ngoại cụ thể
a) Công tác theo dõi thông tin; phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
b) Cơ sở dữ liệu về thông tin đối ngoại
c) Sản xuất xuất bản phẩm thông tin đối ngoại
d) Tổ chức sự kiện thông tin đối ngoại trong và ngoài nước
đ) Hỗ trợ, hợp tác với báo chí nước ngoài để quảng bá Việt Nam
e) Các hình thức khác (nếu có)
III. KINH PHÍ
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
| QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ |
PHỤ LỤC 02
(Ban hành kèm theo Thông tư số: 02/2019/TT-BTTTT ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông)
BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:………/…… | ……………., ngày ….. tháng …. năm 20….. |
BÁO CÁO TỔNG KẾT
Công tác quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại năm……
I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH
1. Thuận lợi
2. Khó khăn
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Xây dựng và ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành hoạt động thông tin đối ngoại
2. Phân công tổ chức, bố trí nhân sự phụ trách công tác thông tin đối ngoại
3. Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thông tin đối ngoại
4. Xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án thông tin đối ngoại
5. Các hoạt động thông tin đối ngoại cụ thể
a) Công tác theo dõi thông tin; phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
b) Cơ sở dữ liệu về thông tin đối ngoại
c) Sản xuất xuất bản phẩm thông tin đối ngoại
d) Tổ chức sự kiện thông tin đối ngoại trong và ngoài nước
đ) Hỗ trợ, hợp tác với báo chí nước ngoài để quảng bá Việt Nam
e) Các hình thức khác (nếu có)
6. Kinh phí
III. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Ưu điểm
2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
IV. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM TỚI
V. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT
| QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ |
01 | Văn bản căn cứ |
02 | Văn bản căn cứ |
03 | Văn bản căn cứ |
04 | Văn bản được hướng dẫn |
Thông tư 02/2019/TT-BTTTT quản lý hoạt động thông tin đối ngoại của các Bộ
In lược đồCơ quan ban hành: | Bộ Thông tin và Truyền thông |
Số hiệu: | 02/2019/TT-BTTTT |
Loại văn bản: | Thông tư |
Ngày ban hành: | 08/03/2019 |
Hiệu lực: | 22/04/2019 |
Lĩnh vực: | Thông tin-Truyền thông |
Ngày công báo: | 18/03/2019 |
Số công báo: | 327&328-03/2019 |
Người ký: | Nguyễn Mạnh Hùng |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |