BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG -------- Số: 09/2015/TT-BTTTT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 24 tháng 4 năm 2015 |
Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông;
Căn cứ Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo;
Căn cứ Nghị định số 30/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện;
Căn cứ Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Viễn thông,
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư quy định về quản lý, tổ chức hoạt động ủng hộ qua Cổng thông tin điên tư nhân đạo quốc gia.
Chương I
Thông tư này quy định về quản lý, tổ chức hoạt động gửi, nhận, chuyển tiền ủng hộ của thuê bao viễn thông (sau đây gọi là hoạt động ủng hộ) qua Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia (sau đây gọi là Cổng 1400) để hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; hỗ trợ các hoạt động nhân đạo, từ thiện theo quy định của pháp luật và phục vụ các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng của đất nước theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyên thông.
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, tổ chức hoạt động gửi, nhận, chuyển tiền ủng hộ qua Cổng 1400.
1. Cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là cơ quan) tổ chức hoạt động ủng hộ chủ trì việc triển khai đợt vận động các thuê bao viễn thông gửi tiền ủng hộ (sau đây gọi tắt là đợt vận động ủng hộ) theo đúng các quy định của pháp luật về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện cho mục đích nhân đạo, từ thiện.
2. Cổng 1400 là hệ thống thiết bị viễn thông được Bộ Thông tin và Truyền thông thiết lập để tiếp nhận tin nhắn ủng hộ tiền từ các thuê bao viễn thông trên phạm vi toàn quốc; hoạt động không vì mục đích lợi nhuận trên cơ sở lấy thu bù chi; hạch toán độc lập; đảm bảo chính xác, minh bạch, công khai, tiện lợi.
3. Doanh nghiệp viễn thông tạo thêm một kênh đóng góp thuận lợi, nhanh chóng đối với hoạt động ủng hộ qua việc cung cấp dịch vụ nhắn tin qua Cổng 1400 cho các thuê bao viễn thông trên cơ sở thương mại với lợi nhuận hợp lý.
4. Thuê bao viễn thông đóng góp tiền ủng hộ qua Công 1400 trên cơ sở tự nguyện với số lượng tin nhắn ủng hộ không hạn chế cho môi đợt vận động ủng hộ.
Chương II
Cổng 1400 phải đáp ứng các yêu cầu về kết nối sau đây:
1. Kết nối đến các doanh nghiệp viễn thông với dung lượng và chất lượng truyền dẫn đảm bảo đáp ứng chất lượng dịch vụ nhắn tin theo quy định.
2. Kết nối đến hệ thống thu thập xử lý số liệu của Cục Viễn thông để phục vụ công tác quản lý Nhà nước về viễn thông.
Cổng 1400 phải bảo đảm khả năng quản lý, thu thập, lưu trữ, xử lý dữ liệu về dịch vụ và giá trị tin nhắn qua Cổng 1400 chính xác, kịp thời để:
1. Đối soát, thanh toán số liệu với cơ quan tổ chức hoạt động ủng hộ, các doanh nghiệp viễn thông và cung cấp thông tin cần thiết về hoạt động của Cổng 1400 cho Bộ Thông tin và Truyền thông khi có yêu cầu.
2. Tiếp nhận, giải đáp thông tin; tiếp nhận, giải quyết khiếu nại về hoạt động ủng hộ qua Cổng 1400 cho các thuê bao viễn thông.
1. Số dịch vụ nhắn tin từ số 1400 đến số 1409 trong Quy hoạch kho số viễn thông do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định để cung cấp dịch vụ nhắn tin qua Cổng 1400 như sau:
a) Số 1400 được sử dụng cho mục đích tiếp nhận các bản tin nhắn động viên, chia sẻ, thăm hỏi;
b) Số 1401 được sử dụng cho các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng của đất nước do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cho từng đợt vận động ủng hộ;
c) Các số từ 1402 đến 1409 được sử dụng để gửi các bản tin nhắn ủng hộ qua Cổng 1400. Mỗi số dịch vụ nhắn tin ứng với một giá trị tính bằng Việt Nam Đồng, do cơ quan tổ chức hoạt động ủng hộ qua Cổng 1400 sau khi thống nhất với Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện (sau đây gọi tắt là Tổng Công ty VTC) quyết định theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư này.
2. Mỗi đợt vận động ủng hộ qua Cổng 1400 chỉ được sử dụng 01 (một) số dịch vụ nhắn tin. Không sử dụng 01 (một) số dịch vụ nhắn tin để thực hiện cùng lúc nhiều đợt vận động ủng hộ khác nhau.
1. Giá trị tin nhắn ủng hộ qua Cổng 1400 bao gồm giá trị ủng hộ của tin nhắn và gia cước dịch vụ nhắn tin đến Cổng 1400:
a) Giá trị ủng hộ của tin nhắn do cơ quan tổ chức hoạt động ủng hộ phối hợp với Tổng Công ty VTC ấn định đối với mỗi đợt vận động ủng hộ và số dịch vụ nhắn tin tương ứng;
b) Giá cước dịch vụ nhắn tin đến Cổng 1400 là giá cước mà thuê bao viễn thông phải thanh toán cho doanh nghiệp viễn thông để gửi một tin nhắn ủng hộ qua Cổng 1400.
2. Giá trị ủng hộ của mỗi tin nhắn qua Cổng 1400 không nhỏ hơn 5.000 (năm nghìn) Việt Nam Đồng và không lớn hơn 20.000 (hai mươi nghìn) Việt Nam Đồng.
3. Dịch vụ nhắn tin đến Cổng 1400 được hạch toán chung với dịch vụ nhắn tin (SMS) của doanh nghiệp viễn thông. Giá cước dịch vụ nhắn tin đến Cổng 1400 (bao gồm cả cước kết nối dịch vụ nhắn tin đến Cổng 1400) là giá cước dịch vụ nhắn tin (SMS) do doanh nghiệp viễn thông xây dựng, ban hành trên cơ sở giá thành dịch vụ nhắn tin của doanh nghiệp theo quy định về quản lý giá cước viễn thông.
4. Cước kết nối dịch vụ nhắn tin đến Cổng 1400 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành và được doanh nghiệp viễn thông thanh toán cho Tổng Công ty VTC theo các quy định về quản lý giá cước viễn thông.
Chương III
Cơ quan có nhu cầu tổ chức hoạt động ủng hộ qua Cổng 1400 phải thực hiện thủ tục đăng ký để được chấp thuận mở Cổng 1400 phục vụ triển khai đợt vận động ủng hộ. Đề nghị mở Cổng 1400 được chấp thuận khi đáp ứng đồng thời, đầy đủ các quy định sau đây:
1. Cơ quan đăng ký tổ chức hoạt động ủng hộ qua Cổng 1400 là:
a) Các cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14 ngày 5 tháng 2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo có phạm vi hoạt động toàn quốc theo quy định của pháp luật; hoặc
b) Các quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 30/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện có phạm vi hoạt động toàn quốc theo quy định của pháp luật; hoặc
c) Các trường hợp khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Mục đích tổ chức hoạt động ủng hộ phù hợp với phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 Thông tư này.
3. Có kế hoạch tổ chức hoạt động ủng hộ phù hợp với quy định về hoạt động của Cổng 1400 và khả năng đáp ứng về kỹ thuật, nghiệp vụ của Cổng 1400 và các doanh nghiệp viễn thông.
4. Thời gian tổ chức hoạt động ủng hộ phù hợp với quy định tại Điều 9 Thông tư này.
1. Thời gian tổ chức hoạt động ủng hộ đối với mỗi đợt vận động ủng hộ qua Cổng 1400 không quá 60 (sáu mươi) ngày kể từ ngày mở Cổng 1400 phục vụ đợt vận động ủng hộ. Trường hợp đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Mỗi cơ quan không triển khai 02 (hai) đợt vận động ủng hộ qua Cổng 1400 với cùng một nội dung chương trình trong một năm. Trường hợp đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông.
1. Hồ sơ đăng ký gồm:
a) Đơn đề nghị tổ chức hoạt động ủng hộ qua Cổng 1400 theo Mẫu 01/ĐĐN kèm theo Thông tư này;
b) Bản sao có chứng thực (nếu gửi hồ sơ qua đường bưu chính), hoặc bản sao (cầm theo bản gốc để đối chiếu nếu nộp hồ sơ trực tiếp tại địa chỉ nhận hồ sơ) Quyết định thành lập cơ quan, tổ chức;
c) Kế hoạch tổ chức hoạt động ủng hộ qua Cổng 1400.
2. Kế hoạch tổ chức hoạt động ủng hộ qua Cổng 1400 bao gồm tối thiểu các nội dung sau đây:
a) Mục đích đợt vận động ủng hộ;
b) Thời gian bắt đầu và kết thúc đợt vận động ủng hộ;
c) Phương án sử dụng số dịch vụ nhắn tin và giá trị ủng hộ của tin nhắn;
d) Kế hoạch truyền thông cụ thể để vận động người dân và các thuê bao viễn thông tham gia hoạt động ủng hộ.
3. Địa chỉ và thời hạn nhận hồ sơ đăng ký
a) Hồ sơ đăng ký phải được gửi đến Tổng Công ty VTC tối thiểu 15 (mười lăm) ngày làm việc trước thời điểm bắt đầu đợt vận động ủng hộ.
b) Đối với hồ sơ đề nghị sử dụng Cổng 1400 vào mục đích phục vụ các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng của đất nước, hồ sơ đăng ký phải được gửi đến Cục Viễn thông tối thiểu 20 (hai mươi) ngày làm việc trước thời điểm bắt đầu đợt vận động ủng hộ.
4. Thời hạn và quy trình xử lý hồ sơ
a) Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Tổng Công ty VTC có trách nhiệm thẩm định hồ sơ; ra Quyết định mở Cổng 1400 phục vụ đợt vận động ủng hộ và gửi Quyết định mở Cổng 1400 cho cơ quan chủ trì tổ chức đợt vận động ủng hộ và các doanh nghiệp viễn thông có liên quan.
Trường hợp từ chối đề nghị mở Cổng 1400, Tổng Công ty VTC có văn bản trả lời cho cơ quan chủ trì tổ chức hoạt động ủng hộ và nêu rõ lý do từ chối.
b) Đối với hồ sơ đề nghị sử dụng Cổng 1400 vào mục đích phục vụ các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng của đất nước, trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Viễn thông có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, trình Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, quyết định. Trên cơ sở sự chấp thuận của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Viễn thông ra Quyết định mở Cổng 1400 phục vụ đợt vận động ủng hộ, gửi Quyết định mở Cổng 1400 cho cơ quan chủ trì tổ chức đợt vận động ủng hộ, các doanh nghiệp viễn thông có liên quan và Tổng Công ty VTC.
Trong trường hợp từ chối đề nghị mở Cổng 1400, Cục Viễn thông có văn bản trả lời cho cơ quan chủ trì tổ chức hoạt động ủng hộ và nêu rõ lý do từ chối.
5. Quyết định mở Cổng 1400 phục vụ mỗi đợt vận động ủng hộ bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:
a) Tên cơ quan được tổ chức đợt vận động ủng hộ qua Cổng 1400;
b) Thời gian mở, đóng Cổng 1400;
c) Số dịch vụ nhắn tin và giá trị ủng hộ của tin nhắn tương ứng với số dịch vụ nhắn tin;
d) Nội dung (cú pháp) tin nhắn ủng hộ;
e) Các thông tin liên quan khác (nếu có).
Các doanh nghiệp viễn thông khi nhận được Quyết định mở Cổng 1400 có trách nhiệm:
a) Mở, đóng số dịch vụ nhắn tin trên mạng viễn thông theo đúng thời gian mở, đóng Cổng 1400.
b) Cung cấp dịch vụ nhắn tin qua Cổng 1400, đồng thời gửi tin nhắn xác nhận đã nhận được tin nhắn ủng hộ cho thuê bao viễn thông.
c) Trừ giá trị tin nhắn ủng hộ qua Cổng 1400 (giá trị ủng hộ của tin nhắn cộng giá cước dịch vụ nhắn tin) trong tài khoản của thuê bao viễn thông.
1. Việc đối soát số liệu và thanh toán số tiền ủng hộ của đợt vận động ủng hộ qua Cổng 1400 được Tổng công ty VTC và các doanh nghiệp viễn thông tiến hành theo số dịch vụ nhắn tin trên cơ sở số liệu hàng tháng của hệ thống tính cước của doanh nghiệp viễn thông và của Cổng 1400. Trong trường hợp có sai lệch thì lấy theo số liệu hệ thống tính cước của doanh nghiệp viễn thông.
2. Số tiền ủng hộ là tổng số tiền thu được đối với mỗi số dịch vụ nhắn tin của đợt vận động ủng hộ qua Cổng 1400. Số tiền thu được đối với mỗi số dịch vụ nhắn tin được xác định là tích của số tin nhắn ủng hộ nhân với giá trị ủng hộ của mỗi tin nhắn ứng với số dịch vụ nhắn tin.
3. Trường hợp thuê bao viễn thông gửi tin nhắn ủng hộ sai cú pháp tới số dịch vụ nhắn tin của một đợt vận động ủng hộ qua Cổng 1400 đang thực hiện, thì doanh nghiệp viễn thông trừ giá cước dịch vụ nhắn tin, nhưng không trừ giá trị ủng hộ của tin nhắn trong tài khoản của thuê bao viễn thông, đồng thời gửi tin nhắn cho thuê bao viễn thông thông báo việc gửi tin nhắn ủng hộ sai cú pháp.
4. Sau thời gian đóng Cổng 1400 theo Quyết định mở Cổng 1400, nếu doanh nghiệp viễn thông không đóng số dịch vụ nhắn tin qua Cổng 1400 và thuê bao viễn thông vẫn nhắn tin thì doanh nghiệp viễn thông không được trừ tiền trong tài khoản của thuê bao viễn thông và phải có thông báo để thuê bao viễn thông biết việc này.
5. Trong thời gian 30 (ba mươi) ngày kể từ thời điểm kết xuất số liệu tính cước hàng tháng của doanh nghiệp viễn thông, Tổng công ty VTC và các doanh nghiệp viễn thông phải hoàn thành việc đối soát số liệu về số tiền ủng hộ của đợt vận động ủng hộ.
6. Trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc sau khi hoàn thành đối soát số liệu về số tiền ủng hộ của đợt vận động ủng hộ, Tổng Công ty VTC phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông thực hiện các thủ tục tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật và chuyển trực tiếp tiên ủng hộ thu được vào tài khoản do Tổng Công ty VTC thông báo chính thức đến các doanh nghiệp viễn thông.
7. Trong thời gian 05 (năm) ngày làm việc sau khi nhận được tiền ủng hộ do các doanh nghiệp viễn thông chuyển đến, Tổng Công ty VTC chuyển toàn bộ số tiền ủng hộ nhận được vào tài khoản của cơ quan chủ trì tổ chức đợt vận động ủng hộ qua Cổng 1400.
1. Cục Viễn thông có trách nhiệm:
a) …………….
b) Xây dựng và trình Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành giá cước kết nối dịch vụ nhắn tin qua Cổng 1400;
c) Giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động của Cổng 1400 theo quy định của pháp luật;
d) Thẩm định và quyết định mở Cổng 1400 đối với hoạt động phục vụ các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng của đất nước theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Tổng Công ty VTC có trách nhiệm:
a) Trực tiếp đầu tư, thiết lập, quản lý, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa Cổng 1400;
b) Xây dựng, ban hành Quy chế quản lý, khai thác Cổng 1400 đảm bảo đúng các quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan;
c) Thẩm định hồ sơ đăng ký của các cơ quan tổ chức hoạt động ủng hộ qua Cổng 1400 và ra quyết định mở Cổng 1400 theo quy định;
d) Báo cáo Cục Viễn thông giá thành kết nối dịch vụ nhắn tin qua Cổng 1400 trên cơ sở phi lợi nhuận, đảm bảo lấy thu bù chi;
đ) Phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông triển khai việc kết nối Cổng 1400 với hệ thống nhắn tin của các doanh nghiệp viễn thông; thực hiện việc kết nối Cổng 1400 đến hệ thống quản lý của Cục Viễn thông theo yêu cầu;
e) Phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông đối soát số liệu và thanh toán tiền ủng hộ của đợt vận động ủng hộ qua Cổng 1400; nhận, chuyển kịp thời, đầy đủ, chính xác toàn bộ tiền ủng hộ thu được đến cơ quan tổ chức hoạt động ủng hộ;
g) Phối hợp với cơ quan tổ chức hoạt động ủng hộ tổ chức các hoạt động truyền thông;
h) Chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông giải quyết khiếu nại của thuê bao viễn thông nhắn tin qua Cổng 1400;
i) Định kỳ hàng tháng và đột xuất theo yêu cầu, báo cáo Cục Viễn thông về hoạt động của Cổng 1400 theo Mẫu 02/BC kèm theo Thông tư này.
3. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm:
a) Thực hiện việc cung cấp dịch vụ nhắn tin qua Cổng 1400 cho các thuê bao viễn thông theo đúng quy định về chất lượng, giá cước dịch vụ viễn thông và các quy định tại Thông tư này;
b) Thực hiện kết nối hệ thống nhắn tin của doanh nghiệp đến Cổng 1400 theo quy định về kết nối viễn thông;
c) Đóng, mở số dịch vụ nhắn tin qua Cổng 1400 theo đúng Quyết định mở Cổng 1400;
d) Phối hợp với Tổng Công ty VTC đối soát số liệu và chuyển kịp thời, đầy đủ, chính xác toàn bộ số tiền ủng hộ thu được cho Tổng Công ty VTC;
đ) Phối hợp với Tổng công ty VTC giải quyết các thắc mắc, khiếu nại của các thuê bao viễn thông nhắn tin đến Cổng 1400;
e) Báo cáo tình hình nhắn tin đến Cổng 1400 theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.
4. Cơ quan tổ chức hoạt động ủng hộ qua Cổng 1400 có trách nhiệm:
a) Chủ trì tổ chức hoạt động ủng hộ qua Cổng 1400 theo đúng mục đích, yêu cầu, phạm vi được pháp luật cho phép;
b) Thực hiện việc đăng ký tổ chức hoạt động ủng hộ qua Cổng 1400 theo quy định;
c) Chủ trì tổ chức truyền thông về đợt vận động ủng hộ để cung cấp cho người dân thông tin về mục đích, ý nghĩa, thời gian của đợt vận động ủng hộ, nội dung (cú pháp) tin nhắn ủng hộ, giá trị ủng hộ của tin nhắn v.v.;
d) Chuyển kịp thời, đầy đủ, chính xác số tiền ủng hộ thu được của đợt vận động ủng hộ qua Cổng 1400 đến các đối tượng được thụ hưởng theo quy định;
đ) Báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông về hoạt động ủng hộ qua Cổng 1400 theo yêu cầu.
Chương IV
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 06 năm 2015.
Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Viễn thông, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, Tổng Giám đốc Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện, Tổng Giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp viễn thông và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, cần phản ánh kịp thời về Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: - Văn phòng Tổng Bí Thư; - Văn phòng Trung ương Đảng; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Chính phủ; - Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Tòa án nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - UBTW Mặt trận tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Sở TTTT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Công báo, Cổng thông tin điện tử Chính phủ; - Bộ TTTT: Bộ trưởng và các Thứ trưởng; - Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TTTT; - Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện; - Các doanh nghiệp viễn thông; - Cổng thông tin điện tử Bộ TTTT; - Lưu: VT, CVT. | BỘ TRƯỞNG Nguyễn Bắc Son
|