Cơ quan ban hành: | Bộ Khoa học và Công nghệ | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | TCVN 8424-1:2010 | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Tiêu chuẩn Việt Nam | Người ký: | |
Ngày ban hành: | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật | |
Áp dụng: | 01/01/2010 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Thực phẩm-Dược phẩm |
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 8424-1:2010
EN 12393-1:2008
THỰC PHẨM CÓ NGUỒN GỐC TỪ THỰC VẬT – PHƯƠNG PHÁP SẮC KÝ KHÍ XÁC ĐỊNH
ĐA DƯ LƯỢNG THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT – PHẦN 1: XEM XÉT CHUNG
Foods of plant origin - Multiresidue methods for the gas
chromatographic determination of pesticide residues -
Part 1: General considerations
Lời nói đầu
TCVN 8424-1:2010 hoàn toàn tương đương với EN 12393-1:2008,
TCVN 8424-1:2010 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F13 Phương pháp phân tích và lấy mẫu biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Bộ TCVN 8424 (EN 12393), Thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật - Phương pháp sắc ký khí xác định đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật bao gồm các phần sau:
- TCVN 8424-1:2010 (EN 12393-1:2008), Phần 1: Xem xét chung;
- TCVN 8424-2:2010 (EN 12393-2:2008), Phần 2: Phương pháp chiết và làm sạch;
- TCVN 8424-3:2010 (EN 12393-3:2008), Phần 3 Phương pháp xác định và phép thử khẳng định.
Lời giới thiệu
Tiêu chuẩn này đưa ra một loạt các phương pháp xác định đa dư lượng có giá trị ngang nhau: không có phương pháp nào được coi là phương pháp chính, bởi vì hiện nay các phương pháp này đang tiếp tục được xây dựng. Các phương pháp được chọn trong tiêu chuẩn này đã được xác nhận hiệu lực và/hoặc được sử dụng rộng rãi trên toàn châu Âu.
Vì những phương pháp này có thể áp dụng được cho phạm vi rất rộng các hàng hoá thực phẩm/các hỗn hợp thuốc bảo vệ thực vật, có sử dụng các hệ thống khác nhau để xác định, có các thay đổi về thiết bị, cách chiết, phương pháp làm sạch và các điều kiện sắc ký phù hợp để tăng hiệu năng của phương pháp, xem 3.1.
THỰC PHẨM CÓ NGUỒN GỐC TỪ THỰC VẬT – PHƯƠNG PHÁP SẮC KÝ KHÍ XÁC ĐỊNH
ĐA DƯ LƯỢNG THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT – PHẦN 1: XEM XÉT CHUNG
Foods of plant origin - Multiresidue methods for the gas
chromatographic determination of pesticide residues -
Part 1: General considerations
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này đưa ra xem xét chung đối với việc xác định các dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật.
Mỗi phương pháp quy định trong tiêu chuẩn này đều phù hợp để nhận biết và định lượng giới hạn nhất định của halogen hữu cơ và/hoặc phospho hữu cơ và/hoặc thuốc bảo vệ thực vật nhóm nitơ hữu cơ ở dạng dư lượng trong thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật.
Tiêu chuẩn này bao gồm các phương pháp sau đây đã qua các nghiên cứu liên phòng thử nghiệm và/hoặc được chấp nhận trong toàn Châu Âu:
- Phương pháp L: Chiết bằng axeton, chiết phân đoạn lỏng-lỏng bằng diclorometan và làm sạch trên cột silica-gel/than hoạt tính [1];
- Phương pháp M: Chiết bằng axeton và chiết phân đoạn lỏng-lỏng bằng diclorometan/dầu nhẹ, nếu cần thì làm sạch trên Florisil ®1);[2], [3], [4];
- Phương pháp N: Chiết bằng axeton, chiết phân đoạn lỏng-lỏng bằng diclorometan hoặc xyclohexan/etyl axetat và làm sạch bằng thẩm thấu gel và sắc ký silica gel [5], [6];
- Phương pháp P: Chiết bằng etyl axetat, làm sạch bằng sắc ký thẩm thấu gel, nếu cần [7].
Khả năng áp dụng của bốn phương pháp từ L đến P để phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhóm halogen hữu cơ, phospho hữu cơ và nitơ hữu cơ được đưa ra tương ứng cho từng phương pháp.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 8424-2:2010 (EN 12393-2:2008), Thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật - Phương pháp sắc ký khí xác định đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật - Phần 2: Phương pháp chiết và làm sạch.
TCVN 8424-3:2010 (EN 12393-3:2008), Thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật- Phương pháp sắc ký khí xác định đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật – Phần 3: Phương pháp xác định và phép thử khẳng định.
3. Nguyên tắc
3.1. Yêu cầu chung
Như đã nêu trong phần giới thiệu, tùy từng trường hợp cụ thể, có thể thay đổi thiết bị sử dụng, điều kiện chiết, làm sạch và sắc ký để nâng cao hiệu quả của phương pháp. Những điều chỉnh đó phải được lập thành văn bản rõ ràng và được chứng minh cho kết quả hợp lệ.
Các phương pháp mô tả trong tiêu chuẩn này được dựa trên qui trình gồm bốn giai đoạn (trong một số trường hợp hai giai đoạn có thể được kết hợp, toàn bộ hoặc một phần), như trong 3.2 đến 3.5.
Qui trình kiểm soát chất lượng đối với phép phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, ví dụ: được Ủy ban châu Âu xuất bản [8], thì cần tuân theo các phiên bản mới.
3.2. Chiết
Chiết các dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ra khỏi các chất nền mẫu bằng cách sử dụng các dung môi thích hợp, sao cho thu được hiệu suất chiết tối đa các dư lượng và giảm thiểu các chất bị chiết cùng mà có thể làm tăng sự gây nhiễu cho phép xác định.
3.3. Làm sạch
Loại bỏ các chất gây nhiễu ra khỏi dịch chiết của mẫu để thu được dung dịch dư lượng được chiết trong dung môi phù hợp cho phép xác định đã chọn.
3.4. Xác định
Có thể sử dụng máy sắc ký khí (GC) có detector chọn lọc: Detector bắt giữ electron (ECD) dùng để xác định các hợp chất halogen hữu cơ, detector ion hóa nhiệt (kiểu NPD, P hoặc kiểu N/P) dùng để xác định các hợp chất phospho hữu cơ và các hợp chất nitơ hữu cơ, detector quang phổ ngọn lửa (FPD) dùng để xác định thuốc bảo vệ thực vật nhóm phospho hữu cơ và sulfurơ hữu cơ. Cũng có thể sử dụng detector điện hóa (ECHD), detector phát xạ nguyên tử (AED) và phổ khối lượng (MS) để xác định nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật.
3.5. Khẳng định
Các quy trình khẳng định việc nhận biết và định lượng các dư lượng quan sát được, đặc biệt là trong các trường hợp khi dư lượng vượt quá giới hạn tối đa.
4. Thuốc thử
4.1. Yêu cầu chung
Sử dụng các thuốc thử có độ tinh khiết phù hợp để phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kiểm tra độ tinh khiết của chúng (xem 4.2). Kiểm tra độ tinh khiết (4.2) của nước và dung môi được sử dụng, ví dụ: theo mô tả trong Phụ lục A. Làm sạch và định kỳ hoạt hóa các chất hấp phụ theo các yêu cầu của các phương pháp phân tích khác nhau, kiểm tra độ tinh khiết của chúng (xem 4.2).
Chú ý để tránh các vật liệu bằng chất dẻo và các vật liệu cao su nhiễm bẩn nước, dung môi, chất hấp phụ, v.v....
4.2. Kiểm tra độ tinh khiết của thuốc thử
4.2.1. Dung môi
Cô đặc các dung môi theo hệ số liên quan đến phương pháp tương ứng được sử dụng. Kiểm tra độ tinh khiết dùng cho GC theo các điều kiện tương tự như được sử dụng trong phương pháp. Sắc đồ không được cho thấy bất kỳ tạp chất gây nhiễu nào. Chiết hoặc cô đặc axetonitril, axeton, etyl axetat, hexan, dầu nhẹ và diclorometan trong cùng một thể tích như được sử dụng trong phương pháp và kiểm tra dung dịch tạo thành như trên bằng GC.
4.2.2. Nước
Chiết 10 phần thể tích nước với một phần thể tich n-hexan hoặc dầu nhẹ, diclorometan hoặc bất kỳ dung môi khác không hòa tan trong nước được sử dụng trong phương pháp này. Tách pha hữu cơ, cô đặc dung dịch theo hệ số nêu trong phương pháp tương ứng và kiểm tra độ tinh khiết bằng GC theo các điều kiện tương tự được sử dụng trong phương pháp. Sắc đồ không được có bất kỳ tạp chất gây nhiễu nào.
4.2.3. Muối vô cơ
Chiết các muối vô cơ, ví dụ: natri clorua, sau khi tinh sạch theo Phụ lục A hoặc các yêu cầu của phương pháp phân tích khác nhau. Chiết các muối và dung dịch nước bất kỳ được sử dụng, với n-hexan hoặc dầu nhẹ, diclorometan hoặc bất kỳ dung môi khác không hòa tan trong nước được sử dụng trong phương pháp. Cô đặc dịch chiết theo hệ số liên quan đến phương pháp tương ứng và kiểm tra độ tinh khiết bằng GC theo các điều kiện tương tự được sử dụng trong phương pháp, sắc đồ không được cho thấy bất kỳ tạp chất gây nhiễu nào.
4.2.4. Chất hấp phụ
Rửa giải một lượng chất hấp phụ bằng với lượng được sử dụng trong phương pháp phân tích tương ứng với loại và thể tích của dung môi hoặc hỗn hợp dung môi. Cô đặc dịch rửa giải như được chỉ ra trong phương pháp phân tích và kiểm tra độ tinh khiết bằng GC. Sắc đồ không được cho thấy bất kỳ tạp chất gây nhiễu nào. Kiểm tra hoạt tính của các chất hấp phụ thường xuyên như mô tả trong các phương pháp từ L đến P [xem TCVN 8424-2:2010 (EN 12393-2).
4.2.5. Chất chuẩn và dung dịch chuẩn
Sử dụng các chất chuẩn có độ tinh khiết ít nhất 95 % và đạt tiêu chuẩn để phân tích dư lượng.
Chuẩn bị các dung dịch pha loãng, kiểm tra thường xuyên, bảo quản các dung dịch chuẩn trong chai thủy tinh để trong tủ lạnh và chú ý tránh vật liệu bằng chất dẻo hoặc cao su làm nhiễm bẩn các dung dịch. Đảm bảo rằng các dung dịch chuẩn không tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời hoặc ánh sáng tia cực tím trong khoảng thời gian dài. Kiểm tra độ tinh khiết của các chất chuẩn phân tích.
CHÚ THÍCH 1: Khi được bảo quản ở - 20 oC. các chất chuẩn thường bền ít nhất một năm. Để cân bằng, nên để các chất chuẩn đến nhiệt độ phòng trước khi mở vật chứa. Các dung dịch gốc có nồng độ 1 mg/ml, nếu được giữ trong tủ lạnh đông sâu (ở khoảng - 20 °C), thì thường được bền trong sáu tháng
CHÚ THÍCH 2: Sự thay đổi thể tích do dung môi bay hơi, ví dụ: qua khoảng trống giữa nắp đậy thủy tinh và cố định, có thể là nguồn gây lỗi. Vì vậy nên sử dụng bình có nắp vặn bằng polytetrafluoroetybông (PTFE) để bảo quản các dung dịch gốc và các dung dịch chuẩn
CHÚ THÍCH 3: Kinh nghiệm cho thấy rằng các lỗi trong quá trình chuẩn bị, xử lý và bảo quản các chất chuẩn, dung dịch chuẩn là các nguồn chính về độ không chính xác. Cần theo kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế, khu vực và quốc gia khác [8], [9]
4.3. Khía cạnh an toàn liên quan đến thuốc thử
4.3.1. Yêu cầu chung
Phép phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong chất nền thực phẩm sẽ sử dụng một số hóa chất độc hại. Phải luôn tuân thủ các biện pháp phòng ngừa an toàn nêu trong 4.3.2 và 4.3.3 tại mọi thời điểm.
4.3.2. Thuốc bảo vệ thực vật
Nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật rất độc hại qua nhiều đường phơi nhiễm khác nhau, đặc biệt là khi chúng ở dạng đậm đặc. Ví dụ, thuốc bảo vệ thực vật nhóm phospho hữu cơ có độc tính cao, không chỉ qua đường tiêu hóa, mà còn qua da (dermally) và đường hô hấp. Khi làm việc với các chất chuẩn, dung dịch chuẩn, v.v.... cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa tại mọi thời điểm (xem các bảng cảnh báo an toàn hoặc nhãn để biết thông tin bổ sung):
a) Thực hiện tất cả các công việc như lấy mẫu phòng thử nghiệm, pha trộn, cân v.v.. .trong tủ hút khói có hiệu quả trong khu vực thông gió cưỡng bức không tuần hoàn không khí; hoặc đeo mặt nạ chống khí thích hợp. Nếu sử dụng mặt nạ, thì nên thay thế bộ lọc vì khi sử dụng mặt nạ bị nhiễm bẩn có thể nguy hiểm hơn khi không mang.
b) Bảo vệ da khỏi thuốc bảo vệ thực vật. Mặc quần áo bảo hộ và đeo găng tay không thấm nước (như găng tay bằng polyetylen), khi cần. Rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước để tránh nhiễm bẩn thực phẩm;
c) Ghi rõ ràng trên nhãn tất cả các vật chứa: tên và nồng độ của thuốc bảo vệ thực vật;
d) Nghiên cứu, cần có thông tin sẵn về các triệu chứng ngộ độc và điều trị cấp cứu đối với từng loại thuốc bảo vệ thực vật đang được xử lý;
e) Tham khảo ý kiến bác sĩ về các biện pháp phòng ngừa và thuốc giải độc để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp khi nghi ngờ bị ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật;
f) Thực hiện các qui trình thải bỏ thuốc bảo vệ thực vật theo qui định. Người sản xuất có thể đưa ra tư vấn về việc thải bỏ;
g) Không vào các phòng thử nghiệm đang làm việc với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoặc các phòng thử nghiệm khác sau khi xử lý thuốc bảo vệ thực vật, cho đến khi quần áo bảo hộ và găng tay đã được tháo bỏ và rửa tay kỹ bằng xà phòng với nước.
4.3.3. Thuốc thử độc hại
Không để hơi tập trung đến mức độ dễ cháy trong khu vực làm việc, vì không thể loại bỏ tất cả, các nguy cơ của tia tĩnh điện ngay cả khi thiết bị điện có dây tiếp đất (ví dụ: sử dụng các tủ lạnh chống tia lửa hoặc tủ đông). Khi làm việc với các dung môi dễ cháy, cần sử dụng tủ hút khói có hiệu quả để loại bỏ hơi giải phóng ra.
Hơi từ một số dung môi dễ bay hơi có độc tính cao. Một số các dung môi này có thể dễ dàng hấp thụ qua da. Sử dụng tủ hút khói có hiệu quả để loại bỏ hơi của các dung môi này giải phóng ra.
Trong Bảng 1 đưa ra danh mục của một số thuốc thử độc hại.
Việc sử dụng các dung môi độc hại được đề cập trong Hiệp định Montreal (như các dung môi clo hóa) nên được giảm thiểu càng nhiều càng tốt.
Bảng 1 - Thuốc thử độc hại, ảnh hưởng của chúng và cách giải quyết
Tên thuốc thử | Nguy cơ | Nhận xét | Giải quyết |
Axeton | Rất dễ cháy | Tạo thành các peroxit dễ gây nổ với các chất oxi hóa | Sử dụng tủ hút khói có hiệu quả. |
Axetonitril | Độc | Tránh tiếp xúc với mắt và da | Sử dụng tủ hút khói có hiệu quả. |
Xyclohexan | Rất dễ cháy | Sử dụng tủ hút khói có hiệu quả. | |
Dichlorometan | Độc | Tránh tiếp xúc với mắt và tránh hít phải hơi. | Sừ dụng tủ hút khói có hiệu quả. |
Ete dietyl | Cực kỳ dễ cháy | Các peroxit không bền có thể hình thành trong khi bảo quản trong chai lâu dài hoặc tiếp xúc với ánh sáng. | Bảo quản tránh ánh sáng. Sử dụng tủ hút khói có hiệu quả. Xem thêm phần cảnh báo về peroxit. |
Etanol | Dễ cháy | Sử dụng tủ hút khói có hiệu quả khi gia nhiệt hoặc khi làm bay hơi. | |
Etyl axetat | Dễ cháy, đặc biệt là khi bay hơi | Dây vào mắt và qua đường hô hấp. | Sử dụng tủ hút khói có hiệu quả |
n-Hexan | Dễ cháy. Độc | Sử dụng tủ hút khói có hiệu quả. | |
Iso-octan | Rất dễ cháy | Sử dụng tủ hút khói có hiệu quả. | |
Dầu nhẹ | Cực kỳ dễ cháy | Sử dụng tủ hủt khói có hiệu quả | |
Metanol | Dễ cháy. Độc | Tránh tiếp xúc với mắt và tránh hít phải hơi. | Sử dụng tủ hút khói có hiệu quả. |
BIỆN PHÁP AN TOÀN: Các peroxit tạo thành trong ete dietyl, dioxan và các ete khác trong quá trình bảo quản. Chúng là những chất nổ và cần được phá hủy trước khi chưng cất hoặc bay hơi. Tiếp xúc với ánh sáng sẽ làm tăng sự hình thành peroxit trong ete. Lọc qua nhóm oxit đã hoạt hóa cho thấy hiệu quả trong việc loại bỏ peroxit.
5. Thiết bị, dụng cụ
5.1. Dụng cụ thủy tinh: Yêu cầu chung
Các dụng cụ thủy tinh cần được rửa sạch để phân tích dư lượng.
Có nguy cơ thuốc bảo vệ thực vật bị mang sang qua việc sử dụng các dụng cụ thủy tinh và thiết bi khác của phòng thử nghiệm. Đặc biệt khi sử dụng các máy rửa của phòng thử nghiệm, cần tính đến các vấn đề này. Có thể sử dụng chất tẩy rửa nóng (không chứa các hợp chất gây nhiễu) để làm sạch, nhưng sau đó dụng cụ thủy tinh phải được rửa sạch kỹ bằng nước cất và axeton trước khi sấy khô. Trước khi cho vào máy rửa, các dụng cụ thủy tinh phải được tráng bằng axeton, sau đó tráng bằng nước. Rửa dụng cụ thủy tinh trong máy bằng chất tẩy rửa không chứa clo, sau đó tráng bằng nước và sấy khô. Trong cả hai trường hợp, cần kiểm tra xác nhận rằng các chất tẩy rửa không để lại bất kỳ tạp chất gây nhiễu nào. Cũng nên tráng lại dụng cụ thủy tinh bằng chính dung môi sẽ được sử dụng ngay trước khi dùng.
Các dụng cụ thủy tinh hoặc thiết bị của phòng thử nghiệm thông thường, như cốc cỏ mỏ, bình cầu đáy tròn, mặt kính đồng hồ, pipet, giấy lọc, bông thủy tinh, đũa thủy tinh và bi thủy tinh, v.v... không được liệt kê chi tiết trong điều qui định về thiết bị, dụng cụ của mỗi phương pháp.
5.2. Dụng cụ thủy tinh đặc biệt
5.2.1. Ống nghiệm hình côn, thích hợp cho việc bốc hơi, được gắn các khớp nối thủy tinh mài dài 14 mm, có dung tích khoảng 15 ml, dài khoảng từ 80 mm đến 90 mm, cần thiết cho việc cô đặc cuối cùng. Các ống nghiệm này tốt nhất là được hiệu chuẩn và có thể được trang bị các cột micro-Snyder®2) [10].
5.2.2. Cột sắc ký, được chế tạo đặc biệt và có nút đậy bằng PTFE hoặc bằng thủy tinh được quy định trong hầu hết các phương pháp. Các đỉnh của các cột phải có các khớp nối thủy tinh mài để gắn bể đựng dung môi hoặc khớp nối áp lực.
5.3. Vật liệu phụ trợ
Rửa giấy lọc, đũa thủy tinh và các viên bi thủy tinh bằng dung môi tinh khiết trước khi sử dụng, nếu cần. Chiết bằng bông sợi, bông thuỷ tinh, bông thạch anh bằng n-hexan, axeton và các dung môi thích hợp khác sử dụng bộ chiết Soxhlet, cho đến khi hết các chất gây nhiễu.
Các dung dịch thường được giảm đến thể tích nhỏ nhất cuối cùng bằng cách cho dòng khí nitơ thổi qua. Không dùng ống nối bằng cao su hoặc polyvinyl clorua (PVC) cho mục đích này. Các ống nối bằng PTFE hoặc nylon thường cho thấy ít nguy cơ nhiễm bẩn nhất.
Không sử dụng các nắp đậy bằng chất dẻo thông thường, ví dụ như PVC, trong các bình bảo quản chất chuẩn và các dung dịch vì chúng có thể làm nhiễm bẩn. Cần dùng các nắp đậy bằng thủy tinh hoặc PTFE. Tương tự, không sử dụng phễu chiết có nắp hoặc nút đật bằng chất dẻo. Thay thế nắp chất dẻo thông thường bằng nắp thủy tinh hoặc PTFE.
5.4. Bộ phận làm bay hơi dung môi
5.4.1. Yêu cầu chung
Các bộ phận làm bay hơi dung môi phải có nồi cách thủy (có thể kiểm soát được nhiệt độ môi trường đến 100°C) và tốt nhất là có bộ phận kiểm soát chân không.
Ảnh hưởng của bộ phận làm bay hơi đến sự thất thoát của dư lượng dễ bay hơi cần được kiểm tra định kỳ. Trong một số trường hợp nhất định cần sử dụng bộ phận lưu giữ (ví dụ glycol propylen, n-undecan hoặc hexadecan) để giảm thiểu hao hụt thuốc bảo vệ thực vật.
Có thể sử dụng các bộ phận làm bay hơi dung môi để cô đặc các thể tích lớn dung môi (đối với các thể tích nhỏ, thì nên sử dụng dòng nhẹ khí nitơ tinh khiết, khô), như:
5.4.2. Bộ bay hơi Kuderna-Danish3) [11] (hoặc tương đương) có hoặc không có cột phân đoạn, được làm nóng trên nồi cách thủy ổn định nhiệt độ.
5.4.3. Bộ cô quay màng (có bán sẵn trên thị trường), đòi hỏi có nguồn chân không và có thể được làm nóng đến nhiệt độ khoảng 50 oC.
5.4.4. Bộ cô quay chân không (có bán sẵn trên thị trường) được quay ở tốc độ lên đến 1 300 r/min, yêu cầu một nguồn chân không và có một nồi cách thủy ổn định nhiệt độ.
5.5. Bộ đồng hóa
Nếu sử dụng bộ đồng hóa, thì cần chú ý để đảm bảo chúng được tiếp đất (ngăn tia lửa điện) và giữ không bị nhiễm bẩn. Kiểm tra đĩa đáy chuyển động về sự rò rỉ xung quanh đĩa. Các mối hàn khác nhau có thể là nguồn gốc gây nhiễm bẩn.
5.6. Máy ly tâm, chống nổ, trong đó các ống ly tâm với vài trăm mililit nhũ tương có thể được quay với tần số quay từ 2 000 min-1 đến 4 000 min-1 hoặc cao hơn, khi cần.
5.7. Máy sắc ký khí
Máy sắc ký khi được mô tả trong 4.1 của TCVN 8424-3:2010 (EN 12393-3:2008).
6. Cách tiến hành
6.1. Yêu cầu chung
Người thực hiện cần hiểu rõ về phương pháp trước khi bắt đầu phân tích: phải thực hiện phép thử trắng đối với thuốc thử và đáp ứng được các yêu cầu. Cũng cần thực hiện các thực nghiệm về độ thu hồi trên các mẫu đã thêm chuẩn bao trùm các dải mức gồm cả giới hạn dư lượng tối đa (MRL) và đáp ứng được các yêu cầu (xem Điều 9). Ngoài ra, cần phân tích trên chất chuẩn bất cứ khi nào có sẵn.
Cần tuân theo các qui định hiện hành về Thực hành tốt phòng thử nghiệm phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật [9].
Không phải lúc nào cũng có thể hoàn thành phép phân tích trong một ngày và đôi khi cần phải bảo quản dịch chiết mẫu qua đêm. Trong trường hợp đó, phải đảm bảo rằng dịch chiết mẫu ở dạng dung dịch trong dung môi khan), được bảo quản ở:
a) trong tủ lạnh (khoảng 4 °C) trong bình có nắp đậy kín để ở nơi tối, hoặc
b) trong tủ lạnh đông sâu khoảng -20 oC ở nơi tối.
Khi dịch chiết mẫu được bảo quản qua đêm, thì kiểm tra các dịch chiết mẫu để đảm bảo rằng chúng ổn định trong thời gian bảo quản qua đêm.
Không làm gián đoạn bước làm sạch, như sắc ký cột, v.v...
6.2. Các qui trình với quy mô nhỏ
Trong một số trường hợp, nếu việc chiết dư lượng được thực hiện chỉ với các lượng nhỏ của mẫu, dung môi và nguyên liệu (quy mô nhỏ), thì chọn một quy trình tương thích ở quy mô nhỏ để làm sạch.
Tuy nhiên, nếu các kết quả thu được bằng quy trình với quy mô nhỏ cho thấy dư lượng đạt đến hoặc vượt quá giới hạn dư lượng tối đa, thì nên chọn việc chiết và quy trình làm sạch lần hai để khẳng định với các lượng lớn hơn của mẫu, dung môi và vật liệu.
6.3. Chuẩn bị và bảo quản mẫu
6.3.1. Yêu cầu chung
Các quy trình xử lý và bảo quản mẫu cần được chứng minh không ảnh hưởng đáng kể đến dư lượng trong mẫu thử nghiệm (còn gọi là "mẫu phân tích"). Việc xử lý cũng cần đảm bảo rằng các mẫu thử nghiệm đã đủ đồng nhất sao cho những thay đổi của mẫu con là có thể chấp nhận được. Nếu một phần mẫu thử riêng lẻ không thể là đại diện cho mẫu thử nghiệm, thì phải lấy phần mẫu lớn hơn hoặc các phần lặp lại để phân tích, để đánh giá đúng hơn về giá trị đích thực. Sự nghiền nhỏ mẫu có thể hỗ trợ cho việc chiết phần dư lượng.
6.3.2. Mẫu phòng thử nghiệm
Khi mẫu phòng thử nghiệm cho thấy bị hỏng nhiều hoặc toàn bộ thì không phân tích nữa. Khi có thể, chuẩn bị mẫu phòng thử nghiệm ngay sau khi được gửi đến và trước khi cho thấy bất kỳ dấu hiệu thay đổi đáng kể nào về vật lý hoặc hóa học. Nếu mẫu phòng thử nghiệm không thể chuẩn bị được ngay, thì mẫu cần được bảo quản trong điều kiện thích hợp để giữ cho mẫu được tươi và tránh bị hư hỏng. Nói chung, các mẫu phòng thử nghiệm không nên bảo quản quá 3 ngày trước khi chuẩn bị. Các mẫu được xử lí tương tự hoặc khô thì cần được phân tích trong hạn sử dụng của chúng.
6.3.3. Mẫu thử đã được xử lý một phần
Để chuẩn bị mẫu thử nghiệm đã xử lý một phần, thì chỉ lấy một phần của mẫu phòng thử nghiệm mà áp dụng mức dư lượng tối đa. Có thể không cần phải lấy thêm bộ phận khác của thực vật.
Việc giảm mẫu phòng thử nghiệm phải được thực hiện theo cách sao cho thu được các phần đại diện (ví dụ bằng cách chia bốn và chọn hai phần đối chéo). Đối với các mẫu của các đơn vị nhỏ (ví dụ như các loại trái cây nhỏ như quả mọng, đậu đỗ, ngũ cốc), thì mẫu phải được trộn kỹ trước khi cân phần mẫu thử đã chuẩn bị. Khi các mẫu được tạo thành từ các đơn vị lớn hơn, thì lấy các phần hình nêm (ví dụ như dưa hấu), hoặc phần cắt khoanh ngang (ví dụ như dưa chuột) gồm cả vỏ (lớp ngoài) từ mỗi đơn vị [12].
6.3.4. Mẫu thử
Từ mẫu thử nghiệm đã chuẩn bị sơ bộ, cần loại bỏ nốt các phần có thể gây khó khăn cho quá trình đồng hóa. Trong trường hợp các loại quả có hạt cứng, thì cần loại bỏ các hạt này. Ghi và lưu lại những phần của thực vật đã được loại bỏ. Cần có biện pháp để tránh làm hao hụt nước quả hoặc thịt quả. Phần thu được là mẫu thử. Việc tính dư lượng phải dựa trên khối lượng của mẫu thử ban đầu (bao gồm cả hạt).
Khi việc đồng hóa mẫu thử chưa đủ hoặc việc chiết dư lượng có thể bị tổn thất đáng kể do cỡ hạt lớn thì cần nghiền nhỏ bằng dụng cụ thích hợp. Việc nghiền mẫu có thể được thực hiện ở nhiệt độ môi trường, nếu việc tách thịt và nước hoặc sự phân hủy thuốc bảo vệ thực vật không xảy ra đến mức độ đáng kể. Việc nghiền nhỏ mẫu ở trạng thái đông lạnh có thể làm giảm đáng kể sự thất thoát các chất phân tích hóa học không bền và thường thu được cỡ hạt nhỏ hơn và do đó đạt được độ đồng đều cao hơn. Cắt thô các mẫu (ví dụ: 3 cm x 3 cm) bằng dao và đặt vào tủ đông (ví dụ để qua đêm ở -18 °C) trước khi nghiền mẫu. Quá trình nghiền mẫu cũng có thể được cải thiện bằng cách xay lạnh (sử dụng đá lạnh khô hoặc nitơ lỏng) bằng cách giữ nhiệt độ dưới 0 oC. Đặc biệt trong trường hợp đối với rau và quả, thì việc xay lạnh cho hiệu quả đồng hóa cao hơn khi sản phẩm có lớp da mỏng (ví dụ như quả cà chua hoặc quả nho) so với hiệu quả khi xay ở nhiệt độ môi trường. Thực tế cho thấy, với các thuốc bảo vệ thực vật không thấm, thường chủ yếu xảy ra trên vỏ, thì việc xay lạnh làm giảm đáng kể khả năng biến đổi khi lấy mẫu con. Khi quá trình xử lý mẫu thử ở nhiệt độ thấp thì cần tránh sự ngưng tụ do độ ẩm cao. Cho phép có dư lượng cacbon dioxit nhưng không đáng kể.
6.3.5. Phần mẫu thử
Từ mẫu thử đã nghiền lấy ra các phần mẫu thử riêng lẻ, mỗi phần đủ cho một phép phân tích. Các phần mẫu thử này cần được phân tích ngay. Nếu phần mẫu thử chưa được phân tích ngay, thì mẫu thử hoặc các phần mẫu thử phải được bảo quản đông lạnh cho đến khi yêu cầu. Nếu phần mẫu thử được lấy từ các mẫu thử sau khi được bảo quản đông lạnh, thì các mẫu thử phải được trộn trước khi lấy ra các phần mẫu thử để đảm bảo tính đồng nhất của mẫu.
6.4. Chiết
Đối với việc chiết các mẫu thực phẩm không chứa chất béo, thì trộn mẫu với một dung môi thích hợp. Làm rã đông các phần mẫu thử bằng các dung môi chiết, nếu có thể. Mỗi một giai đoạn trộn cần ít nhất 2 min.
Trong TCVN 8424-2 (ISO 12393-2) có đưa ra một số qui trình chiết thích hợp.
6.5. Làm sạch
Ngoài các dư lượng, các chất chiết thu được theo các phương pháp trong TCVN 8424-2 (EN 12393-2), có chứa các chất bất kì được chiết cùng có thể gây nhiễu cho phép phân tích. Để tinh sạch các chất chiết thô, có thể sử dụng một số phương pháp, bao gồm chiết phân đoạn lỏng-lỏng, sắc ký cột hấp phụ và sắc ký gel thẩm thấu.
Trong TCVN 8424-2 (EN 12393-2) có quy định chi tiết cho các phương pháp từ L đến P đối với việc làm sạch các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật.
Mỗi phép chiết phân đoạn lỏng-lỏng cần được thực hiện trong phễu chiết riêng có lắc 2 min, thỉnh thoảng giải phóng áp suất bằng cách nới mở nắp với phễu chiết lật ngược. Nếu lắc quá mạnh thì tạo ra các nhũ tương rất bền, lắc nhẹ trong thời gian dài hơn có thể thích hợp hơn. Các nhũ tương có thể bị phá vỡ bằng cách thêm 1 ml đến 2 ml natri clorua bão hòa hoặc dung dịch natri sulfat bằng cách làm ấm dưới vòi nước nóng hoặc cho li tâm.
Khi tách lớp, cho lớp phân tách đã nhũ hóa được chiết lại hoặc bỏ đi. Các dung dịch hữu cơ có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không nên cho tiếp xúc với natri sulfat khan quá 30 min, vì có thể làm thất thoát hợp chất.
Tốc độ rửa giải của các cột sắc ký thường được quy định nhưng thông thường trong khoảng từ 1 ml/min đến 5 ml/min.
Trong phân tích thuốc bảo vệ thực vật nhóm clo hữu cơ, tại giai đoạn này của quy trình, nên bổ sung một lượng đã biết của chất dễ bay hơi (ví dụ như 1,7-dibromoheptan hoặc pentaclorobenzen) và hợp chất chỉ thị ít bay hơi hơn (ví dụ 1,2,3,4-tetracloronaptalen hoặc (isodrin4)). Sử dụng các chất dễ bay hơi làm chỉ thị về sự thất thoát của thuốc bảo vệ thực vật trong giai đoạn bay hơi bằng cách so sánh diện tích pic hoặc chiều cao pic của chúng với diện tích pic hoặc chiều cao pic của hợp chất chỉ thị ít bay hơi hơn. Hợp chất chỉ thị được bổ sung cũng có thể được sử dụng làm chất chuẩn nội (thời gian lưu giữ tương đối) và các mục đích định lượng.
Việc làm bay hơi các dung môi hữu cơ không cho phép đến khô hẳn vì điều đó có thể làm thất thoát thuốc bảo vệ thực vật, trừ khi có qui định khác.
7. Phép xác định
Để xác định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, trong hầu hết trường hợp đều sử dụng GC.
Cần sử dụng một hệ thống GC phù hợp, tốt nhất là được trang bị các bộ phận gia nhiệt riêng biệt cho bộ bơm, detector và lò cột. Các máy bơm trực tiếp vào cột GC thường được khuyến cáo. Mặc dù sự lựa chọn các phần khác nhau của hệ thống GC là do kinh nghiệm lựa chọn của các nhà phân tích, nhưng các khuyến nghị chung như sau:
Các loại detector khác nhau đã cho thấy thích hợp nhất để xác định thuốc bảo vệ thực vật nhóm halogen hữu cơ, phosho hữu cơ và nitơ hữu cơ.
Các detector cần được điều chỉnh đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Sự biến đổi độ nhạy của detector cần được kiểm tra định kỳ bằng cách kiểm tra độ tuyến tính của các đường chuẩn sử dụng các dung dịch chuẩn thuốc bảo vệ thực vật.
Bộ phận định lượng của máy sắc ký khí cần bao gồm một hệ thống tích phân cho phép tính toán không chỉ của chiều cao pic mà còn cả diện tích pic.
Thực tế cho thấy rằng, khi sử dụng các điều kiện GC khác nhau và dụng cụ của các hãng khác nhau có thể cho các kết quả tương đương. Mặt khác, việc quy định các thông số GC chuẩn không phải bao giờ cũng thu được các kết quả giống hệt nhau.
Đối với các điều kiện GC điển hình, xem Phụ lục A của TCVN 8424-3:2010 (EN 12393-3:2008)
8. Phép thử khẳng định
Cần thực hiện các phép phân tích để khẳng định việc nhận biết và định lượng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quan sát được, đặc biệt trong trường hợp dư lượng thu được vượt mức giới hạn dư lượng tối đa (MRL).
Các phương pháp mô tả trong tiêu chuẩn này cho phép nhận biết dư lượng theo thời gian lưu của các hợp chất trên các cột GC; cần sử dụng ít nhất hai cột có độ phân cực khác nhau. Các qui trình nêu trong TCVN 8424-3 (EN 12393-3) như sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC), GC của các sản phẩm oxy hóa và các sản phẩm chuyển hóa khác và các kỹ thuật tương tự, đều có giá trị. Các kết quả thu được bằng phổ khối lượng (MS) đưa ra các bằng chứng cho các mục đích khẳng định/nhận dạng.
TCVN 8424-3:2010 (EN 12393-3:2008) có đưa ra một số kỹ thuật khuyến cáo để khẳng định các kết quả.
9. Đánh giá kết quả
9.1. Tính toán
Trung bình của các độ thu hồi từ các phép xác định lặp lại nên trong dải từ 70 % đến 110 % với độ lệch chuẩn tương đối ít hơn hoặc bằng 20 %.
CHÚ THÍCH 1: Trong một số trường hơp (phụ thuộc vào loại thuốc bảo vệ thực vật, các mức của chúng và các chất nền) có thể không đạt được trong dải này.
Tính nồng độ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong mẫu từ tỷ lệ tín hiệu của mẫu và mẫu chuẩn hoặc một loạt mẫu chuẩn. Biểu thị nồng độ này trên phần mẫu phòng thử nghiệm áp dụng mức dư lượng tối đa.
CHÚ THÍCH 2: Ví dụ trong trường hợp của loại quả có hạt cứng, thì khối lượng của hạt được đưa vào phần tính kết quả, nhưng khi phân tích phải loại bỏ hạt.
Trong các trường hợp có một hoặc nhiều mức dư lượng đạt đến hoặc vượt quá mức dư lượng tối đa (MRL), thì cần phân tích thêm ít nhất một phần mẫu thử nữa.
9.2. Độ chụm
Độ chụm của phương pháp phân tích cần được đánh giá theo các yêu cầu của TCVN 6910 (ISO 5725) [13]. Một số tiêu chí chúng dựa trên kinh nghiệm được nêu trong [8].
9.3. Giới hạn thực của phép xác định
Về lí thuyết, giới hạn thực của phép xác định trong mẫu có liên quan được xác định là nồng độ của dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tính bằng miligam trên kilogam, thể hiện trên sắc đồ của dịch chiết mẫu, ứng với diện tích pic hoặc chiều cao pic thấp nhất có thể đo được, với độ tin cậy có thể chấp nhận được trong kết quả.
Giới hạn thực của phép xác định phụ thuộc vào độ tinh khiết, bản chất của cơ chất và các điều kiện sắc ký khí (đặc biệt là kiểu loại và nhiệt độ cột, khí mang và độ nhạy của detector). Vì các điều kiện này không thể qui định chính xác được, nên giới hạn thực của phép xác định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cần được thiết lập cho từng phương pháp và cho từng phòng thử nghiệm. Về nguyên tắc chung, giới hạn thực của phép xác định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật phải bằng một phần mười mức dư lượng tối đa của nó. Tuy nhiên, nếu mức dư lượng tối đa là nhỏ hơn hoặc bằng 0,05 mg/kg, thì giới hạn thực của phép xác định bằng một phần năm giá trị này là đủ, trừ khi giới hạn dư lượng tối đa được qui định gần bằng hoặc bằng giới hạn phép xác định.
9.4. Biểu thị kết quả
Biểu thị hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật theo qui định hiện hành liên quan đến các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Không hiệu chỉnh giá trị nồng độ trung bình theo phần trăm độ thu hồi dư lượng thuốc bảo vệ thực vật
Khi không có dư lượng bằng hoặc vượt quá mức dư lượng tối đa, thì báo cáo giá trị thu được từ một phép xác định đơn lẻ
Nêu nồng độ trung bình và từng kết quả thu được theo miligam trên kilogam. Nếu có xuất hiện các giá trị mẫu trắng chất nền thì chúng phải được báo cáo riêng rẽ mà không hiệu chỉnh trung bình các nồng độ của dư lượng.
10. Báo cáo thử nghiệm
Báo cáo thử nghiệm phải ghi rõ:
- mọi thông tin cần thiết để nhận biết đầy đủ về mẫu thử;
- viện dẫn tiêu chuẩn này;
- kết quả thu được và đơn vị tính;
- ngày lấy mẫu và phương pháp lấy mẫu (nếu biết);
- ngày nhận mẫu;
- ngày thử nghiệm;
- độ không đảm bảo đo, nếu yêu cầu;
- mọi điểm đặc biệt quan sát được trong quá trình thử nghiệm;
- mọi chi tiết thao tác không được quy định trong phương pháp này hoặc tuỳ chọn có thể ảnh hưởng đến kết quả.
Phụ lục A
(Tham khảo)
Tinh sạch một số dung môi và thuốc thử
Axeton | Được chưng cất trên các viên bi thủy tinh |
Axetonitril | Trộn 4 lít axetonitril với 1 ml axit odophosphoric và 30 g phospho pentoxit trong bình thủy tinh đáy tròn. Các viên bi thủy tinh được bổ sung và hỗn hợp được chưng cất ở 81 oC đến 82 oC (không để nhiệt độ cao quá 82 °C). |
Xyclohexan | Được chưng cất trên natri hydroxit |
Diclometan | Được chưng cất trên các viên bi thủy tinh |
Dietyl ete | Được chưng cất trên các viên bi thủy tinh |
Etanol | Được chưng cất trên các viên bi thủy tinh |
Etyl axetat | Được chưng cất trên các viên bi thủy tinh |
n-hexan | Được chưng cất trên natri hydroxit |
iso-octan | Được chưng cất trên natri hydroxit |
Dầu nhẹ | Được chưng cất trên kali hydroxit hoặc natri hydroxit |
Metanol | Được chưng cất trên các viên bi thủy tinh |
Natri clorua | Được nung ở 500 oC ít nhất 4 h và làm nguội trong tủ hút ẩm |
Natri sulfat | Được nung ở 500 oC ít nhất 4 h và làm nguội trong tủ hút ẩm |
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Becker, G.: Organohalogen, organophosphorus and triazine compounds. In DFG Manual of Pesticide Residue Analysis, VCH Weinheim, Method s 8. in Vol. 1 (1987), pp. 283. and Vol. 2 (1992), pp. 313
[2] Luke, Milton A.; Froberg, Jerry E.; Masumoto, Herbert T. Extraction and clean-up of organochlorine, organophosphate, organonitrogen and hydrocarbon pesticides in produce for determination by gas-liquid chromatography. J. Assoc. Off. Anal. Chem. 58.1020 -1026,1975
[3] Luke, Milton A.; Froberg, Jerry E.; Doose, Gregory M.; Masumoto, Herbert T. Improved multiresidue gas chromatographic determination of organophosphorus, organonitrogen and organohalogen pesticides in produce, using flame photometric and electrolytic conductivity detectors. J. Assoc. Off. Anal. Chem. 64,1187 -1195 (1981)
[4] Pesticide Analytical Manual - Vol.I, Multiresidue methods, Section 302, 3rd Edition, 1994.
[5] Specht, W.: Organochlorine, organophosphorus, nitrogen-containing and other pesticides in DFG Manual of Pesticide Residue Analysis, VCH Weinheim Method S 19 in Vol. 1 (1987), pp. 383, and Vol. 2 (1992), pp. 317
[6] Specht W., Pelz, S., Gilsbach, W.: Gas-chromatographic determination of pesticide residues after clean-up by gel-permeation chromatography and mini-silica gel-column chromatography. Replacement of dichloromethane by ethyl acetate/xydohexan in liquid-liquid partition and simplified conditions for extraction and liquid-liquid partition, Fresenius J. Anal. Chem. 353,183-190 (1995)
[7] Analytical Methods for Residues of Pesticides in Foodstuffs, Sixth Edition, The Hague (1996)
[8] DG-SANCO: Method Validation and Quality Control Procedures for Pesticide Residues Analysis in Food and Feed, Document N° SANCO/2007/3131,31/October/2007
[9] Recommended Methods of Analysis, Codex Alimentarius Commission. In: Codex Alimentarius Volume Two Pesticide residues in food - Rome; Food and Agriculture Organization of the United Nations (FAO) World Health Organization (WHO) 1993 Part 4.3, pp. 417-455, as amended by Supplement 1 to Volume 2,1993. pp. 171-172
[10] Burke, Jerry A.; Mills, Paul A.; Bostwick, David C. Experiments with evaporation of solutions of chlorinated pesticides. J. Assoc. Off. Anal. Chem. 49,999 -1003 (1966)
[11] Gunther, F. A.; Blinn, R. C; Kolbezen, M. J.; Barkley, J. H.; Harris, W. D.; Simon, H. S. Microestima-tion of 2-(p-tert-butylphenoxy)isopropyl 2-chloroethyl sulfite residues, Anal. Chem. 23,1835 (1951)
[12] Arbeitsgruppe, Pestizide": 5. Empfehlung: Kriterien zur Vorbereitung und Reduzierung von Proben pflanzlicher Lebensmittel fiir die RUckstandsanalyse von Pflanzenschutz- und Schadlings- bekampfungsmitteln, Lebensmittelchemie 49, 40-42 (1995)
[13] TCVN 6910 (ISO 5725) (tất cả các phần), Accuracy (trueness and precision) of measurement methods and results.
1) Florisil ® là những ví dụ về các sản phẩm thích hợp có bán sẵn. Thông tin này đưa ra tạo thuận tiện cho người sử dụng tiêu chuẩn này và CEN không ấn định phải sử dụng chúng
2) Các cột Micro-Snyder ® là những ví dụ về các sản phẩm thích hợp có bán sẵn. Thông tin này đưa ra tạo thuận tiện cho người sử dụng tiêu chuẩn này và không ấn định phải sử dụng chúng.
3) Bộ bay hơi Kuderna-Danish là ví dụ về sản phẩm thích hợp có bán sẵn. Thông tin này đưa ra tạo thuận tiện cho người sử dụng tiêu chuẩn này và không ấn định phải sử dụng chúng.
4) = 1, 2, 3, 4, 10, 10’ Hexachloro -1,4, 4', 5, 8,8’ - hexahydro-1,4 - endo - 5, 8- endodimetano-Naphtalen
01 | Văn bản công bố, ban hành |
TCVN 8424-1:2010 EN 12393-1:2008 Thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật-Phương pháp sắc ký khí xác định đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật-Xem xét chung
In lược đồCơ quan ban hành: | Bộ Khoa học và Công nghệ |
Số hiệu: | TCVN 8424-1:2010 |
Loại văn bản: | Tiêu chuẩn Việt Nam |
Năm ban hành: | 0 |
Hiệu lực: | 01/01/2010 |
Lĩnh vực: | Thực phẩm-Dược phẩm |
Người ký: | |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |
File văn bản tiếng Việt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!