Cơ quan ban hành: | Bộ Khoa học và Công nghệ | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | TCVN 8369:2010 | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Tiêu chuẩn Việt Nam | Người ký: | |
Ngày ban hành: | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật | |
Áp dụng: | 01/01/2010 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Thực phẩm-Dược phẩm, Nông nghiệp-Lâm nghiệp |
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 8369:2010
GẠO TRẮNG - XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN GEL
White rice - Determination of gel consistency
Lời nói đầu
TCVN 8369 : 2010 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn 10TC-02 Ngũ cốc và đậu đỗ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Tổn cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
GẠO TRẮNG - XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN GEL
White rice - Determination of gel consistency
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định phương pháp xác định độ bền gel cho gạo trắng (thuộc các loài Oryza sativa L. và Oryza sativa L. glutinosa).
2. Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này, áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau đây:
Độ bền gel (gel consistency)
Độ bền (cứng) gel của gạo trắng, biểu thị bằng độ chảy dài của gel được xác định theo quy trình quy định trong tiêu chuẩn này.
3. Nguyên tắc
Tiến hành gelatin hóa bột gạo trắng bằng cách thủy phân trong dung dịch kiềm loãng, sau đó làm lạnh và đo độ chảy dài của gel.
Độ bền gel của gạo trắng được phân loại theo chiều dài gel theo quy định trong Bảng 1.
Bảng 1 - Phân loại độ bền gel của gạo trắng theo chiều dài của gel
Độ bền gel | Chiều dài gel, mm |
Mềm | Từ 61 đến 100 |
Trung bình | Từ 41 đến 60 |
Cứng | Từ 26 đến 40 |
4. Thuốc thử
Tất cả thuốc thử được sử dụng phải là loại tinh khiết phân tích, trừ khi có quy định khác.
4.1 Dung dịch xanh thymol, nồng độ 0,03 %, trong rượu etylic 95 %.
4.2 Dung dịch kali hydroxit, nồng độ 0,2 mol/l.
5. Thiết bị, dụng cụ
Sử dụng các thiết bị, dụng cụ của phòng thử nghiệm thông thường và cụ thể như sau:
5.1 Dụng cụ chia mẫu, loại hình nón hoặc loại nhiều rãnh có hệ thống phân phối có thể chia mẫu thí nghiệm thành mẫu thử đồng nhất [tham khảo TCVN 5451 : 2008 (ISO 13690 : 1999)].
5.2 Cân phân tích, có thể cân chính xác đến 0,001 g.
5.3 Máy phân loại theo kích thước hạt hoặc sàng tách tấm.
5.4 Máy nghiền mẫu, có khả năng nghiền mẫu thử lọt qua sàng có đường kính lỗ 150 μm, tốt nhất là sử dụng máy nghiền Wig-L-Bug amalgamator hoặc loại tương đương.
5.5 Sàng, có đường kính lỗ sàng 150 μm.
5.6 Máy lắc ống nghiệm (Vortex mixer), có tần số đạt 1500 r/min.
5.7 Bếp ga, có thể điều chỉnh nhiệt độ.
5.8 Nồi cách thủy
5.9 Ống nghiệm, kích thước 13 mm x 100 mm (loại ống pyrex 9820 hoặc tương đương).
5.10 Giá ống nghiệm, bằng nhôm hoặc inox.
5.11 Pipet, có chia độ dung tích 1 ml và 2 ml.
5.12 Hộp đựng mẫu, có nắp đậy kín.
6. Lấy mẫu
Mẫu gửi đến phòng thí nghiệm phải là mẫu đại diện và không bị suy giảm chất lượng hay bị thay đổi trong quá trình vận chuyển hoặc bảo quản.
Việc lấy mẫu không quy định trong tiêu chuẩn này. Nên lấy mẫu theo TCVN 5451 : 2008 (ISO 13690 : 1999) Ngũ cốc, đậu đỗ và sản phẩm bột nghiền - Lấy mẫu từ khối hàng tĩnh.
7. Chuẩn bị mẫu thử
Dùng dụng cụ chia mẫu (5.1) chia mẫu gạo được lấy theo Điều 6 thành các mẫu phân tích và mẫu lưu. Khối lượng mỗi mẫu không ít hơn 500 g.
CHÚ THÍCH: Trước khi tiến hành thử nghiệm các mẫu thử cần được giữ trong phòng thí nghiệm ở điều kiện nhiệt độ và độ ẩm được điều tiết trong một khoảng thời gian thích hợp để có một độ ẩm giống nhau.
Từ mẫu phân tích, dùng máy phân loại hạt hoặc sàng tách tấm (5.3) tách lấy ít nhất 40 g hạt nguyên. Trộn đều và lấy khoảng 20 g hạt gạo trắng nguyên đem nghiền cẩn thận trong máy nghiền (5.4) cho đến khi mẫu lọt hoàn toàn qua sàng có đường kính lỗ 150 μm. Hoặc lấy khoảng 10 hạt gạo trắng nguyên cho vào máy nghiền (5.4), nghiền trong 40 s cho đến khi bột mịn (lọt hoàn toàn qua sàng có đường kính lỗ 150 μm).
Mẫu được bảo quản trong các lọ đựng mẫu khô sạch và có nắp đậy kín (5.12).
8. Cách tiến hành
Cân 100 mg mẫu bột gạo trắng đã được chuẩn bị theo Điều 7, chính xác đến 0,001 g, cho vào ống nghiệm (5.9).
Cho vào mỗi ống nghiệm 0,2 ml dung dịch xanh thymol 0,03 % trong rượu etylic 95 % (4.1) và lắc đều.
CHÚ THÍCH: Rượu etylic 95 % để cản trở sự vón cục của bột ở nhiệt độ hóa hồ, còn thymol xanh tạo màu cho bột để thuận tiện khi đọc kết quả.
Dùng pipet thêm tiếp 2 ml dung dịch kali hydroxit 0,2 mol/l (4.2) và trộn đều trên máy lắc ống nghiệm (5.6) ở tốc độ 1 500 r/min. Đậy ống nghiệm bằng bi thủy tinh và đặt vào giá ống nghiệm (5.10). Cho giá có ống nghiệm chứa mẫu thử vào nồi cách thủy (5.8) đang sôi. Đun sôi trong thời gian 8 min. Trong thời gian đun, cần đảm bảo độ sôi của nước trong nồi cách thủy và phải giữ để sự chuyển động lên xuống của tinh bột khi nấu không vượt quá 2/3 chiều cao ống nghiệm.
Lấy ống nghiệm ra khỏi nồi cách thủy và lắc nhanh trên máy lắc ống nghiệm (5.6), rồi làm nguội ở nhiệt độ phòng trong khoảng 5 min và sau đó làm lạnh trong nước đá khoảng 20 min.
Các mẫu gạo trắng có độ bền gel cứng, trung bình và mềm được sử dụng làm mẫu kiểm tra cho mỗi đợt phân tich, được tiến hành đồng thời cùng với mẫu thử.
Sau khi làm lạnh, đặt các ống nghiệm trên mặt phẳng nằm ngang có chia vạch 1 mm. Đọc độ dài của gel sau 30 min và 60 min.
9. Biểu thị kết quả
Độ dài gel, tính bằng milimet (mm), được tính theo khoảng cách từ đáy ống nghiệm tới đầu nhọn của bề mặt gel.
Kết quả thử là trung bình cộng của ba lần xác định song song trên cùng một mẫu thử.
Từ độ dài trung bình gel thu được, phân loại độ bền gel của gạo trắng theo Bảng 1.
10. Báo cáo kết quả thử nghiệm
Báo cáo kết quả thử nghiệm phải ghi rõ:
- tất cả các thông tin cần thiết khác để xác định toàn diện về mẫu thử;
- phương pháp lấy mẫu, nếu biết;
- phương pháp thử đã sử dụng và viện dẫn tiêu chuẩn này;
- kết quả thu được;
- tất cả các chi tiết về thao tác không quy định trong tiêu chuẩn này cùng với các chi tiết bất thường nào khác có thể ảnh hưởng đến kết quả.
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] TCVN 5451 : 2008 (ISO 13690 : 1999), Ngũ cốc, đậu đỗ và sản phẩm bột nghiền - Lấy mẫu từ khối hàng tĩnh
[2] 10 TCN 424-2000, Gạo - Phương pháp xác định độ bền gel
Không có văn bản liên quan. |
Cơ quan ban hành: | Bộ Khoa học và Công nghệ |
Số hiệu: | TCVN 8369:2010 |
Loại văn bản: | Tiêu chuẩn Việt Nam |
Năm ban hành: | 0 |
Hiệu lực: | 01/01/2010 |
Lĩnh vực: | Thực phẩm-Dược phẩm, Nông nghiệp-Lâm nghiệp |
Người ký: | |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |
File văn bản tiếng Việt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!